MÈO ĐẾN
"... Ta đâu phải là bóng
Ta là ta
Dẫu không có trăng.
Ta vẫn là ta..."
Hát xong, ông hỏi to: "Trả giá bao nhiêu cho bài hát này?"
"Meo!"
Không có tiếng người, chỉ có tiếng con mèo hoang trú ngụ nhà Ba Tỷ lên
tiếng. Ông thở dài, bế con mèo lên, hát tiếp: "Trời đất bao la, có
trăng, có nước, cần chi mái nhà..."
Con
mèo hoang từ nơi nào đến đây, không ai biết. Nó đã mang đến đây nhiều
chuyện vui, buồn. Nói đúng ra, những chuyện đó đã xảy ra ở cái chung cư
cao tầng, kiến trúc, thiết kế theo kiểu khách sạn Mỹ vuông thành sắc
cạnh, một cái hộp hình chữ nhật lớn chứa nhiều cái hộp nhỏ có 63 hộ ở
này cùng lúc với sự xuất hiện của con mèo.
Đầu tiên là chuyện mất điện. Cả một thời gian dài, có đến gần 10 năm sau ngày giải phóng 30-4-1975 chuyện điện ở đây là điều vặt, nhưng cần để ý, gần như xài điện chùa. Sau đó, việc thu tiền điện được thực hiện khắt khe, người ta cũng không quan tâm lắm, vì tiền đóng chẳng là bao. Tới khi Sở điện qui định giá điện mới thì số tiền phải đóng cho từng nhà không còn là chuyện nhỏ nữa. Chung cư chỉ có một đồng hồ. Tiền điện bổ theo đầu người. Họp tổ dân phố chung cư đã nhất trí như vậy. Thực hiện gần 2 năm, không ai có ý kiến gì. Nhưng rồi, theo cơ chế thị trường, cư dân chung cư có sự xáo trộn, người đi, người đến, người bỗng nhiên giàu lên và, chị Chín Rơm đòi phải tính lại tiền điện, không đồng ý việc chia theo đầu người. Chị dõng dạc nói: "Người không thể dùng tay bốc điện mà ăn được. Xài điện nhiều hay ít là do đồ điện trong nhà. Nhà tôi nghèo, đâu có nhiều đồ điện cao cấp như máy giặt, máy lạnh như nhà khác. Chia điện theo đầu người là không công bằng, là dìm chết dân nghèo".
Chị
Chín Rơm còn đưa ra những con số đồ điện trong từng hộ để chứng minh
cho sự thật "nhiều hộ ít người nhưng xài điện nhiều". Chị còn nói đến
những hộ làm nước đá lậu, sản xuất sữa chua, kem chuối... đã trốn thuế
lại không phải đóng tiền điện. Chị tuyên bố đanh thép: "Đấy là tiêu cực!
Đấy là bất công, "thằng còng làm cho thằng ngay ăn". Không tính lại,
tôi không đóng".
Phản
ứng của chị Chín Rơm được nhiều người ủng hộ. Nhưng cũng có không ít hộ
bảo vệ cho phương án "chia điện theo đầu người". Họ bảo: "Nhà có nhiều
đồ điện nhưng chưa chắc đã xài nhiều điện. Xài điện nhiều, ít là do
người, các đồ điện không có chân, tay, tự động cắm vào ổ điện được". Dẫn
đầu nhóm người bảo vệ phương thức "chia điện theo đầu người" là cô Đoan
Trang, vợ mới cưới của ông cán bộ nhà máy in, ở căn hộ trên tầng 5. Cô
Đoan Trang lớn lên từ góc chợ vỉa hè, từng chạy hàng bỏ mối cho các sạp
"chạp phô", chạy áp phe, thu mua giấy vụn... nên miệng lưỡi nhanh nhẹn,
bốp chát, ai cũng ngán. Thế là chị Chín Rơm và cô Đoan Trang đối đầu
nhau, cuộc khẩu chiến ác liệt đã diễn ra ngay ở nhà giữ xe, tầng trệt.
"Đành rằng là thế, đồ điện không có tay chân, nhưng sắm đồ về làm gì?
Không nhẽ để thờ!". Chị Chín Rơm tuy là nhân viên gấp báo đóng xén ở nhà
in nhưng do thường đọc báo, ít nhiều cũng tiếp thu được khẩu khí của
giới phóng viên, nên cũng tỏ ra có lý luận sắc sảo.
"Không
thờ nhưng cũng không dùng, hoặc chưa dùng, hay dùng rất ít. Như tivi,
đầu máy video, có nhà mở suốt ngày đêm, lại thêm cả cải lương cát-xét
nữa, nhưng cũng có nhà chỉ mở có một giờ trong ngày. Người ta xem những
thứ nghệ thuật, có chọn lọc chứ đâu xem triền miên hổ lốn thứ hàng sến,
hàng dỏm".
Chị
Chín Rơm biết cô Đoan Trang cạnh khóe xỏ xiên mình, cười nhạt bảo: "Đầu
máy cũng không tốn điện bằng bàn ủi. Người ta là ca sĩ mà chỉ ủi quần áo
có một lần trong ngày, có người là thứ nhân viên đánh máy quèn lại ủi
tới 3 lần, diêm dúa lố lăng như gái nhà hàng, nom dơ lắm...
Cô
Đoan Trang nóng mặt, xô xe, chống nạnh, cong cớn, và ngôn ngữ hàng chợ
xổ ra: "Này, tôi nói cho chị hay, người ta mặc gì thì kệ người ta. Chồng
người ta mua quần áo về cho người ta mặc. Người ta mặc để chồng người
ta vui, hà cớ gì chị chõ mồm vô".
Chị
Chín Rơm sôi tiết, con lưu manh đầu đường xó chợ, một bước lên bà này
dám xỉa xói chị về chuyện chồng con - một nỗ đau nhức nhối của chị hơn
10 năm nay. Chị rít lên:
-
Chuyện chồng con các người già trẻ, xấu tốt thế nào đây không thèm nói.
Đây chỉ nói về chuyện xài điện. Đừng có giở thói đầu đường xó chợ ra
đây. Đây không ngán sợ thằng nào con nào hết!
Tình
hình căng thẳng, có khả năng chiến tranh nắm tóc cào nhau xảy ra, nên
ông trung tá pháo binh nghỉ hưu làm thường trực, giữ xe phải ra tay can
thiệp. Ông có cái còi từ thời xa xưa, huấn luyện tân binh, lúc nào cũng
đeo tòn ten trước ngực. Cái còi ấy giúp ông nhiều việc lắm. Có lần, nhờ
có chiếc còi, ông bắt được một tên trộm móc túi ở bến xe. Tên trộm chạy,
ông thổi còi "toét" một cái. Tên trộm hãi quá, tưởng công an rượt theo,
đứng lại, giơ tay xin hàng...
Ông
thường trực nhảy vô giữa hai người đàn bà hầm hầm sát khí, thổi còi
"toe" một cái, hai tay dang thẳng giống như trọng tài trên sân bóng đá
thổi phạt hai cầu thủ chơi xấu nhau.
Hai
người dắt xe đi, hấm hứ, lườm nguýt nhau. Chung cư chia làm hai phe, xỏ
xiên, công kích nhau. Phe chống đối việc thu tiền điện phân bổ theo đầu
người nhất định không đóng tiền điện nữa. Ban quản lý dọa mấy cũng
không được, đành chịu thua, thây kệ sự đời... Ba tháng không đóng tiền
điện, Sở điện đến cắt điện, chung cư không có điện, tối đến các nhà như
hang, động le lói ánh đèn dầu.
Ngay
đêm cắt điện, một biến cố hãi hùng đã xảy ra. Khoảng 10 giờ đêm, cả
tầng 2 và 4 náo loạn vì tiếng kêu cứu của chị Chín Rơm: "Bớ người ta,
cứu tôi"... lúc đó, hầu hết mọi người đều chưa ngủ, nên nhanh chóng ùa
ra, cấp cứu kịp thời. Với nhiều ngọn đèn dầu hôi xúm lại, đủ thấy rõ sự
khiếp đảm của chị Chín Rơm. Chị ngã ngồi, dựa lưng vô tường, tay thu lên
ngực giữ chặt khuy áo, hai chân khóa chặt lại, co quắp như thể đang
chống lại một sự cưỡng hiếp...
Chị
Chín Rơm lắp bắp, run rẩy: "Có kẻ nào đó định cưỡng bức tôi". Người ta
yêu cầu chị kể lại sự việc cho rõ ràng, chị bảo: "Tôi không nhớ gì cả.
Chỉ thấy một bóng trắng mờ vượt qua, chạm vào ngực tôi. Thế là tôi ngã
xuống và la lên".
Nơi
chị ngã kêu cứu lại ở gần cửa nhà Ba Tỷ, một thanh niên, cao, to, đẹp
trai mắt xanh, tóc quăn như dân tây, làm nghề lái xe taxi mới chuyển về.
Thường thường Ba Tỷ chạy xe đến nửa đêm mới về, ít khi ngủ trước 12 giờ
đêm. Hôm ấy, anh ta mớ trúng quả đậm, đưa khách sộp người Mỹ đi Đà Lạt
về, nhậu một trận tơi bời ở nhà hàng "ốc biển" rồi về nhà ngủ lúc 9 giờ
tối. Ba Tỷ mặc quần xà lỏn, cởi trần, ngái ngủ, mở cửa, thấy đông người,
đèn đuốc lố nhố, lại có nhiều đàn bà con gái nên vội vã đóng cửa lại.
Mọi người nghi Ba Tỷ, gặng hỏi chị Chín Rơm:
- Có phải cái thằng tây lai chạy xe taxi đấy không?
Chị Chín Rơm càng run rẩy hơn, lắp bắp, ấp úng: "Tôi không biết, tôi không thấy rõ người ấy!".
Ông
trung tá pháo binh về hưu khẳng định: "Đúng là nó rồi, thằng khốn kiếp.
Người ngợm nó chần dần, lắm xương nhiều thịt đến thế kia mà. Phải nện
cho nó một trận"...
Có
người phân vân: "Không thấy rõ mặt, làm sao có thể kết tội người ta!"
Ông trung tá nói: "Trời tối thế này, làm sao có thể thấy ai với ai được.
Nó vừa thò cổ ra, thấy mọi người hãi, nên lại đóng cửa. Để tôi lôi cổ
nó ra đây. Dám làm loạn hả!".
Tòa
án được thành lập ngay tại hành lang, trước cửa nhà Ba Tỷ. Chẳng đợi
ông trung tá đập cửa, Ba Tỷ đã mở cửa đi ra, mặc bộ pijama sọc, trông
lừng lững, hơn hẳn mọi người một cái đầu. Anh ta cười toe toét hỏi ông
trung tá: "Có chuyện gì vậy, thưa trung tá".
Ông
trung tá lúng túng, định đưa còi lên miệng thổi. May mà ông dừng lại
được. Có lẽ sự ngờ vực của ông đã bị thui chột. Thái độ tự nhiên của anh
ta làm ông phân vân, khó xử. Dầu sao, đã ở thế "leo lên lưng cọp" rồi,
không thể xuống thang được, ông dằn giọng:
- Chị Chín bị ai đó có ý đồ xấu, ở ngay gần cửa phòng anh.
Ba Tỷ nhìn chị Chín, ngờ vực hỏi: "Xấu là thế nào? Trấn lột hả?"
Ông thường trực dậm chân, phẩy tay tức tối: "Không phải là trấn lột mà là... là định cưỡng hiếp"...
Ba
Tỷ cười hô hố, rất chi là sàm sỡ, oang oác nói: "Trời đất quỷ thần ơi,
chỉ có người điên mới làm chuyện đó ở đây, ngay hành lang trước cửa nhà
người ta. Mà nhà này tôi dám chắc là không có ai điên".
Giọng
cười của Ba Tỷ làm cho mọi người khó chịu hơn, gắt: "Từ tối đến giờ,
anh đi đâu, làm gì?". Ba Tỷ vẫn hồn nhiên, giả lả: "Hóa ra sếp và mọi
người nghi tôi. Làm sao tôi có thể giải thích cho mọi người biết tôi ngủ
và mơ thấy một nàng tiên kiều diễm ở xứ sở Hoa Hồng nhỉ? Nhưng thôi,
trước hết tôi muốn nghe chị Chín kể lại sự việc đã". Thấy Ba Tỷ đến gần
mình chị Chín Rơm đột nhiên nổi giận, đứng phắt dậy, sừng sộ nói: "Không
có gì phải kể cho mọi người nghe nữa. Tôi bị vấp té. Hết".
Chị
lao lên cầu thang. ào một cái. Biến mất. Mọi người chưng hửng, sững sờ.
Lại săm soi nhìn Ba Tỷ. Ba Tỷ cười hì hì: "Các vị yên tâm, tôi không
làm chuyện đó đâu. Nếu cần đàn bà, tôi có nhiều lắm, chỉ cần xì ra vài
đô là có em đẫy đà phốp pháp ngay". Ai đó nói: "Ba Tỷ nói phải đấy. Chưa
biết chừng chị Chín yếu tim, hoa mắt đâm phải tường, rồi tưởng...".
Ông
thường trực hài lòng, bảo: "Chắc là Chín Rơm không quen bóng tối, hãi
quá, thần hồn nát thần tính, chứ nhà này không thể có kẻ bạo dâm".
Đầu còn chút hồ nghi nhưng mọi người đều cảm thấy yên tâm, ai về phòng nấy, đóng cài cửa cẩn thận.
Ấy
là nói cư dân từ tầng 4 trở xuống, biết hoặc có chứng kiến vụ chị Chín
Rơm kêu cứu. Còn cư dân tầng 5 trở lên thì xôn xao bàn luận về chuyện ma
xuất hiện ở nhà cô Đoan Trang.
Cô Đoan Trang kể lại chuyện ma gấp gáp, hồi hộp nhưng vẫn rõ ràng, và sẵn sàng lặp lại nguyên văn cho từng người nghe.
"Ông
xã nhà tôi đi công tác nước ngoài, nhà chỉ có một mình. Tôi đang mơ
màng ngủ, chợt nghe tiếng gầm rít hết sức quái đản, tiếp đó lại là tiếng
rên hừ hừ đau khổ, u uất. Rồi tôi thấy cái giường "mô đẹc" của tôi như
bị chao đảo, lắc qua lắc lại và có tiếng kêu "trả đầu cho tôi". Tôi hé
mắt nhìn, thấy hai đầu sáng xanh lè phát ra từ chỗ bàn thờ ông Địa. Rồi
cái giường "mô đẹc" của tôi như bị dựng lên. Tôi kinh hãi lắm, không dám
nằm nữa, phải đốt đèn, thắp nhang, cầu trời khấn phật phù hộ tai qua
nạn khỏi, cho tới sáng". Cư dân chung cư lại chia làm hai phe khác biệt
nhau. Phe này bảo có ma. Phe kia nói không thể có ma. Đứng đầu phe có ma
là bà Tư Rêu (tên Rêu là tên khai sinh, sau đó bà đổi nhiều tên, toàn
là Lan, Ngọc, Hạnh, Tuyết... cuối cùng, khi về già bà lại lấy tên Rêu),
một bà mẹ chồng khắt khe với con dâu, từ ngoài Trung vô. Trước đây, có
một thời, do giận hờn chồng, con bà lên chùa núp bóng Phật, xa lánh sự
đời. Không hiểu sao, sau khi ra chùa, bà càng để ý đến chuyện đời hơn và
bà luôn tự hào về con mắt tinh đời "con ruồi bay qua cũng biết con đực,
con cái" của bà. Không biết bà săn tin ở đâu, tra cứu tư liệu chỗ nào,
mà nhất quyết nói rằng căn phòng, nơi vợ chồng cô Đoan Trang đang sống,
trước năm 1975 đã xảy ra án mạng. Người chết là một người đàn bà. Kẻ sát
nhân là người đàn ông "Già nhân ngãi, non vợ chồng" với chị ta. Tên
giết người đầu độc nạn nhân, rồi nói là bị trúng gió chết bất đắc kỳ tử.
Người đàn bà chết oan, tức tưởi, không siêu thoát được, lại không thể
vượt biển sang Hoa Kỳ để đòi nợ máu nên phải lẩn quất quanh đây...
Phe
bảo vệ thuyết "không có ma" đứng đầu là nhà sử học bất hạnh (vì hai lần
lấy vợ đều bị vợ bỏ) phản bác lại bằng ngôn ngữ châm biếm, rằng: Cớ sao
những năm qua, con ma nữ ấy không thấy xuất hiện. Hay là nó ngủ quên?
Nhà sử học bình thêm:
- Có lẽ nó vượt biên, bị đắm tàu, bị cướp biển bắt rồi phiêu bạt giang hồ cho đến giờ mới tìm lại được quê hương bản quán...
Cuộc
khẩu chiến ở thế giằng co, bất phân thắng bại. Tuy nhiên, phe có ma xem
ra có lợi thế hơn bởi một số thông tin về "bóng trắng" và tiếng động
lịch kịch, tiếng cào cửa, tiếng rên, tiếng khóc... xuất hiện đêm sau ở
tầng 5, 6 và 2.
Bà
Tư Rêu bé nhỏ nhưng chắc khỏe. Đã tới tuổi 60 nhưng tóc bà còn đen lắm,
rất ít sợi bạc, lên xuống cầu thang huỳnh huỵch, nhanh nhẹn như con
gái. Bà là người duy nhất không gửi xe đạp ở nhà trực, mà vác lên tận
tầng 4 và chiếc xe đạp của bà là chiếc duy nhất trong chung cư có khóa.
Bà Tư Rêu không bị lôi kéo vào cuộc tranh luận cho ra lý, ra lẽ như
những người khác. Trước sau, bà chỉ nói: "Tôi nói đúng là đúng. Có ma
tức là có ma!".
Ba
ngày sau, chuyện ma mãnh ở tầng 7 và vụ chị Chín Rơm xẹp xuống vì thủ
phạm đã được tìm ra. Người "phá án" vụ này là ông thường trực giữ xe của
chung cư - người có tinh thần trách nhiệm cao, tự nhận phần bảo vệ trật
tự an ninh chung cư về mình. Cũng cần nói thêm, từ ngày về hưu, ông hay
bị những tiếng nổ thời chiến tranh quấy phá giấc ngủ. Trong tuần, ít
nhất ông cũng bị hai đêm mớ thấy cảnh pháo nổ kế bên, tưởng chết, toát
mồ hôi lạnh, tỉnh lại, hoặc tiếng đề pa "cắc" kế đó là tiếng rít "ét ét"
xé tai, phải lăn qua để tránh... và rơi xuống đất. Đêm ấy, vào lúc 2
giờ sáng, ông mớ bị "pháo" dội xuống đầu, tưởng chết, tỉnh lại. Người có
tuổi như ông ngủ đi đã khó, ngủ lại càng khó hơn. Bởi vậy, ông quyết
chí điều tra vụ ma mãnh xuất hiện.
Ông
pháo binh về hưu đã trải qua trận mạc trên nhiều chiến trường, chôn cất
nhiều tử sĩ, chết đi sống lại đã từng, nên vững chắc niềm tin không có
ma. Ông nghi có kẻ nào đó "dư thừa sức lực" chọc phá người ta. Từng là
lính trinh sát pháo binh, đo mục tiêu địch bằng dây dù nên "nghề trinh
sát ban đêm"của ông thuộc loại "cao thủ". Ông biết cách đi không gây ra
tiếng động, qua đèn không lộ bóng, biết ngửi, nghe tiếng người... Gần
đến tầng 6, ông nghe tiếng cào cửa gấp gáp hổn hển, và tiếng gầm gừ đau
khổ, ẩn ức. Ông thận trọng đi lên, thấy một vệt trắng đang đập cửa nhà
chị Lệ Tuyết, vợ của anh Lê Bảo, kỹ sư cầu đường... Vợ chồng nhà này mới
dọn đến đây ở vài ba tháng nay. Hồi đầu, ai cũng tưởng là hai cô cháu
hoặc chị em. Chị Lệ Tuyết phải đi gặp từng người suốt từ tầng trệt lên
tầng 7 để thanh minh rằng chị là người "bị anh Lê Bảo săn đuổi với tình
yêu lãng mạn sâu thẳm và dữ dội chưa từng có", rằng chị là người đa sầu,
đa cảm lắm suy tư nên nét mặt có vẻ già dặn chứ thực ra chị mới có 35,
vẫn còn kém anh Bảo 1 tuổi... Dần dần người ta cũng phải tin chị, vì
hiếm có ai yêu thương vợ hơn anh chàng kỹ sư cầu đường ấy. Ngày nào đi
làm về, trên tay anh cũng có một bó hoa nho nhỏ tươi thắm để tặng vợ.
Lên xuống cầu thang bao giờ anh cũng ôm vai vợ dìu đi, âu yếm, thiết
tha. Các bà vợ đều đem chuyện đó về răn dạy chồng: phải học người ta
chứ! Chồng thế mới là chồng. Chị Chín Rơm tỏ ra khó chịu, bĩu môi, dài
giọng bảo: "Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta. Nom bẩn thấy mẹ".
Lại
nói chuyện ông pháo binh về hưu phát hiện ra vệt trắng đang gõ cửa nhà
chị Lệ Tuyết. Ông bật đèn pin, chiếu thẳng vào kẻ ma quái và thấy đó chỉ
là một con mèo trắng khá to.
Trong
ánh đèn, con mèo trắng không tỏ ra sợ hãi và bỏ chạy như ông tưởng. Nó
càng gào rú cuồng nhiệt và đập, cào cửa nhà chị Lệ Tuyết mãnh liệt hơn.
Ông pháp binh về hưu lao tới bắt mèo. Bởi tuổi đã cao, sức đã yếu, tay
chân chậm chạp, lại chỉ có một tay nên việc bắt mèo của ông hết sức khó
khăn vất vả. Trong khi đó, con mèo tràn trề sức lực, lại nhất quyết
không chịu rời xa cửa phòng chị Lệ Tuyết. Nó nhảy lên đầu ông, đập cửa
phòng người ta, rồi xô đổ thùng rác ở dưới, làm vỏ chai bia bị vỡ và
những vỏ lon sữa bò, lon bia, những thứ đồ phế thải khác vãi đổ tung tóe
gây chấn động cả vùng.
Cư
dân ở tầng 6 mở cửa ra xem. Đèn cầy, đèn dầu lố nhố, nhập nhoạng. Tất
cả đều đồng thanh kinh ngạc: "Gì thế này?" Ông pháo binh về hưu giật
mình, giận người, hét lên: Ma của các người đấy...
Dường
như chị Lệ Tuyết chỉ cần nghe tiếng người ở ngoài tông cửa chạy ra.
Chẳng cần nhìn kỹ cũng biết chị đã trải qua cơn sợ hãi kinh hoàng. Và
cũng với sự xuất hiện của chị, con mèo mà chị lao vút ra như một trái
lựu đạn, cùng tiếng gào sung mãn hả hê. Con mèo trắng từ trên đống gỗ
tạp phế loại chất cao quá đầu người kêu lên mừng rỡ rồi phóng theo con
mèo nhà chị Lệ Tuyết. Chị Lệ Tuyết hổn hển, lắp bắp: - ma... ma...
Ông thường trực nói cho chị biết, không phải ma mà là một con mèo trắng cào cửa nhà chị... Chị Lệ Tuyết ngờ vực:
- Cớ sao nó lại đập cửa nhà tôi?...
Ông thường trực lúng túng:
- Chắc là nó ngứa móng vuốt, cào bậy bạ thôi...
Lệ Hồng, cô ca sĩ phòng trà, ở kế bên nhà Lệ Tuyết tủm tỉm cười, nói với chị Lệ Tuyết:
- Lẽ ra chị phải mở cửa cho con mèo cái nhà chị ra sớm, chia uyên rẽ thúy như vậy là có tội.
Mọi người cười vui vẻ, như trút được gánh nặng. Chị Lệ Tuyết cũng hiểu ra, sượng sùng, lỏn lẻn:
- Làm sao em biết được, anh Bảo nhà em đi công tác vắng, em sợ lắm!
Chuyện
ma coi như đã xong. Nghi án về vụ chị Chín Rơm ở tầng hai cũng được
giải tỏa. Cứ theo lời giải thích của Ba Tỷ thì vụ ma ở nhà cô Đoan Trang
là do đám phim kinh dị, bạo lực, xã hội đen của Mỹ và Hồng Kông gây
nên. Cô Đoan Trang ngốn phim kinh dị suốt ngày chủ nhật, có khi suốt cả
đêm nên bị chuyện ma ám ảnh. Nghe tiếng "rên động tình" của mèo tưởng
tiếng kêu đòi mạng, lại tưởng ra cảnh dựng giường, đuổi nhà... Còn đối
với vụ chị Chín Rơm có phức tạp hơn một chút. Gã Ba Tỷ nhăn nhở cười,
sàm sỡ bảo: "Tại chị ấy bỏ chồng đã lâu, tuổi chưa già, sức còn mạnh mẽ,
lại thích xem cải lương, phim tình cảm sướt mướt, say mê với những mối
tình lãng đãng khói sương, nên rất sợ chuyện bạo dâm bạo tình...". Gã
còn ỡm ờ bình thêm: "Cũng giống như sợ rắn vậy. Sợ thì vẫn sợ nhưng lại
thích xem".
Lời
nói Ba Tỷ đến tai chị Chín Rơm. Bão tố nổi lên ở cửa phòng Ba Tỷ lúc 5
giờ sáng. Chị Chín Rơm gần như muốn phá cửa nhà Ba Tỷ, đòi đập gẫy răng
và cắt lưỡi Ba Tỷ. Gã lái xe taxi hãi quá phải bám theo ống nước "tị
nạn" nhà ông Lưu Văn Bi, ngoài 50 tuổi sống độc thân làm nghề sửa xe gắn
máy ở lề đường trước nhà. Chị Chín Rơm canh me, truy đuổi Ba Tỷ suốt
một tuần lễ, đòi ăn thua đủ.
Chị Chín Rơm lạnh lẽo tuyên bố:
- Nó đã xúc phạm tới tôi, tôi phải trừng trị nó...
Ông
thường trực đề nghị đem Ba Tỷ ra kiểm điểm ở tổ dân phố. Chị Chín Rơm
không chịu, bảo đó là việc riêng giữa chị và Ba Tỷ, phải giải quyết tay
đôi. Cuối cùng, nhờ có sự trung gian hòa giải của ông Bi, chị Chín Rơm
nguôi giận tha thứ cho Ba Tỷ. Người ta bảo ông Bi có uy tín cao đối với
chị Chín. Giới phụ nữ trong chung cư thì thầm "hai người có tình ý với
nhau". Cô Đoan Trang cả quyết "Không phải thế, do gã Ba Tỷ chạy cho chị
Chín Rơm cái đồng hồ điện". Chuyện không biết thực hư thế nào, nhưng
việc chị Chín Rơm làm hồ sơ xin đồng hồ điện riêng là có thật và điền
này quả là một sự kiện gây chấn động lớn cho chung cư... Hai ngày sau,
người của Sở điện đến tầng 3, lắp cho chị Chín Rơm một cái đồng hồ điện
và chị Chín Rơm chia điện cho 3 nhà xung quanh trong đó có nhà ông Bi.
Chị Chín Rơm vui vẻ, ồn ào suốt ngày: "Trăm sự cũng là do không có điện
mà ra. Anh Bi nói thế, tôi nghĩ cũng phải. Chú Ba Tỷ cũng tốt, tháo vát,
giúp chúng tôi có riêng đồng hồ".
Tầng
3 có điện. Các tầng khác nhanh chóng tụ họp, đoàn kết nhất trí làm đồng
hồ điện riêng. Chung cư không còn phe có ma, không có ma, phe điện đầu
người, điện đồ điện nữa mà lại chia ra thành từng nhóm theo tầng xung
quanh cái đồng hồ điện.
Và, cái chuyện đồng hồ điện lại tiếp tục sinh ra những rắc rối mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét