BA TỶ
Nay nói về Ba Tỷ, gã đàn ông 22 tuổi, cao 1m70,
tóc hơi vàng, mũi hơi lõ, mắt đen ướt át, có thêm lúm đồng tiền ở má.
Có thể nói là đẹp trai, ma theo ngôn ngữ của đông đảo cư dân ở chung cư
là ngon lành, giống như một thứ lẩu thập cẩm vậy. Gã là con lai Mỹ, nghe
nói là thứ Mỹ dân sự, có học thức. Mẹ gã là ca sĩ phòng trà, nổi tiếng
không phải vì giọng hát, mà vì đôi mắt to, chín mọng, ướt rượt và đen
thăm thẳm, đến nhức lòng nhức dạ bọn đàn ông. Nghe nói, người Mỹ dân sự
kia chết mê chết mệt vì đôi mắt ấy, cầu xin được làm chồng chính thức
nhưng không được, thất tình hận đời, lấy rượu làm vui, nên chết bất đắc
kỳ tử ở tuổi 35 trong một tai nạn xen hơi ở bên Mỹ. Người Mỹ kia cũng
không biết mình có một đứa con rơi ở Sài Gòn. Người ta cũng kể lại, mẹ
gã ở với rất nhiều đàn ông nhưng không lấy ai làm chồng...
Gã
Ba Tỷ sinh năm 1972 (năm con chuột) nên được mẹ đặt tên là Tý, thường
gọi là Cu Tý. Năm 1982 mẹ cu Tý chết vì ung thư phổi. Một nhà hàng xóm ở
cuối phố đón cu Tý về nuôi, đặt tên là Ti Ti. Cu Tý không chịu. Nhà này
đành chấp nhận thỏa hiệp: tên Ti Ti chỉ dùng để đối thoại khi có người
lạ. Cu Tý không phải hành nghề chạy xuôi chạy ngược trong chợ để thực
hiện những lời sai bảo của các chủ sạp nữa, không phải thức khuya dậy
sớm, ăn cơm nguội nữa. Nhà nuôi cu Tý có kế hoạch vượt biên và coi cu Tý
là một báu vật, một bảo đảm bằng vàng ở bên Hoa Kỳ. Nhà ấy chăm sóc
thằng nhóc con lai Mỹ trắng này rất tử tế. Cu Tý được chủ nhà dạy tiếng
Anh và học thuộc lòng bằng tiếng Anh bản tiểu sử của mình: "Tôi là cu
Tý, tức Ti Ti. Cha tôi là người Mỹ. Mẹ tôi chết. Gia đình ông Tường Phát
nuôi tôi từ nhỏ, chăm sóc tôi chu đáo, coi như con ruột. Tôi rất cám ơn
ông Tường Phát và mong chính phủ Hoa Kỳ đối xử tốt với gia đình ông".
Cu
Tý sớm biết được giá trị con lai Mỹ của mình, nên đòi hỏi đủ thứ. Gia
đình ông Tường Phát cắn răng chịu đựng. Do lớn lên ở đầu đường, góc chợ,
cu Tý nhạy cảm với chuyện làm ăn. Cu Tý rất có hiếu với mẹ, thề trước
mộ mẹ sẽ ở bên mẹ suốt đời. Bởi vậy, trong đầu thằng nhóc này sớm hình
thành kế hoạch làm ăn. Khi ông Tường Phát xuống tàu vượt biên, cu Tý bỏ
trốn. Đến nước ấy, nhà Tường Phát chỉ còn biết hối thúc tàu chạy nhanh
ra khơi...
Cu Tý
trở về nhà với một số vốn không nhỏ, rồi lại tìm mối khác để làm con
nuôi. Có thể nói, với nghề con nuôi ở những năm vị thành niên, đã giúp
cho Ba Tỷ nhiều lợi lộc. Ngoài cái vốn tiền bạc ra, gã còn có vốn tiếng
Anh kha khá, đủ để giao dịch trên mọi lĩnh vực. Gã mang tên Ba Tỷ, trên
danh thiếp ghi là Henry Nguyễn BaTy. Trong cơn sốt mua bán đất, gã chỉ
làm trung gian mối lái hưởng phần trăm cả hai đầu, nên phất lên nhanh
chóng và an toàn. Thực ra, tên Tỷ không phải do gã đặt ra, mà do người
làm ăn quen biết và đám bạn bè nhóm taxi du lịch gọi gã. Họ cho là gã đã
giàu bạc tỷ. Gã không hào hứng đón nhận, cũng chẳng lên tiếng chối từ,
coi đó là chuyện không đáng nói. Cái cần để giải thích cho mọi người
biết là vị thứ ba của gã. Gã bảo:
-
Mẹ tôi có sinh một chị gái trước tôi với một người nhạc công nào đó,
nhưng không nuôi được, chết ngay khi sinh. Dầu sao, tôi vẫn coi mình là
thứ ba, trên tôi còn có chị ấy.
Ba
Tỷ giàu, chỉ phô trương với thiên hạ có một lần trong năm. ấy là ngày
giỗ mẹ. Ngày đó, gã thuê nhà hàng làm cỗ lớn, cúng bái linh đình, mời cả
xóm đến dự. Nhà cũ, gã tu sửa lại cho chắc chắn, thuê người chăm nom,
còn gã đến ở căn phòng ở chung cư. Gã sang tên lại căn phòng với giá 4
cây, từ một ông cán bộ về hưu. Gã bảo, gã không thích ở nhà cũ trong xóm
vì không có chỗ để xe taxi, lại phải tiếp những ông khách người Mỹ,
những Việt kiều từ Mỹ về.
Những
người này tìm đến nhà gã theo nhiều mối, nhiều ngả khác nhau. Cũng có
người vì tò mò, hiếu kỳ, song đại đa số tìm đến gã vì công việc làm ăn
hay áp phe chính trị. Họ mời gã tham gia tổ chức này, tổ chức nọ hoặc
làm đại diện cho công ty, cho hãng nước ngoài với số tiền lương từ 500
đến 1000 đôla một tháng. Gã từ chối hết, mà từ chối một cách thô bạo.
Ba
Tỷ tâm sự với ông trung tá pháo binh về hưu làm việc thường trực - giữ
xe tháng ở chung cư: "Nhiều người bảo con dại, con ngu! Xin lỗi, còn lâu
mới ngu. Con thừa biết họ muốn gì ở con. Họ thừa biết kiếm một thằng
con lai Mỹ chịu đứng chân ở đây, lại là một thứ thổ công chuyện gì cũng
biết ở thành phố này đâu phải dễ. Chẳng phải vì họ yêu mến con đâu. Họ
yêu cái túi tiền, cái danh vị chính trị chính em của họ thôi!". Gã dặn
đi dặn lại ông thường trực, nếu có ai hỏi gã, cứ nói gã đi vắng. Gã
không tiếp bất cứ ai ở trong nhà, đàn bà con gái cũng vậy. Cần gì nhắn
lại, gã khắc tìm đến.
Ba
Tỷ khoái cái còi trên cổ ông cựu trung tá pháo binh lắm. Mấy lần gã đổi
chiếc đồng hồ ômêga trị giá ba triệu đồng lấy cái còi, đều bị ông từ
chối, nói đây là kỷ vật thời chiến tranh gã có vẻ nể, sợ ông, không dám
bông đùa sàm sỡ như những người khác.
Lúc
nào, gặp ai gã cũng cười. Mắt đen láy, cười he hé hoặc toe toét đều dễ
thương, dễ gợi cảm và cũng dễ làm cho người ta nổi sùng lên.
Như
ông sửa xe gắn máy, Lưu Văn Bi, một con người khắc khổ chìm ngập trong
suy tư và buồn thảm kia, ít nhất mỗi tuần một lần múa "mỏ lết" rất
quáng, phun nước miếng vào mặt gã: "Tại sao mày lại chế nhạo tao? Thằng
khốn kia, ngậm miệng lại, ông ghè vỡ hết cái hàm răng chó dái của mày
bây giờ".
Gã vặt
tóc, kêu khổ, lại tru tréo than vãn: "Giời ơi là giời, tôi đâu có cười.
Cái miệng tôi nó thế, cái mặt tôi nó vậy, trông như cười mà đâu có
cười".
Chẳng
biết gã nói thật, hay diễn thế, có người tin, có người không, bảo: "Đểu,
điếm ra mặt, đến thế là cùng". Dù có nổi sùng với gã nhiều lần, thường
xuyên nhưng ông Bi vẫn chơi thân với gã, không bảo gã đểu, khen gã tốt
bụng. Mà hình như gã cũng tốt bụng thật. Như cái việc xin đồng hồ điện
cho mấy tầng ở chung cư.
Người
ta không thể ngờ rằng gã chạy xe taxi, cùng một đẳng cấp xã hội với các
chàng xích lô nhậu bia hơi, rượu đế ở lề đường, quanh năm mặc quần cộc,
áo vá lại có thể quen nhiều, biết lắm các giới chức sắc đủ mọi lĩnh
vực, các nhà lãnh đạo các cấp đến thế. Những anh Ba chủ tịch quận, anh
Năm, dì Hai giám đốc sở này, ban nọ đều tay bắt mặt mừng khi gặp gã. Chỉ
trong 3 ngày, 7 đồng hồ điện cho 7 tầng của chung cư đã được gã gọi
người đến lắp đặt xong xuôi. Có điện, ai cũng vui mừng hào hứng không để
ý đến số tiền chi riêng cho gã để "chạy điện". Thế nhưng, người đời
thường nói con đau của xót, đồng tiền liền khúc ruột nên cái phấn khởi
có điện cũng nhanh chóng qua đi, còn đọng lại sự tính toán thiệt hơn:
đắt hay rẻ. Nhiều người, trong đó có chị Chín Rơm, ông Bi khẳng định:
giá "cà phê, cà pháo" cho dịch vụ đồng hồ điện vừa rồi là phải chăng và
gã Ba Tỷ không ăn gì, không chấm mút gì ở vụ này cả.
Cô Đoan Trang cong cớn, mát mẻ:
- Làm sao có chuyện mèo chê mỡ, Ba tỷ chê tiền?
Chị Chín Rơm từ tốn bảo:
- Chẳng nên đặt điều vu oan cho người ta. Tôi chẳng ưa gì gã đó. Nhưng trong vụ này tôi thấy gã giúp vô tư, không vụ lợi.
Bà
Tư Rêu dậm chân, vung tay:
- Nó không lấy tiền của chị, chị khen tốt là
phải rồi. Tôi nói, trong vụ này nó ăn khẳm, ít nhất là hai chỉ...
Chị Lệ Tuyết thẻ thọt:
- Dì nói quá lời, em thấy việc đóng góp lệ phí cộng cả lại chỉ có 7 trăm ngàn, là hơn một chỉ.
Ông thường trực khẳng định:
- Tiền cà phê cà pháo cho thợ thế là hợp nhẽ rồi. Vụ này thằng Ba Tỷ không ăn gì đâu...
Dầu
không nói ra nữa, nhưng bà Tư Rêu, cô Đoan Trang và một số người khác
vẫn hậm hực, nhất quyết cho rằng Ba Tỷ chẳng ra gì, phe phẩy một cây,
chộp giựt, đàng điếm một đống và họ luôn nói xấu gã ở mọi nơi, mọi
chỗ...
Cô Đoan
Trang đay nghiến: "Cái thằng con lai mũi lõ ấy đẹp đẽ gì cho cam. Lại
còn vô duyên tàn mạt, thấy mặt là thấy nhe răng cười. Đàn ông con trai
gì phải cương nghị, lạnh lùng, lúc nào môi cũng mím chặt, mắt nhìn
thẳng, nghiêm khắc. Như cái điệp viên siêu hạng, các siêu nhân ấy, họ
đâu có toe toét cười mọi nơi mọi chỗ".
Bà
Tư Rêu ra sức nói xấu gã về cái tội keo kiệt, bủn xỉn. Chẳng là, để cho
bà có công ăn việc làm đỡ ngồi lê đôi mách thiên hạ nên ông con trai mở
cho bà tiệm "chạp phô mini" ở ngay hành lang. Thỉnh thoảng Ba Tỷ có
chạy lên mua ở tiệm bà gói thuốc ba số 5, vài ba lon bia và lần nào cũng
cò kè trả giá tới lui rồi lại dậm chân than trời kêu mắc. Mà bà bán mắc
thật. Gói ba số 5 ở dưới lề đường bán cỡ 10 ngàn, bà chém tới 12
ngàn... Bà giải bày lý lẽ mà như mắng mỏ người ta. Rằng: "Giờ có giờ
tốt, giờ xấu. Làm việc có ca ngày ca đêm. Ca đêm phải hơn giá ca ngày.
Nó mua của tôi lúc 11-12 giờ đêm thì phải chịu giá ấy thôi. Đây bán thế
đấy, thuận mua vừa bán, không mua thì thôi, ai thèm ép. Có mợ thì chợ
cũng đông, mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui. Nó làm như chỉ có nó mới giàu
có, biết xài tền, còn thiên hạ là đồ bỏ...".
Chị
Lệ Tuyết cũng tỏ ra không ưa gã. Chị thầm thì, diễn bộ dúm dó vì ghê
sợ: "Anh ta mới thô lỗ làm sao, vừa đi vừa ăn nhồm nhoàm, lại còn trố
mắt nhìn em... eo ơ! Cái nhìn mới ghê làm sao. Anh Bảo nhà em không bao
giờ nhìn em như thế".
Cô
ca sĩ Lệ Hồng công khai bênh vực gã, cười ré lên nói với chị Lệ Tuyết
rằng: "Với cái bộ váy áo theo mốt "Hoa đào chúm chím cười cùng gió xuân"
như vậy thì anh ta phải trố mắt mà nhìn chị thôi. Chẳng phải riêng anh
ta, ai cũng nhìn vậy. Chỉ có chồng chị là khác thôi".
Dù
ở kế bên nhau, nhưng "hai giọt lệ" ở tầng 5 này hoàn toàn khác nhau. Lệ
Hồng ghét cay ghét đắng cái "lối diễn" õng ẹo giả nai của chị Lệ Tuyết,
nên hễ có dịp là châm biếm đả kích. Dĩ nhiên là sự châm chọc sâu sắc và
rất kín nhẽ. Như cái áo bằng vải bóng màu hồng nhạt theo kiểu xường xám
Thượng Hải những năm 30 để lộ ra cặp chân cong queo, đùi đâu chẳng thấy
chỉ thấy hai cái đầu gối to như củ chuối của chị Lệ Tuyết, ai cũng phải
lắc đầu, le lưỡi chê cười, thì Lệ Hồng lại xỏ xiên bảo là cái mốt "hoa
đào chúm chím"... chẳng biết Lệ Tuyết có biết Lệ Hồng xỏ xiên không, vẫn
cứ dịu ngọt êm nhẹ như tơ trong lời nói, bẻ môi uốn lưỡi hết sức cầu
kỳ: "Anh Bảo nhà em khác người lắm cơ. ảnh là kỹ sư có tài, ưa thích
những gì tinh tế, độc đáo và gợi cảm. Chị biết không, cái áo dài ấy, anh
Bảo nhà em cắt mẫu cho thợ may hạng nhất ở Chợ Lớn đấy".
Lệ
Tuyết xưng em ngọt xớt với Lệ Hồng, một người ít hơn mình hàng chục
tuổi, khiến Lệ Hồng không còn tinh tế được nữa, đành phải bốp chát:
- Thôi đi, dì cứ xưng em, tôi phải mang tội đấy...
Đến mức vậy mà Lệ Tuyết vẫn lỏn lẻn cười:
- Xin lỗi chị vậy, em quen miệng rồi...
Gã Ba Tỷ biết chuyện đó, cười hô hố, bình phẩm: "Quái chiêu! Giỏi! Mẹ ấy mà làm chính trị thì thuộc hàng đại cao thủ".
Ông Bi bảo: "Cao thủ gì bà ấy. Một dạng tâm thần. Cả thằng chồng cũng vậy. Lúc nào cũng làm ra vẻ trí thức, trông mà phát tởm".
Chị Chín Rơm giận dữ nói thêm: "Lại còn hứng chí hôn nhau ở cầu thang mới khiếp chứ, trông lộn cả ruột".
Ba
Tỷ lỗ mãng đốp luôn: "Ông bà khắt khe quá đấy. Vợ chồng hôn nhau ở nơi
công cộng là một cử chỉ đẹp, phải mừng cho họ hạnh phúc. Ông bà bị gẫy
cánh giữa đường không có hạnh phúc gia đình nên mới thấy tức tối"...
Ông Bi túm ngực áo Ba Tỷ thét lên:
- Thằng ranh con chó chết, mày nói tao ghen tức với thứ dở hơi dở hồn ấy hả?
Chị
Chín Rơm nắm tóc Ba Tỷ giật ngược, rít: "Này, chị nói cho mà biết,
chuyện gia đình nhà chị không phải là cái còi xe taxi nhà mày, muốn bóp
lúc nào thì bóp nha! Chị chỉ gai mắt ngứa miệng thấy cảnh lố bịch thôi,
không phải là thứ đố kỵ, ghen ghét".
Ba
Tỷ lại phải dập đầu xin lỗi hai người, phải mua bia về cho ông Bi nhậu
và biếu chị Chín Rơm một lọ nước hoa ngoại do khách du lịch tặng cho gã.
Nhiều người
bảo, cái miệng lưỡi của Ba Tỷ giống như con dao sắc, lợi cũng nhiều mà
hại cũng lắm. Gã ứng đối nhanh nhẹn hoạt bát, rất khôn khéo, lịch lãm và
sâu sắc khi giao tiếp với người lạ, khách hàng và khi giao dịch công
việc. Gã có đủ bài bản, chiêu thức để buộc người ta phải tin gã, làm
theo lời gã và mến yêu gã khi giao dịch làm ăn hoặc xã giao thông
thường. Thế nhưng, trong sinh hoạt hàng ngày với bạn bè và người quen
biết xung quanh, gã lại quá thẳng thắn, bậm trợn khiến mỗi ngày "vạ
miệng" đến hai ba lần. Năm ngoái, gã yêu một cô tiếp viên hàng không
nặng 54 ký, cao 1m6 mặt tròn như trăng rằm, môi trái tim đỏ mọng. Cô này
trong khi làm tiếp viên ở đường bay đi Singapore có bị một gã hành khách
lợi dụng vuốt mông, về kể cho Ba Tỷ nghe. Ba Tỷ hỏi: "Nó sờ thế, em có
cảm giác gì không?".
Cô này điên tiết tát cho gã một cái nẩy lửa, rồi từ bỏ gã luôn...
Gã đau khổ, ôm má bịt miệng suốt ba ngày liền, rền rẫm với ông Bi: "Sư phụ ơi, tôi hỏi thế, đâu có gì sai".
Ông
Bi vốn ghét đàn bà, bảo: "Đàn bà, nó là thế, ai cũng đồng bóng cả!".
Sau vụ làm đồng hồ điện cho chung cư, Ba Tỷ săn đón, theo đuổi một cô ở
Sở điện lực. Theo lời mô tả của gã, cô điện lực này có bộ ngực có thể
chặn đứng được cả tên lửa vượt đại châu và cặp mông đủ sức đè bẹp cả một
cổ xe tăng hiện đại.
Gã
nói oang oác ngay ở phòng trực tầng trệt, lại thêm đôi mắt mơ màng nhìn
theo một cô gái chân dài mông tròn mới đi ngang qua, trước mặt đám phụ
nữ đang ăn bún bò ở quán lề đường vào buổi sáng sớm, trước giờ làm việc.
Những quý bà, quý cô mập mạp tủm tỉm cười, không nói gì, còn những bà,
những cô ốm nhom, ngực mông chẳng có thì hầm hầm tức giận ra mặt. Cô
Đoan Trang thuộc dạng mình dây, không đến nỗi ốm lắm, cũng tự ái, bảo:
"Đồ vô duyên".
Bà
Tư Rêu, người bé tiếng to, xỉa xói Ba Tỷ: "Anh ăn nói cho có văn hóa,
lịch sự. Chỗ đông người như thế này mà nói chuyện mông, đùi đàn bà.
Không biết ngượng mồm sao?"
Có
lẽ Ba Tỷ đang cơn hưng phấn "thắng" miệng không kịp nên lại xổ ra ào ào
mớ lý thuyết về đàn bà, rằng: "Bà này hay nhỉ, nói vậy mà kêu là không
có văn hóa ư! Bà không thấy cuộc thi hoa hậu nào chả có mục số đo ba
vòng. Được công nhận là hoa hậu thì ngực phải to bao nhiêu, mông phải
lớn thế nào, chứ từ cổ đến giờ, tôi chưa thấy hoa hậu nào ngực lép, mông
nhỏ cả. Bà không nghe các cụ xưa dạy rằng chẻ củi xem thớ, lấy vợ xem
mông. Lại bảo là "nhất dáng nhì da". Dáng là dáng người, gồm có mông,
đùi, eo, ngực... Mông và đùi, ngực và da là cái đẹp đặc trưng của đàn
bà... Sao gọi là đàn bà được khi không có ngực, có mông. Đàn bà mà cứ
ngay đuỗi như khúc cây, dẹp lép như tấm ván thì... thôi".
Thấy
đôi mắt nẩy lửa của chị Chín Rơm đang lừ lừ tiến lại, Ba Tỷ chột dạ, hãi
hùng, ù té nhảy ba bước ra xe taxi của mình, chuồn êm. Chị Chín Rơm
không phải diện ốm nhom ốm nhách, nhưng vì chị cao, ngực mông chẳng có
nên trông đuồn đuỗn, lừng lững như chiếc tủ đứng...
Bà Tư Rêu tâm sự với ông thường trực, lại giống như mắng mỏ ông này:
-
Ông thấy chưa, thanh niên thời nay hư hỏng đến thế đấy. Mới nứt mắt ra
đã hau háu chuyện ăn chơi sa đọa, nhìn phụ nữ chỉ thấy mông, ngực.
Sau
một vụ bị sa lầy vào vòng "tâm sự" suốt nửa ngày, ông pháo binh về hưu
đã rút được kinh nghiệm. Ông ra sức há mồm ngáp dài, khật khừ bảo: "Đêm
qua tôi không ngủ được".
Đúng
là đêm qua ông không ngủ được thật. Con mèo đục lông trắng như tuyết,
suốt đêm qua săn lùng mèo cái, kêu gào thảm thiết, khiến cho ông phải
vác gậy xua đuổi. ở gần thì nghe chói tai, ở xa thì nghe thảm thiết. Ông
lại không bắt được nó để quăng ra ngoài...
Nỗi
ám ảnh về một đêm thức trắng đeo bám ông suốt cả ngày. Cho tới nửa đêm,
tới gần 12 giờ khuya, Ba Tỷ về, ông túm lại, năn nỉ: "Cậu giúp tôi tóm ổ
con mèo hoang rồi đem ra chợ Cầu Mống cho người ta giùm tôi".
Ba
Tỷ ngạc nhiên hỏi: "Nó làm sao?"
Ông pháo binh về hưu, dầu đã quen với
mọi thứ tiếng nổ, vẫn đau khổ than: "Nó kêu gào gọi gái khủng khiếp quá,
tôi không sao ngủ được".
Ba
Tỷ thắc mắc: "Sao con không nghe thấy gì" ông thường trực buồn rầu nói:
"Tuổi trẻ ngủ như chết, đâu còn nghe thấy gì nữa. Hồi trước, tôi cũng
vậy, giờ già khó ngủ lắm..."
Ba Tỷ hào hứng nhận lời và không đầy 20 phút săn đuổi giã đã tóm cổ được con mèo hoang...
Gã than: "Tội nghiệp, ốm nhom ốm nhách". Ông pháo binh tức giận bảo: "Săn gái tối ngày không ốm sao được"...
Ba Tỷ cười xa vắng, nói: "Nó đói ăn, cô đơn..."
Gã đem con mèo hoang về phòng mình. Ông pháo binh nhắc:
- Nhốt cho kỹ, sáng mai đem ra chợ Cầu Mống bán lại cho bọn buôn súc vật". Ba Tỷ vuốt ve con mèo, nói: "Con để nuôi".
Ông pháo binh bảo: "Vậy phải thiến, để tao kêu thợ đến"...
Ba
Tỷ cười, nói: "Sếp đừng lo. Nó kêu gào tìm bạn chứ đâu phải chỉ là
chuyện bậy bạ. Như con đây, cũng săn gái tối ngày, chỉ muốn có bạn ở
bên".
Đêm ấy,
đêm sau và những đêm tiếp theo, chung cư không còn tiếng mèo kêu gào
thảm thiết nữa. Con mèo hoang đã trở thành con mèo của Ba Tỷ và càng
ngày càng dễ thương. Bà Tư Rêu thích con mèo ấy lắm, nhưng chủ nó là Ba
Tỷ thì "không dễ thương chút nào" trong lời nói của bà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét