CA SĨ....
Mẹ Lệ Hồng bị bệnh chết. Ba lấy vợ khác. Cảnh
rổ rá cạp lại, không bày vẽ tiệc tùng, chỉ có chuyện mâm cơm cúng. Mẹ kế
có hai con riêng, e ngại chuyện con ông, con tôi, cứ lần khần chần chừ
không chịu dọn về.
Năm
ấy Lệ Hồng 18 tuổi, đang học lớp 12. Vừa giận vừa thương bố, Lệ Hồng bỏ
học, làm văn thư, đánh máy ở thị xã. Tỉnh lẻ tĩnh lặng. Những chiều mưa
hiu hắt, giọng ca của Lệ Hồng đằm thắm mượt mà ấm lòng những người xung
quanh... Ai cũng khen Lệ Hồng hát hay, gọi là ca sĩ. Rồi Hồng được cử
làm cán bộ phụ trách văn nghệ của cơ quan, chuyên tổ chức hội diễn và
đưa đội văn nghệ đi biểu diễn các nơi.
Năm
1980, Lệ Hồng được về thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Giọng ca và đôi
mắt trữ tình của Hồng đã làm một ông cán bộ cấp sở si mê. Ông này bị vợ
bỏ ba năm trước, sụt sùi kể với Hồng:
-
Tôi khổ lắm cô Hồng ơi, tôi chiều chuộng vợ tôi đủ điều, vậy mà nó vẫn
bỏ tôi, đi theo thằng tài xế xe tải. Nếu cô không thương tôi, chắc tôi
chết mất.
Lệ Hồng nghe cũng cảm động, bồi
hồi... Ông ta thề sống thề chết hứa sẽ tạo mọi điều kiện để Hồng nổi
danh ở đất Sài Gòn này. Ông ta cho cô xem quyết định thành lập một Ban
nhạc do ông ta là người lãnh đạo và tuyên bố hùng hồn: "Không phải ai
hát hay cũng về đây được. Tôi trực tiếp duyệt lý lịch và giọng ca. Đây
là Ban nhạc đặc biệt..." Lệ Hồng xiêu lòng. Có người nói "Hát hò ở tỉnh
lẻ thì vạn kiếp cũng là thứ cây nhà lá vườn, chỉ có ở đất đô hội này mới
trở thành ca sĩ". Hồng thấy phải.
Năm đó,
ông ấy tuy đã ngoài 50 nhưng trông bề ngoài còn phong độ lắm, mặt to,
tai lớn, bụng và ngực đều nở nang, bệ vệ, quyền hạn chắc cũng khá, tuy
không có xe ôtô riêng nhưng cần đi đâu, một cái, có xe đưa đón ngay.
Lệ
Hồng nhận lời lấy ông làm chồng. Đám cưới to nhất tỉnh. Pháo nổ liên
hồi suốt bữa tiệc đón dâu. Bố Hồng thôi không buồn bực về chuyện con rể
bằng tuổi mình nữa, vui vẻ hả hê, luôn miệng nói với mọi người: "Anh ấy
là thủ trưởng, nhà nước cưới vợ cho anh ấy đấy".
Chồng Lệ Hồng tưởng vậy nhưng không phải vậy. Vợ cũ bỏ ông ấy là phải. Mỗi lần gần vợ, ổng phải uống thuốc hoặc đi châm cứu.
Ngay
đêm đầu, Hồng đã thấy buồn chán rã rời. ổng nhậu xỉn, thuốc không công
hiệu, vật vã suốt mấy tiếng đồng hồ chẳng đi tới đâu. ổng khóc, bảo di
chứng sốt rét. Lệ Hồng biết ông ta nói xạo. Ông chẳng hề đi bưng biền
tham gia kháng chiến, chẳng hề biết sốt rét là gì. Nhờ có ông anh, nên
ông ta từ một tay môi giới đồ cổ trở thành cán bộ. Dầu vậy, Hồng vẫn
thương ông. ồng an ủi chồng: "từ từ, rồi đâu vào đó".
Chồng
Hồng có thú vui sưu tập tem và những đồ vật kỳ lạ. Ông có 23 vật lạ và
hai cuốn Album tem. Bây giờ có Lệ Hồng, ổng khoe với thiên hạ, như khoe
đồ vật đắt giá, một con tem quý hiếm. Ngày nào ổng cũng mời khách đến
nhà để chiêm ngưỡng dung nhan và nghe giọng ca của Lệ Hồng...
Hồng
đau khổ, yêu cầu chồng cho Ban nhạc đi biểu diễn. Cực chẳng đã, ổng
đành phải để Hồng cùng Ban nhạc 11 người đi biểu diễn các nơi, với điều
kiện đúng 11g30 tối là phải về nhà. Lệ Hồng và Ban nhạc có chút ít
tiếng tăm. Cô khuây khỏa với niềm ha mê ca hát. Rồi cô đâm ra ghiền ánh
đèn và khán giả. Song, hồi đó Ban nhạc không kinh doanh, chỉ biểu diễn
phục vụ theo đợt. Bởi vậy, những đêm không đi biểu diễn, Lệ Hồng như
người mất hồn, ra ngẩn vào ngơ. Trong ban nhạc có một tay ghi ta cự
phách, bài nào cũng đệm được, đủ khả năng dẫn lối chỉ đường cho ca sĩ
nếu bị "chập mạch" hay lạc giọng... Anh ta tên Thắng họ Nguyễn cao ốm,
đầu tóc bù xù, giọng trầm đục rất quyến rũ.
Thắng
xui Lệ Hồng nói với chồng để Ban nhạc tham gia kinh doanh ở các tụ
điểm. Anh ta đắm đuối nhìn Lệ Hồng, thảng thốt nói: "Vắng em, anh cũng
buồn lắm".
Lệ Hồng giận đỏ bừng mặt, rồi
lại thấy ấm lòng ngay sau đó, cũng đỏ bừng mặt. Thuyết phục mãi, ông
chồng già của Hồng mới đồng ý để Ban nhạc tham gia kinh doanh. Nguyễn
Thắng được phân công làm đội trưởng móc nối hợp đồng các nơi. Cơ hội đã
đến. Nguyễn Thắng như cá gặp nước, như chim sổ lồng. Anh có trong tay
hợp đồng trọn gói với đủ 30 đêm diễn cho cả Ban. Có tiền cát xê khá, cả
đội hào hứng, chạy đi chạy lại ào ào, vui như hội. Do nhu cầu kinh
doanh, Nguyễn Thắng yêu cầu cả ban phải liên tục học và đàn dựng tiết
mục mới. Anh ta dạy Hồng hát nhạc trẻ, hát nhạc Mỹ, nhạc Pháp.
"Phải
biết lắc mông, lắc bụng chứ" - Anh ta gào lên. Lệ Hồng lúng túng. Anh
ta nắm eo, nắm mông cô lắc qua, lắc lại hướng dẫn. Lệ Hồng lại đỏ gay
mặt vì mắc cỡ. Anh ta thì thầm: "Thế giới sẽ hỗn loạn vì cặp mông của
em".
Lệ Hồng mắng: "Đồ quỷ sứ". Tát nhẹ vào má anh ta, như vuốt vậy. Cô thấy muốn vuốt ve cái đầu tóc bù xù của anh ta.
Chồng
Lệ Hồng uống thuốc tăng lực. Da mặt hồng lên, bóng láng. Mái tóc lơ thơ
cũng bóng láng. Tất cả đều trơn trụi, lạt lẽo. Lệ Hồng nhớ cái đầu bù
xù của Nguyễn Thắng, ứa nước mắt...
Rồi
chuyện đến tất phải đến. Một chiều dông mưa, Nguyễn Thắng cầm tay Lệ
Hồng âu yếm: "Anh yêu em". Vỡ đê hay bùng nổ cũng vậy. Lệ Hồng ôm ghì
chàng ghi ta tài hoa hôn lấy hôn để, tức tưởi: "Em thương anh, em nhớ
anh"...
Đêm ấy Lệ Hồng nói với chồng: "Em không muốn lừa dối anh. Em không muốn ngoại tình".
Chồng Lệ Hồng vuốt tóc, hỏi khẽ: "Với thằng Thắng ghi ta hả?"
Hồng cúi đầu:
- Phải, em yêu anh ấy.
Ông chồng cười khan:
- Nó có yêu cô không?
Hồng mạnh mẽ đáp:
- Chúng em sẽ hạnh phúc.
Ông chồng nín lặng một lúc, thở dài bảo:
-
Tôi biết chuyện này rồi sẽ xảy ra thôi. Nhưng tôi quý cô ở điểm thẳng
thắn, không quanh co giấu giếm lừa dối. Bởi vậy tôi khuyên cô hãy cẩn
thận với thằng đó. Tôi không tin là nó yêu cô thật lòng. Nó không muốn
cô ly dị với tôi đâu.
Hồng nói: "Anh ấy
nhất định yêu em, em biết".
Chồng bảo: "Cô biết về chuyện đời còn ít
lắm. Không tin, mai cô cứ hỏi hắn xem? Tôi dám cá cược với cô, hắn sẽ
van xin cô đừng ly dị với tôi. Tôi biết, hắn là một thằng hèn".
Lệ Hồng giận dữ thét lên:
- Ông không được nói xấu anh ấy.
Cô
ngồi ngoài phòng khách chờ sáng. Trong phòng ngủ, ông chồng Lệ Hồng
chăm chú xem bộ sưu tập tem của mình. Từng phút trôi qua. Rồi trời cũng
sáng...
Chua chát thay! Đúng như ông chồng
đã nói anh chàng ghi ta tài hoa kia rối rít van xin Lệ Hồng đừng ly dị
chồng. Cái giọng trầm ấm áp mượt mà không còn nữa, thay vào đó lại cái
giọng rỉ mòn, khê nồng, ỉ ôi:
"Chúng ta
không thể bỏ ông ấy trong lúc này được. ổng giận, giải tán Ban nhạc, anh
sẽ làm gì? Anh cầu xin em hãy ở lại với ông ấy..."
Lệ
Hồng thản thốt nói: "Nhưng em yêu anh, em muốn chúng ta sống với nhau.
Em không muốn tình yêu của chúng ta phải che đậy, phải lén lút, vụng
trộm. Em không muốn là..."
Nguyễn Thắng
đẩy Lệ Hồng ra, gằn giọng: "Cô không muốn điều này thì cũng phải hiểu
tôi không muốn điều kia chứ. Tôi không muốn giải tán Ban nhạc cô hiểu
không? Tôi thà rằng không có cô chứ không muốn trở lại nghề cạo rỉ sắt".
Lệ Hồng choáng váng, sụp đổ.
Chồng Lệ Hồng hỏi: "Sao, tôi nói đúng chứ!"
Lệ Hồng thở dài đáp:
- Phải!
Ông chồng thong thả nói:
- Âu cũng là một bài học tốt cho cô.
Lệ Hồng nói:
- Dầu vậy, tôi cũng vẫn ly dị anh. Đơn tôi viết rồi đây, anh ký đi.
Ông chồng ngạc nhiên, hỏi: "Cô có điên không đấy?"
Lệ Hồng lạnh lùng: "Chưa bao giờ tôi tỉnh táo như lúc này".
Ông chồng năn nỉ: "Cô nghĩ tiếp đi, cho chín, cho sâu, rồi hãy quyết định, đừng vì nóng giận nhất thời".
Lệ Hồng bảo:
-
Tôi không giận anh Thắng đâu. Anh ta đáng thương hại, không đáng giận.
Vì sự kính trọng anh nên tôi phải ly dị. Anh hãy hiểu điều đó.
Chồng Lệ Hồng đi đi, lại lại vòng quanh nhà bẩy lần rưỡi, lắc đầu, ngao ngán nói:
-
Cô đã muốn vậy, tôi cũng đành chịu thôi. Dù sao tôi cũng cám ơn cô đã
thẳng thắn ngay từ đầu. Tôi sẽ thu xếp cho cô một chỗ để ở và sẽ không
giải tán Ban nhạc.
Lệ Hồng lặng lẽ từ biệt chồng. Nguyễn Thắng săn đón nồng nhiệt:
- Giờ thì anh với em được tự do rồi, chúng ta sẽ chinh phục thiên hạ...
Gã ghé môi định hôn. Lệ Hồng đẩy ra, bảo "Thối lắm!".
Lệ Hồng vẫn hát, Nguyễn Thắng vẫn đàn nhưng không còn nồng nhiệt say đắm như trước nữa.
Để
giữ Ban nhạc khỏi tan, Nguyễn Thắng chọn người khác ăn ý với mình hơn
làm ca sĩ chính. Lệ Hồng hát phụ, những bài hát buồn đi cùng kèn và sáo.
Sự thay đổi này có vẻ hợp lý hợp tình, tạo nên nét phong phú của Ban
nhạc, nhưng cũng từ đó đẩy Lệ Hồng xuống hàng thứ hai. Lệ Hồng buồn da
diết. Giọng ca càng buồn hơn.
Một ngày
kia, có ông kiến trúc sư mê giọng hát của Lệ Hồng, tặng hoa và mời đi ăn
trưa ở nhà hàng. Ông kiến trúc sư thông kim bác cổ, có tài hài hước.
Trong bữa ăn và cả buổi chiều đi chơi ở Lái Thiêu, Lệ Hồng cười nhiều
lắm. Rồi ông ta cũng nói: "Anh yêu em".
Lệ Hồng mỉm cười im lặng... Ông ta bảo sẽ bỏ vợ để cưới Lệ Hồng. Lệ Hồng cũng im lặng, cười và vít cổ ông ta xuống.
Lệ Hồng có thai với ông kiến trúc sư. Ông ta thẩn thờ:
- Anh có hai đứa con gái rồi, nếu em sinh cho anh đứa con trai thì tuyệt vời. Anh sẽ cưới em, bất chấp mọi thứ.
Lệ
Hồng bịt miệng ông ta, bảo: "Anh đừng nói nữa kẻo em lại ói". Ông ta là
một người thông minh, vội kể chuyện tiếu lâm về một gã học trò nghèo xứ
Nghệ mang con cá gỗ đến nhà hàng xin ít nước mắm để chấm.
Lệ
Hồng sinh con gái. Ông kiến trúc sư hát xẩm: "Nỗi lòng như sợi đàn
căng, mỗi khi có nửa vầng trăng cuối trời, một ngày nào đó trăng ơi, sợi
tơ sẽ đứt hết đời nhân gian, tiếng kêu như xé tâm can, vì sao có những
úa tàn trời ơi, thôi đành như thí vậy thôi, sống dưới trăng suốt một đời
không trăng".
Lệ Hồng khen hay, bảo ông
ta chép lại cho mình những câu xẩm đó. Cô chẳng yêu cầu ông ta làm gì
cả, nhưng tháng nào ông ta cũng mang tiền đến, bảo: "Để nuôi con". Ông
ta để tiền lên bàn rồi đi. Lệ Hồng không nói gì. Thỉnh thoảng, vào những
tối trở trời, mây gió xầm xì săn se, Lệ Hồng nắm tay ông ta kéo lại.
Đầu năm 1990, Nguyễn Thắng bảo Lệ Hồng:
- Ban nhạc cũng phải theo mốt. Tôi phải lập ban mới.
Lệ Hồng thản nhiên hỏi:
- Mọi người sẽ đi đâu?
Anh ta đáp: "Mạnh ai nấy chạy. Tôi chỉ đủ sức lo cho cô thôi".
Lệ Hồng bảo: "Anh không cần phải ân hận".
Anh ta thở dài: "Tôi không mong cô tha thứ. Tôi chỉ muốn làm việc gì đó giúp cô, thế thôi".
Lệ Hồng không nói gì. Lặng lẽ trở về nhà. Hát xẩm những câu hát: "Sống dưới trăng suốt một đời không trăng..."
Cô
thà chịu cảnh thất nghiệp, chạy vạy tìm đủ chỗ để hát, nhất quyết không
theo Nguyễn Thắng. Nghe nói ban nhạc của anh ta nổi như cồn, tiền thu
về như nước.
Người đàn ông thứ tư đến với Lệ Hồng, rón rén, thận trọng:
- Tôi là Bùi Chương, xin hân hạnh được làm quen với chị...
Lệ Hồng cười nhã nhặn:
- Cám ơn.
Anh
chàng Bùi Chương khá điển trai, cao ráo, lịch sự. Anh ta tự giới thiệu
là một nhạc sĩ tài tử, sáng tác rất nhiều nhưng chưa được phổ biến vì
"tính chất riêng tư quá nhiều", đành phải chấp nhận làm thuê cho các
công ty, xí nghiệp, giúp họ tổ chức dàn dựng, tập luyện chương trình văn
nghệ quần chúng đi tham gia hội diễn. "Làm thuê theo thời vụ mà". Anh
ta cười héo hắt. Lại bảo: "Nhưng dù sao cũng còn gắn với âm nhạc, phải
không chị". Lệ Hồng nói "Phải". Và chấp nhận yêu cầu với anh ta làm hợp
đồng ba tháng với công ty X..., là nhân viên văn phòng để tham gia đội
văn nghệ quần chúng của công ty.
Bùi
Chương và Lệ Hồng là một cặp đi "đánh thuê" cho các nơi. Tiền bạc, tiếng
tăm tuy không nhiều nhưng cũng đủ ăn, đủ vui để sống. Bùi Chương nhút
nhát, hay tự ái, lắm sĩ diện chỉ làm theo ý mình nên bị các ban giám
khảo ghét, cho điểm thấp, ít giải. Các nơi thấy tiền bạc đổ ra, giải thu
về quá nhỏ, không bỏ, bèn dãn Bùi Chương.
Bùi Chương nói với Lệ Hồng:
- Tôi thì chẳng sao, chị mới là điều tôi lo lắng. Để tôi giúp chị.
Lệ Hồng thấy mến anh chàng bất đắc chí này, cười hỏi:
- Anh có tể giúp gì được cho tôi.
Bùi Chương hăng hái:
- Tôi sẽ giúp chị lấy chồng...
Lệ Hồng cười ngất. Hát xẩm "Sống dưới trăng suốt một đời không trăng...". Rồi khóc đỏ cả mắt.
Cứ
tưởng Bùi Chương nói đùa, ai dè chuyện thật. Anh chàng dẫn đến nhà Lệ
Hồng một ông lùn, tròn xoe, da bánh mật có dáng vẻ oai phong nhưng đôi
mắt lại lấm lét nhìn ngang, có vẻ gian xảo. "Đây là ông Phó giám đốc
công ty K... ổng mới có 54 tuổi". - Bùi Chương giới thiệu.
Lệ
Hồng không dám đứng lên bắt tay khách. Xem ra, ông Phó giám đốc này chỉ
cao khoảng 1m5, có kiểng chân cũng chỉ đến cằm Lệ Hồng.
Hồng
bảo: "Để tôi phải cưa chân cho thấp đã". Ông Phó giám đốc nọ "quái
chiêu" hơn cô nghĩ. Ông ta nói: "Cô không đồng ý thì thôi, khỏi phải
cưa. Tôi nghĩ tuổi cô đâu còn ham chuyện "rước đèn" nữa".
Ba
ngày sau, Bùi Chương lại dẫn một ông giám đốc cao lớn đến. Ông này nhìn
Lệ Hồng như muốn lột trần cơ thể của cô. Lệ Hồng khó chịu bảo: "Ông chưa
hề nhìn thấy đàn bà sao?"
Ông ta cười hô hố: "Tôi cần một người như cô".
Lệ Hồng cười lạt:
- Rất tiếc, tôi không cần ông...
Ông
kiến trúc sư mang tiền tháng đến, khuyên Lệ Hồng: "Có lẽ em phải lấy ai
đó có tiền". Lệ Hồng hôn nhẹ lên má ông ta: "Cám ơn!". Cô lại khóc. Rồi
gào lên chửi Bùi Chương là đồ ma cô.
Nhưng
Bùi Chương vẫn kiên trì mai mối cho cô. Đầu năm 1992, anh ta dẫn đến
một anh chàng bụ bẩm hồng hào, giới thiệu là Việt kiều ở Canada về nước
lấy vợ. Bùi Chương thì thào tai Lệ Hồng: "Nó mê giọng hát của chị lắm.
Nó chấp nhận tất cả. Làm đám cưới linh đình rồi đưa chị đi Tây".
Lệ Hồng kéo Bùi Chương ra ngoài, rít lên: "Tôi đã nói với anh bao nhiêu lần rồi, rằng tôi không cần sự giúp đỡ của anh".
Bùi Chương cười hì hì phân bua:
- Nhưng đám này tốt lắm, bỏ uổng.
Lệ Hồng nghẹn nào, sắp khóc: "Nếu anh muốn giúp tôi, xin đưa anh ta về và từ nay đừng quấy rầy tôi nữa'.
Bùi
Chương rầu rĩ đưa anh chàng Việt kiều về. Lệ Hồng không khóc nữa. Cũng
chẳng buồn rũ rượi như trước. Chị đưa con đi Đầm Sen chơi suốt ngày Chủ
nhật. Ông kiến trúc sư đến trễ hơn thường lệ một tuần. Ông ta mệt mỏi,
tránh nhìn Lệ Hồng, xin miếng nước uống. Lệ Hồng hỏi:
- Anh có đau bệnh gì không?
Ông ta cười méo xẹo:
- Bà vợ của anh bủa vây bịt bùng, hành hạ anh suốt ngày đêm...
Lệ Hồng vỗ vai ông ta:
- Từ nay trở đi anh khỏi phải đến đây nữa. Cứ yên tâm, em đủ sức lo cho con.
Lệ Hồng bán nhà. Sang lại căn phòng ở chung cư. Chị chấp nhận đi hát ở nhà hàng. Nguyễn Thắng tìm đến, giận dữ:
- Tôi không thể hiểu nổi cô nữa, cớ sao cô lại đi hát ở nhà hàng. Cô có biết hát ở đó tủi nhục như thế nào không?
Lệ Hồng lạnh nhạt nói:
- Biết! Thì đã sao?
Nguyễn Thắng ôm ghì lấy Lệ Hồng hổn hển:
-
Tha thứ cho anh. Anh xin cưới em. Chúng ta sẽ chinh phục thiên hạ. Ba
năm rồi, anh vẫn không thể quên em được. Hãy đi cùng anh. Anh cầu xin
em!
Lệ Hồng mỉm cười, bảo: "Nước đã đổ xuống đất rồi, không thể vớt lại được nữa".
Đêm
đêm, Lệ Hồng hát "Đời tôi cô đơn", "Thiên thai", "Suối mơ", "Sao em nỡ
vội lấy chồng"... quanh các bàn ăn với sự hồn nhiên, cười cợt, lắc qua
lắc lại, đưa đẩy bộ ngực đồ sộ trước mắt khách. Ban ngày chị dán nhãn
băng cátxét cho xí nghiệp băng nhạc. Giá công "bèo" lắm, lại thất thường
nay có, mai không. Nhưng dù sao cũng còn hơn là chẳng có việc gì làm,
lại được nghe thoải mái các băng nhạc mới...
Một
lần, trong lúc buồn vẩn vơ, đọc báo thấy có bài thơ gửi tặng L.H của
tác giả Hy Chương, Lệ Hồng chợt nhớ tới anh chàng Bùi Chương điển trai
tao nhã lắm sỉ diện ngày nào. Ngày hôm sau, lúc nhá nhem tối, Bùi Chương
tìm đến. Ba năm không gặp, chàng ta vẫn như xưa, nhã nhặn, lịch thiệp và
bảnh bao với chiếc cà vạt màu xanh nước biển. Lệ Hồng vui vẻ nói đùa:
"Sao, lần này anh dẫn đến cho tôi ai vậy. Một ông Tây hay Tàu, hoặc Hàn
Quốc, Nhật Bổn?".
Bùi Chương bẽn lẽn, phân trần:
- Chỉ có mình tôi thôi. Tôi tìm chị muốn đứt hơi. Chị trốn kỹ quá. Nếu không thích chồng thì thôi, cần chi phải đổi nhà.
Lệ Hồng bảo:
- Tôi đổi nhà để kiếm vốn làm ăn thôi, đâu có trốn anh.
Chàng
ta trách Lệ Hồng sao dại dột đâm đầu vô nhà hàng hát mướn. Anh ta khẳng
định giọng ca của Lệ Hồng vẫn có đầy đủ sức mạnh chinh phục thiên hạ.
Anh ta bảo: "Điều quan trọng là cánh nhà báo. Nhà báo thời nay có quyền
lớn lắm. Họ đã "lăng xê" ai, người đó thành "siêu sao" ngay. Tôi muốn
giúp chị trở lại sân khấu ca nhạc. Tôi đang làm cộng tác viên cho một số
báo...
Lệ Hồng cười hỏi:
- Anh lấy bút danh là Hy Chương chứ gì?
Chàng ta đỏ mặt, lúng túng:
- Sao chị biết!
Lệ
Hồng thấy mến anh ta. Con người tốt bụng cố chấp này, dầu có bốc đồng,
tự ái thất thường nhưng vẫn luôn tỏ ra lịch thiệp, đứng đắn. Nghe nói
trước đây, cô Đoan Trang hàng xóm tầng trên của Lệ Hồng, mê anh ta lắm.
Cô Đoan Trang buôn bán thua lỗ, bỏ chợ trời, về làm công nhân xưởng in.
Ngay lập tức cô được chọn vào đội văn nghệ và được anh chàng Bùi Chương
hướng dẫn hát đơn ca bài "con kênh xanh xanh". Cô tặng Bùi Chương cả một
tá khăn tay thêu hoa. Bùi Chương đem chia hết cho mọi người. Cô Đoan
Trang giận điên lên, bỏ tập văn nghệ lấy chồng ngay lập tức.
Bùi
Chương biết Lệ Hồng ở chung cư này nhờ buổi ăn nhậu ở nhà cô Đoan
Trang. Ông chồng cô Đoan Trang theo lệnh cô vợ trẻ mời bằng được nhà
thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà báo Hy Chương tức Bùi Chương về ăn tiệc sinh
nhật lần thứ 28 của mình. Vui miệng, ông chồng cô Đoan Trang kể về cô ca
sĩ nhà hàng Lệ Hồng. Thế là, suốt buổi tiệc, chàng Hy Chương kia không
để mắt tới nữ chủ nhà, toàn khen cô ca sĩ Lệ Hồng có giọng hát hay đến
mụ mẫm, đến tan nát lòng người...
ở chung
cư, khó có thể giữ bí mật được những chuyện tình cảm. Để tránh mất lòng
người hàng xóm, chị Lệ Tuyết đã kể chuyện "tiệc sinh nhật cô Đoan Trang"
cho Lệ Hồng nghe.
Hóa ra là vậy. Cô Đoan
Trang ghét Lệ Hồng là vì chàng Hy Chương kia... Lệ Tuyết thì thầm vào
tai Lệ Hồng: "Chàng ta yêu chị say đắm".
Lệ Hồng bật cười:
- Bùi Chương ấy à?
Lệ Tuyết diễn bài lịch thiệp, ý nhị, cười mím chi, lại che miệng...
Lệ
Hồng thẫn thờ đôi chút. Soi gương, cau mày ngẫm nghĩ không biết Bùi
Chương có mê mình thật không. Ngày sau, chị quyết chí ăn kiêng cho đỡ
mập. Chiều gần tối, chị hơi bồn chồn, có ý chờ đợi Bùi Chương. Được ba
ngày, chị bỏ ăn kiêng, thây kệ mập. Con gái hát "Đời tôi cô đơn...". Chị
giận, tát nó, như tát mình. Rồi khóc!
Tiếng
gõ cửa ấy là của Bùi Chương. Anh ta mang hoa đến tặng Lệ Hồng. Thêm một
cái bánh sinh nhật nữa. Lệ Hồng nhớ ra ngày sinh nhật của mình. Đã 5
năm rồi, chị không tổ chức sinh nhật cho mình.
Lệ Hồng hát: "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn"...
Bùi Chương đệm đàn hát theo: "Đời tôi cô đơn..."
Lệ Hồng cảm xúc thật sự, bảo: "Vào giọng nhuyễn lắm".
Bùi
Chương nuốt nghẹn nói: "Tôi đã thấy phép tính một cộng một bằng không
(1 + 1 = 0) Lệ Hồng ngờ vực: "Làm gì có chuyện đó". Bùi Chương mạnh mẽ
hẳn lên: "Thì đấy, nỗi cô đơn của tôi cộng thêm cô đơn của Hồng lại
thành ra không cô đơn nữa".
Không lẽ anh ta yêu mình thật!
Lệ Hồng thấy sợ! Nhìn quanh xem có nơi nào để trốn. Nhưng cánh tay của Bùi Chương đã chận lại.
Lệ
Hồng cười bâng quơ, thầm thì hát xẩm "Một liều ba bảy cũng liều, cầu
Ngang cũng vượt, cầu Kiều cũng qua. Dặm trường thân gái xông pha. Để xem
con tạo trêu ta thế nào...".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét