CÔNG CHỨC
Nay nói về ông Lê Công Chức, một người tầm
thước, lịch lãm, tuy đã ở tuổi 60 nhưng vẫn còn hoạt bát nhanh nhẹn, sắc
sảo, lắm tài vặt. Ông Chức không biết gốc quê mình ở đâu, cha là ai, mẹ
là ai. Ông là đứa trẻ bị bỏ rơi bên đường được một cô đào cải lương
muộn chồng, thất tình đem theo gánh hát. Cô đào bị ho lao chết, gánh hát
rã năm Chức lên 7 tuổi. Một nhà sư đem Chức về nuôi. Chùa ở vùng nghèo,
sống nhờ khoai lang và bí đỏ. Chức bị còi xương, 15 tuổi mà như đứa trẻ
lên 10. Nhờ nhà sư dạy biết đọc, biết viết; biết vùng đất phía Nam
không có mùa đông gió bắc, không có gió Lào nóng bỏng, quanh năm mưa
nắng thuận hòa, lúa chất đầy đồng, cá tôm kín nước; Chức bỏ chùa xuôi
Nam. Đời sống lang bạt, nay đây mai đó, làm thuê làm mướn, tuy có vất vả
cực nhọc song có thịt, có cá, có sữa, có đường nên Chức hết còi xương,
lớn phổng hẳn lên. Gặp phải cảnh đánh nhau, lính Pháp càn quét, bom đạn
mịt mù, người sống cõng người chết, người bị thương kêu la, Chức hãi
lắm, nhiều khi cứng lưỡi không kêu được, đái cả ra quần. Chức sợ đói, sợ
bom đạn, sợ bóng tối, sợ rắn, rít gián, chuột... Nghĩa là trăm ngàn thứ
sợ. Nên anh chàng chui sâu vào tỉnh lỵ, nương náu trong một ngôi trường
học toàn bằng chữ Tây, làm nghề lao công. Tuổi thanh niên, sức dài vai
rộng mà làm nghề đó, nom chướng mắt thật, nhưng Chức chẳng thấy mắc cỡ.
Anh chàng lại lén theo học, chữ nọ xọ chữ kia, chắp chắp nối nối, hiểu
sơ sịa đôi nghĩa nên cũng có thể coi là biết tiếng Pháp, nửa bồi nửa
thật. Rồi có người bảo Chức: "Đàn ông là phải có sự nghiệp, suốt đời
quét rác à?" Chức buồn bực, tự ái bỏ đi. Lúc ấy, người Nam Bộ tập kết ra
Bắc với tư cách là học sinh trường tỉnh.v.v... Một vài câu tiếng Pháp
thông thường, tên của vài ba thầy giáo là bằng chứng để người ta tin
Chức là người của trường đó.
Đường
quan lộc của Chức phát từ đó do đi nhiều, biết lắm, lại có chút năng
khiếu biểu diễn nên Chức là thành viên của hầu hết các hội đồng hương.
Không là đồng hương cố đô Huế sao được khi anh chàng này nói giọng Huế
đặc sệt, biết những ngõ ngách đi vào chợ Đông Ba... Rồi Hà Nội, Hải
Phòng, Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Sài Gòn, Bến
Tre... đều là quê của Chức. Anh chàng được ưu ái, chăm sóc thân tình nhờ
vào cái thế mạnh đồng hương của mọi miền. Những ngày chiến tranh phá
hoại ác liệt của máy bay Mỹ trên đất Bắc, Chức làm trưởng phòng hành
chính một nông trường ở vùng rừng núi giáp ranh giữa Hòa Bình và Nam Hà.
Suốt những năm đó, anh chàng ở lì trong nông trường bộ, một dãy nhà xây
như lợp bằng phên nứa, sát chân núi. Và do vậy, anh chàng chỉ biết có
chiến tranh qua những bộ phim tài liệu do đội chiếu bóng mang tới chiếu
cho nông trường hai tháng một lần và những thông tin qua chiếc đài bán
dẫn chạy bằng pin văn điển "Ô ri ông tông" to như cái hòm của thợ cắt
tóc. Tất nhiên, thỉnh thoảng anh chàng cũng nhìn thấy máy bay Thần sấm, Con ma... của Mỹ bay ngang qua, cùng với tiếng động cơ vang rền vách
núi. Những năm tháng đó, quả là thần tiên đối với trưởng phòng Lê Công
Chức. Yên ổn giữa cảnh chiến tranh, ăn ngon, lại được sờ nắn đàn bà một
cách thoải mái. Nông trường hầu thế là nữ, nam giới chỉ còn lại người có
tuổi vợ con đùm đề hoặc những người thương tật ốm yếu. Thanh niên khỏe
mạnh không còn ai ở nông trường. Họ đi bộ đội, hoặc chuyển ngành nghề ở
những nơi khác. Chức trẻ khỏe, đẹp trai, giữa thế giới đàn bà con gái,
quả là chuột sa hủ nếp. Thế nhưng, con chuột ấy chẳng ăn được gì. Anh
chàng sợ bị kiểm điểm, bị kỷ luật. Gì chứ tội hủ hóa thì nhất quyết bị
đưa xuống đội chăn bò hoặc trồng sắn ở tít phía trong núi con quạ. Chức
thuộc lắm châm ngôn, ghi lòng tạc dạ nhiều lời khuyên nhủ, đáng nhớ nhất
và phải "tụng" hàng ngày là lời dạy của một bậc học giả tinh thông
thiên văn, địa lý, thế thái nhân tình ẩn cư ngoài thị trấn Cốc làm nghề
cắt tóc: "Đừng vì một ngụm nước mà bị dòng sông cuốn đi".
Cũng
chính vì thế mà suốt mấy năm trời bị đàn bà con gái vây quanh, Chức chỉ
dám chơi trò "bịt mắt bắt dê", hoặc "tam cúc véo mũi"... Nghĩa là chỉ
vuốt ve hôn hít bên ngoài thôi. Với bọn con gái thì không sao, còn thấy
thích như vậy, nhưng với cánh đàn bà đã từng biết mùi đời thì trò chơi
nửa vời của Chức là điều không thể chấp nhận được. Nhiều lần Chức bị đàn
bà rú rít lồng lộn như máy bay phản lực Mỹ đánh phá trận địa pháo,
"Giời ơi là giời... làm đi chứ, yêu đi chứ" "Quỷ ơi là quỷ, khều bới
lên, rồi bỏ chạy à... Lấp cho đầy đi" "Đồ chết dịch, để bà lăn lóc khốn
khổ thế này ư?"
Chức bị mấy trận đòn đàn
bà, trận nào cũng giống như đòn thù, u cục bầm tím, xây xát khắp người.
Bị đòn đau, Chức lại đâm ra hãi cái món đấy. Giới đàn bà kháo nhau thủ
trưởng Chức bị liệt dương chẳng làm được cái khỉ gì hết. Chức bực lắm,
giận lắm, nung nấu ý định lấy vợ. Chức đặt ra 4 tiêu chuẩn: Thứ nhất: lý
lịch phải tốt, nghề nghiệp văn phòng, có chút đỉnh văn hóa. Thứ hai: là
phải trắng, mũi phải cao, miệng phải nhỏ. Thứ ba: không được cao to, ít
lông tay. Thứ tư: biết nấu ăn, may vá.
Ở tiêu chuẩn thứ hai và thứ ba là do Chức cụ thể hóa yêu cầu "vợ hiền,
đoan trang có lịch sự". Có người bảo Chức vợ đẹp là vợ người ta. Rồi lại
dạy "đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà mồm rộng tan hoang cửa nhà".
Cũng giống như mọi đàn ông khác, Chức cũng thích vợ đẹp, nhưng sợ người
ta "cua" mất, gây ra cảnh đau lòng. Lại cũng sợ cái miệng rộng đàn bà
lắm chuyện, tham ăn, nên Chức chỉ cần đến mức có một cô vợ da trắng, mũi
cao, miệng nhỏ là đủ. Lại có người bảo "vợ dâm đãng như bom nổ chậm".
Chức hoàn toàn tán thành. Gì thứ dâm đãng là anh chàng không thể kham
nổi. Sáu, bảy trận đòn là đủ rồi. Vả lại, lúc ấy Chức không tin vào tầm
vóc đàn ông của mình lắm. Có lần anh chàng bị người ta lấy guốc đập tét
đầu không phải vì sợ bị kỷ luật mà vì bị "cướp cò súng" khi vừa chạm
"mục tiêu". Chẳng riêng gì lần đó, vài ba lần khác, do hưng phấn, anh
chàng vừa nhìn thấy... chưa kịp làm gì đã "xả hết đạn". Chức nghi mình
bị bệnh gì đó, nhưng xấu hổ giấu không dám hỏi thầy thuốc, đi dò hỏi
thiên hạ. Năm ấy Chức đã 32 tuổi. Vớ phải tay thợ xây giang hồ khét
tiếng, ba lần bị bệnh lậu, giọng rất điếm đàng, bảo rằng: - Vậy là hỏng
mẹ nó rồi. Lấy vợ nhanh lên cho biết mùi đời kẻo cái súng "mút cà tông"
của cậu biến thành con đỉa trong ao bèo.
Chức
hoang mang, lo lắng, chẳng dám kén chọn nhiều nữa, lấy đại cô giữ kho,
văn hóa lớp 4, cao 1m50 nặng chưa đầy 40 kg, mông lép, ngực lép, da xanh
xao, mũi hếch, mắt một mí lại còn có đuôi, miệng tuy nhỏ nhưng môi lại
dày... Thực ra, cô giữ kho thuổng, cuốc, dao, rựa... này đã để ý thủ
trưởng từ lâu, vờn bám nhiều lần nhưng Chức không thèm để mắt tới. Khi
đám đàn bà thông tin cho nhau biết trưởng phòng Chức bị liệt dương chẳng
làm được gì thì cô ta tủm tỉm cười, lỏn lẻn bảo: "Các chị để cho em".
Một
đêm mưa ngâu rả rích. Trời lạnh se se. Cô thủ kho đến phòng Chức, tặng
cho anh chàng một chén rượu và bàn tay ấm nóng của cô "giương bẫy" lên.
Chức sập bẫy, trở thành chồng.
Có vợ rồi
Chức mới vỡ nhẽ ra nhiều chuyện. Hóa ra Chức chẳng có bệnh tật gì hết và
là một đàn ông cực kỳ sung mãn. Hóa ra đàn bà cao to, ngực lớn, mông
lớn có lông tay đâu phải ai cũng dâm đãng. Không thể nhìn người mà biết,
phải "làm việc" mới rõ...
Sự đời đâu có
chìu người. Khi Chức có đủ khôn ngoan bản lĩnh để tung hoành trong thế
giới đàn bà dưới chân núi con quạ thì thời cơ không còn nữa. Bà vợ thủ
kho dao, cuốc... của Chức lúc nào cũng mang theo ở lưng quần một chiết
liềm sắc bén và nhỏ nhẹ răn dạy Chức: "Anh yên phận làm trưởng phòng,
chẳng phải cho mẹ con em, mà là cho sự toàn vẹn thân thể của anh. Gì chứ
cái ấy mà bị cắt thì đau lắm đấy..."
Nói
đến chuyện máu chảy là Chức sợ hãi vãi đái ra quần. Hơn 6 năm, anh chàng
sống như bị giam lỏng, không dám đi đâu. Buồn phiền, Chức vẽ đàn bà
khỏa thân cho khuây khỏa. Tài vẽ của anh chàng có từ đó.
Sau
này, nhớ lại chuyện thời ở nông trường Chức thở dài, tự an ủi: "Thôi
thì được cái này thì mất cái khác. Ở đời chẳng có ai là được tất cả?".
Dẫu
sao, Chức cũng rút ra được một bài học kinh nghiệm từ 10 năm nông
trường, nhất quyết cho rằng thời cơ là điều kiện tiên quyết để thành
công trong mọi trường hợp. Phải nắm bắt được cơ hội và nhanh chân lên.
Cơ hội đã qua đi, giống như kim rơi đáy biển, không sao tìm lại được.
Sau giải phóng miền Nam, đến tuổi 40 "tri thiên mệnh", ông Lê Công Chức
có một cơ hội thuận lợi. Là một cán bộ miền Nam tập kết, ông được bổ
sung về tỉnh P và ở đây ông được bố trí làm Trưởng phòng tổ chức của Sở
Nông nghiệp. Tỉnh P là tỉnh nông nghiệp nên Sở Nông nghiệp là sở quan
trọng, cán bộ của Sở này có nhiều điều kiện để lên cao. Ông Chức được
tăng bậc lương, từ cán sự 4 lên chuyên viên 1, có nhà riêng ở thị xã.
Yên vị ghế trưởng phòng được 3 năm thì xảy ra chuyện mâu thuẫn gay gắt
giữa giám đốc và phó giám đốc sở. Do cả hai ông này đều kiêu ngạo, phách
lối và đầy rẫy những khuyết điểm nên việc hạ một ông đối với tài năng
của ông Chức là điều không có gì là khó, nếu liên kết với ông ta. Ông
tận dụng tối đa cơ hội này, muốn nhảy vọt một bước nữa, ngồi vào ghế
giám đốc Sở.
Bởi theo thỏa thuận với ông
Phó, nếu hạ được giám đốc thì cái ghế đó sẽ thuộc về ông Chức. Ông Phó
bảo: "Tôi đâu có ham hố quyền chức, bởi ghét thằng cha đó nên tôi phải
ra tay. Tôi ủng hộ chú làm giám đốc".
Ông
Chức tin vào sự thỏa thuận đó, nên nhảy vào vòng chiến, sát cánh cùng
ông phó, "đánh" bật ông giám đốc ra khỏi ghế. Đúng là "phúc bất trùng
lai" đối với ông Chức. Hy vọng được giữ chức giám đốc Sở của ông tan
thành mây khói. Ông giám đốc mới tức là ông phó giám đốc cũ lạnh lẽo
bảo: "Anh còn trẻ, khỏe, lại có bằng kỹ sư, chẳng nên ngồi ở phòng tổ
chức". Và, do nhu cầu công tác, người ta điều ông về làm Trưởng phòng
nông nghiệp một huyện xa xôi hẻo lánh, dân thưa, đất hoang hóa nhiều gấp
ba lần đất trồng trọt. Có người bảo ông: "Thủ trưởng "lật kèo" vì cái
tham vọng quá lớn của ông". Lại có người nói: "Thủ trưởng không dùng ông
là phải thôi. Chẳng ai dại gì dùng kẻ phản trắc".
Lê
Công Chức ngậm đắng nuốt cay, rũ áo ra đi, không từ biệt vợ con. ở
huyện, ông giống như Bàng Thống làm tri huyện trong truyện Tam Quốc suốt
ngày nhậu, ngủ, rồi gãy đàn ghita phím lõm cho vơi bớt nỗi buồn phiền.
Tài năng âm nhạc của ông lộ ra ở thời điểm này. Ông bảo là ông giống như
trung thần bị gian thần hãm hại đày nơi biên ải, sáng tác bài vọng cổ
"Ngọc trung ẩn thạch". Người trong vùng thích ông, khen là nghệ sĩ. Ba
năm qua đi, con người ông sút cân, khô héo. Rồi có người cấp trên thấy
ông, mến ông đưa về làm việc ở một Tổng công ty lớn. Ông lại trở về nghề
văn phòng như hồi còn ở nông trường ngoài Bắc. Nhưng cái văn phòng này
sang trọng và to lớn bề thế hơn trước nhiều. Rút kinh nghiệm lần trước,
lần này ông chăm lo đồng đều cho cả ban giám đốc, không "đầu tư" cho cá
nhân nào.
Ông rót nước cho giám đốc, bật
hộp quẹt mồi thuốc cho các phó giám đốc, các trưởng phòng, lại cũng mời
thuốc, mồi lửa cho các nhân viên. Người ta khen ông đức độ nhã nhặn, có
tính quần chúng cao. Ông tưởng rằng như thế là lên, có ai ngờ, "được
lòng tất cả, tức là chẳng được lòng ai", ông giám đốc khó chịu, nói xa
xôi, bóng gió về ông: "Xem ra có vẻ giả dối...".
Ông
quyết không an phận, không cam chịu làm chánh văn phòng, nên tìm cách
tiến thân bằng con đường khác. Từ hồi ông làm tổ chức, quan niệm bồi
dưỡng cán bộ từ cơ sở, coi cơ sở là nguồn bổ sung cán bộ vững chắc đã ăn
sâu bén rễ trong tâm trí ông.
Có người
gợi ý cho ông về làm trưởng phòng ở một quận trong thành phố. ở đó, ông
có nhiều đồng hương, lắm thuận lợi. Ông chủ tịch quận mến ông ở đức
khiêm tốn, nhiều tài vặt. Dân nông thôn có đánh bạc, chơi số đề cũng là
thứ "bạc vặt", "đề xóm". Người thành phố chơi xổ số, đánh đề, đánh bạc
tính từ "cây" trở lên. Dẫu biết năm ăn năm thua, ông Chức vẫn đánh cửa
"quận".
Ông bền bỉ, nhẫn nại chờ đợi suốt 5
năm trời vẫn không được cất nhắc lên làm phó chủ tịch, cũng bởi quận ấy
ổn định, lên xuống lớp lang, tuần tự như tiến. Thời gian này ông đọc
nhiều chuyện Tàu, rút ra nhiều bài học du thuyết. Khả năng biện luận,
thuyết giáo của ông đã đạt đến mức độ đưa chuyện viễn vông đến gần với
thực tế. Địa bàn quận quá hẹp đối với tài thông kim bác cổ, biện bác
hùng hồn của ông. Một giám đốc Sở mời ông về làm trợ lý đặc biệt chuyên
lo những vấn đề chiến lược lâu dài. Âu cũng là một cơ hội tốt. Ông hăng
hái, tận tâm tận sức chăm lo nhiệm vụ. Nhưng khốn nỗi, vấn đề dự án, kế
hoạch phát triển này nọ không phải là những chuyện có trong sách vở mà
là thực tế làm ăn. Ông chẳng có được một đề án nào hết, sau hơn một năm
nghiên cứu thực tế trong và ngoài nước. Rồi người ta cũng hiểu tài năng
của ông chỉ dừng lại ở điểm "nói rất hay" mà thôi. Thất vọng, giám đốc
Sở nọ để ông ngồi chơi xơi nước suốt hai năm trời. Tuổi về hưu đã gần
đến. Con trai lớn của ông tốt nghiệp đại học, được cử đi tu nghiệp nước
ngoài. Trước khi lên máy bay nó khuyên ông: "Ba còn ham hố quyền lực làm
gì nữa. Không còn có lợi nào cho ba đâu".
Ông
giận lắm nhưng cố nén, chỉ cười: "Trương Nghi còn bị đánh đòn, sống dở
chết dử, còn tao vẫn nguyên vẹn từ lưỡi cho tới gót chân".
Ông
ít có nhu cầu sống trong không khí gia đình. Từ ngày về thành phố, có
rất nhiều điều kiện để đưa vợ con vào, song ông không làm. Ba đứa con
ông, một tay bà vợ nuôi lớn, dạy dỗ nên người. Trách nhiệm của ông chỉ
về thăm nhà mỗi năm một lần, chừng 3 ngày là đủ. Vợ ông cũng vứt bỏ cái
liềm sắc như hàm răng cá sấu từ lâu rồi. Bà chỉ yêu cầu ông gửi tiền về
hàng tháng. Các con ông cũng ít có tình cảm với bố. Thấy ông về chúng
chào "Bố mới về", rồi đi làm việc khác, như khách lạ đến thăm. Ông cũng chẳng
thấy vậy mà buồn. Lại còn vui, bảo: "Tốt, bọn mày sớm biết tự lập".
Cay
cú với chuyện thành danh không đạt, ông quyết tâm đánh ván bài cơ sở
lần nữa. Lần này ông trở về điểm xuất phát đầu tiên, làm trưởng phòng ở
một Sở khác. Ông ra sức làm việc, tận tụy mọi cơ hội để ra mắt lãnh đạo
thành phố và trung ương. Có nhiều vị cấp trên cảm tình với ông. Niềm hy
vọng cứ đeo đẳng ông. Cho tới một ngày, ông trưởng phòng tổ chức Sở nói
nhỏ cho ông biết chỉ còn hai năm nữa là ông đến tuổi về hưu...
Ông
Chức tỉnh ra, đờ đẫn. Ông uống bia, uống rượu nhiều hơn trước. Khi xỉn
ông hát và đàn rất hay. Một bà văn thư góa chồng phải lòng ông, đem ông
về nhà chăm sóc khi ông xỉn...
Vậy là, cái
tội mà ông cố tránh lúc trai trẻ, đến gần cuối đời lại mắc phải. Ông ăn
ở với bà góa nọ như vợ chồng, bị con gái bà đập guốc vào mặt, bị cả cơ
quan phê bình. Cũng may là thời buổi thị trường lắm cà phê, bia ôm, nhà
trọ khách sạn, lại cũng thoáng về tâm lý đàn ông đàn bà nên hai người
vẫn có đất dung thân.
Người ta bảo 30
không khốn bằng 40. Bà góa ở tuổi 42, vứt hết quần áo cũ thay bằng váy
áo mới, lúc rộng lúc hẹp, lúc cao lúc thấp, khi rộng cổ, lúc xẻ tà... ăn
ít đi, nhớ chuyện tuổi 20 nhiều hơn, lúc nào cũng nôn nóng, bồn chồn,
thỉnh thoảng cười một mình, nói thầm gì đó, rồi lại cáu kỉnh giận dỗi.
Người ta bảo ấy là tuổi "dậm dật tay chân". Ông Chức gần 60, tuy sức
khỏe còn tốt nhưng không thể đáp ứng những nhu cầu "lúc dữ dội như bão
táp, khi lãng đãng như mây trời mùa thu, lúc hừng hực khí thế xung trận,
khi sâu lắng suy tư..." của bà.
Sau
một năm "già nhân ngãi, non vợ chồng", bà góa nhẹ nhàng đẩy ông Chức ra
khỏi nhà, bảo: "Ông đi đi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi...".
Ông Chức buồn lắm. Lại cười khan!
Con gái ông từ ngoài quê vô, hỏi: "Đám cưới con, bố có về không?"
Ông Chức lưỡng lự:
- Có thể về, có thể không.
Nhưng ông vẫn về vì ngay ngày hôm đó, ông có quyết định nghỉ hưu.
Vợ ông hỏi:
- Nghỉ hưu ra ngoài này ở chứ.
Ông cười nói:
- Tôi vẫn còn nhiều việc phải làm.
Vợ ông lạnh nhạt:
- Tùy ông thôi, nhưng vẫn phải gửi tiền về cho tôi. Mỗi tháng 500 ngàn.
Ông
Chức trở lại thành phố, sang lại căn phòng ở chung cư này làm nơi ở.
Ông sống bằng nghề vẽ bảng hiệu, quảng cáo và thổi kèn đám ma, đánh đàn
đám cưới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét