NƯỚC, NƯỚC...
Đầu năm 1994, con mèo hoang ngày trước do Ba Tỷ
nuôi đột nhiên bỏ nhà đi. Cũng ngày hôm đó, máy bơm nước của chung cư bị
cháy môtơ. Những hộ ở tầng 1, tầng 2 không bị ảnh hưởng gì. Chung cư ở
gần tháp nước nên nước vẫn có thể lên tới tầng 2, tuy hơi yếu. Dân từ
tầng 3 trở lên nhốn nháo, kêu than. Ông thường trực cười hì hì, bảo:
"Tôi không ngạc nhiên về chuyện nó cháy, chỉ ngạc nhiên sao nó lại chịu
đựng lâu đến thế". Ông nhắc lại lời cảnh báo 3 tháng trước về chuyện cái
máy bơm "sức cùng lực kiệt rồi", với ban quản lý chung cư. Ban quản lý
cũng báo cáo với cơ quan chủ quản là cơ quan S. Chánh văn phòng cơ quan S
tức giận, nói: "Cái ấy đâu còn là của cơ quan nữa. Người tứ xứ đổ về,
chiếm một nửa chung cư. Chúng tôi sẽ gửi công văn giao cho Sở nhà đất
quản lý".
Nên
máy bơm nước bị hư, Ban quản lý không biết kêu ai, dán giấy yết thị ở
nhà giữ xe tầng trệt, rằng: "Mọi gia đình tự lo chuyện nước. Ban quản lý
không có trách nhiệm". Máy bơm nước hỏng buổi sáng, buổi chiều chung cư
giống như phiên chợ phố Huyện ngày mưa dầm. Ở cầu thang, người ta lên
xuống, chen chúc. Không biết từ đâu, các loại can nhựa, thùng sắt được
ào ạt tuôn ra. Người gánh, kẻ cõng, người xách, kẻ vác, mồ hôi cùng nước
chảy ròng ròng. Cầu thang ướt sũng, lênh láng nước chảy. Lẫn với bùn
đất và rác rưởi từ các nhà tuồn ra, lối đi cầu thang bẩn thỉu, nhếch
nhác. Người ta cười đùa, châm chọc nhau, cằn nhằn than thở, cũng có
người chửi cái máy bơm, mắng Ban quản lý chung cư là vô trách nhiệm. Một
vài nhà cũng giống như con mèo của Ba Tỷ, vội vã tản cư đi nơi khác.
Cư
dân tầng 1 và 2 tuy không nói ra, nhưng nhìn nét mặt cũng biết họ hả
lòng hả dạ như thế nào. Nói họ không có lương tâm, sung sướng trước nỗi
khổ của người khác là không đúng. Chẳng qua là vì đã bao năm nay họ phải
cắn răng chịu đựng sự thua thiệt của tầng dưới. Người tầng trên quét
nhà hất rác qua ban công xuống đầu họ. Thậm chí họ phải hứng chịu đủ thứ
uế tạp như nước rửa chuồng gà, phân gà, vỏ chuối, vỏ dưa... và cả cứt
trẻ con nữa. Bây giờ thấy kiếp ở tầng trên nai lưng ra gánh nước, họ hả
dạ mát lòng cũng là phải. Được cái này, phải mất cái khác chứ.
Chỉ
có bọn trẻ con là sung sướng ra mặt. Có mất nước mới biết hết mặt trẻ
con chung cư. Chúng được huy động tối đa trong việc tắm rửa ở dưới đất
và mang nước lên nhà. Quả là ngày hội của chúng. Chúng được dịp nô giỡn
thoải mái trên đường đi lấy nước. Đứa lớn can lớn, đứa nhỏ can nhỏ, bồng
bế, mang vác thi nhau chạy lên, lại thi nhau chạy xuống, té ngã oành
oạch, cười nói hỉ hả.
Nhưng đấy chỉ là ba
ngày đầu. Đến ngày thứ 4 của tình trạng "ngày lo làm, đêm lo chuyện
nước" thì không ai vui vẻ được nữa. Người tầng 1, tầng 2 cưu mang cho
dân tầng 3 tầng 4, kéo nước bằng ròng rọc qua đầu họ. Trẻ con cũng mệt
nhọc lắm rồi. Chúng lên, xuống uể oải, liên tục nghỉ và chẳng thích đùa
giỡn nữa...
Lê Trạng, một cán bộ tài vụ
của cơ quan S (cơ quan chủ quản của chung cư), với dáng vẻ bệ vệ, bụng
to tai lớn, mặt mũi hồng hào bóng loáng vì nhậu bia, được gọi là "Quan
Trạng" là tổ trưởng tổ dân phố kiêm chức Trưởng Ban quản lý mãn tính
(ông giữ chức này từ năm 25 tuổi nay đã 40), bàn với các "tầng trưởng"
(do ông chỉ định) tổ chức họp tổ dân phố để bàn chuyện sửa máy bơm.
Các
hộ thấy phải, thống nhất góp tiền nhờ thợ đến sửa. Máy chạy, được hai
ngày, lại hỏng. Người ta chất vấn "Quan Trạng". Trạng tra hỏi thợ. Thợ
bảo: "Máy của các ông có từ thời Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, 30 năm rồi, hết
đát rồi, sửa chỗ này, hỏng chỗ khác, sửa thế chó nào được nữa".
Anh
Minh bảo: "Thợ nó nói đúng! Cái đồ đồng nát ấy cho tôi, tôi kêu công an
bắt". Đến như trùm sò Minh đã chê, cái máy thật không còn miligam giá
trị nào hết.
"Quan Trạng" bàn mua máy bơm
mới. Có hộ tán thành. Có hộ ngảng ra, bảo: "Tiền bỏ ra mua thứ cha
chung không ai giữ, rồi lại hư hỏng, lại sửa, lại mua. Không chơi!"
Ông
Trần Đồng, thường gọi là ông "Đồng bóng", một nhân viên tiếp thị, biết
tiếng Hoa ở kế bên nhà "Quan Trạng" lừ lừ thả dây điện, ống nước xuống,
gắn vào chiếc máy bơm xách tay của Trung Quốc, bơm nước lên nhà. Mọi
người xúm lại hỏi giá tiền, nơi bán.
Ngay
lập tức, người ta lũ lượt kéo nhau ra khu chợ Dân Sinh mua máy bơm. Cũng
chẳng hiểu sao, mới cách vài tiếng đồng hồ, các cửa hàng bán máy bơm
nước nhỏ đồng loạt lên giá, từ hai trăm ngàn lên 250000 đồng.
Minh
nghi ngờ chuyện lên giá này có bàn tay tiếp thị của "Đồng bóng". "Quan
Trạng" cũng nghĩ vậy, bóng gió bảo: "Đánh đĩ mười phương cũng phải để
một phương lấy chồng chứ. Ăn trên đầu người cùng xóm là ăn bẩn".
Đồng
bóng nghe thấy, chửi đổng: "Đồ nhà quê, chẳng biết gì về kinh tế thị
trường cả, ông không thèm chấp". Mâu thuẫn nẩy sinh giữa "Quan Trạng" và
"Đồng bóng" có từ đấy. Trong số các hộ ở chung cư, Đồng bóng nhiều con
nhất. Có tới 5 đứa sàn sàn như nhau, năm một hoặc "ba năm đôi". Vợ "Đồng
bóng" trước bán hàng ở Cửa hàng thương nghiệp Quận, do mạng lưới bán lẻ
quốc doanh bị hẹp lại, cửa hàng bị giải thể, nên nghỉ theo chế độ, ra
dân, chạy thị. Người đàn bà mắn đẻ này, lúc nào cũng phây phây, má đỏ
ửng, cười tít mắt, hồn nhiên bảo: "Người cho đẻ cứ đẻ, đẻ một lèo cho
đã". "Đồng bóng" tính nết thất thường; lúc thì tính toán ranh ma, căn cơ
từ thìa nước mắm; khi thì "bốc rời" ném tiền qua cửa sổ vì những trò
mua danh, và anh chàng này mê vợ cũng hết sức đồng bóng. Thỉnh thoảng
người ta thấy anh ta đánh vợ vì tội "lẳng lơ cười tít mắt", sau đó lại
khóc lóc xin lỗi, sụt sùi ca cải lương thể hiện niềm ân hận khôn nguôi.
Nhưng đó không phải là những lý do để người ta gọi anh là "Đồng bóng".
Sự thật thì anh có nghề giả gái lên đồng hầu bóng thật. Những năm trước,
đời sống còn nhiều khó khăn, vợ đẻ đứa thứ hai, lương nhân viên văn
phòng chẳng là bao, Đồng bóng phải ra sức sục sạo tìm việc làm thêm. Từ
việc chạy xích lô đêm, "Đồng bóng" quen biết một ông "thầy pháp" nổi
tiếng vì tài bắt ma, trừ tà và theo lời đồn đại ông ta có quan hệ thân
tình với thế giới âm phủ, gọi Diệm Vương bằng chú, gọi Tề Thiên Đại
Thánh là anh hai, gọi Đức Bồ Tát bằng Bá mẫu...
Thấy
Đồng bóng có cầm chẻ, môi chẻ và giọng nói eo éo, giống đàn bà, lại
thương cảnh vất vả cơ hàn, thầy bèn thu dụng làm đệ tử. "Thầy" cho "Đồng
bóng" mượn chiếc xe Honda, tối tối chở thầy đi làm ăn. Hồi ấy người ta
đi vượt biên khá nhiều nên dịch vụ làm ăn phát đạt nhất là việc cung cấp
thông tin về vượt biên. Những gia đình có người đi vượt biên bồn chồn
lo lắng không yên, phải tìm đến thế giới thần linh để dò hỏi tin tức.
Tùy từng trường hợp, Đồng bóng đóng giả làm "Đồng cô" hoặc nhập vai
"Đồng cậu" để "giao lưu" với thế giới âm phủ hoặc đóng vai công chúa
Thủy tề báo cho thân nhân các gia đình vượt biên biết người thân của họ
tuy có gặp phong ba bão táp song bình an vô sự. Thầy trò "Đồng bóng" thừa
hiểu chuyện ăn tiền của thiên hạ bằng trò lừa gạt này chẳng hề đơn giản
chút nào. Phải "cao tay ấn" mới "ăn" được. Dĩ nhiên, để có điều đó,
phải thông hiểu tình hình thời tiết biển, địa lý thế giới và cả tâm lý
khách hàng nữa. Người ta lén lút đến gặp "thầy" chỉ để củng cố thêm niềm
tin, nuôi hy vọng về sự an toàn của thân nhân họ và rất sợ chạm
trán với công an. Thầy trò "Đồng bóng" biết rõ điều đó nên "Đồng" nhập
vai rất chậm. Khách hàng sốt ruột nơm nớp lo sợ khi thời gian cứ vùn vụt
trôi qua mà "Đồng" vẫn cứ lắc lư lảo đảo trên mặt biển, tìm chưa ra
"công chúa thủy tề". Đợi đến khi khách hàng sốt ruột chịu hết nổi, "Đồng
bóng" mới thôi đảo, dõng dạt thông báo: "Ta đang bận công chuyện, có
việc gì vậy, nói mau?"
"Đồng bóng" hỏi rất
kỹ việc vượt biên từ đâu, ngày nào, lúc mấy giờ, đi bằng tàu gì, bao
nhiêu người, về hướng nào... sau đó mới phán rằng: "Ta đã gặp họ ở kinh
độ... vĩ độ... họ đã gặp bão (hoặc cướp biển)... Ta đã sai cá voi cản
gió bão (cá mập chặn bọn cướp) và họ đã an toàn..."
Nếu
khách hàng còn tò mò hỏi nhiều hơn nữa, "Đồng bóng" bảo "Ta chỉ biết sự
việc xảy ra" ở trong vương quốc của ta, còn ở nơi khác ta không thể
biết. Hoặc để đuổi khéo khách hàng, Đồng bóng đổi giọng nam, nói: "Tôi
là tướng cá voi, xin thông báo cho công chúa biết đã đến giờ hồi cung.
Vả lại, tôi thấy ở ngoài hẻm có mấy ông công an đang đi tới".
Coi như là một tuyệt chiêu, không một khách hàng nào dám tò mò hỏi nhiều nữa.
Thầy
trò "Đồng bóng" kiếm ăn ở dịch vụ này được hơn một năm thì "bể mánh".
Thầy bị đưa ra tổ dân phố kiểm điểm, làm giấy cam kết không hành nghề mê
tín dị đoan lừa gạt thiên hạ nữa. "Đồng bóng" thoát nạn vì được "thầy"
che chở, bảo là người quen đến thăm đàm đạo về tử vi, phong thủy. "Đồng
bóng" giã từ "thầy pháp" với niềm tiếc nuối và cảm động như một đệ tử
trung thành. Ngoài chuyện tiền bạc thu khá, anh ta còn học hỏi được ở
ông thầy rất nhiều điều cho việc làm ăn như biết được tâm lý khách hàng ở
từng giới khác nhau, những nhu cầu thị hiếu, sự biến đổi thói quen
v.v... Nhưng cái được cụ thể nhất do sư phụ truyền lại cho anh ta là
những hiểu biết khá sâu về tử vi, phong thủy, kinh dịch và tiếng Hoa.
Thực ra, "Thầy pháp" không phải là người dạy anh ta chữ Tàu. Vì mê tử vi,
kinh dịch và phong thủy, "Đồng bóng" bỏ ra ba năm trời theo học chữ Hoa ở
một hiệu thuốc Bắc trong Chợ Lớn!
Thật
không ngờ, vốn kiến thức ấy, Đồng bóng có dịp sử dụng ngay. Một công ty
Hồng Kông, thuê anh ta làm nhân viên tiếp thị với mức lương 300
đôla/tháng. "Đồng bóng" có dịp chứng tỏ năng lực tiếp thị và chào hàng
của mình, được chủ tín nhiệm. Ngoài ra, anh ta còn có thêm việc làm thu
nhập tương đối khá, ấy là nghề coi "phong thủy" (khi động thổ xây dựng
hoặc trang trí nội thất) và xem tử vi, tướng mạo giúp các ông chủ chọn
lựa nhân viên. Một số nhà kinh doanh ở Hồng Kông, Đài Loan rất coi trọng
"phong thủy" và "tử vi tướng số" và điều đó sớm lan sang giới làm ăn
người Việt gốc Hoa ở trong nước.
Gần một
năm nay, "Đồng bóng" làm việc bận rộn, suốt ngày đêm. Anh ta sớm có máy
nhắn tin, cũng sớm có điện thoại cầm tay. Đời sống ngày càng sung túc.
Đám con của anh ta có máy vi tính để giải trí. Vợ "Đồng bóng" có sạp
riêng ở chợ. Nghe nói, họ đã mua nhà riêng, mặt tiền hẳn hoi nhưng chưa dọn
đến ở, để người nước ngoài thuê, mỗi tháng kiếm vài trăm đô.
"Đồng
bóng" giàu nhưng vẫn tiếc số tiền 120 ngàn mỗi tháng đóng tiền điện.
Thế là "Đồng bóng" giở trò ma giáo, lấy cắp điện. Nhà anh ta ở sát cầu
dao điện của cả tầng 4, có hai mối điện hở. Chẳng mất nhiều công sức,
anh ta lấy điện từ cầu dao, đưa vào nhà mình không qua đồng hồ điện. Dĩ
nhiên, để bảo đảm an toàn, mỗi tháng anh ta chỉ lấp cắp chừng 80 KW, còn
lại để cho đồng hồ gánh 80 KW và anh ta chỉ phải đóng từ 40 đến 60
ngàn. Không hiểu sao trò gian xảo lấy cắp điện của anh ta bị nhân viên
điện lực phát hiện, bắt quả tang hiện trường. Đồng bóng trốn, để hậu quả
cho vợ giải quyết. Vợ "Đồng bóng" than vãn sụt sùi vì cảnh đông con,
nhà nghèo nên "mượn" đỡ điện của nhà nước chứ không hề có ý "lấy cắp".
Nhân viên nhà điện bị chị ta cảm hóa, tỏ vẻ cảm thông, phạt 500 ngàn...
"Đồng
bóng" nghi "Quan Trạng" tố giác việc lấy cắp điện sai con ném rác và
phân mèo sang hành lang nhà Trạng. Thỉnh thoảng, vợ "Đồng bóng" lại chửi
với sang: "Đồ khốn nạn ghen ăn, tức ở. Đồ phản bội, từng ăn cắp như
nhau chứ sạch sẽ thanh cao gì?". Sự thật thì, khi nhà Trạng chưa có đồng
hồ điện, "Đồng bóng" có tương trợ điện lấy cắp sang. Khi có đồng hồ
rồi, Trạng vẫn cứ xài điện lấy cắp, sau đó thấy sợ, thôi không nhận nữa.
Vợ Trạng cùng buôn bán với vợ "Đồng bóng", thỉnh thoảng cạnh khóe rằng:
"Giàu nhờ gian dối, ăn cấp ấy mà".
Vợ
chồng "Quan Trạng" đã thề sống thề chết không báo việc lấy cắp điện của
"Đồng bóng", nhưng vợ chồng "Đồng bóng" không tin, tiếp tục ném cứt, xả
rác sang nhà Trạng. Vợ Trạng giận điên lên nắm tóc vợ "Đồng bóng" đánh
ngay ở cầu thang. Hai người đàn bà kẻ chợ đánh lộn thật khủng khiếp.
Chuyện xảy ra vào lúc 4 giờ chiều, "Quan Trạng" và "Đồng bóng" chưa về.
Cũng nhờ cái còi của ông pháo binh về hưu và sự giúp sức của chị Chín
Rơm nên trận kịch chiến trên không kéo dài, không gây hậu quả, thương
tích nghiêm trọng. Hình như họ vẫn còn biết kiềm chế, không cào mặt và
xé quần áo của nhau. Công an đường phố đến ngay sau đó, bắt "Quan Trạng"
và "Đồng bóng" phải làm cam kết không để sự kiện tương tự diễn ra
nữa...
Hai người đàn ông không đánh nhau
nhưng ngay ngày hôm sau một bức tường được dựng lên chia đôi lối đi hai
nhà ra tận cầu thang chính.
Cũng do bức
tường này, tình trạng lũ lụt thường xảy ra ở chung cư. Do bức tường chắn
lối, nên hầu hết các ống dẫn nước lên các tầng lầu phải xếp lớp bò qua
lối đi, chịu sự dẫm đạp vô ý hoặc cố ý và là nơi để bọn chuột đùa giỡn,
thử răng...
Không ngày nào ở các tầng
không có cảnh bể hoặc xì ống nước. Sự nghi ngờ, đối phó nhau lần lần lan
rộng. Một ngày kia cô Đoan Trang tự dưng ghét chị Lệ Hồng. Cô Đoàn
Trang rất hay hát, thích hát, thường xuyên có mặt trong các cuộc hội
diễn văn nghệ cơ quan và cam chắc rằng giọng ca của mình "có sức truyền
cảm mạnh mẽ" như báo chí thường khen các ca sĩ tài danh. Một bữa ăn sáng
ở lề đường dưới nhà, cô Đoan Trang tỉ tê tâm sự với chị Lệ Tuyết về
giọng ca của mình, liếc xéo chị Lệ Hồng ăn ở bàn bên, nói trỏng: "Tại
tui không muốn thôi, chứ nhiều nơi mời tôi hát chuyên nghiệp lắm! Tôi mà
hát là đứng đắn nghiêm túc chứ không như những thứ "dỏm" hát thì ít,
lắc mông thì nhiều".
Chị Lệ Hồng ngạc
nhiên vì lời nói xỏ xiên của cô Đoan Trang. Chị không hiểu sao cô Đoan
Trang lại "chơi ác" với mình. Chị nghi "mẹ già cưa sừng làm nghé" Lệ
Tuyết bơm to cái chuyện ông chồng già của cô Đoan Trang "boa" cho chị 50
ngàn vì bài "Thiên Thai" do chị hát. Bữa ấy, nhà hàng có đám thực khách
của ông chồng cô Đoan Trang say xỉn, nghe xong bài Thiên Thai, nhảy bổ
lại, nắm tay chị Lệ Hồng, sụt sùi bảo: "Cô làm tôi nhớ lại mối tình đầu
thơ mộng của tôi". Ông ta nắm tay Lệ Hồng, ra sức ấn số tiền "boa". Lệ
Hồng không chịu, hai người giằng co nhau. Lệ Tuyết phải ra tay can
thiệp, uốn éo nói: "Có đáng là bao, chị nhận cho ông ấy vui...". Lệ Hồng
buồn lắm. Chuyện khách "boa" cho ca sĩ là phổ biến, chẳng có gì phải e
ngại và chị đã tiếp nhận tất cả. Song, ông khách này lại là hàng xóm của
mình, đi ra đi vô gặp mặt nhau, nhận tiền "boa" kỳ lắm. Cực chẳng đã,
chị phải nhận, định bụng bữa nào thuận tiện sẽ trả lại ông ta.
Nỗi
nghi hoặc khiến Lệ Hồng không biết phải nói sao, nuốt cho nhanh, rồi
đi. Chị buồn lắm... Thực ra, chuyện "boa" cho Lệ Hồng, ông chồng đã khai
ngay lập tức cho vợ. Cô Đoan Trang chẳng hề giận về chuyện đó. Cô ghét
Lệ Hồng là vì anh Bùi Chương một nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ "bất đắc dĩ",
người yêu cũ của cô ra sức khen ngợi giọng ca của Lệ Hồng ngay trước
mặt cô.
Bởi vậy, khi ống nước nhà cô Đoan
Trang bị bể, nước trào lênh láng, thiên hạ réo chửi, cô Đoan Trang đổ
việc lên đầu chị Lệ Hồng. Hai người cãi nhau om sòm, lôi cả chuyện "nhà
hàng" ra. Ông chồng cô Đoan Trang phải tát vào mặt vợ và lôi tuốt lên
nhà.
Sau vụ cãi nhau đó, chị Lệ Hồng càng
buồn hơn. Chị nói với đứa con gái: "Đời ca sĩ khổ lắm con ạ. Sau này
đừng theo nghiệp mẹ...".
Nhưng cô bé 10
tuổi lại ngang ngạnh cãi lại mẹ: "Chỉ có mẹ là khổ thôi chứ nhiều ca sĩ
khác sống như công chúa, hoàng hậu, giàu sang hết chỗ nói, báo chí ngợi
ca liên miên".
Rồi con bé sửa lại chiếc váy đầm, nghoẹo cổ làm duyên, lắc lư hát: "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn...".
Lệ
Hồng kinh hãi nhìn con. Cơn giận trào lên khiến chị không còn bình tĩnh
được nữa. Lần đầu tiên trong đời chị đánh con. Một cái tát ngoài ý
muốn.
- Câm ngay, ai dạy mày bài hát ấy...
Con bé không khóc, ngạc nhiên hỏi:
- Sao mẹ lại đánh con. Bài ca ấy mẹ vẫn ca ở nhà hàng mà. Con hát theo mẹ không được sao...
"Trời
hỡi là Trời" Lệ Hồng nấc nghẹn, ôm mặt khóc nức nở. Con bé an ủi mẹ: "Mẹ
ơi, mẹ còn có con. Sau này con sẽ là ca sĩ giàu, mẹ khỏi đi hát nữa.
Con nuôi mẹ mà".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét