NGƯỜI LẠ...
Cuối cùng thì người đàn bà ấy cũng khóc. Chỉ là
hai vệt nước ứa ra và đọng lại ở cánh mũi, giống như hai giọt sương
buổi sớm. Nó làm cho những đường nét màu sắc đanh lẳn khô cằn trên khuôn
mặt mờ đi. Như đồi trọc trong sớm xuân mờ mờ sương phủ.
Người
đàn bà ấy dùng ngón tay trái lau đi hai vệt nước mắt. Ông thường trực
giấu đi niềm xúc động, cúi xuống vờ tìm chiếc thẻ xe nào đó, cao giọng
nói như gắt gỏng: "Về nhà lo làm ăn nuôi con tử tế, đừng đi theo đường
cũ, nghe chưa". Chị ta cười héo hắt: "Không biết thế nào, nhưng con xin
ráng sức giữ mình".
Cư dân trong chung cư
tiễn chị ta ra đi, thân ái, chân tình. Ai cũng dặn: - "Đừng làm chuyện
bậy nữa". Bà Tư Rêu cho hai đứa nhỏ 10 ngàn đồng và một gói kẹo me. Ba
Tỷ dùng xe taxi của mình đưa mẹ con chị ta ra ga Sài Gòn. Ba tháng
trước, cũng chính Ba Tỷ đưa ba mẹ con nhà này về chung cư lúc nửa đêm.
Ba Tỷ kể:
- Tôi chạy xe tà tà tìm khách.
Trong mưa, tôi thấy hai đứa trẻ vật vã la khóc bên người đàn bà. Dừng xe
lại, tôi đưa ba mẹ con vô hiên trú mưa, thấy đứa bé gái bị sốt, thằng
bé trai bị rách mặt, máu chảy tèm lem, còn chị ta cũng bị đâm chém gì
đó, người bê bết máu. Tôi không còn lòng dạ để hỏi han xem sự thể ra
sao, đưa ngay ba mẹ con đến bệnh viện cấp cứu. Ở đó, người ta băng bó
cho hai mẹ con, cho một bộ quần áo bảo: "Thương tích nhẹ thôi, bị mất
máu nhiều nên xỉu, không sao đâu, về đi!". Tôi giận dữ nói: "Người như
thế này mà bảo không sao à? Đợi đến khi người ta chết rồi mới cứu hả?".
Người ta gắt: "Người như thế này, ở đây chỉ có thể làm được như thế. Bảo
chị ta đừng đánh lộn nữa. Lần sao không có chuyện cấp cứu đâu". Chị ta
bảo để mẹ con chị ta ở cửa chợ Bến Thành. Tôi thấy mưa gió mịt mờ, trời
đất lạnh lẽo, để ba mẹ con bên vỉa hè trong tình trạng sống dở chết dở
như vầy là có tội, nên tôi đưa về đây...
Ông
Thường trực bảo: "Thế là phải". Ba Tỷ đưa ba mẹ con nhà nọ lên phòng của
mình, gọi chị Chín Rơm sang chăm sóc giùm. Chị Chín Rơm không biết chăm
sóc người đau ốm thế nào, chạy lên nhờ chị Đức Hạnh xuống giúp. Chị Đức
Hạnh là kỹ sư Hóa, biết ít nhiều về thuốc men và cũng biết chút ít về
bệnh tật.
Chị Đức Hạnh bảo:
- Bà mẹ và thằng con lớn tạm ổn, nguy hiểm nhất là con bé. Nó sốt cao quá, phải hạ nhiệt nhanh kẻo làm kinh.
Chị
Đức Hạnh giao cho Ba Tỷ lo chuyện nấu cháo trứng, chị Chín Rơm lấy nước
đá và mấy miếng chanh. Con bé được uống thuốc giảm nhiệt, được chườm
nước lạnh và những lát chanh chà xát sống lưng, nên bớt nóng dần dần.
Cho đến lúc 1 giờ sáng thì ba mẹ con được ăn cháo và ngủ yên... Nhưng,
đến mờ sáng, con bé lại sốt cao trở lại. Người đàn bà lạ mặt định ôm con
chạy đi. Ba Tỷ phải vất vả lắm mới giữ được chị ta. Lại gọi chị Đức
Hạnh xuống. Chị Đức Hạnh sờ trán con nhỏ, kêu to:
- Nguy rồi, phải đưa đến bệnh viện nhi đồng gấp.
Ba
Tỷ lại dùng xe taxi của mình đưa chị Đức Hạnh cùng con bé đến bệnh
viện. Ở đó, người ta bảo nếu con bé đến trễ chừng nửa tiếng thì vô
phương cứu chữa. Nó bị sốt xuất huyết, bị viêm phổi nặng. Con nhỏ nằm
bệnh viện suốt một tuần, mọi chi phí thuốc men ăn uống do Ba Tỷ và chị
Đức Hạnh lo. Ba mẹ con nhà ấy không có một xu dính túi, không có gì hết
ngoài bộ quần áo mặc trên người, cũng không có một mẩu giấy tờ tùy thân.
Theo lời chị ta kể và mọi người đều tin...
Người
đàn bà ấy tên là Thơm, gốc quê ở Quảng Ngãi. Sinh ra và lớn lên bên
cạnh ga tàu hỏa, trong hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, cô bé Thơm phải
nghỉ học sớm, chạy chợ, nhảy tàu buôn bán giúp mẹ nuôi các anh ăn học.
Người ta bảo giàu con út, khó con út. Thơm thuộc diện khó. Năm 18 tuổi
lấy chồng. Tưởng về làm dâu nhà thợ may thì cuộc sống nhàn hạ hơn, ai
ngờ tiệm may ế ẩm, suốt cả tháng mới có một hai người khách đến may quần
áo trẻ con. Ông chồng thợ may vốn đã yếu ớt, buồn chán vì cảnh thất
nghiệp, sinh ra tật nhậu ruợu, say xỉn tối ngày, trông càng thảm hại, cứ
như tàu lá chuối non bị héo... Rồi tiệm may đóng cửa, máy may, đồ đạc
có giá lần lượt đội nón ra đi. Út Thơm lại phải quang gánh ra ga.
Người
bán hàng ăn thì đông, tàu liên vận Bắc Nam, hồi ấy mỗi ngày chỉ có hai
chuyến ngược xuôi nên có ráng hết sức, số tiền lời cũng chỉ đủ nuôi sống
hai miệng ăn. Mẹ chồng kêu khổ. Bố chồng than chán. Còn anh chồng suốt
ngày lè nhè: "Uống tiếp đi, uống chết bỏ..."
Ở ga, út Thơm nghe người ta nói ở sâu trên vùng Thượng có trầm. Giá trầm
đắt như vàng. Chỉ cần kiếm được một ký trầm là giàu to. Chính mắt út
Thơm nhìn thấy người ta bán trầm. Chỉ có một khúc gỗ nhỏ, đổi lại cả một
gói tiền lớn. Một đồn hai, hai đồn bốn, tin vùng Thượng, ở dãy núi Con Voi có trầm lan nhanh như lửa cháy. Cánh đàn ông lũ lượt bòng bị, kéo
nhau đi tìm trầm. Út Thơm sốt ruột giục chồng đi theo người ta. Anh
chồng vốn ăn trắng mặc trơn từ nhỏ, không quen lao động vất vả, nói
sẵng: "Thà chết đói ở nhà còn hơn chui vào chốn ma thiêng, nước độc". Út
Thơm ái ngại, không dám nói thêm nữa. Với thân xác ấy, anh ta chết ngay
khi đến cửa rừng chứ đừng nói chuyện tìm trầm.
Người
ta bảo con gái 17 bẻ gãy sừng trâu, con gái hai mươi đánh voi, đánh hổ.
Năm ấy, út Thơm tràn trề sinh lực, lại khát khao thay đổi nhanh hoàn
cảnh nghèo khó, nên quyết chí khăn gói theo cánh đàn ông cùng xóm băng
rừng, vượt núi tìm trầm. Nửa tháng trời lăn lóc chốn rừng hoang núi thẳm
chẳng tìm thấy miếng trầm nào, cả bọn lại gặp phải bọn cướp trầm từ đâu
đó tràn tới. Sau khi khám xét tỉ mỉ từng người, thấy không có trầm, bọn
chúng thả cho đi, riêng út Thơm bị chúng giữ lại. Biết bọn cướp muốn gì
ở mình, út Thơm quỳ xuống khóc lóc xin tha. Bọn cướp cười khả ố, bảo: "ở
chơi vài đêm, rồi về, có mất mát gì đâu, lại được sướng". Bốn gã đàn
ông đi cùng út Thơm hèn nhát, lén lút bỏ đi. Út Thơm hãi quá kêu cứu,
lạy van xin họ ở lại. Họ cũng không quay đầu nhìn lại. Đến nước liều, út
Thơm mạnh như cọp đói, cô nhào tới đánh lộn tụi cướp, mở đường máu chạy
trốn. Bọn cướp bị tấn công bất ngờ, đánh nhau ở thế bị động. Út Thơm
trốn thoát. Út Thơm bị lạc rừng ba ngày, ba đêm loay hoay tìm lối, may
còn có vắt cơm đeo sau thắt lưng...
Bốn gã
hàng xóm đi tìm trầm thân tàn ma dại trở về, báo cho nhà chồng út Thơm
biết tin cô bị bọn cướp bắt giữ. Bọn họ còn nói: "Bị năm thằng lực lưỡng
như khỉ đột hiếp thì còn gì là đời". Người chồng yếu ớt bệnh tật của út
Thơm tức ói máu, ngất xỉu...
Khi Thơm về,
chồng khua gậy đuổi đi. Út Thơm khóc lóc, trần tình phân bua suốt đêm,
chồng vẫn không tin, nhất mực bảo: "Mỡ đến miệng mèo, thoát sao được,
đừng nói nữa!". Út Thơm lột quần áo, rít lên: "Anh phải xem, tôi đâu có
bị hiếp". Chồng vẫn không tin, bảo: "Làm sao biết được, cái thứ ấy như
ao bèo tấm, xô ra rồi lại tự vào...". Út Thơm giận lắm, tát chồng, mắng:
"Đồ khốn nạn, vô tích sự". Sáng hôm sau, cô tìm đến nhà bốn người cùng
đi tìm trầm, đánh lộn với từng người. Trong buổi sáng, đánh bốn người
xong, trở về nhà mẹ đẻ. Bốn gã đàn ông bị Thơm đánh, thương tích khá
nặng, kiện lên chính quyền xã. Thơm không phải tù, chỉ phải bồi thường
tiền thuốc men và bồi dưỡng cho bốn người. Nhà chồng phủi tay, bảo không
có trách nhiệm. Mẹ thương út Thơm, bán hai chỉ vàng trả nợ cho người
ta. Út Thơm ly dị chồng, vay vốn, theo người ta buôn chuyến. Cô buôn
đường cát, sợi thuốc lá từ Quảng Ngãi vô Sài Gòn, lấy hàng nhựa gia dụng
từ Sài Gòn ra. Được ba tháng, Thơm quen biết một anh nhân viên phục vụ
trên tàu. Hai người thân thiết với nhau, già nhân ngãi, non vợ chồng.
Cuối năm đó, họ làm đám cưới, khi Thơm đã có thai ba tháng. Thơm vẫn ở
nhà mẹ đẻ, không "chạy" tàu nữa, buôn bán lặt vặt ở ga.
Tháng
2 năm 1982, Thơm sinh con trai, đặt tên là Vui, hy vọng cuộc sống từ
đây vui vẻ. Nhưng chỉ một năm sau, bất hạnh lại đổ xuống đầu út Thơm.
Chồng Thơm mới mua được chiếc xe Honda, kéo bạn bè đi nhậu, gọi là lễ
rửa xe. Nhậu xỉn, cao hứng, anh ta phóng xe như bay trên đường lộ. Tai
nạn đã xảy ra. Anh bị chết ngay, không lời trối trăn.
25
tuổi, hai đời chồng, Thơm đau khổ đến khờ dại suốt mấy tháng trời. Kẻ
xấu miệng bảo Thơm có số sát phu. Mẹ Thơm đau buồn ngã bệnh, ốm liệt
giường. Các anh trai kéo về nhà, dội nước lạnh lên người Thơm, hét:
- Mày có tỉnh ra không, lo làm ăn đi chứ...
Thơm
tỉnh lại đột ngột. Cứ như bị ma nhập vậy. Lại ngược xuôi chạy tàu buôn
bán. Các anh của Thơm ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang đều có vợ con đùm
đề, không còn phụ giúp mẹ già được nữa. Họ thư về, trông cậy vào Thơm.
Mẹ già yếu, con nhỏ, tiền vào thì ít, tiền ra thì nhiều, nghe người ta
xúi giục, Thơm nhập băng buôn lậu thuốc lá từ biên giới Campuchia về.
Biết
là nguy hiểm, nhưng sức cám dỗ của tiền lời quá mạnh Thơm vẫn lao theo.
Đến chuyến thứ 5 thì bị vây bắt. Bởi số hàng quá lớn, cả bọn xúi Thơm
ngăn cản công an để chúng chạy trốn, sau này sẽ đền ơn 5 chỉ vàng. Gã
trùm băng bảo: "Cô là đàn bà con gái, bọn họ không gây khó dễ nhiều đâu,
cùng lắm là tạm giam vài ba ngày thôi...".
Năm
chỉ vàng, số tiền ấy có thể thay đổi cuộc đời. Buôn bán bằng vốn của
mình, lãi bao nhiêu được hưởng cả, chứ không phải vay nóng "lãi mẹ đẻ
lãi con, trả tiền cho người ta như tự đâm dao vào mình..."
Thơm
hăng hái nhận lời, nhào tới cánh dân quân tự vệ đánh lộn, cản đường để
bọn buôn lậu trốn thoát. Thơm bị bắt. Sự thể nghiêm trọng hơn cô tưởng
nhiều. Tòa án kết tội Thơm cố ý hành hung người thi hành công vụ, bị xử
một năm tù, do có con nhỏ nên cho hưởng án treo. Trong lúc đánh lộn,
Thơm cũng bị thương tích đầy mình, phải uống thuốc lá, đắp cao suốt cả
tháng trời... Bọn buôn lậu cùng băng không thèm để ý tới Thơm, coi như
không có gì xảy ra. Hàng mất, tật mang, tiền vay lãi cứ tăng lên từng
ngày, lại bị "tù tại gia", đi đâu cũng phải xin phép công an... Thơm
quẫn chí, nửa đêm xách dao đến nhà tên trùm băng buôn lậu đòi 5 chỉ. Vợ
gã trùm hãi quá mở tủ lấy số tiền 5 chỉ vàng đưa cho Thơm. Thơm mở quán
nước ở ga, sống đạm bạc qua ngày.
Hết hạn
tù treo, Thơm lại nhảy tàu buôn bán. Trên tàu, cô quen với một thợ chạm
trổ từ Bắc Ninh vô Sài Gòn làm ăn. Ông này tên là Thịnh, tuổi ngoài 40,
nho nhã trắng trẻo. Ông ta là con nhà nòi nghề khắc gỗ, khảm trai, một
bàn tay vàng. Chủ Vạn Lợi phải cất công từ Sài Gòn ra đất Bắc rước ông
ta vô, trả tiền công rất cao. Ông Thịnh đã có vợ con ở quê. Ông ta mê
Thơm, bảo Thơm đi theo ông ta. Buôn bán cũng chẳng ra làm sao, Thơm mang
con theo ông ta vô Sài Gòn thử thời vận. Xưởng Vạn Lợi sản xuất hàng gỗ
cao cấp xuất khẩu, ưu đãi ông Thịnh hết mức. Chủ còn nhận Thơm làm phụ
việc và cho ở căn nhà xép giáp xưởng thợ. Thơm sống với ông Thịnh như vợ
bé, sinh đứa con gái, đặt tên là Bắc Ninh. Cuộc sống nhàn nhã ổn định
được ba năm. Sóng gió lại ập xuống cuộc đời Thơm. Mẹ chết, Thơm về chịu
tang. Các anh trai bán nhà, bán đất, chia cho Thơm ít tiền. Ma chay
xong, các anh bảo:
- Tự lo lấy thân, chớ có dựa dẫm, trông cậy.
Thơm
buồn lắm, quanh quẩn bên mộ mẹ suốt cả tháng trời. Trong thời gian đó,
ông Thịnh sinh tật cờ bạc. Mới đầu chỉ chơi cho vui, sau trở nên cay cú.
Làm được bao nhiêu tiền, ông Thịnh đổ vào sòng bài. Rồi thì bán mọi thứ
trong căn nhà nhỏ hẹp, từ bộ quần áo mới của con cho đến chiếc xe đạp
của Thơm. Ngày nào Thơm cũng đánh ông ta, đánh nặng tay, thâm tím khắp
người, nhưng ông ta vẫn không thay đổi. Chủ Vạn Lợi cũng muốn giúp Thơm
ngăn chặn máu đỏ đen của ông ta, định giữ lại tiền lương đưa cho Thơm.
Ông ta tuyên bố thẳng thừng: "Không trao tận tay tiền lương, ông ta sẽ
không làm, kiện chủ ra tòa". Chủ Vạn Lợi hết cách. Thơm đánh đập ông ta
càng nặng đòn hơn. Có ngày ba trận. Lôi cổ ông ta từ chiếu bạc về, trói
lại. Tối sau, ông ta lại trốn đi, đến nơi khác...
Để
giúp ông ta, Thơm quyết định trói ông ta lại, dẫn lên tàu, đưa về quê
giao lại cho bà vợ, bảo: "Chị đừng để anh ấy đi đâu nữa, xích vào cột
nhà ấy...". Không ai biết Thơm là vợ nhỏ của ông Thịnh.
Ông
Thịnh đi rồi, chủ Vạn Lợi cũng sa thải Thơm, thu hồi căn nhà xép. Lại
tay trắng, với hai đứa con còn nhỏ, Thơm lang thang quanh chợ Bến Thành
xin việc làm thuê. Cuộc sống bụi đời bắt đầu từ đấy. Mấy tháng đầu, Thơm
vẫn giữ mình, không chịu làm gái. Chị thuê nhà lá ở bên Thủ Thiêm, mỗi
tháng hai trăm ngàn cho hai đứa nhỏ ở, ban ngày, chị đi làm thuê, gần
nửa đêm mới về. Bé Bắc Ninh ốm, tiền làm thuê không đủ ăn, làm gì có để
mua thuốc. Không còn cách nào khác, Thơm đành chấp nhận "làm công" cho
một nhà chứa. Mụ chủ cho mẹ con chị ở cùng nhà, nhà chứa ở nơi khác. Có
khách, gọi Thơm tới. Không có khách, Thơm phải hầu hạ mụ chủ, lo việc
trong nhà. Đến lần thứ 4 thì việc đổ bể. Gã đàn ông bắt Thơm làm đủ
"ngón nghề" điếm đàng, chị không chịu. Gã đánh, Thơm nổi giận đánh lại.
Cuộc ẩu đả dữ dội làm gẫy giường, bể lu, om sòm cả vùng. Công an đến,
bắt Thơm đi cải tạo lao động 6 tháng. Trong thời gian cải tạo, Thơm gửi
tiền nhờ mụ chủ nhà chứa trông nom giùm hai đứa trẻ. Mụ chủ đã lấy tền
lại đem bán bé Bắc Ninh cho người khác. Thằng Vui biết chuyện, liều mạng
xông tới cứu em.
Suốt một tuần lễ nó cõng
em đi ăn xin và hỏi thăm nơi mẹ đang cải tạo. Tìm được mẹ, thằng bé 11
tuổi gần như kiệt sức, xỉu lên xỉu xuống. Trại cho ba mẹ con ở riêng.
Hết hạn 6 tháng, Thơm kiếm một con dao giấu giắt lưng đến nhà mụ chủ
chứa. Mụ chủ có năm tên ma cô dẫn gái bảo vệ. Thơm không hề sợ hãi, một
mình đánh năm tên. Cũng vì nôn nóng, muốn chém mụ chủ nên Thơm bị vấp
ngã. Đang ở thế thắng, chị rơi vào thế thua, đành phải chịu đòn. Cũng
may, thấy Thơm gần chết, có người hô công an đến, cả bọn tháo chạy. Ba
mẹ con Thơm cũng bỏ chạy và Thơm đã xỉu bên đường khi chiếc xe taxi của
Ba Tỷ đi tới.
Út Thơm nói khi Ba Tỷ hỏi tên:
- Ai cũng gọi tôi là út hung bạo, gọi tôi hung bạo là được rồi...
Người
trong chung cư tin lời kể của út Thơm, nhưng có sự phân hóa trong thái
độ cư xử. Một nhóm người trong đó có Ba Tỷ, Chín Rơm, ông thường trực,
chị Đức Hạnh, chị Lệ Hồng tỏ ra thương cảm nhất trí cưu mang giúp đỡ.
Một nhóm cực lực phản đối việc chứa chấp loại gái giang hồ hung bạo.
Người lớn tiếng đòi đuổi là bà Tư Rêu và cô Đoan Trang. Bà Tư Rêu đanh
thép tuyên bố: "Người ta nói đánh chết cái nết vẫn còn. Cái loại người
buôn lậu, làm điếm đã bị đi tù, không thể sửa chữa được. Nuôi ong tay áo
còn ít nguy hiểm hơn chứa loại người này".
Chị
Đoan Trang phụ họa thêm bằng sự tưởng tượng dựa trên những cốt truyện
phim xã hội đen. "Coi chừng mụ ta lại là thứ đại ca giang hồ, giả chết
bắt quạ đó. Ai dám chắc mụ ta không làm nội ứng cho kẻ cướp".
Ông thường trực thẳng thắn nói:
- Tôi bảo đảm cho chị ấy. Nếu có chuyện gì xảy ra, tôi chịu trách nhiệm.
Bà Tư Rêu cười lạt, bảo:
- Ông chẳng có cái gì để bảo đảm cả. Có mỗi cái còi trên cổ, đền bù cho ai. Bắt ông đi tù, chỉ tốn thêm tiền...
Nhóm
thứ ba không có ý kiến gì, chỉ bày tỏ nỗi lo lắng vì không biết con
người ấy có lấy ác báo thiện không? Dầu sao, tổ trưởng tổ dân phố kiêm
trưởng ban quản lý chung cư Lê Trạng cũng báo cáo chuyện "tạm trú" của
người đàn bà hung bạo này cho phường biết. Công an đường phố đến gặp út
Thơm, xét hỏi cẩn thận. Khi bé Bắc Ninh khỏi bệnh, út Thơm từ tạ mọi
người, định đem con ra chợ Bến Thành kiếm sống.
Không
hiểu sao, đến lúc đó, tất cả mọi người trong chung cư đều đồng tâm nhất
trí giữ út Thơm lại để tìm cách giúp đỡ. Anh công an đường phố nêu ý
kiến viết thư yêu cầu các anh trai của út Thơm phải có trách nhiệm săn
sóc mẹ con Thơm. Ông thường trực bảo: "Không xong đâu! Trông cậy vào
trách nhiệm của những người không trách nhiệm là hỏng! Sẽ như bắt cóc bỏ
đĩa thôi"...
Bà Tư Rêu hung hăng nói:
- Vô trách nhiệm thế nào được. Phải bắt bọn nó làm giấy cam đoan, nếu sai phạm bỏ tù.
Chị Đức Hạnh bàn:
- Có lẽ cũng cần lấy một phần tối thiểu trách nhiệm của họ, còn bà con ta cũng nên ủng hộ chị ấy ít nhiều để có vốn làm ăn...
Mọi
người thấy phải, đồng lòng góp tiền, của ít lòng nhiều. Út Thơm ở lại
chung cư thêm hai ngày nữa để bé Bắc Ninh khỏe lại. Hàng ngày, chị quét
dọn cầu thang từ trên xuống dưới. Chung cư trở nên sạch sẽ như khách sạn
không còn cảnh rác nhà nọ tống sang cửa nhà kia. Chị dậy từ sáng sớm để
dọn rác. Khi mọi nhà thức dậy mở cửa thì rác hôm qua không còn nữa. Ai
cũng hài lòng đồng ý trả tiền công dọn rác cho út Thơm. Cuối cùng thì
anh hai của út Thơm cũng thư vào, báo cho Thơm biết đã kiếm được việc
làm đủ sống cho ba mẹ con ở Quy Nhơn. Thơm giã từ chung cư...
Một điều lạ xảy ra. Bà Tư Rêu khóc, nước mắt đầm đìa. Bà ôm bé Bắc Ninh trong lòng, gằn giọng nói với út Thơm:
- Cô phải chăm sóc kỹ cho con bé. Để nó cực khổ là không xong với tôi... Tội nghiệp cháu tôi...
Ba mẹ con ra ga lúc thành phố sáng rực ánh đèn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét