TÌNH YÊU...
Chung cư lại xảy ra chuyện phân chia phe nhóm.
Lần này không đến mức "ly tâm, ly tán" như chuyện điện nước. Nó là
chuyện bất đồng ý kiến, như chuyện "có ma hay không có ma" hồi hai năm
trước.
Nguyên
do là việc cô Thúy con gái đầu của ông Cương từ hôn với anh chàng Việt
kiều Văn Bạch, đem lòng yêu thương cậu An, thằng thợ điện cù lần, con
đầu lòng của chị Hai Sắt. Mới nghe tin này, không một ai tin, bảo: "Làm
gì có chuyện đó". Chị Chín Rơm thở dài, nói "Tội nghiệp thằng An, đừng
đùa cợt kiểu ấy với nó". Ông Lê Công Chức cười, bình phẩm: "Tin cá tháng
tư dành cho giới báo chí tư sản đấy. Thời buổi này làm gì còn có chuyện
cổ tích Alađin và cây đèn thần".
Cô Đoan
Trang dãi dề: "Không có ma, làm sao có chuyện đó" ngay cả Lệ Hồng, Lệ
Tuyết, hai "giọt lệ lãng mạn" và nhiều tưởng tượng nhất chung cư, cũng
phải lắc đầu, cười nói: "Không có chuyện ấy đâu". Nói tóm lại người
trong chung cư đọc nhiều sách báo, biết lắm tin giật gân, lạ lùng, biết
nhiều chuyện kỳ quái trên thế giới và trong nước nên có thể tin chuyện
người có bàn tay phát điện nướng chín cá, chuyện cưới nhau dưới đáy
biển... nhưng không thể tin chuyện cô Thúy bỏ Văn Bạch, yêu cậu An.
Thực
ra, họ không tin chuyện đó cũng có cơ sở. Trước hết nói về cô Thúy. Đấy
là một cô gái đẹp kiều diễm, có học thức, tính nết đoan trang, gia giáo
đến mức khắt khe. Thúy cao 1m68, các số đo đạt tiêu chuẩn hoa hậu và
nếu như cô không bị cha ngăn cản thì chắc chắn sẽ đoạt vương miện hoa
hậu năm rồi. Thêm nữa, Thúy có vẻ đẹp tao nhã thanh thoát, rất á Đông.
Cô vừa tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ, có rất nhiều công ty màu mỡ béo bở
mời chào nhưng cô chưa nhận việc ở đâu, mới chỉ làm hợp đồng vụ việc cho
công ty du lịch. Người ta bảo cô giỏi tiếng Anh, nói như người Luân Đôn
chính gốc. Ông Cương, cha cô, tự hào hãnh diện vì con gái, yêu quý hết
mực nhưng cũng khắt khe hết mức.
Hồi Ba Tỷ
mới về chung cư, gặp Thúy ở cầu thang đã "chết đứng" liền. Anh chàng
"trồng cây si" suốt cả tháng trời, tuyên bố hùng hồn: "Nếu có phải mất
hết tài sản vì Thúy tôi cũng sẵn sàng". Ông Chức cười, hỏi: "Nếu phải
chết thì sao?". Thằng cha láu cá, bẽn lẽn cười, nói: "Chưa nghĩ đến
chuyện đó". Thúy lạnh nhạt nhắn tin cho Ba Tỷ hay: "Có tiền có thể mua
tiên nhưng cũng không chắc đã mua người được đâu, chớ có ảo tưởng"... Ba
Tỷ ngậm đắng nuốt cay lùi xa, tránh mặt Thúy.
Ông
Cương là trợ lý Giám đốc một công ty làm ăn lẹt đẹt, cầm chừng. Ông là
người gia giáo, rất sợ phải mang tai tiếng. Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ
câu ca thời xưa "Con gái như thể hàng săng, đắt chẳng dám mừng, ế chẳng
dám kêu" và câu nói cửa miệng thời thị trường "con gái như bom nổ chậm
trong nhà". Ông có ý tìm chồng cho con gái từ khi Thúy còn học Đại học.
Rồi ông cũng tìm được Văn Bạch, một thanh niên Việt kiều ở Pháp, một
chuyên gia có tài về nhiều lĩnh vực. Văn Bạch là con trai một của một
gia đình thuộc dòng họ đỗ đạt cao, nổi tiếng trong vùng, là đồng hương
cùng xã với ông Cương. Văn Bạch lớn hơn Thúy 5 tuổi, sinh ra và lớn lên
học thành tài ở Pháp nhưng biết nói và viết chữ Việt không thua gì sinh
viên khoa Văn Đại học Tổng hợp. Dù giàu có, học thức cao, anh ta sống
hết sức giản dị gần gũi với mọi người và am hiểu sâu sắc những tập tục
lễ nghi, các mối quan hệ gia đình xã hội truyền thống Việt Nam. Anh ta
đến giúp công ty ông Cương vì công nghệ mới, được đón tiếp như một hoàng
tử. Các cô gái trong công ty từ kỹ sư, phó tiến sĩ đến các cô nhân
viên, công nhân đứng máy thi nhau trình diện, mong được lọt vào cặp mắt
đen sắc sảo và hiền hậu của anh ta. Ông giám đốc công ty mời anh ta về
nhà ăn cơm, mong muốn anh ta để ý đến cô con gái đang học Đại học của
mình. Anh ta tế nhị từ chối: "Cháu mong muốn đóng góp được nhiều cho đất
nước". Ông Cương theo dõi sát mọi hoạt động, lời ăn tiếng nói của Văn
Bạch. Ông có cảm tình với anh ta và nhận đồng hương. Văn Bạch thiết tha
đề nghị ông dẫn về thăm quê. Ông Cương giao việc này cho Thúy, bảo: "Con
gái tôi còn biết nhiều hơn tôi, để nó đưa cậu đi"...
Gặp
Thúy, Văn Bạch cũng phải sững sờ, bối rối. Sau chuyến về thăm quê cha
đất tổ, anh ta si mê Thúy hết mức, chiêu đãi ông Cương hết mực. Tết
Nguyên Đán năm rồi, anh ta đưa mẹ từ Pháp sang làm đám hỏi. Nghe nói,
đám hỏi được tổ chức rất cầu kỳ, tốn kém. Lễ cầu hôn trị giá mấy cây
vàng. Và, cũng theo lời đồn đại, sau đám cưới, Văn Bạch sẽ làm ăn lâu
dài ở Việt Nam, lo cho ông Cương căn nhà mới... Mọi người trong chung cư
và ở công ty đến chúc mừng ông Cương. Ai cũng khen cặp Văn Bạch - Thúy
đẹp đôi. Lý do chính để Thúy không nhận việc ở đâu là vì chờ đám cưới
xong cô sẽ theo chồng sang Pháp học thêm tiếng Pháp và sau đó sẽ làm
việc cùng một nơi với chồng.
Trai tài gái
sắc, nết na hiền hậu như vậy, đã hứa hôn nhất thiết phải bền chắc, không
thể có chuyện người thứ ba xuất hiện chia cắt họ tổ chức đám cưới, cho
dù người ấy là thứ siêu hạng, huống chi lại là cậu An. An hơn Thúy hai
tuổi nhưng trông già dặn, phong trần và khắc khổ như đàn ông ngoài 30
tuổi. An không phải diện thanh niên cao lớn, cũng không nhỏ con, không
đẹp trai, cũng không xấu... Cậu ta tầm thước, chiều cao chắc cũng bằng
Thúy nhưng vì cậu ta đi dép lê mòn còn Thúy đi giày cao gót nên gặp ở
ngoài đường, Thúy cao hơn. Nhìn chung về mọi điểm, An là người mờ nhạt,
trung bình, không có gì nổi bật, dễ lẫn trong đám đông. Cái điểm đặc
biệt của An lại là tính nết thật thà, chất phác đến mức cù lần.
Làm
công cho người ta, lắp đặt cả một hệ thống điện trong nhà, mất cả một
buổi chiều, chủ trả công 10 ngàn đồng cũng nhận, không đòi thêm lại còn
lễ phép "cám ơn"... Gặp bạn gái chỉ biết hỏi: "đi đâu về", "ăn cơm
chưa", "mấy giờ rồi".
Có lần đi làm về,
ngồi nghỉ mệt ở công viên gặp loại gái giang hồ chôm chỉa hỏi mượn chiếc
xe đạp tập đi, An cũng cho mượn. ả tập đi xa dần, xa dần rồi phóng một
lèo, mất tăm biệt tích. An chỉ biết kêu ơ ớ mấy tiếng. Từ đó trở đi cậu
ta không ngồi chơi ở công viên nữa, cũng không vào quán giải khát. Đi
đâu, ở sau xe cũng có một bình nước chín, giống như những người nghèo
đạp xe xích lô.
Điểm đặc biệt thứ hai ở An
là một tay thợ lành nghề, sáng dạ. Cậu ta học không nhiều, nhưng chịu
khó mày mò tự tìm hiểu nên thông thạo các loại máy nổ, các loại điện cơ,
điện lạnh, điện gia dụng và cả điện tử. Mọi thứ đồ dùng xài điện trong
chung cư nếu bị hư hỏng đều gọi cậu ta đến sửa chữa. Bất kể đêm hôm
khuya sớm, ai gọi "An, sửa dùm cái này...", cậu ta đều sốt sắng vui vẻ
tới liền, không lấy tiền công. Người trong chung cư ai cũng mến cậu ta,
nhưng vẫn chê cười là cù lần...
Chị Hai
Sắt, mẹ của An bị đau bệnh liên miên, phải nghỉ mất sức, về nhà cũng
không buôn bán hoặc làm gì để kiếm tiền, chỉ quanh quẩn việc nhà từ hai
năm nay. An là trụ cột, là nguồn sống của cả gia đình. Ba An cũng là thợ
điện, bị bệnh chết năm An đang học lớp 11. An phải nghỉ học, đi làm
thuê ở tiệm sửa xe gắn máy, tối theo lớp học nghề. An đi nghĩa vụ quân
sự, học thêm được nghề điện cơ. Hết nghĩa vụ quân sự, An về làm việc ở
tổ kỹ thuật nhà máy in. Công việc ở đó không nhiều nên An chạy thêm việc
ở ngoài. Xí nghiệp biết hoàn cảnh gia đình An khó khăn nên cũng thông
cảm.
An đi làm ở ngoài từ mờ sáng tới nửa
đêm. Năm ngoái cậu ta mua được chiếc xe Honda cũ, giá có 7 chỉ, tự tay
tu bổ sơn xì mạ lại giống như cúp, lắp thêm một chiếc còi xe kêu bính
boong, bính boong rất vui, rất ngộ. Ông già thường trực chung cư rất
thích tiếng kêu của chiếc còi đó nên ông yêu cầu An mỗi lần về khỏi đập
cửa, cứ bấm còi, ông khắc biết.
Dầu vậy,
nhưng mọi người không hề để ý tới An. Cậu ta mờ nhạt như tiếng còi xe
của mình. Thiên hạ gặp thì nhớ, An đi rồi là quên ngay. Gã Ba Tỷ bảo:
"Nếu có chuyện cô Thúy mê thằng An, tôi xin đi bằng tay".
Song,
chuyện đó là sự thật. Ông Cương hết gầm thét đe dọa lại ngọt ngào dụ dỗ
thuyết phục, nhưng Thúy vẫn nhất mực đòi trả lễ đám hỏi, nhất quyết lấy
An làm chồng. Cô luôn luôn bình tĩnh, nhẹ nhàng nói "con thương anh An,
anh ấy cũng thương con, chúng con không thể xa nhau".
Ông Cương gầm lên: "Mày thương nó từ bao giờ?". Thúy nói: "Con thương ảnh từ lâu rồi, nhưng mới đây mới biết"...
Ông Cương đập bàn, dậm chân: "Thế là thế nào?"
Thúy đáp: "Con không biết"
Ông
Cương không hiểu, mọi người cũng không hiểu cớ sao có chuyện ấy. Ngay
cả An và Thúy cũng không hiểu vì sao họ lại thương yêu nhau như vậy.
Thúy
kể: Từ nhỏ tôi và An đã thân thiết nhau. Hai đứa học chung một trường,
một lớp. Tôi gọi An là anh hai và luôn co ảnh là anh hai của mình. An
đối với tôi như một đứa em gái. Tôi luôn hãnh diện với bạn bè vì có An.
Học trung học cũng vậy, đi đâu tôi cũng bắt An đi cùng. Ngày ba An mất
tôi cũng đội khăn tăng, đòi đi theo linh cữu. Mẹ An sợ quá kéo tôi về
nhà bảo An khóa trái lại. Cũng bởi nhà có hai bố con, bố đi làm suốt từ
sáng tới tối mịt mới về nên tôi sống bên nhà An nhiều hơn ở nhà mình.
Tôi coi bố mẹ An như người thân ruột thịt. Chuyện đến tai bố tôi, ổng
chỉ nói: "Khóc là được rồi chứ để tang người ta cười cho. Con gái lớn
rồi, phải ý tứ một chút". Ngày An đi bộ đội, tiễn đưa anh như một đứa em
gái. Tuần nào tôi cũng viết thư cho An dặn dò anh đủ điều: nào phải nhớ
mắc mùng khi ngủ, không được thức khuya, ít hút thuốc lá, không ăn quả
lạ, phải uống nước chín, đừng tắm lúc còn ra mồ hôi... và tất nhiên phải
nhớ thư về. An không thư nhiều như tôi, mỗi tháng chỉ có một thư cho
tôi và cũng là chung cho cả nhà. Thư nào cũng chỉ có một trang, lại
giống hệt nhau, vẫn là công việc bình thường, khỏe và lại dặn chung ở
nhà phải thế này thế nọ. Tôi buồn lắm, tâm sự với con nhỏ bạn. Nó bảo:
"Mày yêu tay An rồi". Tôi mắng nó là ngu, nói: "Anh An là anh hai của
tao". Tôi còn mai mối nó cho An, An buồn phiền bảo: "Anh ít học, không
xứng với cô ấy".
Tôi cũng hồn nhiên bảo:
"Anh từ chối là phải, con nhỏ ấy phách lối lắm. Nó bảo tiêu chuẩn người
yêu của nó phải thế này, thế nọ, bằng này, cấp kia và nếu là Việt kiều
thì càng tốt"...
An hỏi tôi: "Còn em, tiêu
chuẩn người yêu của em thế nào?". Tôi vẫn hồn nhiên đáp: "Em chẳng đặt
ra tiêu chuẩn nào hết. Người nào em thấy yêu là yêu nhưng vẫn có sự đồng
ý của ba và anh hai".
Thấy An lăn lóc,
bươn chải làm ăn nuôi mẹ và các em, tôi càng thương càng mến trọng anh
hơn. Người ta bảo ảnh cù lần, tôi không thấy điều đó. ảnh là người tốt
bụng, cả tin hiếm có. ảnh hiểu biết nhiều, rất sâu sắc và tinh tế. Tôi
tin ảnh như tin ba của tôi.
Có lần An nói: "Em lớn rồi, không nên thân mật với anh và gia đình anh nữa".
Tôi
ngạc nhiên hỏi: "Tại sao vậy?" An trầm tĩnh bảo: "Anh và em đâu phải là
anh em ruột thịt. Hồi nhỏ thế nào cũng xong, giờ em lớn, phải có người
yêu, phải đi lấy chồng. Thân mật với anh, em sẽ phải mang tiếng".
Tôi cãi: "Em đâu có sợ mang tiếng, em chỉ sợ anh ghét bỏ em thôi".
An
buồn rầu nói: "Anh không bao giờ ghét bỏ em cả, anh luôn mong điều tốt
đến với em. Em là con gái, phải biết giữ kẽ, ý tứ với mọi người, mọi
chuyện". An cố tình tránh xa tôi. ảnh đi làm về muộn hơn. Nhiều hôm tôi
ngóng đợi đến 12 giờ đêm vẫn không thấy tiếng An gọi cửa. Nhà tôi với
nhà An ở kế nhau. Anh nói to điều gì tôi đều nghe thấy hết. Tôi đem điều
đó nói cho mẹ An nghe. Mẹ An thở dài, bảo: "Nó tránh cháu là phải. Nó
biết thân phận của nó không thể làm bạn với cháu được, nên tránh xa".
Tôi
vẫn ngây thơ, giận dữ nói: "Tại sao lại không xứng với con. ảnh là anh
hai của con kia mà". Mẹ An nói: "Khi cháu có người yêu, cháu sẽ hiểu
điều đó".
Tôi không hiểu điều mẹ An nói.
Cũng có lẽ thời gian đó tôi không hề nghĩ đến chuyện có người yêu. Thựa
ra, bạn trai và những người đàn ông theo đuổi tôi thì nhiều vô kể. Tôi
biết mình có sắc đẹp, đi tới đâu cũng có người săn đón tán tỉnh. Nhưng
tôi chưa hề để ý tới ai ngay cả khi ba tôi đưa Văn Bạch về nhà giới
thiệu, tôi cũng lơ đãng chào hỏi. Tôi đưa Văn Bạch về quê chơi với thái
độ lịch sự nhã nhặn của một hướng dẫn viên du lịch. Tôi không hề quan
tâm tới tài năng, tài sản và gia đình thân thế anh ta. Rồi bỗng nhiên
Văn Bạch ngỏ lời cầu hôn với tôi. Tôi ngạc nhiên và sợ hãi.
Ba
tôi nói: "Con gái lớn phải lấy chồng. Con chưa có người yêu, lại không
có ý tìm người yêu nên ba phải chọn cho con. Cậu Văn Bạch là người tốt,
có trách nhiệm, đức độ, có thể tin cậy được. Con sống với anh ấy sẽ có
hạnh phúc".
6 giờ sáng, tôi đập cửa dựng
An dậy nói cho ảnh nghe chuyện Văn Bạch cầu hôn. An không hề đắn đo suy
nghĩ, nói ngay: "Anh ấy là người tốt, em nên đồng ý". Tôi tin ở ba tôi,
tin ở An tôi cũng có cảm nhận rõ rệt về đức độ của Văn Bạch. Nhưng,
trong lòng tôi luôn có một điều gì đó bồn chồn, lo lắng không thể cắt
nghĩa được. Thấy tôi không có ý kiến gì nữa, ba tôi đồng ý cho Văn Bạch
tổ chức đám hỏi. Đám hỏi xong là đến đám cưới, là có chồng, xa bố mẹ,
nơi ở để theo chồng, rồi sinh con. Những điều này tôi chưa hề nghĩ tới
một cách cụ thể. Bọn bạn gái gọi tôi là: "ngỗng trắng" cũng không phải
là quá. Bấy giờ, sự việc quá ư bất ngờ và mạnh mẽ khiến tôi bối rối,
lúng túng không biết phải làm sao, ba tôi bảo gì tôi theo nấy, ngớ ngớ
ngẩn ngẩn.
Văn Bạch cũng là người tin tế,
lịch sự. Dường như anh ta hiểu rõ tâm sự của tôi, nên bình tĩnh và thân
ái nói với tôi sau đám hỏi: "Thúy cứ bình tâm, mới chỉ là đám hỏi thôi,
em còn tự do suy nghĩ chín chắn và lựa chọn. Chúng ta tiếp tục tìm hiểu
nhau. Nếu thấy hợp, yêu mến nhau mới tổ chức đám cưới".
Anh
ta cũng nói với ba tôi để tôi tự nhiên, không nên ép buộc vội vàng. Tôi
thầm cảm ơn Văn Bạch. Nhưng ba tôi đã không để tôi tự do, tự nhiên như
trước. Sau đám hỏi, ông không cho tôi đi làm nữa, bắt tôi ở nhà. Suốt
ngày xem video, ăn cơm, đi dạo và nghe nhạc. Tôi buồn chán đến rã rời.
Văn Bạch về Pháp 6 tháng. Anh ta gởi thư cho tôi hàng tuần, kèm theo
nhiều thứ quà kỷ niệm và ảnh của anh. Tôi không hề nhớ Văn Bạch. Thư của
anh gửi tôi chỉ đọc dòng đầu rồi bỏ vô ngăn kéo. Tôi nhớ An, nhớ day
dứt, khốc liệt. An không chỉ tránh né, mà cự tuyệt gặp tôi. Nhiều đêm,
nghe tiếng anh về, tôi chạy sang tìm anh đều bị anh nghiêm khắc đuổi về,
bảo: "Cô là gái có chồng rồi, phải biết giữ gìn danh dự". Mẹ An cũng
nói vậy. Ba tôi cũng nói thế. Tôi cô đơn hiu hắt đến rã rời, tôi lang
thang đi trong mưa gió mịt mờ. Và, tôi nhận ra sự thật. Tôi yêu An từ
lâu rồi. Không một ai có thể thay thế An được. Trong cơn sốt cao do cảm
hàn, tôi đã nói ra điều đó. Cũng không ngờ lúc ấy có An. An đã đưa tôi
đến bệnh viện và chăm sóc tôi. Tôi nắm chặt tay An nói lại lần nữa: "Em
yêu anh". An khóc, giọt nước mắt nóng ấm của anh rơi trên má tôi. Anh
siết chặt tay tôi, thầm thì: "Anh cũng yêu em lắm, nhưng muộn rồi, đừng
nói gì thêm nữa. Số phận buộc chúng ta chỉ đến thế và có thế thôi".
Tôi
gào lên: "Không, không có số phận nào cả. Không ai có thể chia rẽ anh
và em được". An bỏ chạy. Ba tôi rít lên: "Mày giết tao đi, đứa con hư
đốn kia"...
Tôi thương anh vô cùng, không
còn biết thể diện là gì nữa. Đêm nào tôi cũng sang canh cửa chờ anh về.
Ba tôi phải nhốt tôi lại, khóa trái cửa. Tôi dùng dây leo qua cửa sổ tìm
An. An bảo: "Em đừng làm vậy. Em có sao thì ba em và anh làm sao sống
nổi. Hãy bình tĩnh lại, đừng hấp tấp nôn nóng"... Tôi không thể bình
tĩnh suy nghĩ chín chắn được nữa. Tôi không thể sống nếu không có An.
Tôi viết thư cho Văn Bạch, xin hủy bỏ hôn ước và báo cho anh biết tôi
yêu An.
Rất nhiều người tìm đến hỏi An. An kể:
-
Tôi công nhận có yêu Thúy. Tôi yêu Thúy từ lâu, nhưng vì từ nhỏ hai đứa
coi nhau như anh em nên tôi không thể ngỏ lời được. Mặt khác, tôi đủ
tỉnh táo để nhận ra rằng, tôi không xứng đáng với Thúy. Cô ấy tài sắc
như thế, biết bao kỹ sư, bác sĩ đeo đuổi, còn tôi chỉ là một gã thợ điện
cù lần. Hơn nữa hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn. Mẹ đau ốm liên
miên, em nhỏ dại đi học. Thúy không thể có hạnh phúc nếu lấy tôi. Tôi
không muốn Thúy phải vất vả, cực nhọc. Có lẽ Thúy bị "khủng hoảng dậy
thì" muộn màng nên bồng bột xốc nổi. Tôi sẽ cố gắng thuyết phục cô ấy,
để cô ấy hiểu ra sự thật...
Chung cư chia
nhiều phe nhóm tranh cãi nhau. Người ủng hộ tình yêu cao đẹp của Thúy -
An. Người tích cực vun đắp cho cuộc hôn nhân "môn đăng hộ đối" Thúy -
Văn Bạch. Rất nhiều ý kiến quan niệm về tình yêu và hôn nhân được đưa ra
với chị Đoan Trang ở tầng 7: "Yêu khác, hôn nhân khác. Có thể không lấy
người mình yêu nhưng nhất định phải lấy người yêu mình".
Ông
Công Chức ở tầng 6: "Tuổi trẻ không thể tránh khỏi sự ngộ nhận hiểu
lầm. Họ chưa bị đói khát, lao đao vất vả vì miếng ăn, chưa hiểu rõ cơ
chế xã hội, gia đình, đàn bà, đàn ông nên cứ ca hát, tụng niệm câu ca
"một mái nhà tranh hai trái tim vàng". Khuyên nhủ chúng chẳng ích gì
đâu. Cứ để tự nhiên, lớn lên khắc hiểu".
Chị
Lệ Tuyết ở tầng 5: "Tình yêu không biên giới, không tuổi tác, không vụ
lợi, không tính chuyện giàu nghèo là một tình yêu đẹp hiếm có. Tôi ghen
với những ai có được tình yêu ấy".
Bà Tư
Rêu ở tầng 4: "Cái con Thúy dở hơi ấy phải đánh một trận mới tỉnh ra. Nó
bị mụ mẫm mê lú rồi. Cứ để cho nó đói nhăn răng ra mới biết tình yêu là
cái giống gì?".
Chị Đức Hạnh ở tầng 3:
"Cậu An và cô Thúy cũng đẹp đôi đấy chứ! Họ yêu nhau, lấy nhau là hợp
nhẽ. Không có bất hạnh nào lớn hơn nỗi bất hạnh phải lấy người mà mình
không yêu".
Chị Chín Rơm ở tầng 2: "Cô
Thúy không thể yêu cậu An được. Yêu nhau cũng phải có sự cân bằng cân
đối chứ. Cô Thúy tài sắc như vậy, chỉ làm khổ cho cậu ta thôi".
Ông
thường trực ở tầng trệt: "Chuyện bọn trẻ yêu nhau khó nói, khó ngăn
lắm. Cứ để cho chúng tự nhiên đi. Cha mẹ chỉ định hướng hạnh phúc cho
chúng thôi".
Tự nhiên, nhà ông Cương luôn
luôn có khách. Người ta đến để trò chuyện, bàn luận kế sách giải quyết.
Tóc ông cũng bạc đi nhiều. Ông không la lối Thúy nữa. Ông bảo con: "Ba
yêu cầu con khoan gửi thư hủy bỏ hôn ước cho Văn Bạch. Con về quê nghỉ
ngơi 3 tháng, suy nghĩ cho kỹ rồi quyết định. Lúc đó, ba không ngăn cản
con nữa".
An nói: "Em phải nghe theo lời
bác hai. Anh nói lại một lần nữa để em nhớ. Anh luôn là anh hai của em.
Anh phải chăm lo mẹ và các em của anh, không đủ sức chăm lo cho em. Anh
không muốn em phải lam lũ, vất vả. Hãy bình tâm suy nghĩ cho kỹ".
Thúy nghẹn ngào hỏi An:
- Anh nhất quyết cự tuyệt em?...
An nói nhanh:
- Phải!
Thúy lắc đầu, thầm thì:
- Anh nói dối, anh đừng lừa gạt mình nữa. Em biết là anh yêu em...
An hắng giọng, run rẩy, lắp bắp:
- Dối cũng được, thật cũng được, nhưng anh không thể lấy em...
Nói rồi cậu ta đi ngay. Thúy gào lên: "Cút đi, đồ hèn nhát. Từ nay trở đi đừng gặp mặt tôi nữa".
Ngày sau, Thúy lên tàu về quê thôi... Có người bảo Thúy đã gửi thư hủy hôn ước với Văn Bạch rồi, có người nói chưa...
Dầu sao, cả chung cư cũng hồi hộp chờ đợi xem kết cục chuyện này như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét