Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

DẤU CHÂN NGƯỜI TỊ NẠN (7)

Thousand Oak





Chiếc xe thùng (station wagon) trên con đường duy nhất đưa ra trại tị nạn Pendleton trưa ngày 16-10-1975. Hai bên đường là những ngọn đồi lòi còi, cây cối lưa thưa, và trùng trùng điệp điệp một màu vàng nhạt trải dài trên khắp cánh đồi. Trong chốc lát người tín đồ đã ra khỏi khu thung lũng, bắt vào Freeway 101 chạy về thành phố Thousand Oaks, California. 
 
Xe chạy qua những nông trại rau quả ở miền Nam California. Trên những cánh đồng rau quả là hệ thống tưới nước được kéo (hay đẩy) bởi những chiếc xe nông cơ. Nhìn cánh đồng rộng bao la đang được tưới tự động, tôi lại nhớ đến những cánh đồng ở miền Trung Việt Nam. Nơi đó, hằng ngày những người nông dân lam lũ thui thủi dưới chiếc nón lá, lưng khòm kéo từng giọt nước dưới mương đổ lên ruộng bằng những cánh tay gầy, khô. 
 
Tiết trời mùa Thu, gió lạnh. Hai bên đường những bông hoa đỏ hồng như hoa giấy chạy dài theo hai bên mặt lộ. Nhà và phố sá nối dài trên những con đường ngăn chia khu phố thành những ô vuông nho nhỏ. Những căn nhà đâu đít lại nhau, xây mặt ra mặt lộ và chạy tít lên tận chân đồi. Tôi ngồi trong xe dõi mắt nhìn theo những khu phố đang đua nhau lùi về phía sau; nhưng không thấy bóng dáng một con hẻm nào như những con hẻm ngoằn ngoèo, len lỏi giữa những khu lao động đông dân ở thành phố Sài Gòn! 
 
Xe chạy xuyên qua thành phố Los Angeles. Có những khu nhà làm trên sườn đồi. Nhìn những căn nhà nằm cheo leo trên sườn núi, tôi lại nhớ về ngày xưa. 
 
Quê tôi cũng nằm bên cạnh chân đồi. Từ ngôi làng nhìn ra trước mặt là một cánh đồng lúa, và tận cùng cánh đồng lúa là một ngọn đồi. Những buổi hoàng hôn đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống làng mạc, khói bay ra từ nóc nhà như một bức tranh sơn thủy, đã làm mềm lòng Cha tôi. Ngày đó Cha tôi ước mơ được xây căn nhà trên sườn đồi Gò Đồn để hóng mát. Nhưng không được, không phải vì nguy hiểm do thú dữ cọp beo nơi rừng xanh, mà vì quê hương đang trong thời “nửa sáng nửa tối”, và hằng đêm những người bên kia kiểm soát khu rừng này. Sự hiện diện của những người bên kia đã mang lại sự bất an, và không bảo đảm tính mạng cho người dân sống trên những triền đồi ở miền quê. Nên ước mơ xây căn nhà trên sườn đồi của Cha tôi ngày ấy chỉ là một giấc mơ! Mà có mấy giấc mơ được thành sự thật! 
 
Đang mơ màng về một vùng quê xa xăm thì người tín đồ chỉ tay về phía triền núi và nói: 
 
“Nhìn kia, đó là bản hiệu của thành phố Hollywood.” 
 
Tôi nhìn qua cửa xe, hàng chữ Hollywood rất to, màu trắng, được gắn lưng chừng trên triền núi.
 
Xe đang chạy qua trung tâm điện ảnh thế giới Hollywood. 
 
Từ xa lộ nhìn vào thành phố Hollywood là những khu nhà khang trang, đẹp mắt. Ngày xưa tôi mường tượng trung tâm điện ảnh thế giới văn minh và hùng vĩ lắm. Nhưng hôm đó chạy qua thành phố Hollywood tôi cũng dững dưng, và trong tôi không còn cái ngạc nhiên của một người đến từ một thành phố đơn sơ. Có lẽ những tháng ngày buồn bả nổi trôi trên con đường tị nạn đã làm mờ những háo hức, nên những kiến trúc vĩ đại cũng không làm tôi nôn nao. Hay có lẽ người xưa đã chí lí khi nói: “Không có gì lạ dưới ánh mặt trời.” 
 
Chiếc xe rời khỏi thành phố Los Angeles, chạy về miền Bắc. 
 
Từ đây Freeway 101 rộng thênh thang (hệ thống xa lộ ở California gọi là Freeway vì trên những xa lộ này xe chạy không bị đóng tiền lộ phí). Và chiều cùng ngày 16-10-1975, chiếc station wagon đã đến thành phố Thousand Oaks. (Sau này, trong một buổi tiệc giữa những người di dân và người bản xứ, tôi được nghe người ta kể rằng thành phố này có hàng ngàn cây Oaks (cây sồi) nên đã được gọi là thành phố Thousand Oaks. Thì ra cách đặt tên ở Tây cũng như Đông, nhưng chắc ở đây không có bà già trầu nhai trầu bỏm bẻm.) 
 
Thousand Oaks là một thành phố nhỏ, thưa dân. (Thời điểm 1975 dân số chừng 53,800 người. Năm nay, 2010, dân số Thousand Oaks phỏng chừng 129,000 người.) Nằm bên lề Freeway 101 của quận Ventura. Khi đến cực Bắc thành phố Thousand Oaks chiếc xe rẽ Freeway 101 bắt vào Lynn Road để đưa vào khu cộng đồng Newbury Park. Trong giây lát vị tín đồ Tin Lành đã đưa chúng tôi đến một căn nhà trên đường South Longford Avenue, căn nhà nhỏ nằm trong một xóm yên tịnh của Newbury Park. 
 
Xe vừa đổ tôi bồi hồi bước xuống. Một người thiếu phụ đứng tuổi, vui tươi vồn vã, đến tận cửa xe chào đón chúng tôi. Bà vui mừng bắt tay và tự giới thiệu. 
 
Với cử chỉ ân cần, niềm nở của bà đã xóa bớt đi những nỗi băng khoăn của tôi trên đường rời trại tị nạn sáng nay. 
 
Chúng tôi ái náy bắt tay bà nói lời cám ơn. Bà nở nụ cười tươi, ôm chòang lấy tôi và Điện và bảo rằng từ đây hảy gọi bà là Valerie, Mrs. Valerie Smith. Trong vòng tay của bà tôi thấy ấm cúng, giống như một thứ tình cảm ấm áp của người mẹ, của người chị, và của gia đình dành cho người con, mà gần nửa năm nay tôi đã đánh mất. Nhìn sự bàng hoàng hiện rõ trên tôi và Điện, bà quay qua người tín đồ nói cười vui tươi những gì tôi không thể hiểu hết; người tín đồ đến nắm tay hai đứa chúng tôi, nói lời giả biệt rồi ra xe chạy đi. 
 
Căn nhà ấm cúng có ba tần (three levels split) với bốn phòng ngủ, và đầy đủ những phòng căn bản. Một hồ bơi nhỏ nằm sau vườn, năm ba bụi cam trái sum sê và vài bụi chanh quanh vườn. Qua mỗi căn phòng, bà giới thiệu tên đứa con nào ở trong đó. Cuối cùng bà đưa tôi và Điện đến căn phòng nhỏ nằm ở tần dưới cùng, phòng của hai đứa chúng tôi. 
 
Căn phòng có hai giường ngủ nhỏ, xếp thành hình L. Bà đã lo đầy đủ mền, ra, nệm tươm tất và nhẳn bóng như giường ngủ nơi khách sạn. Và đặc biệt, bà đã mang từ đâu bốn cái va-ly đời xưa, rắn chắc, màu vàng, để sẳn trong phòng cho hai đứa chúng tôi. Nhìn những chiếc va-ly tôi thắc mắc, một suy nghĩ thóang qua trong đầu: không lẽ mình sẽ đi chỗ nào khác nay mai sao? Nhưng rồi tôi xua đuổi những ý nghĩ mông lung đó đi. 
 
Chỉ chỗ ở cho chúng tôi xong, bà xuống bếp lo bửa ăn. 
 
Và trời đã xế chiều. 
 
Khoảng ba giờ, những chiếc xe buýt màu vàng, giống như những chiếc xe buýt chở người tị nạn từ sân bay về trại những tháng trước, ngừng lại trước nhà và thả học trò xuống. (Sau này tôi biết đó là những chiếc xe chở học trò đi và về miễn phí, một điều mà ngày xưa ở Việt Nam tôi chưa hề biết, vì chưa hề có!) Tôi ngồi trên sân cỏ trước nhà, nhìn những đứa học trò nhỏ rời xe buýt chạy tung tăng trên đường. Trong đám trẻ con có hai đứa chạy thẳng vào nhà tôi mới đến. Thấy tôi, chúng khựng lại và nói: “Hi” rồi nhăn răng bỏ chạy vào nhà. Một giờ sau lại một chiếc xe buýt màu vàng dừng lại trước nhà. Những học sinh đệ nhị cấp, ăn mặc quần áo đủ màu sắc, không đồng phục, vai đeo túi sách lần lượt xuống xe. Một vài nữ sinh trò chuyện bên nhau và trong giây lát con đường South Longford im lìm, còn lại những chiếc lá rơi lả chả trên mặt đường, và một người học trò cao ráo lại bước vào nhà. Trong khuôn viên nhà bếp, bà Valerie lần lượt giới thiệu ba người con của bà cho tôi và Điện. 
 
Bà Valerie chỉ có ba đứa con trai. Don là đứa bé nhỏ nhất, đang học lớp 7. Kế đến là Jack lớp 8 và Jim Jr. lớp 9. 
 
Bà bày những dĩa đồ ăn cho chúng tôi và ba đứa con mới từ trường về. Bà nhìn tôi và Điện, nói: 
 
“Nay các con đều là con của Má, từ đây các con gọi Má là Mom như các em con cho thân thiện.” 
 
Xong bà chỉ vào chúng tôi và nói với các con bà: 
 
“Đây là Van Nú-dình và Zim Nú-dình, hai người anh mới của các con.” 
 
Tôi hơi ngượng vì bà bảo tôi phải gọi bà bằng Mom (trong đầu tôi nghĩ bà còn trẻ hơn người anh cả của tôi nhiều), nhưng vừa nghe “Mom” đọc tên tôi, tôi nhịn không nổi và quên luôn sự ngượng ngùng, cười sặc sụa và nói: 
 
“Mom, tên con không phải là Nú-dình và tên anh ấy không phải là Zim”. 
 
Bà đặt ly nước cam trước mặt tôi, cười và nói: 
 
“Ừ, Mom biết, nhưng Mom không thể nói như con được. mỗi lần Mom nói thử thì lưỡi của Mom nó trẹo lại.” 
 
Tôi nhìn bà, uống ly nước cam rồi cũng cười trừ. Don lấy làm khoái chí và nói: 
 
“Tên của các anh ngộ quá.” 
 
Từ đó Mom đã ngang nhiên biến tên tôi thành Nú-dình mà không cần một sự hợp thức hóa nào của tôi và chính quyền. Và cũng từ hôm đó Don với mái tóc dài màu hung như màu cỏ cháy, và khuôn mặt bầu bĩnh thường quấn quít bên tôi, như một đứa em dễ thương. 
 
Chiều tối, khi đèn đường bừng sáng thì trong căn nhà chúng tôi mới đến lại xuất hiện người đàn ông. Khi cánh cửa mở ra, một người đàn ông với bộ y phục màu đen, trên cầu vai có ba gạch ngang màu vàng, bước vào nhà. Ông James Sr. Smith chồng bà. Chúng tôi chào và cung kính gọi ông là Mr. Smith. Nhưng ông mĩm cười chào lại, và bảo chúng tôi gọi ông là Jim. Sau bửa cơm tối, ông Smith nói rằng ông từng là một phi công bay trực thăng chiến đấu, đóng ở căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng trong những năm 1969 - 1971. Ông đã giải ngũ khỏi Không Quân Hoa Kỳ và hiện là phi công dân sự cho hãng hàng không America Airline, lái Boeing 727 bay khắp nơi trên đất Mỹ. 
 
Những ngày kế đó Mom thường đưa chúng tôi đi nhà thờ cùng gia đình. Và dường như mỗi buổi chiều, trong suốt thời gian hai tháng tôi và Điện ở đây, người mục sư mang tên Roland đều đến nhà để truyền đạo cho tôi và Điện. Tôi biết gia đình Điện ngày còn ở quê có liên hệ với hội nhà thờ Tin Lành, nhất là sau ngày tản cư ra tỉnh. 
 
Nhưng tôi là người ngoại đạo... 
 
Từ nhà bà Valerie đến nhà thờ đi bộ chưa được 10 phút nhưng cả nhà bà vẫn ngồi xe hơi mỗi lần đi. Con đường đến nhà thờ một bên là khu đất lớn trống rỗng, không ai canh tác gì trên đó ngoài việc để cho cỏ mọc. Nhưng ngay cả những ngọn cỏ hoang cũng được cắt ngắn sát mặt đất như tóc nhà binh. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc nơi đây có nông trại nuôi bò nhiều lắm, nhưng nhìn mãi vẫn không thấy con bò nào trên cánh đồng. 
 
Hôm đi nhà thờ đầu tiên, tôi không nhớ rõ ngày nào chỉ nhớ là một ngày cuối tuần, tôi và Điện được vị mục sư giới thiệu rất ân cần trong buổi lễ. Tan lễ, chúng tôi lưu lại trong sân để được bắt tay chào đón, một cử chỉ ấm cúng và đầy tình người, mặc dù với họ chúng tôi là những người xa lạ, xa lạ ngay cả đến cái tên gọi! Trên sân giáo đường không có tà áo dài bay phất phới trong gió với hình ảnh những người thiếu nữ nắm tay nhau rời giáo đường như những lần tôi thấy trên quê hương Việt Nam. Nhưng lòng tôi vẫn thấy xao xuyến. 
 
Một tuần lễ sau, mỗi lần đi nhà thờ tôi nói với Mom là tôi muốn dẫn Don đi bộ đến nhà thờ và khi tan lễ tôi muốn bách bộ về nhà hơn là ngồi trên xe. Có những hôm tôi lang thang trên cánh đồng cỏ hằng giờ nô đùa với Don. 
 
Thời gian trôi qua tôi thấy buồn, nhớ. Tôi rời nhà, dạo chơi trong xóm nhưng một điều làm tôi luôn thắc mắc là, sao không thấy ai đi bộ và dạo chơi ngoài đường! Nơi đây nhà cửa và dân cư còn đông hơn nơi tôi ở ngày xưa, nhưng sao không thấy người đi bộ? Sự vắng lặng làm tôi nhớ Sài Gòn đến điên dại. Nhớ bóng người đi, nhớ tiếng nói, nhớ sự ồn ào, nhớ gia đình. Đêm về, với chiếc máy cassette cũ rích và băng nhạc duy nhất tôi nghe đi nghe lại nhão như cháo, tiếng hát Thanh Thúy cứ văng vẳng: “Tôi vượt đường xa xôi tìm em đã khắp nơi….” mà “Đường phố muôn màu sao thiếu em, về đâu làn tóc xõa bên rèm, lầu vắng không người song khép kín, nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá rơi thềm.” Hay là em đã “Mong đợi từ bao lâu giờ anh chết nơi đâu…”
 
Chỉ được thêm cái buồn. 
 
Mỗi buổi sáng nhìn xe học trò đến đón những đứa em đi học, tôi thấy lòng rạo rực. Trước khi rời trại tị nạn Pendleton, tôi và Điện đã được Pepperdine University chấp nhận. Nhưng vì xuất trại sau ngày trường nhập học khóa mới một tháng, nên, chúng tôi phải ngồi chờ khóa kế, nghĩa là phải đợi đến hai tháng nữa. 
 
Tôi, cũng như bao nhiêu người tị nạn khác, đến đây với bàn tay trắng. Không tiền không bạc không thân tích, tứ cố vô phương. Chúng tôi tuy khác hoàng cảnh gia đình nhưng lại có nhiều mẫu số chung trên miền đất hứa này. Cơm - áo - gạo - tiền và tương lai trước mặt là một thử thách lớn cho mỗi cá nhân. Bao nhiêu nỗi băng khoăng của người chịu sự giúp đở từ kẻ khác, nhiều đêm tôi cũng thao thức. Có lẽ nhìn được sự lo lắng cho một tương lai và nỗi buồn xa xứ qua những buổi chiều ngồi trầm ngâm trước sân cỏ, một tuần sau Mom đã nói với tôi và Điện: “Ngày mai Mom sẽ đưa hai đứa đến một nhà thờ kia để gặp nhiều người mà Mom biết chắc hai đứa sẽ vui lắm. Và sau đó chúng ta sẽ đến gặp ông chủ nhà hàng Mễ Tây Cơ ở Thousand Oaks.” 
 
Ngày tàn cuộc chiến tôi rời xa quê hương nửa vòng trái đất. Cuối cùng tôi tị nạn trong một gia đình, mà chủ nhà đã từng sống bên cạnh đồng đội ở Việt Nam, lăn lộn và chiến đấu chống Cọng trên quê hương tôi! Có những lúc chúng tôi chia sẻ những nỗi buồn chiến tranh. Và hằng tuần tôi đến giáo đường. Giáo hội này có hằng trăm giáo dân, nhưng họ quyết định để papa Smith cưu mang tôi, chắc không phải chỉ là một điều ngẫu nhiên. Có đêm cụm từ chiến tranh và hòa bình cứ lảng vảng trong tôi, và có đêm tôi nằm mơ đang nô đùa chạy chụp banh cà-na với hai em Jim Jr. và Jack trong một trận banh mà trọng tài là papa Smith. 
 
Ngày mai, ngày bắt đầu Chiến Dịch Đời Sống Mới!
______________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét