Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

DẤU CHÂN NGƯỜI TỊ NẠN (8)

Con đường mòn không tên




Một buổi chiều Chủ Nhật trung tuần tháng 11 năm 1975, sau hai tuần được bảo trợ về Newburry Park, Mom Valerie đưa tôi và Điện đến dự lễ tại một thánh đường Tin Lành ở thành phố Thousand Oaks. Xe đổ xuống con đường South Longford trong lá mùa Thu rơi tơi tả, Mom chạy song song khu đất trống rồi bắt vào freeway 101 chạy về hướng Nam để đến thành phố Thousand Oaks. Trời tháng 11, gió lạnh và những sân cỏ trên đồi Newburry Park bắt đầu khoác một lớp áo len màu vàng, tôi kéo cửa xe lên để chận những luồng gió làm tê buốt da mặt. Và chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ xe đã đến thánh đường Tin Lành.


Thánh đường khang trang lịch sự, phòng thánh lễ được lắp đặt với những tấm kiến đủ màu sắc, có chạm hình Chúa, những con cá, chim, và hình ảnh những gia đình, cộng đồng sum họp trong giờ ăn với đầy những bánh mì và trái cây trên mặt bàn. Giờ thánh lễ rất trang nghiêm, đầy đủ những lễ nghi từ lời giảng của Mục Sư, bài đọc của con chiên, lời thánh ca, những chiếc rỗ đan bằng nan cây được đưa trước mặt tín đồ để quyên góp cho quỹ nhà thờ; Và cuối cùng là những gương mặt và ánh mắt vui tươi; dường như họ quên đi tất cả những nhọc nhằn va chạm trong tuần, quay mặt lại ôm nhau chúc lời bình an. Tôi quay qua người bên cạnh bắt tay chúc mừng “Chúa ở cùng bạn - God be with you”. 
 
Rồi quay mặt ra phía sau. Tôi bắt gặp những ánh mắt và khuông mặt quen thuộc của nhiều người Việt khác! 
 
Vì hôm nay là buổi lễ đặc biệt hội ngộ của những gia đình người Việt tị nạn Cọng Sản được “bông-so” tại thành phố Thousand Oaks. (Từ “bông-so” do chữ sponsor là người bảo trợ, mà ngày ấy người Việt tị nạn thường dùng với tính cách trào phúng.) Một thiếu nữ cở tuổi đôi chín trong gia đình người tị nạn đứng sau lưng tôi, với nụ cười xả giao tôi đưa tay ra nắm lấy tay nàng và nói: “God be with you.” Nàng e thẹn rút tay lại và khẻ nói: “With you too.” 
 
Sau lễ chúng tôi được hội nhà thờ chào đón niềm nỡ, giới thiệu cho nhau để làm quen. Có lẽ hội bảo trợ nhà thờ đã nhìn thấy nỗi buồn cô đơn của dân tị nạn trên xứ người nên đã tạo điều kiện cho họ gặp nhau. Nhưng cũng lạ, chỉ trong vòng một thời gian ngắn rời xa trại tị nạn, xa người dân Việt và xa những sinh hoạt quen thuộc hằng ngày giữa những người cùng màu da, tiếng nói, đã làm nhiều người thấy nhớ! 
 
Hôm đó tôi được làm quen với “đoàn người cũ”. Tự nhiên tôi lại thấy quý mến với một thứ tình cảm là lùng, một thứ tình cảm chưa bao giờ hiện hữu trong tôi, một thứ tình cảm dành cho những người chưa bao giờ gặp mặt, chưa bao giờ biết tên, vậy mà thấy trân trọng. Có lẽ vì những tiếng chào đón, thăm hỏi bằng tiếng Việt thân yêu, và một cái gì đó rất gần, rất quen thuộc đã thiếu vắng. Hay có lẽ bên cạnh những con người kia tôi có thể tìm được một sự đồng cảm và niềm vui! 
 
“Anh ở đâu? Chị ở đâu?” Câu hỏi đầu môi của những người Việt tị nạn líu lo khi gặp một người tị nạn khác! Và “Ồ, chị cũng ở quận XYZ à! Ngày xưa tôi cũng ở nơi đó.” Những lời chân thành mộc mạc vui tươi lại xuất hiện trên gương mặt những người “tha hương ngộ cố tri”. Hình như người Việt trong những lúc lưu lạc cô đơn lại đoàn kết và quý mến nhau hơn! 
 
Tan lễ, chúng tôi tề tựu trên sân giáo đường vui mừng rộn rã ghi tên, địa chỉ và xin số điện thoại của từng người, không khác gì nỗi bâng khuâng của người học trò trong buổi tan trường cuối cùng, trước khi chia tay cho ba tháng Hè. Cũng trong buổi lễ này tôi gặp Dr. Moore và Dr. Swan, hai người giáo sư của trường Pepperdine University đã có công vận động xin học bổng cho tôi, Điện và George. George (cùng lứa với tôi và Điện) nhận làm con nuôi của một thiếu phụ người Mỹ mà bây giờ lâu quá tôi cũng quên tên Việt của George. Anh bạn này chỉ thích người ta gọi tên mình là George, và hình như cái tên cúng cơm bằng tiếng Việt của George cũng đã bị quên hẳn từ ngày theo học ngành Kế Toán tại đại học Pepperdine University! 
 
Tại buổi lễ, ngoài George, tôi và Điện ra còn có ba gia đình khác. Gia đình thứ nhất gồm cả ông, bà, cha, mẹ, anh em và con cháu, đếm trên ba chục người. Nhìn gia đình này những người bạn Mỹ phải biết nễ dân Việt! Họ là những người ở tuổi mới chào đời đến tuổi già nua và đã một lần rời bỏ quê cha miền Bắc di tản vào Nam, và nay, trong những ngày cuối cuộc đời lại phải rời xa quê cha một lần nữa! 
 
Gia đình thứ nhì có hai vợ chồng và bảy người con, mà xem đi xem lại cũng chỉ toàn là “dim díp” không thôi. Trong hai gia đình này có những cô xinh đẹp đến “nghiêng thùng đổ nước.” 
 
Và gia đình thứ ba chỉ có hai người bạn thanh niên “mồ côi” đi chung với nhau, giống như tôi và Điện. Hai anh này, một người thì bặm trợn một người thì hiền lành, và cả hai được hội nhà thờ bảo trợ, đang cư ngụ trong nhà vợ chồng Dr. Swan. 
 
Những giây phút mừng vui gặp lại người cùng quê hương vẫn còn đọng trên bờ môi ánh mắt thì chúng tôi phải chia tay. Tôi và Điện lên xe theo Mom Valerie đến một nhà hàng Mễ Tây Cơ nằm trên đại lộ Thousand Oaks. Nhà hàng nằm bên góc đường yên tĩnh, tường được tô một lớp xi-măng trắng ngà ngà và mái ngói đỏ chót, sân lót gạch bằng phẳng và rợp bóng mát từ năm ba cây sồi trắng (white oaks). Dọc theo bờ hè là những chậu hoa kiển trông rất đẹp mắt. Chỉ nhìn vào bề ngoài người ta cũng có thể đoán đây la một nhà hàng “hạng sang.” Mấy tuần nay ở nhà bảo trợ ngày nào cũng bánh mì, bơ sửa, mì ống, ketchup, friend fries trông thì đở hơn “chop sui” trong trại tị nạn, nhưng tôi ngán và ngán đến cổ họng. Lâu rồi tôi thèm và nhớ đến mấy hột cơm, mấy hột cơm trắng. Nhưng hôm nay đứng trước nhà hàng sang trọng này thì mấy hột cơm trắng nhằm nhòi gì! Chúng tôi xuống xe tiến vào nhà hàng. Tôi nghĩ hôm nay chắc sẽ được dịp “trả thù” cho cái bao tử mấy tháng nay. 
 
Ông chủ nhà hàng trông bệ vệ, tuổi trên 40, người hòa nhả, đạo mạo, ra bắt tay và hun cái chụt lên gò má của Mom Valerie. Tôi chưng hửng và nói thầm trọng bụng “Ông này táo bạo quá, papa Smith còn đó mà không ngán chút nào ta!” Nhưng thấy Mom rất vui vẽ và còn chìa mặt ra cho ông chủ nhà hàng hun, tôi cụt hứng lẽo đẽo theo sau bước vào nội sảnh. Sau này tôi mới biết đó là một truyền thống bình thường ở xã hội Tây phương. Sau một hồi nói chuyện, ông chủ nhà hàng hỏi tên chúng tôi, tôi đọc tên thật chậm và rõ ràng cho ổng nghe: “Sir, my - name - is - Vân - Nguyễn.” Ổng trợn tròn đôi mắt nhìn Mom và nói: “What, what is his name?” “Ah ha, just call him Van Nu Gent.” Mom nói trong tiếng cười xong đưa tay chỉ người đi cùng tôi và bảo ông ta gọi là Dien Nu Gent. Vậy là xong! Kể từ lúc đó Mom đổi tên gọi của tôi và gặp người bạn nào Mom cũng giới thiệu tên mới của tôi. Cái tên nghe lạ hoắt. Nhưng cũng không đến nỗi tệ bằng người đi chung với tôi, từ đây tên anh ta trở thành Điên thay vì Điện! Nhưng nói đến tên người Việt khi đến Mỹ này thì than ôi, nhiều tên khi đọc lên còn nghe thảm thiết lắm, có những tên họ đọc lên nghe còn đỏ mặt nữa là khác, như Dũng nè, Loan nè, Cừ nè, Cún nè, Du Mậu Nguyễn nè, v.v… 
 
Cuộc trò chuyện đến hồi kết thúc thì Mom bắt tay người chủ nhà hàng chào ra về. Tôi lại chưng hửng nữa! Sao kỳ vậy, đến nhà hàng mà sao không được ăn! Đó, phải chi hồi nãy tôi đừng mơ và đặt niềm tin lớn vào những món ăn ngon ở nhà hàng này thì bây giờ đâu có thất vọng! Tôi đành xoa bụng bước ra xe! Nhưng tôi biết là ngày mai tôi và Điện sẽ trở lại đây, trở lại để nhận công việc, một công việc mới, một việc làm đầu tiên trong chiến dịch đời sống mới, một người bus boy. 
 
Trước khi về nhà Mom không quên ghé cây xăng mua cho tôi và Điên (không có dấu nặng à nhe, không phải tôi quên đâu he he!) tấm bản đồ thành phố Thousand Oaks. Rồi sau đó Mom đưa chúng tôi đến một trung tâm thương mại (Shopping Mall) sắm cho tôi cặp kiến cận mới, thay cho cặp kiến cũ kỹ mờ như câm và nặng như cái cùm tôi mang từ Việt Nam qua. Xong Mom đưa hai chúng tôi ghé tiệm cắt tóc. Tại đây Mom yêu cầu người thợ xuống hai “mái tóc thề” của tôi và Điên. Người thợ cắt tóc đã vô ý chạm kéo vào cổ làm đứt da tôi, máu chảy đỏ lòm, ông ta hoảng sợ tái mặt. Mom nhìn trấn an tôi, nhưng tôi nói không sao, chỉ vài dọt máu rồi da sẽ liền lại, tôi đến từ Việt Nam mà, những thứ lẻ tẻ này ăn nhằm gì! Tôi nhớ ông thợ cắt tóc lo lắm, cắt xong ông nhìn tôi và nói tôi khỏi trả tiền công cho ông ta. Tôi cám ơn ông ta và ra về. 
 
Ngày hôm sau, trên tay cầm tấm bản đồ địa phương, tôi và Điện nghiên cứu rõ những con đường nào có thể đi đến nhà hàng Mễ Tây Cơ kia bằng xe đạp. Chúng tôi nói với Mom và Papa Smith rằng chúng tôi có thể đến nhà hàng một mình. Rồi chúng tôi lên đường bằng hai chiếc xe đạp cũ, loại xe đạp xưa dùng cho người lớn tuổi chạy tập thể dục được hội bảo trợ nhà thờ vừa tặng cho tôi và Điên. Lăn lộn qua những con đường lớn, nhỏ, chúng tôi đạp từ Newburry Park đến Thousand Oaks. Khi đến Freeway 101 xe đạp không thể băng qua xa lộ nên chúng tôi chạy trên con đường mòn song song với Freeway 101. Con đường mòn được thành hình do những người trẻ dùng xe gắn máy, loại xe chạy trên đồi núi, tập dợt lâu ngày trở thành nhẳn bóng. Ngoài những chiếc xe gắn máy chạy núi và những chàng thanh niên trẻ tuổi suốt ngày rồ máy cày nát lối đi đất sét này người ta không còn bắt gặp ai nữa! 
 
Nhưng từ hôm nay lại có thêm hai bóng người gò lưng đạp xe lên đồi xuống dốc, băng qua từng con suối khô cằn trên con đường mòn không tên để đến chỗ làm. 
 
Tôi nhớ con đường từ nhà Mom Valerie đến nhà hàng Mễ Tây Cơ dài 19 dặm (mile), tức khoảng 28 Km. 28 Km tôi và Điện phải mất 2 tiếng đồng hồ để đi một chiều. 
 
Ngày đầu tiên chúng tôi được ông chủ cho làm bus boy kim waiter (chạy bàn), ông trả cho chúng tôi $2.10 mỗi giờ và cho ăn buổi trưa. Chúng tôi chỉ làm 2 tiếng mỗi ngày, từ 10 đến 12 giờ trưa. Tức là mỗi ngày tôi đạp xe đạp đi và về 4 tiếng đồng hồ, để làm 2 tiếng với số lương tối thiếu của thời 1975 ở Cali. Vị chi tôi kím được $4.20 cho mỗi ngày. Chúng tôi rất vui mừng và ngày nào cũng đến nhà hàng rất đúng giờ. Nhưng câu chuyện vui cũng bắt đầu từ đây. Tôi nghĩ mình đi làm nhà hàng thì ăn cơm ở nhà hàng là chuyện bình thường, nên đến trưa ông đầu bếp bảo hai đứa tôi muốn ăn gì nói ổng làm cho. Chúng tôi nhìn thực đơn bằng tiếng Mễ Tây Cơ cũng giống như nhìn tiếng Phạn vậy, nghĩa là không biết món nào là món nào cả. Tôi bèn đưa ngón tay chạy một dọc trên tờ thực đơn và ngừng ngay tại món ăn mắt tiền nhất, cở $6.00. Tôi bảo ông đầu bếp cho tôi món đó. Hai đứa chúng tôi mang ra bàn ngồi ăn uống thoải mái, đồ ăn Mễ tuy có nhiều chất pho-mat (cheese), nhưng ngon. Đến ngày hôm sau chúng tôi yêu cầu đầu bếp cho món khác nhưng cũng là một trong những món mắt tiền nhất, nghĩa là cũng từ $6.00 trở lên. Tình cờ ông chủ nhà hàng đi ngang qua, ông liếc mắt nhìn chúng tôi ăn. Ông ta khựng lại và có vẽ không vui. Và ngày thứ hai, trước khi ra về ông chủ gọi hai đứa tôi lại và nói bắt đầu từ đây chúng tôi phải mang đồ ăn nhà theo để ăn, nghĩa là ông không cho chúng tôi ăn cơm nhà hàng nữa! Ổng làm thương mại mà, ổng trả tiền công cho mỗi đứa chúng tôi $4.20 mỗi ngày, mà mỗi bửa ăn chúng tôi xực món ăn trên $6.00, thì hỏi thử ổng phải làm sao đây? Vậy là từ đó Mom làm cho mỗi đứa chúng tôi một cái sandwhich mang theo mỗi ngày! 
 
Một tuần sau, ra khỏi nhà hàng còn sớm quá, về nhà thì buồn nên hai đứa chúng tôi lục điện thoại gọi thăm những người Việt gặp hôm đi nhà thờ. Chúng tôi liên lạc được người thanh niên đang ở nhà Dr. Swan. Tôi hỏi đường đi đến nhà họ (cũng ở Thousand Oaks này), và sau khi đạp ngoằn ngoèo theo hướng dẫn của anh bạn mới, chúng tôi lại đứng trước một chung cư nhỏ. Tôi ngần ngại gõ cửa: 
 
“Vô đi, cửa mở đó.” 
 
Giọng Huế của một người thanh niên. Đẩy cửa bước vào, tôi hỏi. 
 
“Ủa! Sao như nhà mướn vậy! Ông bà “bông xo” đâu?” 
 
“Như gì, nhà mướn chứ như cái gì. Hai bồ ngồi chơi đi. Uống nước gì hông?” 
 
Giọng Huế ồ ồ của Tẩu, một trong hai người thanh niên ở nhà Dr. Swan, mà tôi quen hôm ở nhà thờ Tin Lành.
 
 “Thôi, mới uống. Ủa! Sao vắng tanh vậy. Ở một mình à?” 
 
“Đâu có, đông lắm nhưng họ đi làm hết rồi, chiều tối mới về. Bây giờ hai bồ làm gì?” Tẩu hỏi. 
 
“Nhà hàng.” 
 
“Vậy à, ngon hỉ, nhà hàng nào vậy?” 
 
“Enrique’s Mexican restaurant.” 
 
“Hay vậy, làm sao xin vô đó?” 
 
“Tụi này nhờ bông xo giới thiệu. Ông làm gì ở đâu?” 
 
“Làm cho hảng dầu hỏa. Gặp cây xăng đầu ngõ hông, đó đó, hà hà …” 
 
“Làm nghề bơm xăng thì nói bơm xăng mẹ nó đi, bày đặc hảng dầu hỏa.” Tôi nói. 
 
Một hồi trò chuyên tôi mới biết Tẩu đi chung với một người bạn quen nhau trong trại. Sau ngày đến ở nhà ông bà Dr. Swan, người kia vì không rành tiếng Anh và cảm thấy cuộc sống gò bó không thích hợp nên xin ra và mướn chung căn phòng này với những người lính độc thân khác. Tẩu hằng ngày vẫn đi làm cho cây xăng và ở nhà Dr. Swan, nhưng thường đến đây chơi với đám độc thân. Hôm đó tôi và Điện ở lại chơi, chiều tối những người trong nhà đi làm về đông đủ. Chúng tôi gặp, làm quen và trong nhóm bạn này gòm có: Lang (người đi cùng với Tẩu) , Tư, Lợi, Thuận, Dương, Quang, Điện và tôi. Lang, Tư, Lợi và Thuận là những người lính của quân lực VNCH. Tư trong binh chủng Lôi Hổ và lúc nào mặt cũng lạnh như tiền, ít nói. Thuận, người lính trẻ nhất trong bọn, lúc nào mái tóc cũng láng mượt, ruồi đậu còn trợt chưn! Chúng tôi đều ra đi một mình chỉ trừ Dương đi cùng bố và người chị gái. Quang là người trong gia đình trên 30 người tôi gặp ở nhà thờ hôm nọ. Dương, Quang cũng như Điện và tôi đều là sinh viên năm thứ nhất ở Sài Gòn trước ngày ra đi. 
 
Sau vài ba lần gặp mặt và quen nhau qua những buổi nhậu chết người, chúng tôi trở thành những người bạn thân. Những người bạn chiến binh VNCH nay buông súng xuống họ trở thành những người công nhân trong mọi công sở, ngày ngày đi đi về về nơi xứ người, mà gia đình và người thân là cả một nỗi niềm suy tư trong những đêm về tối khi ly ruợu đã khô cạn và bạn bè đã ra về. Những người bạn này ai cũng có người bảo trợ, nhưng rồi trong một thời gian ngắn sau khi khi xuất trại họ lại chọn cho mình một lối đi, một con đường tự lập. Người bảo trợ chỉ là điểm tựa khi cần đến, và họ cũng thường viếng thăm người bảo trợ để tỏ lòng cám ơn công cưu mang buổi ban đầu. Thousand Oaks có khoảng trên dưới 100 người tị nạn, vài ba gia đình đông con được hội nhà thờ giúp đở mướn nhà, mua xe cũ, hướng dẫn tìm việc làm và cho con em đến trường học. Còn lại là những người độc thân, hầu hết lao vào công việc lao động và đi học bán thời gian để gầy dựng tương lai. 
 
Tôi đến Thousand Oaks được hai tuần, hằng ngày sống trong gia đình Mom Valerie và Papa Smith. Sáng chiều đạp xe đạp đi làm, lương hướng thật ra không là bao nhiêu, nhưng ít ra cũng có một chỗ đi cho đở buồn. Tôi và Điện được gia đình Mom lo cho chỗ ở, còn tiền ăn thì người bạn Bác Sĩ tôi quen biết ở Sài Gòn (Dr. Crawford) giúp hai tháng trong thời gian chúng tôi chờ ngày đi học. Đến tuần thứ ba BS Crawford từ Santa Ana lên thăm tôi, Điện, gia đình Mom và Papa Smith. Chiều lại người bạn BS đưa tôi và Điện xuống phố đi ăn. Trước khi đi ông bảo tôi có bạn bè nào không, rủ đi chung cho vui. Vậy là như cờ gặp gió, tôi gọi điện thoại nhóm bạn mới quen và hẹn nhau đi ăn nhà hàng. Tôi đưa bản đồ và chỉ đường cho BS Crawford đến rước họ tại chung cư trên Thousand Oaks. Chiếc xe station wagon của ông BS chở 7 mạng chúng tôi đến một nhà hàng nọ, không phải nhà hàng tôi làm đâu! Người bạn BS nói chúng tôi muốn ăn gì tự do gọi, vậy là một lát sau 7 dĩa New York steak được mang ra, và rượu, beer đầy bàn. Chúng tôi được ăn ngon một bửa, rồi chia tay BS Crawford, ông trở về Santa Ana. Sau đó thỉnh thoảng ông trở lại thăm tôi. 
 
Trở về việc làm thì tôi và Điện vẫn đạp hai chiếc xe đạp cộc cạch hàng ngày trên con đường mòn dài 28 Km đến nhà hàng. Việc của chúng tôi là bồi bàn. Trước khi mở cửa, chúng tôi đến sớm hơn một chút lo quét dọn lau chùi bàn ghế, sắp xếp khăn muỗng nĩa trên bàn. Khi khách đến mang thực đơn ra cho khách, khách gọi gì thì ghi vào hóa đơn và vào nhà bếp bảo đầu bếp làm món đó, xong mang ra cho khách. Chỉ đơn giản vậy thôi! Nhưng. Éo le là cái chỗ nhưng này, chúng tôi đâu có biết tiếng Mễ, món ăn tiếng Mỹ mà tôi còn không rành nữa là. Mỗi lần đi nhà hàng muốn ăn món nào là tôi nói bằng tay nhiều hơn miệng, cứ chỉ vào hình trên thực đơn món nào muốn ăn và nói “this one, that one” là được thôi! Bây giờ khách xem thực đơn xong nói một tràng món ăn bằng tiếng Mễ Tây Cơ, tôi nghe như nghe sấm, vậy mà cứ Yes, yes, Okay Sir. Xong rồi chạy xuống nhà bếp kêu lộn bà chè món này qua món kia. Kết quả là sau một tuần làm bus boy cả hai chúng tôi đều bị “cách chức” xuống phụ bếp … rửa chén! Mà chén bát thì nhiều vô số kể. Tôi rửa chưa xong cái này thì một đống từ phòng ăn đưa xuống, tôi và Điện rửa bằng tay không xuể nên đầu bếp bảo chúng tôi vừa rửa bằng tay vừa đưa vào máy rửa chén cho lẹ. Sướng! Có máy rửa chén rồi tôi cứ đưa hết vào đó, ai ngờ chạy máy chưa quen làm nguyên một chồng chén bay vèo xuống đất, vỡ thành mãnh vụn! Kết quả, chúng tôi lại bị “thuyên chuyển nhiệm sở” lần nữa. Trong nhà hàng mà không làm bồi bàn, không rửa chén thì còn làm gì nữa bây giờ? Ông chủ cũng vì nễ chỗ quen biết với Mom nên đưa hai đứa chúng tôi ra làm ngoài sân, quét lá, tưới cây! 
 
Và hai đứa chúng tôi đã làm ở đây được một tháng trời. 
 
Thời gian làm ngoài vườn, cơ duyên ở đâu đưa đến, là, có chị kia làm waitress (chạy bàn) trong nhà hàng và đổi ca trùng giờ chúng tôi. Chị tên Joann, lớn hơn chúng tôi cở 4, 5 tuổi. Chị người nhỏ con, mảnh mai, cao ráo và có khuông mặt thật đẹp. Chị đã có chồng. Hằng ngày thấy hai đứa tôi đạp xe đạp đến đây làm, nhìn hai chiếc xe đạp cũ kỹ, nặng nề, chị hỏi: 
 
“Đạp xe từ đâu?” 
 
Tôi nói:
 
“Newburry Park.” 
 
Chị hỏi tiếp: 
 
“Đường nào ở Newburry Park?” 
 
Tôi nói: 
 
“South Longford Ave.” 
 
“Vậy à! Mà xa lộ chập chùng làm sao đạp đến đây được?” 
 
Tôi nghe hai chữ “vậy à” của chị có vẽ ngạc nghiên. Tôi nói: 
 
“Bằng con đường mòn dọc theo xa lộ.”
 
 “Con đường mòn nào?” 
 
Chị lại hỏi. Hình như ngươi dân nơi đây ít ai biết đến con đường nầy. Tôi nói: 
 
“Con đường mòn không tên.” 
 
Chị mĩm cười, lập lại câu “Con đường mòn không tên” rồi bước vô nhà hàng. Một hồi sau chị trở ra sân gặp chúng tôi, chị nói: 
 
“Bắt đầu ngày mai hai em đến nhà chị chị chở đi làm.” 
 
Chị đưa bản đồ, chỉ căn nhà chị ở cách nhà Mom ba đoạn (blocks) đường. Và từ đó mỗi buổi sáng chúng tôi chạy đến nhà chị, bỏ xe đạp lên station wagon và ngồi trên xe chị đi làm. Nhưng chiều về chúng tôi phải đạp xe về vì chị không ra cùng lúc với chúng tôi. 
 
Một tháng sau, tháng 1 năm 1976, ngày khai giảng khóa học mùa Đông bắt đầu. Mom sửa soạn cho tôi và Điện một ít quần áo, đem bỏ vào bốn cái vali đời xưa, màu vàng rắn chắc. Tôi nhét vào cuốn tự điển Việt - Anh, Anh - Việt của Lê Bá Kông, bộ sách Toán - Lý - Hóa và cuốn Giải Tích Học tôi mang theo từ Việt Nam. 
 
Ngày Chủ Nhật hôm đó tôi đi làm bửa cuối. Từ tuần trước tôi đã báo ông chủ rằng tôi sẽ thôi làm cuối tuần này. Tôi biết tôi không làm vừa lòng ông mấy, nhưng buổi ban đầu mà, có lẽ ngày đầu của ông trên xứ lạ này cũng vậy thôi. Tôi nói lời cảm ơn ông đã giúp tôi trong giai đoạn chập chửng, ông cũng vui vẽ nắm lấy tay tôi và chúc lời may mắn. Đến gặp chị Joann, chị tươi cười ôm choàng lấy tôi, give a big hug và chúc thành công trên con đường học vấn. Trong cái hug tôi thấy có một chút gì lưu luyến. 
 
Nghĩ đến ngày mai, tâm trạng tôi hoang mang và nhớ mang máng bài tập đọc đầu tiên của cậu học trò bé nhỏ Thanh Tịnh ngày xưa. Mùa Đông, tuy “ngoài đường lá không còn rụng nhiều và trên không không có những đám mây bàng bạc, nhưng lòng tôi vẫn nao nức với những kỷ niệm của ngày tựu trường”. Vì ngày mai “Tôi đi học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét