Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

HỒI CHUÔNG BÁO TỬ (6)

Cây cầu xi măng



Nửa tháng trước đây thành phố này còn sống, nhà cửa, cột điện, cây cối, đường sá còn nguyên vẹn. Nửa tháng trước đây, thành phố này còn ầm ĩ tiếng xe chạy, tiếng máy nổ, và chợ vẫn họp, công sở vẫn làm việc, dân chúng sống chen chúc trong cuộc sinh hoạt hàng ngày. 

Chiến tranh bùng nổ rồi lệnh tiêu thổ tản cư được truyền ra. Dân chúng phá phách nơi mình ở, phá phách thành phố để tản cư đi nơi khác. Cột điện gục ngã, cây cối lìa thế đứng thẳng để nằm vật trên mặt đất, khô héo dần. 
 
Gã thanh niên trẻ tuổi đứng dừng lại giữa thành phố chết. Một vệt cười yếu ớt chạy qua kẽ môi. Một ánh ngạc nhiên đượm chút ngây thơ thoáng trong đôi mắt. Giữa thành phố chết chỉ còn một bóng người độc nhất là gã thôi. Máu trong huyết quản gã vẫn chảy mạnh, chân tay vẫn cử động, tấm thân cao lớn đổ bóng trên mặt đường nhựa loang lổ. Nắng chiều yếu ớt làm mờ nhạt bóng gã nhưng lại bôi thêm vẻ chết chóc lên những cảnh hoang tàn. Lối đi nhỏ trước mặt bị hút dần vào cái khuôn càng xa càng hẹp dưới tầm hoạt động của nhãn quan. Những mảnh tường xiêu vẹo lởm chởm đứng lộn xộn trên đống gạch ngói vụn nát. Chỉ có bước chân gã xào xạo trên lớp gạch vụn. Giữa thành phố chết này, chỉ có một mình gã. Vẻ quạnh hiu lùa qua ngõ mắt vào sâu trong tâm hồn khiến gã thoáng rùng mình khi cảm thấy đôi chút lạnh lẽo phớt lạnh trên lớp da cổ. 
 
Gã vẫn bước chầm chậm, vẫn huýt sáo miệng khe khẽ và giữ trên môi nụ cười ngẩn ngơ. Chiếc ba lô vải đập vào sườn theo mỗi nhịp bước. Vô tình gã mở khuy ba lô thò tay vào trong. Chỉ có một nắm cơm, một gói vừng rang, một cuộn thép và một trái mìn. Gã được người ta trao phó cho trái nổ này để đêm nay phá nốt cây cầu xi măng ở phía tây thành phố. Cả phố chỉ còn mỗi cây cầu này người ta chưa kịp phá, và gần cầu hiện thời có một đồn địch. Công tác khá nguy hiểm vì nhiều họng súng trong đồn ngày đêm chĩa ra sẵn sàng nhả đạn. Gã cười lên khe khẽ. Tiếng gào gừ chập chờn hình như không muốn buột ra khỏi cổ họng. Gã là người của thành phố này, đã mở mắt chào đời ở đây, lớn lên ở đây. Năm nay hai mươi mốt tuổi nhưng gã chưa có dịp nào xa thành phố quá mấy chục cây số. Thành phố đã mang biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm hay buồn thương của đời gã. Trước mặt gã là khu bịnh viện, nơi người mẹ yêu quý của gã đã qua đời sau mấy tháng trời khắc khoải đau đớn vì bịnh hoạn. Mẹ gã chết lúc gã lên mười tuổi. Con đường gã đang giẫm lên đây chính là đường chạy từ cửa nhà xác tới nghĩa địa. Hôm đưa đám mẹ gã, trời đất lạnh lẽo âm thầm dưới một làn mưa phùn mỏng manh. Hai con ngựa gầy gò lôi chiếc xe tang phủ vải đen riềm trắng đi trước. Vài mươi kẻ thân thuộc bạn hữu trong đó có hai anh em gã, chầm chậm bước sau xe. 
 
Gã thanh niên bước chậm hơn, lơ đãng quay nhìn phía bên trái. Nghĩa địa thành phố nằm ở xa xa. Những mồ mả thấp thoáng dưới ánh năng nhạt nhẽo của buổi chiều. Mẹ gã nằm trong đó, bác gã nằm trong đó, dăm bảy người thân yêu của gã nằm trong đó. Dải tường thấp bao quanh nghĩa địa cũng bị phá đổ từng đoạn. Một nỗi chua xót thấm vào tâm hồn gã. Đôi thoáng tiếc nhớ tỏa ra mơ hồ từ đôi mắt đượm chút bơ vơ. Gã không còn thương mẹ vì hơn mười năm qua lòng thương đó đã phai lạt từ lâu rồi. Nhưng hình ảnh bao nhiêu kỷ niệm từ lúc ấu thời đến bây giờ. Trong những hình ảnh thân yêu đột ngột hiện ra trong những kỷ niệm ấy, có hình ảnh của đứa con gái mà gã đã yêu khi vừa lớn lên. Đó là mối tình đầu tiên say đắm dịu ngọt như nhiều mối tình đầu khác. Nàng là một nữ sinh. Gã là một nam sinh. Khi hai đứa gặp nhau nàng mới mười tám tuổi. Hai đứa ở cùng phố, học cùng trường, quen biết nhau rồi yêu nhau. Cuộc cách mạng lật đổ chế độ thực dân bùng lên mãnh liệt, khiến cho hầu hết thanh niên say sưa với công cuộc cứu đất nước đến đỗi coi nhẹ cả tình riêng. Mối tình giữa hai đứa bị gián đoạn ngay vào lúc chiến tranh bắt đầu diễn ra. Gã gia nhập lực lượng chiến đấu còn cô bé theo gia đình tản cư đi nơi khác. Tuy nhiên trong giờ phút chia tay, đứa con gái đã khóc khi nghe gã nói "Anh sẽ không bao giờ quên em. Chúng ta sẽ gặp nhau khi dân tộc giành hẳn phần thắng. Một ngày gần đây thôi em ạ, chúng ta sẽ lại gặp nhau để gần nhau mãi mãi". Gã sống một phương nàng sống một phương, thư từ di chuyển khó khăn nên hai bên gần như mất liên lạc. Nhưng chiều hôm nay, gã đứng giữa thành phố chết trong khi sắp thi hành một sứ mạng nguy hiểm có thể hại đến tính mạng, gã tự nhiên thấy bao nhiêu mối cảm tình vướng vít xô tới xâm chiếm tâm hồn. Hơn bao giờ hết, gã nhớ tới người yêu. Hơn bao giờ hết, hình ảnh nàng hiện ra rõ rệt và đổi thay của hoài niệm. Buổi đầu tiên hai đứa gặp nhau trong ngôi trường học nhỏ bé thân yêu. Gã quay nhìn về phía trường cũ để chỉ thấy những đống gạch vụn tang thương giống như trăm ngàn đống gạch vụn khác. Ngôi trường năm cũ không còn nữa. Gã lại nhớ tới những buổi tối dắt tay người yêu đi dạo dưới những ngọn dừa bên bờ sông phía tây thành phố. Thường khi gió đưa trăng lên, ánh trăng giãi đầy mặt sông len lỏi vào những kẽ lá dừa lay động và soi vào mặt người yêu. Đã nhiều lần gã dừng lại say đắm nhìn ánh trăng dịu dàng in trên làn da trắng mịn của người con gái. 
 
Vô tình, gã lại quay nhìn dòng sông. Ở xa dòng nước dài vẫn loang loáng trôi, những bờ sông không còn những ngọn dừa thơ mộng mà chỉ còn rải rác đó đây những thân gỗ bị chặt nằm sóng soài trên mặt cỏ, phơi những lớp vỏ cháy nắng đen đủi. Thật hết rồi, không còn gì nữa. Đường xưa lối cũ thảm đạm xác xơ. Những mái nhà êm ấm đâu còn nữa! Ngôi trường thân yêu còn đâu! Chỉ có dòng sông vẫn kiên nhẫn lạnh lùng trôi, nhưng dòng sông hôm nay đã bị tước bỏ cái vẻ yêu kiều của dòng sông ngày cũ. Gã trẻ tuổi thở dài. Cha ông gã, bà con thân thuộc của gã, bạn bè và đồng bào của gã đã chung sức xây dựng, tô điểm thành phố này để rồi lại phá nó đi. Tất cả thành phố tan tành hết. Không còn gì nữa, chỉ còn lại có mỗi một cây cầu xi măng vắt ngang dải sông hẹp. Chỉ còn mỗi một cây cầu! 
 
Và gã nhớ lắm. Khi xưa đã hơn một lần gã đã cùng người yêu đứng tình tự trên cây cầu xinh đẹp ấy. Tiếng gió thổi rì rào, tiếng đập rộn ràng của hai trái tim, tuy rất nhỏ nhưng hai người nghe thấy rất rõ. Ở dưới chân họ, dòng nước cuồn cuộn trôi. Bên thành cây cầu ấy gã đã say sưa đặt lên môi nàng cái hôn đầu tiên. Người con gái tựa lưng vào thành cầu, hơi ngửa mặt lên, mớ tóc thơm tho xõa ra bay tung trong gió, nàng đón nhận chiếc hôn đầu tiên của người tình và cả thân thể nàng run bần bật. 
 
Và còn biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ khác lúc này đang vụt bay khỏi đống xác dừa bên bờ sông, bay khỏi dải tường xiêu đổ quanh khu nghĩa địa, bay khỏi ngôi trường vụn nát, bay khỏi những cảnh hoang tàn trùng điệp trong thành phố, quay lộn chung quanh gã rồi đậu cả xuống cây cầu cô độc. Tất cả thành phố chỉ còn lại một cây cầu, và sứ mạng của gã tối nay là phá hủy cây cầu đó. Gã nhấc cao cánh tay phải, dùng ngón trái và ngón trỏ khẽ mâm mê trái mìn trong ba lô. Vòng dây thép nằm bên trái mìn. Lát nữa gã sẽ đích thân gài trái mìn vào mô cầu, buộc một đầu dây vào ngòi, dòng dây, đến chỗ nấp rồi giật dây cho mìn nổ. Số phận cây cầu vô tội kia nằm trong tay gã. Chính gã sẽ hạ thủ nó. Những họng súng chĩa ra từ đồn địch sẽ khạc từng loạt đạn vào người gã nếu gã không rút lui kịp thời. Sự xúc cảm khiến gã hơi rùng mình. Không biết gã ái ngại cho cây cầu hay ái ngại cho tính mạng gã. Chắc chắn cho cả hai, vì lúc này số phận cây cầu và số phận gã bắt đầu gắn chặt với nhau. Hình như gã không sợ chết lắm, nhưng thật tình gã không muốn phá cây cầu đó nữa. Sự liên tưởng kỳ diệu khiến gã ví nó với một giọt máu độc nhất còn sót lại của một dòng họ dưới thời quân chủ đã bị một bạo chúa khép vào án tru di tam tộc. Còn gã là tên đao phủ bất đắc dĩ được lệnh giết nốt đứa nhỏ còn sót lại. 
 
Gã thanh niên lại chậm chạp bước đi, gót giày xéo mạnh trên những tảng vữa trên đường. Đôi môi gã hơi cong lên, hé mở để lộ ra một vệt răng trắng nhởn. Một tiếng cười gằn giận dữ vụt thoát ra khỏi cuống họng. Thật ra, gã không căm giận ai cả nhưng căm giận chính gã. Gã nói không ra tiếng hay nói cho đúng hơn gã gửi tiếng nguyền rủa vào những tiếng xào xạo của bước chân: "Không thể được, không thể ủy mị, hèn yếu như vậy được; mày là một chiến sĩ cứu quốc, cần phải luôn luôn hăng hái can đảm, chứ không thể để lòng yếu đi bất cứ lúc nào. Cần phải đặt đoàn thể lên trên tất cả những cảm tình cá nhân. Đừng suy tưởng vẩn vơ nữa, hãy dồn hết tâm lực vào việc phá cây cầu đó…". Gã nghĩ tới kỷ luật quân đội, tới những bài học tác chiến, những thái độ tinh thần mà cấp chỉ huy muốn gã có. Gã nghĩ tới những trận đánh ác liệt, những đồng bạn đã gục ngã khi giao tranh với kẻ địch. Lòng gã sôi lên. Những phản ứng nội tâm ấy dần dần làm mờ cả những kỷ niệm mơ mộng yếu đuối đã hiện ra linh động đến thế. Và chút ánh nắng buổi chiều cũng phai lợt dần với những kỷ niệm ấy. Sắc hoàng hôn lảng vảng trên bầu trời rồi chầm chậm tỏa xuống thành phố chết. Gã trẻ tuổi nhíu cặp lông mày sâu róm nhìn vào mặt đồng hồ tay: bảy giờ mười lăm phút. Trong khoảng thời gian từ bây giờ đến nửa đêm, gã phải phá hủy được cây cầu. 
 
Sự im lặng hoàn toàn của thành phố chết khiến gã quyết định hành sự. Gã đeo ba lô lên vai bước ra khỏi chỗ ẩn núp, âm thầm lần mò về phía mục tiêu. Gã càng tới gần cầu, những ánh đèn trong đồn địch càng sáng hơn. Cách gã chừng hai trăm thước, cây cầu uể oải vắt ngang dòng nước. Xa hơn một chút nữa, ngôi đồn địch đứng sừng sững như dọa nạt thách đố. Bọn lính Pháp ở cách cầu chừng năm chục thước. Hẳn nhiên không thằng nào dám ra ngoài. Ta bò ra mạn bờ sông, đội ba lô và khí giới trên đầu lội sang bờ sông bên kia rồi bò men theo đầu dây vào chốt nổ ta cầm một đầu dây bơi về bờ bên này và thế là xong. Công việc kể ra cũng không khó khăn lắm nhưng còn phiền một điều mà trước khi ta đi không ai trù liệu là trời tối nay sáng quá. Đủ cả trăng sao. Phải chờ mảnh trăng khốn kiếp kia lặn đi. Trăng non lặn sớm lắm. Nhưng ít ra cũng phải tới mười một giờ ta mới có thể khởi sự được. Ta vào ẩn tạm trong kia chờ trăng lặn. 
 
Gã lại vào nằm trong kẹt tường để chờ đợi. Còn hơn một giờ đồng hồ nữa mới có thể xuất hiện được. Gã cố thu dọn một chỗ nằm rồi ngả lưng xuống để cảm thấy sự mệt mỏi len vào cơ thể. Nằm nghỉ đây để lấy sức làm việc. Ta sẽ thành công chắc chắn. Tới ngày sum họp với người yêu, sum họp với gia đình, ta sẽ kể lại cho mọi người nghe cái đêm tuyệt diệu này. 
 
Nhưng gã bỗng bậm môi lại vì một ý tưởng ngang ngạnh vừa lóe ra trong óc. Chắc gì ta còn sống để gặp lại nàng, gặp lại những kẻ thân yêu. Ta sẽ đổi một mạng ta lấy một cây cầu sao? Không nên lạc quan quá vì chắc gì đổi được. Bọn địch đâu phải một lũ ngu ngốc. Những họng súng chĩa ra kia đâu phải những vật vô ích. Mà ví thử ta phá được cây cầu để rồi chết thì sự đổi chác đó có xứng đáng không. Cây cầu đó sụp đổ đêm nay thì sáng mai địch quân sẽ bắc ngay một cây cầu khác; tuy không vững chãi, không chắc chắn như cũ thì cây cầu của chúng cũng vẫn là một cây cầu. Còn ta, ta sẽ vĩnh biệt cõi đời. Ta sẽ là một loại anh hùng vô danh. Hừ! Anh hùng vô danh! Ích lợi gì chứ? Cái chết của ta có ý nghĩa gì không? – Sao lại không? Gã tự trả lời. Danh dự của một chiến sĩ, khí tiết của một thanh niên không cho phép ta lùi bước trước cái chết. Sống hèn sao bằng chết vinh. Nhưng ta sẽ không chết. Ta sẽ làm tròn sứ mệnh. Mảnh trăng kia chẳng mấy lúc nữa sẽ lặn đi… 
 
Tất cả những ý nghĩ đó quấn quít lởn vởn trong đầu gã, xô đẩy nhau, bất bình nhau trong tâm hồn gã khiến gã mệt mỏi thêm. Gã nhắm mắt cố lấy lại sự bình tĩnh nội tâm. Sự bình tĩnh trở lại thật. Thân thể gã thoải mái hơn, đầu óc gã nhẹ nhàng hơn. Gã không suy nghĩ vẩn vơ nữa vì giấc ngủ đến với gã êm ái, dịu dàng đến đỗi gã không hay biết gì cả. Gã ngủ thực rồi. Đối với một người trẻ tuổi như gã, giấc ngủ đắc thắng dễ dàng như đối với một đứa con nít. Nửa giờ sau, khi mảnh trăng lặn xuống, người chiến sĩ cảm tử bắt đầu ngáy pho pho. 
 
Sáng hôm sau khi gã tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao. Gã mở mắt sững sờ nhìn mấy bức tường xiêu vẹo lở lói bao bọc chung quanh gã. Trên cao, một mảng trời xanh biếc lộ ra. Gã vùng đứng dậy sờ tay vào khẩu súng lục trong túi. Khẩu súng vẫn còn đó. Gã lại dùng mấy ngón tay mân mê chiếc ba-lô. Vẫn còn trái mìn với cuộn thép. Gã định nguyền rủa nhưng lời nguyền rủa tắc nghẹn trong cổ họng. Thời tiết ban mai hơi lành lạnh nhưng cả người nóng ran. Gã thò nửa mặt ra khỏi mảng tường nhìn về phía cầu. Cây cầu ngạo nghễ nằm vắt ngang sông. 
 
Gã uể oải đứng dậy, luồn theo những vách tường, rời xa khỏi thành phố, rời xa cây cầu xi măng. Chiều hôm qua gã tiến vào thành phố để sáng nay bước ra khỏi thành phố, với trái mìn còn nguyên vẹn. Lòng gã bồi hồi, và gã cũng chẳng biết rõ là gã đang vui hay buồn. 
 
Gã đã gần ra khỏi thành phố chết. Bây giờ ta đi đâu? Nào biết đi đâu. Gã chậm bước rồi đứng dừng lại quay nhìn thành phố một lần nữa. Thành phố yêu quý đầy kỷ niệm kia không còn gì. Điêu tàn, đổ vỡ. Xác xơ. Chỉ còn cây cầu xi măng vắt ngang sông. Và trong tâm tưởng gã, hình ảnh của người yêu lại hiện ra. Người con gái mảnh mai ấy vẫn đứng trên thành cầu dưới bóng trăng huyền ảo, mớ tóc bay tung, mặt hơi ngửa lên, đôi mắt nhắm lại, thân thể run rẩy. Trong hai cánh tay gã, cả tấm thân thể mềm mại, nóng bừng kia run lên bần bật… Đến bây giờ, gã mới dứt khoát tự nhận thấy không có đủ can đảm phá cây cầu thiêng liêng ấy. Ta yêu đất nước này, ta căm thù bọn thực dân khốn nạn, nhưng ta không thể phá hoại mi được, cầu ơi, ta không thể phá hoại mi! Gã cúi đầu tiếp tục bước đi. Đôi chân mỏi rã rời và chiếc ba-lô trên vai nặng trĩu. 
 
Đột nhiên gã dừng lại, nằm xuống, nép mình vào một vách tường. Tất cả vẻ uể oải, thẫn thờ của gã vụt biến mất. Đôi lông mày rậm nhíu lại, hai mắt quắc lên nhìn đăm đăm như muốn nuốt trửng con đường nhỏ trước mặt. Xa xa, trên con đường ấy vẳng lại một tiếng động cơ xe hơi. Và tiếng động cơ lớn dần, lớn dần. Gã bối rối, hoảng hốt một lát nhưng lấy ngay lại được bình tĩnh. Gã rút khẩu colt cầm trong tay, sẵn sàng nhả đạn. Một đám bụi mù bay lên ở phía trước mặt gã, đẩy tới gần một chiếc xe Jeep sơn loang lổ. Trên xe có hai tên lính xê-lê-ga-le và một tên lính Pháp. Lại có một hình thù nhỏ nhắn mặc áo nâu, có lẽ là một người đàn bà. Đúng rồi, đó là một người đàn bà, tóc xõa rũ rượi che lấp gần hết bộ mặt. Chiếc xe chồm lên chồm xuống trên con đường gồ ghề. Nằm nép bên vách tường gỗ, gã trẻ tuổi hoang mang, bối rối không biết mình sẽ phải xử trí ra sao. Chiếc xe tới gần cùng với những tiếng cười hô hố man rợ của mấy tên lính ngoại quốc. Đến gần gã chừng hai chục thước, chiếc xe bỗng chậm hẳn lại rẽ vào một bãi hoang. Mấy tên lính nhảy xuống đồng thời người đàn bà trên xe kêu rú lên. Ba con quỷ sống vồ lấy thiếu nữ lúc này đang vùng vẫy giãy giụa một cách tuyệt vọng. Một thằng xê-lê-ga-le dang thẳng cánh tay tát bốp vào mặt thiếu nữ, thằng lính Pháp dùng báng súng thúc vào lưng kẻ khốn nạn, tiếp theo đấy thằng thứ ba bế thốc người đàn bà đưa vào sau một bức tường xiêu vẹo. Hai thằng kia chạy theo. Tiếng quát tháo của bọn lính xen lẫn với tiếng kêu khóc lạy van. Và tiếng kêu khóc yếu dần yếu dần rồi tắt hẳn. Người đàn bà đã ngất đi rồi chăng? Chừng một phút sau, một tên da đen chạy ra xe, vớ lấy một khẩu các-bin. Nhưng nó không chạy vào. Nó đứng ngoài gác cho đồng bạn hành sự. 
 
Mặt gã trẻ tuổi tím lại vì căm giận, máu trong cơ thể gã chạy rần rần. Những tiếng la hét gầm gừ từ phía bên kia vọng lại giống như những nhát gậy nện vào đầu gã khiến gã tỉnh táo hẳn lại. Không thể nằm yên ở đây để mặc lũ quỷ dâm dục kia lộng hành. Chúng nó hiếp người đồng chủng của ta ngay trên thành phố đau thương này, ngay gần cây cầu thiêng liêng kia. Chúng nó ba thằng nhưng chỉ có một thằng cầm súng. Gã trẻ tuổi nhẹ nhàng luồn theo những chân tường đổ đến gần thằng gác. Mũi khẩu colt chĩa lên, một tiếng nổ chát chúa, thằng da đen gạch mặt đứng gác ngã dập đầu vào thành xe rồi lăn kềnh ra dáta. Không để lỗ một giây, người chiến sĩ cảm tử chạy lao tới chỗ hai thằng kia lúc ấy, sau khi nghe tiếng súng nổ, đã buông người đàn bà lõa lồ ra đứng dậy với vẻ hoảng hốt. Trước mặt chúng người chiến sĩ cảm tử vụt xuất hiện như hình ảnh của tử thần, họng súng colt nhả đạn và tên da trắng ôm bụng đi lảo đảo được vài bước ngã gục xuống. Nhưng tên xê-lê-ga-le sống sót đã chạy vọt ra xe, nhanh như cắt, vồ được khẩu các-bin trong tay thằng bạn đã chết. Như cái máy, nó hụp đầu tránh viên đạn của đối phương rồi nhảy vọt vào ẩn sau thành xe bên kia. Gã trẻ tuổi luống cuống tìm chỗ nấp nhưng không kịp nữa. Họng súng các-bin của tên da đen nhả đạn liên tiếp, khói trắng bốc lên từng đợt mỏng. Người đàn bà, được tiếng súng làm cho tỉnh lại, đã nhân cơ hội tốt, thu vén mớ quần áo rách tả tơi trên người cắm cổ chạy miết, không còn dám quay đầu lại. 
 
Gã trẻ tuổi nghĩ rằng mình đã bị trúng đạn bởi cơ thể gã đột nhiên rã rời và đầu óc gã lao đao. Nhưng gã không thể rời bỏ cuộc ác đấu. Họng súng của đối phương đột nhiên tắt tiếng. Súng của thằng xê-lê-ga-le đã hết đạn rồi chăng. Súng của nó hết đạn thật, bởi nó nhô đầu lên, luống cuống định vồ lấy một khẩu súng khác dựng trong xe. Nhưng số của nó đã đến ngày tận vì khẩu colt của gã trẻ tuổi đã kịp thời nhả nốt hai viên đạn cuối cùng. Thằng đen gục xuống cằm mắc vào thành xe, từ trán nó vọt ra một tia máu đỏ lòm. 
 
Thành phố chết lại trở lại cảnh hoang vắng. Những mảnh tường loang lổ vẫn đứng thản nhiên, nhẫn nại dưới ánh nắng. Trận đụng độ xảy ra, ác liệt nhưng mau chóng như giữa một giấc mơ. Bây giờ, gã trẻ tuổi mới thấy vai và cạnh sườn gã đau nhói. Máu từ hai vết thương trên người gã tuôn ra cùng với lớp mồ hôi đặc sệt làm quần áo gã ướt đẫm. Chân tay bủn rủn, gã khuỵu xuống nhưng gã vẫn cố lết đi vài thước nữa, ngồi tựa lưng vào một bức tường thở hào hển. 
 
Từ chỗ này, gã vẫn có thể ngó thấy cây cầu xi măng lờ mờ ở xa, tít tắp thật xa. Cầu ơi, vĩnh biệt! Người yêu ơi, vĩnh biệt! Người gã đổ xuống, co quắp dưới chân tường. Dưới hai con mắt trợn trừng của gã vẫn còn long lanh những giọt lệ nóng hổi, và trên môi gã thấp thoáng một nụ cười méo xệch.  
 
(Lê Huy Oanh - 1963)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét