Chương 13 - Trôi dạt
Diệp Hinh hiểu rằng mỗi bước tiến gần ký túc xá, thì số phận trớ trêu cũng áp sát cô gần thêm một bước.
Cô bỗng vụt chạy như bay.
Trước đó cô đã dự tính sẵn hướng đi. Chỉ sau vài giây cô đã chui vào
khu nhà ăn số 3 vẫn còn chưa chính thức hoạt động. Hinh bất ngờ hành
động khiến Chu Mẫn, Trần Hy trở tay không kịp nên đành chạy theo ngay.
Nhưng Hinh đã biến mất trước tầm mắt họ.
Đi qua nhà ăn số 3, thì đến hai dãy ký túc xá cán bộ viên chức. Hinh
chạy quanh hai dãy nhà này một vòng rồi chạy vào khu nhà ăn số 5.
Chỉ sau vài lần luồn lách, Hinh đã cắt được "cái đuôi" Chu Mẫn, Trần
Hy. Cô đi chậm lại, dần dần thở đều rồi ung dung đi qua nhà ăn số 5,
bước vào "khu phố tạp hóa", cô thấy đã được an toàn hơn nhiều.
Đi trên quãng đường giữa hai dãy các cửa hiệu chưa được bao xa, Hinh
bỗng nghe thấy những bước chân rầm rập chạy phía sau. Ngoảnh nhìn lại,
Hinh nhận ra hai người trông quen quen – chính là hai nhân viên bảo vệ
mà cô đã gặp sáng sớm hôm nay.
Hinh lại đành bỏ chạy thục mạng.
Chạy qua "phố tạp hóa" đến phía trước là nhà đun nước 5 giờ rưỡi sáng
mới bắt đầu cung cấp nước sôi, cho nên lúc này không có sinh viên nào
xách phích ra lấy nước, phía trước nhà vắng tanh. Hinh chạy qua hàng vòi
nước thứ nhất rồi ngoái đầu lại, đúng là hai người bảo vệ ấy đã "tia"
cô, họ chạy ào tới. Hinh vòng qua lò đun nước, chạy đến khu nhà tắm công
cộng , hòa mình vào dòng người đông đúc đang ra đây để tắm. Hinh nhớ
rằng trong ví tiền còn một tích kê tắm, cô bèn đưa cho người gác cổng.
Hai nhân viên bảo vệ chạy vụt ngang qua cổng.
Hinh thở phào bước ra khỏi nhà tắm. Bỗng tiếng loa phát thanh trên
cao vọng tới: "Các bạn sinh viên chú ý, văn phòng học sinh và phòng bảo
vệ phân viện lâm sàng cần sự giúp đỡ của các bạn: nữ sinh Diệp Hinh đã
mất tích. Diệp Hinh mắc bệnh nặng cần được điều trị kịp thời, nếu các bạn các thầy
cô nhìn thấy Diệp Hinh, xin hãy đưa bạn ấy về ngay văn phòng học sinh.
Lúc ra đi bạn Hinh mặc áo phông dài tay màu xanh nước biển, quần bò
trắng, người cao 1,63m cân nặng khoảng 50kg, để tóc dài...". Tiếng phát
thanh là một giọng nữ lanh lảnh, chính là trưởng trạm phát thanh: một nữ
sinh sắp tốt nghiệp. Hinh ngao ngán quan sát xung quanh, các sinh viên
đều nghiêm túc lắng nghe, có vài ánh mắt đang do dự nhìn cô.
Cô vội rảo bước, và không có ý thay đổi kế hoạch. Phía trước là khu
nhà trồng hoa ươm cây của trường, nhà trồng hoa khóa cửa, cánh cổng tre
của khu vườn ươm treo biển "không nhiệm vụ miễn vào", và cũng khóa,
nhưng khe cửa khá rộng, cô có thể dễ dàng lách vào. Phía cuối vườn ươm có một cửa nhỏ thông ra ngoài trường, ra khỏi đó là đường Y Uyển.
Hinh bước nhanh ra khỏi vườn ươm, nhân viên bảo vệ lại ở phía sau,
còn có cả Chu Mẫn, Trần Hy nữa! Con mắt của quần chúng thật tinh tường,
cô hết chỗ ẩn náu.
Cô lại quay vào vườn ươm, chạy len lỏi qua những cây non. Khi từ Nghi
Hưng trở về, cô và Tạ Tốn đã cùng đi qua con đường nhỏ kín đáo này.
Tôi đang một mình chạy như điên. Tạ Tốn, anh đang ở đâu thế?
Chu Mẫn ở phía sau gọi to:
- Hinh ơi, đừng chạy nữa, hãy về với bọn mình. Không ai ép cậu đi viện cả!
Đời nào Hinh lại tin!
Một giọng nam vang lên, chắc là của anh bảo vệ:
- Diệp Hinh, bọn tôi đã vào đây cả rồi, cô không thoát được đâu.
Hinh ngoái lại nhìn, đúng là mấy người chỉ còn cách cô vài chục mét,
dù mình chạy ra đường Y Uyển vắng tanh vắng ngắt thì cũng vô ích. Chạy
nhiều quá, chân Hinh run run, lòng cô lắng xuống, hy vọng cũng mong manh
yếu ớt như sức lực cô lúc này. Cánh cửa mở ra ngoài đường đang ở ngay
trước mặt, giơ tay ra là xong. Nhưng Hinh đã không còn can đảm để mở nó.
Ra để làm gì? Để tiếp tục chạy trên con đường bằng phẳng, hai anh bảo
vệ phía sau lực lưỡng đang ở phía sau sẽ chẳng tốn mấy hơi sức đuổi kịp
ngay. Tội gì phải chuốc lấy sự bẽ bàng như thế!?
Tiếng bước chân nghe đã rất rõ.
Cô bỗng nhớ lại hồi còn bé, mỗi khi cô sắp nhụt chí đầu hàng, mẹ cô
thường bảo: "Con là Diệp Hinh kia mà, con sẽ làm được!". Hình như lúc
này tiếng mẹ lại vang bên tai cô: "Con là Diệp Hinh kia mà, con vẫn còn
có hy vọng!".
Hy vọng, vĩnh viễn là điều tốt đẹp, mãi mãi để con người ta theo đuổi.
Hinh giật mạnh cánh cửa, chạy ra khỏi vườn ươm. Đúng như cô dự đoán:
con đường Y Uyển vắng tanh vắng ngắt không một bóng người để cho cô ẩn
nấp vào họ! Phía sau cánh cửa, hình như có thể nghe thấy tiếng thở gấp
gáp của những người đang đuổi theo cô. Có lẽ cô không thể thoát khỏi
cảnh bị cưỡng chế, lẽ nào kể từ nay cô phảo vào nằm viện tâm thần – nó
vốn không thuộc về cô. Làm ăn kiểu ấy, có công bằng với cô không? Cô
chạy hờ hờ mấy bước, cánh cửa phía sau đã bị mở toang. Lúc này cô nhớ
đến mẹ và người cha mới qua đời, nhớ đến Âu Dương Sảnh và cả Tạ Tốn. Tạ
Tốn thật là tệ, đúng lúc người ta vô vọng nhất thì anh lại ở đâu?
Một hồi còi "pin, pin" khiến cô giật mình. Mắt cô sáng lên: một chiếc
tắc xi đỗ từ xa đang ra hiệu cho cô. Quanh đây không có nhà dân, không
có cửa hàng mua sắm, thế mà lại có tắc xi trên con đường khuất nẻo này?!
Chiếc tắc xi lao nhanh, rồi phanh gấp bên cạnh Hinh, người lái xe
hỏi:
- Diệp Hinh có phải không?
Hinh thấy không có lý do gì để mình
không tin ở những điều đang xảy ra trước mắt, giọng cô run run:
- Tôi
đây.
- Lên xe đi!
Nhân viên bảo vệ đã chạy ra ngoài cửa, Hinh nhanh chóng mở cửa xe lên
luôn. Đúng lúc mấy người kia chạy tới thì chiếc xe vụt lao đi, chỉ
trong chớp mắt đã bỏ lại sau nó những người truy đuổi đang tức giận xen
lẫn thất vọng và thở dài.
Hinh vẫn còn thở hổn hển, đã hỏi ngay anh lái xe:
- Anh đến quá đúng lúc, chẳng khác gì cứu mạng cho tôi, sao lại khéo thế này?
Anh lái xe ngạc nhiên hỏi:
- Khéo à? Không đâu, có người gọi điện cho
công ty chúng tôi, dặn là đến đây chờ đón một cô gái tên Diệp Hinh. Ở
đây thật khó tìm, một con đường khuất nẻo lại không có biển số nhà gì
hết, nên tôi đến hơi muộn một chút. Chẳng lẽ không phải là cô gọi xe à?
Hinh rất ngạc nhiên, nhưng cô rất nhanh trí, cô sợ anh lái xe sẽ đỗ lại mất, bèn trả lời lấp liếm:
- Đúng, đúng là tôi gọi.
Mình không gọi, vậy có thể là ai? Chỉ có Tạ Tốn mới biết con đường
này, Hinh thực sự hy vọng đúng là Tạ Tốn. Nhưng tại sao anh ấy lại không
xuất hiện?
Nhưng dù Tốn có xuất hiện và có ngồi ngay hàng ghế sau thì Hinh cũng
sẽ quyết im hơi lặng tiếng, phớt lờ anh chàng. Và có lẽ Tốn sẽ nói: "Lúc
nãy tôi không dám ló mặt ra vì sợ Hinh vẫn còn giận tôi, thấy tôi trên
xe Hinh sẽ không chịu lên". Sau đó anh áp sát mặt lại gần, ngắm nhìn Hinh và nói "Em gầy đi rồi".
Nghĩ đến đây Hinh không chịu nổi nữa. Những nỗi sợ hãi, lo âu, nghi
hoặc, xen lẫn nhớ nhung, hờn giận đang trào dâng trong cô. Cô muốn xông
vào đánh Tốn một trận, rồi òa khóc, rồi mắng cho hả: "Mấy ngày hôm nay
anh đã đi đâu? Sao không đến tìm em? Sao bụng dạ anh hẹp hòi thế?". Sau
đó lại dịu dàng nói: "Anh biết không, mấy hôm nay lúc nào em cũng nhớ
đến anh!"
Nhưng Tạ Tốn không hề xuất hiện. Cô giữ nguyên thói quen trầm tĩnh
của Diệp Hinh mọi ngày, lặng lẽ ngồi đó, chỉ hiềm nước mắt cô "thật quá
yếu đuối" cứ rơi lã chã.
Anh lái xe thấy tiếng thút thít bèn liếc nhìn, thấy cô đang khóc, anh
có phần lúng túng:
- Sao thế? Đừng khóc nữa! Có phải bọn người vừa nãy
uy hiếp gì cô không?.
Hinh gật đầu, rồi lại lắc đầu. Anh lái xe rất lấy
làm lạ. Anh thấy nghi ngờ vị hành khách này, bèn nhắn vào máy bộ đàm:
"Ban điều độ! Tôi số 2875, muốn hỏi người vừa nãy gọi xe là nam hay là
nữ?"
"Hỏi để làm gì? Là nữ" . Ban điều độ ngán ngẩm trả lời qua ống nghe.
Là nữ? Vậy không phải Tạ Tốn gọi xe. Sao có thể như vậy? Ngoài anh ta
ra, còn có ai biết mình sẽ chạy ra cửa sau của khu vườn ươm? Mà nếu
đúng thế thì tại sao Tạ Tốn lại không đến? Có biết mình đang cần anh ấy
như thế nào không?
- Cô định đi đâu? - Anh lái xe đã yên tâm, anh vốn chỉ định hỏi câu này.
Hinh ngớ ra giây lát, nhưng rồi nói luôn:
- Ra ga tàu hỏa.
Tạ Tốn, anh đang ở đâu? Hinh không dám nghĩ thêm nữa. Cô vừa định
ngẫm nghĩ thêm nữa thì đầu lại thoang thoảng đau.
Anh lái xe nhìn Hinh
rồi nói:
- Cô không mang hành lý, đi ra ga để làm gì?
Hinh chợt hiểu ra, nghĩ bụng "hỏng rồi", mua vé tàu hỏa thì phải xuất
trình chứng minh thư, chắc nhà trường đã gọi điện cho nhà ga, họ đang
chờ mình đến. Dù có mua được vé thì nhà trường cũng sẽ cử người vào tận
sân ga. Chỉ có vài chuyến tàu để đi về nhà, mình tránh mặt sao được? Và,
trong người cô chỉ có mấy mươi tệ, thì mua vé tàu sao được?
Nghĩ đến
cảnh nhà trường đã bố trí thiên la địa võng để tìm cô về, cô thấy ớn
lạnh, bèn gọi to:
- Anh ơi, phiền anh đỗ lại đã, tôi nghĩ lại rồi, tôi
xuống đây thôi!
Anh lái xe thầm nguyền rủa, đành miễn cưỡng ngừng xe bên đường. Hinh
lóng ngóng chui ra khỏi xe, vét nốt số tiền trong túi trả cho anh ta:
"Anh khỏi phải trả lại". Rồi cô quay đi luôn. Anh lái xe chỉ còn biết
lắc đầu, đếm lại tiền rồi chầm chậm cho xe chạy. Máy bộ đàm bỗng vang
lên giọng nghiêm nghị của điều độ viên: "2875 chú ý, đại học Y số 2
Giang Kinh vừa gọi điện đến, trách rằng anh đã chở một nữ sinh viên trốn
học đi mất, nếu cô ta còn đang ở trên xe, thì anh cứ tiếp tục lái không
dừng lại, và đưa thẳng về cổng đại học Y số 2 Giang Kinh, sẽ có người
đón nhận..." Anh lái xe kinh ngạc vội ngoái lại nhìn, nhưng cô gái kia
đã biến mất không thấy bóng dáng đâu.
Hinh cũng đoán có lẽ nhân viên bảo vệ đã ghi lại được số xe tắc xi,
rồi gọi điện cho công ty để cùng phối hợp. Nếu xuống chậm chút nữa thì
chắc cô đã là con cua trong rọ rồi!
Đi đâu bây giờ? Hinh đưa ra một quyết định mà chính cô cũng không
ngờ: về trường. Chỗ này không cách xa trường là mấy, nếu cứ nhởn nhơ
kiểu này, khó mà nói chắc sẽ không bị chú ý. Nhà trường sẽ huy động lực
lượng đi tìm cô, chưa biết chừng sẽ "thông báo tìm người" trên đài
truyền hình nữa. Mặt khác, rõ ràng họ đã nhìn thấy mình trốn khỏi
trường, thì sẽ không ngờ rằng mình có "gan cóc tía" để xuất chiêu "mã
hồi". Cho nên trong phạm vi trường sẽ lơ là cảnh giác. Đây là một chiến
thuật đã quá nhàm: nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an toàn nhất.
Hinh thậm chí còn nghĩ rằng: họ vẫn quên chưa khóa cánh cổng vườn ươm.
Càng nghĩ càng thấy kế hoạch của mình rất có tính khả thi, nhưng về trường, rồi sao nữa?
Trạm phát thanh. Hàng ngày trạm phát thanh ngừng hoạt động lúc 6 giờ
rưỡi, sau đó thường là không có ai ở đó. Căn phòng ấy rất chật rất bí,
chỉ có chị trạm trưởng và Diệp Hinh là có chìa khóa cửa... Hôm nay chị
ấy còn thông báo "truy nã" cô... thì chắc là không có ai ngờ rằng cô sẽ
trốn vào đó.
Màn đêm buông xuống thật đúng lúc, một trận mưa nhỏ cũng đến rất kịp
thời làm dịu bầu không khí mỗi lúc một thêm oi bức của mấy hôm nay. Mưa
đã tạnh, mây cũng tan, mặt trăng ló ra, nhưng không khí trong trường vẫn
nằng nặng hơi nước mát trong.
Đúng như Hinh dự đoán, cánh cửa nhỏ của vườn ươm quay ra đường Y Uyển
vẫn chưa đóng. Cô bước trên nền đất ướt, xuyên qua khu vườn, vòng đến
nhà ăn vẫn mở cửa buổi tối, rồi vào khu nhà điều hành giảng dạy. Trạm
phát thanh của trường đặt ở khu văn phòng hành chính – một toà nhà nhỏ.
Đó là một tòa nhà 3 tầng được xây dựng vào những năm 50, nằm sát hơi
chếch với khu nhà hành chính cũ. Từ khi hầu hết các phòng ban hành chính
đã chuyển đến khu nhà được quyên tặng mới xây thì nó cũng trở nên lạnh
lẽo vắng tanh như khu nhà hành chính cũ. Nghe nói nay mai sẽ dùng nó làm
nhà thực nghiệm động vật học. Tối đến, toà nhà hành chính nho nhỏ này
rất hiếm người qua lại. Lúc này Diệp Hinh có thể nghe rõ tiếng
bước chân mình. Nhưng cô vẫn thấy hồi hộp. Nếu Tạ Tốn có mặt ở đây thì
tốt hơn nhiều, tiếc rằng anh ta chỉ có trong trí tưởng tượng của mình mà
thôi.
Vẫn hay nói trạm phát thanh đóng trên tầng 3 của tòa nhà này,
nhưng đúng ra là nó chỉ nằm tại một gian gác ở góc phía đông. Bắt đầu từ
tầng hai, cầu thang ở phía đông của tòa nhà bắt đầu xoáy đi lên, càng
lên càng hẹp, qua tầng 3, nó tiếp tục đi lên gần đến tận nóc thì thấy có
một cửa nhỏ. Hinh lấy chìa khóa mở cửa, rồi bật đèn. Trạm phát thanh
chật chội một cách thảm hại. Hinh và cả nhóm phát thanh thường tự chế
nhạo rằng công tác của họ là "hành đạo trong vỏ ốc sên". Cửa sổ kính duy
nhất bị một tấm ván bọc vải nhung bịt lại để cách âm. Tất cả đã trở
thành điều kiện tối ưu cho Diệp Hinh lánh nạn đêm nay. Cô có thể bật đèn
mà bên ngoài không ai nhìn thấy. Trốn ở đây cũng còn một cái lợi nữa.
Hinh nhích cánh cửa sổ bằng gỗ lên, hé ra một khe hẹp, từ đây có thể
nhìn qua ô cửa kính thấy bóng một tòa nhà nhỏ ở xa xa, đó là khu nhà
giải phẫu.
Lúc trưa gặp ông Phùng – ông già gù kỹ thuật viên – hỏi ông về
"ánh trăng", rõ ràng ông ta biết, định nói nhưng lại nín lặng. Sau đấy
cô gạn hỏi thì ông ta có phần hơi nao núng. Hay là đêm nay mính sẽ nhân
đà này lại tìm đến hỏi tiếp? Chưa biết chừng ông ấy sẽ cho biết vài điều
bí mật cũng nên. Nhưng ông Phùng đã nhắc lại rằng cô không được đến tìm
ông sau lúc nửa đêm, cô cũng chưa rõ ngày mai mình sẽ phải trôi dạt
phương nào, chỉ e không thể đợi được nữa.
Khi vừa nhích tấm cửa gỗ lên thì tiếng mưa rơi rào rào vọng
vào. Lại mưa rồi. Mỗi khi gặp trời mưa, Hinh chỉ toàn muốn ngồi nhà để
tận hưởng cảm giác an toàn dễ chịu. Nếu là đang ở ký túc xá thì cô sẽ
ngồi thu lu trên giường để đọc sách hoặc nghe nhạc. Nhưng lúc này ngồi
trong trạm phát thanh chật chội, xung quanh là những thiết bị phát thanh
vô cảm, rơi vào một "kỳ án" mơ hồ mà cô là người bị hại, số phận chưa
biết sẽ ra sao... thì hoàn toàn trái ngược với cảm giác đầm ấm mà cô vẫn
mong hướng tới. Cô bất giác khẽ thở dài. Nếu anh chàng tệ hại Tạ Tốn
đang ngồi đây, thì mình sẽ cho anh ta được nghe "phát thanh".
Hinh bỗng thấy lòng nao nao. "Đúng là đã nhiều ngày qua mình đã không
đến để phát thanh!". Hinh đến trước bàn làm việc, cô bật cười: trên bàn
là một bản thảo phát thanh có nội dung "tìm người" mà chị trưởng trạm
phát thanh đã đọc chiều nay. Hinh bật máy chỉnh âm, sửa soạn đâu ra đấy,
rồi bật bộ ê-qua-li-dơ, trước mặt là một màn hình nho nhỏ, mỗi lần bắt
đầu phát thanh nó thường hiện lên các đường sóng nhấp nhô định vị bước
sóng và tần số âm.
Hinh đeo tai nghe, dò tìm thông tin "tìm người" về cô. Cô chợt nảy ra
ý định tinh nghịch: sau khi xác định rõ âm thanh sẽ không bị truyền ra
loa bên ngoài, cô bật nút ghi âm, mỉm cười và đọc: "Có một nữ sinh tên
là Diệp Hinh đã mất tích..."
Mới chỉ đọc xong câu này, nụ cười trên khuôn mặt cô bỗng tắt ngấm, đôi mắt cô dần mở to, hơi thở mỗi lúc một gấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét