Chương 14 - Nguồn cơn của nỗi khiếp sợ
Những tiếng rít chói tai phát ra từ hai ống nghe, nó dội vào
màng nhĩ của cô một cách nhịp nhàng, tiết tấu của nó giống như tiếng
bước chân, lại giống như tiếng tim đập, mỗi lần vang lên lại khiến Hinh
rùng mình sởn gáy. Cô ngẩng đầu lên, toàn thân run run: trên màn hình âm
tần của bộ ê-qua-li-dơ xuất hiện một cụm sóng âm đang chạy ngang rất
nhịp nhàng. Chỉ âm thanh mới có thể hiển thị trên màn hình của bộ
ê-qua-li-dơ, nhưng lúc này cô gần như nín thở, thì âm thanh ở đâu ra?
Bốn bề im phăng phắc, tấm cửa gỗ đã chặn hết tiếng mưa rơi bên ngoài,
thì sóng âm ở đâu ra?
Hinh thận trọng cắm giắc vào bộ loa, các tiếng ồn kiểu tạp âm tĩnh
điện lập tức truyền ra, có điều nó không như các tạp âm sóng âm thông
thường mà là rất có nhịp điệu. Nhịp điệu này chậm hơn nhịp tim đập,
nhanh hơn nhịp thở. Hinh bỗng bước đi bước lại trong căn phòng, mỗi bước
hòa cùng một tiếng động. Âm thanh này rất giống như nhịp bước chân chậm
chạp.
Nhưng rõ ràng là tai cô không nghe thấy một tiếng bước chân nào.
Cô bước trùng với nhịp âm thanh đi ra đến cửa, mạnh tay giật cửa ra.
Nhưng bên ngoài không hề có tiếng động nào, cả toà nhà im ắng đến ngạt
thở. Cô nhìn xuống phía cầu thang xoáy trôn ốc, dưới ánh đèn sáng mờ,
không tháy có gì cả. Cô thoáng cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng trước mặt cô
bỗng tối om, đèn ở hành lang phía dưới tắt ngấm. Hinh thấy toàn thân
mình cứng đơ, ngoảnh đầu lại nhìn máy ê-qua-li-dơ thấy các đỉnh sóng âm
trên màn hình mỗi lúc một cao hơn, cường độ âm thanh kỳ quái phát ra qua
amply mỗi lúc một lớn, hình như đúng là tiếng bước chân mỗi lúc một
gần.
Sao mình vẫn còn đứng nghệt ra đây? Hinh thầm nguyền rủa mình. Cô vội
đóng chặt cửa, gài chốt, áp lưng vào cửa, nhè nhẹ thở, như là để giữ
khoảng cách với mối nguy hiểm.
Sau khi đã đóng cửa, thì âm thanh kỳ quái phát ra qua bộ loa lắng
xuống, nhưng rồi lại dần mạnh lên. Hinh nghĩ ngợi: "Lẽ nào thực sự có
cái gì đó khác thường sắp xuất hiện? Hay là ma sắp hiện ra?... Ôi, Tạ
Tốn anh đang ở đâu?". Mà cho dù là có ma thật thì việc gì phải sợ chứ?
Trong nhà này có đèn, có ánh sáng, chỉ cần có đèn thì... Vừa nghĩ đến
đây thì đèn vụt tắt. Hinh kinh hãi trước những biến cố bất ngờ này.
Trong bóng tối cô đứng ngây ra như tượng, rồi run lên bần bật không sao
kìm nén nổi. Cô tưởng tượng Tạ Tốn đang nói bên tai cô: "Em đừng sợ".
Thiếu chút nữa thì Hinh òa khóc.
Âm thanh kỳ quái vẫn chậm rãi vang lên, trên màn hình của máy
ê-qua-li-dơ các làn sóng điện vẫn dập dờn nhấp nháy, đỉnh sóng âm mỗi
lúc một cao hơn.
Liệu có cách giải thích hợp lý nào chăng?
Tủ điện nguồn dành cho trạm phát thanh đặt ở tường hành lang tầng 3,
các thiết bị ở đây đang chạy bình thường, chỉ đèn điện là bị tắt. Hay là
có ai đang quậy phá? Một cậu sinh viên nghịch ngợm nào đó đang chọc
ngoáy vào nguồn điện, sự bất thường của dòng điện và từ trường cũng có
thể khiến máy ê-qua-li-dơ nhận phải tín hiệu...
Âm thanh quái lạ vẫn mỗi lúc một mạnh lên. Hinh lần đến nơi, nhổ giắc nối ra, nhưng âm thanh vẫn cứ phát ra như cũ.
Sao những điều này có vẻ quen quen? Hinh chợt nhớ đến cuốn nhật ký đã
ghi chép về "Nguyệt quang xã", anh sinh viên họ Tiêu lần đầu tiếp xúc
với đám ma quỷ "Nguyệt quang xã", tuy đã ngắt nguồn điện nhưng máy quay
đĩa vẫn chạy...
Bỗng nhiên tất cả im tiếng. Bộ loa trở lại là một chiếc thùng gỗ chưa
đấu nối gì cả, sóng điện trên màn hình của máy ê-qua-li-dơ biến mất,
chỉ còn một màu huỳnh quang. Trong bóng tối chỉ có thể nghe thấy tiếng
trái tim cô đập.
Mưa gió đã đi qua, hay là một cơn bão tố còn lớn hơn sắp ập đến?
Sự im ắng kéo dài chừng mười giây, rồi bộ loa bỗng lại vang lên những
tạp âm inh tai nhức óc, rít lên điên cuồng như muốn xé nát lòng người.
Những sóng âm có quy luật trên màn hình của máy ê-qua-li-dơ lúc nãy bị
thay thế bởi những hình sin quái gở nhấp nhô lên xuống, như một họa sĩ
điên rồ đang cầm cây cọ hành hạ tấm vải.
Hinh bỗng thấy nhức đầu như búa bổ, những tạp âm dữ dội như điện
truyền sâu vào trong óc cô, trong khoảnh khắc cô đã mất tri giác. Khi
tỉnh lại, Hinh thấy các tạp âm đã biến mất và màn hình cũng hết các tín
hiệu rối loạn.
Xung quanh Hinh hoàn toàn im lặng.
Nhưng rồi lại thấy văng vẳng một loạt âm thanh "lạo xạo" rất khẽ.
Hinh chợt nhớ ra rằng lúc nãy cô quá lúng túng nên đã quên tắt máy ghi
âm, các âm thanh hỗn loạn trong phòng vừa nãy chắc chắn đã được ghi lại.
Cô chợt nảy ra một ý, cô bước lại trước bàn làm việc nói vào máy ghi
âm: "Tôi là Diệp Hinh, lúc này là khoảng 22 giờ ngày 11 tháng 5. Cách
đây ít phút, có những luồng sóng điện kỳ lạ hiện trên màn hình máy
ê-qua-li-dơ, và các âm thanh phát ra loa, thoạt đầu có quy luật, và mỗi
lúc một vang hơn. Sau đó đèn ở trạm phát thanh bị tắt thì sóng điện lại
trở nên không có quy luật gì nữa, và rất chói tai. Bây giờ đã rất yên
tĩnh, nhưng tôi... tôi rất sợ, thật sự rất sợ hãi". Hinh đã thổ lộ nỗi
lòng, cô thấy nhẹ nhõm phần nào nhưng nỗi khiếp hãi thì vẫn không hề vợi
đi.
"Xẹt, xẹt..." khiến Hinh phát hoảng, âm thanh quái dị kia lại truyền
ra loa, thoạt đầu rất khẽ rồi mạnh dần. "Mình nhất định phải làm một
việc gì đó". Ý nghĩ đầu tiên nảy ra là đập nát bộ loa, nhưng cô hiểu
rằng làm thế sẽ chẳng ích lợi gì, nên tìm cách khác có tính tích cực
hơn.
Trong phòng này có mắc điện thoại nội bộ, có thể gọi đến phòng bảo
vệ, nhưng như thế khác nào tự chui đầu vào thòng lọng? Bị đi nằm viện
tâm thần thì đỡ kinh hãi hơn lúc này ở đây sao?
Một ý nghĩ chợt đến, Hinh dò dẫm trong bóng tối đi đến cửa sổ, mở
cánh cửa gỗ, nhìn về phía xa xa, thấy tầng 2 của tòa nhà nhỏ còn sáng
đèn le lói. Cô xác định có lẽ chỗ đó là phòng làm việc của thầy Chương
Vân Côn ở khu nhà giải phẫu.
Hinh thầm kêu lên "tạ ơn trời đất". Lần mò sờ soạng một lúc, cô tìm
thấy vài cuốn sổ tay, cầm đến trước màn hình huỳnh quang máy ê-qua-li-dơ
để xem, cô tìm cuốn "danh bạ điện thoại nhà trường". Cô lần giở thật
nhanh, miệng lẩm bẩm "Phòng nghiên cứu giảng dạy giải phẫu"... Cuối cùng
Hinh đã tìm ra số điện thoại của phòng ấy. Tay run run bấm số điện
thoại, tiếng chuông đang reo, một hồi, hai hồi... Hinh thầm cầu xin "mau
đến nhấc máy, mau nhấc máy đi..." Nhưng không thấy gì. Khi cô dường như
đã hết hy vọng thì tiếng chuông đã ngắt, có người nhấc máy và hỏi:
- Alô?
Chính là tiếng thầy Côn.
- Chào thầy Côn, em là Diệp Hinh ạ! - Hinh suýt nữa trào nước mắt, giọng cô run run.
- Diệp Hinh, bạn đang ở đâu? Sao nghe giọng bạn lạ thế? Từ chiều tới
giờ cả trường đang đi tìm bạn.: - Rõ ràng là thầy Côn rất ngạc nhiên.
- Em sợ.... - Hinh chẳng biết nên miêu tả cảnh ngộ của mình như thế nào,
cô chỉ buột miệng nói ra được hai chữ. Lúc này cô nhận ra rằng cô chẳng
cứng cỏi như cô vẫn tưởng.
- Đừng sợ, bạn đang ở đâu? Tôi sẽ đến đón bạn.
- Em đang ở trạm phát thanh, trên nóc khu nhà hành chính cũ. Xin thầy
hãy mau đến đây nhưng thầy đừng nói với ai, được không ạ? Họ đang định
đưa em đi viện tâm thần!
- Bạn đã tin cậy tôi như thế, tôi sẽ rất thận trọng. Trước hết sẽ thu xếp ổn thỏa cho bạn đã, rồi sẽ tính sau.
- Thầy Côn hãy cẩn thận, ở khu nhà này có thể có nguy hiểm. - Tiếc rằng Vân Côn đã dập máy.
Hinh ôm hai vai ngồi thu mình trên sàn nhà, ngẩng đầu lên nhìn màn
hình của máy ê-qua-li-dơ; các đỉnh sóng âm vẫn dần dâng lên cao, các âm
thanh quái dị phát ra loa lại dần mạnh hơn. Tay chân Hinh run bắn không
thể kiểm soát được nữa.
Với Hinh, mỗi giây trong cảnh này dài tựa một năm. Tiếng động quái dị
mỗi lúc một đến gần, càng nghe càng thấy giống những bước chân đất đang
dần áp tới.
Cuối cùng, bộ loa như bị dùng hết công suất, phát ra một tiếng nổ dữ
dội. Hinh vội bịt chặt hai tai, nghĩ bụng: mỗi nguy đã áp sát cửa.
Quả nhiên cửa phòng bị đập mạnh, cả nền nhà bị rung lên theo. Tiếng
đập cửa quá dữ dội, có lẽ sớm muộn gì họ sẽ phá tung cửa để vào. Chắc vì
đã bị khiếp sợ quá lâu, nên Hinh bỗng trở nên can đảm. Cô từ từ đứng
dậy, hít một hơi thật sâu, tay nắm vào chiếc ghế đặt trước bàn kê máy
chỉnh âm, để chuẩn bị - nếu cửa bị mở tung thì cô sẽ ném chiếc ghế ra.
Cửa vẫn bị đập ầm ầm không ngớt, rõ ràng là họ muốn vào bằng được.
- Diệp Hinh, tôi là Chương Vân Côn đây!
Hinh thấy người cô nhũn ra như muốn ngã vật xuống đất. Vậy là vẫn có hy vọng.
Hinh run rẩy bước ra mở cửa, ngoài cửa tối om, thầy Côn tay cầm chiếc đèn pin to.
Hinh vội nói ngay:
- Thầy Côn vào ngay đi, đứng ngoài nguy hiểm đấy!
- Nguy hiểm gì? Sao tôi không thấy có chuyện gì cả? - Thầy Côn lia đèn pin khắp bốn phía.
Ơ kìa, bộ loa đã im tiếng. Hinh kinh ngạc quay đầu lại, cũng không
thấy các sóng âm nhấp nhô trên màn hình hiển thị nữa. Hay là "kẻ khác
người" ở đây đã hoảng sợ nên bỏ chạy rồi? Có lẽ nên ghi công cho ánh đèn
pin, hoặc công ấy thuộc về thầy Côn hùng dũng tiến vào.
- Chúng ta nên mau đi khỏi đây.
Thầy Côn cũng thấy chẳng nên nán lại lâu ở cái nơi tối đen như mực này.
- Vâng, nhưng xin phiền thầy cùng đi với em tới khu nhà giải phẫu.
Vân Côn ngần ngừ:
- Bạn nói là... về phòng làm việc của tôi?... cũng được!
Tại sao thầy Côn ngần ngại? Hinh có thể hiểu được: đêm hôm khuya
khoắt, một thầy giáo trẻ ngồi cùng một nữ sinh trong phòng, là điều nên
tránh. Huống chi mình lại đang là một "phạm nhân bị truy nã".
Hinh nhẹ nhàng nói:
- Không phải là đến phòng của thầy, mà là xin thầy đi cùng em đến tầng một của nhà giải phẫu.
- Sao phải thế? - Giọng thầy Côn đầy vẻ ngạc nhiên.
- Bác Phùng kỹ thuật viên mặc dù thường làm việc ở đó, em muốn đến
chơi, chưa biết chừng sẽ gặp được, em muốn hỏi bác ấy về một việc quan
trọng. Gặp rồi, em sẽ nghỉ qua đêm ở một gian lớp học chứ không dám để
thầy bị liên lụy. Em chỉ mong thầy đừng thông báo với phòng bảo vệ và
phòng quản lý sinh viên, kẻo họ đưa em đi viện tâm thần.
Vân Côn hơi ngập ngừng, có vẻ do dự, nhưng rồi vẫn nói:
- Tôi sẽ không nói với ai cả! Nào, ta đi!
Hai người ra khỏi tòa nhà hành chính cũ, che chung một cái ô vì trời
vẫn mưa. Có lẽ do trời mưa nên suốt quãng đường đi, không hề gặp một ai.
Bước qua bệ cửa xi măng xây cao, họ mở cửa. Phía trong là hành lang
tối om, cố nhìn kỹ cũng không thấy một tia sáng nào.
Vân Côn nói:
- Có lẽ
chúng ta đừng vào nữa, rõ ràng là bác Phùng không có ở đây!
Vừa dứt lời thì thấy đèn hành lang bật sáng!
Nhưng hành lang vẫn không một bóng người.
- Có ai ở đây không? Có ai không đấy? - Vân Côn gọi to, chính anh cũng thấy đúng là có điều bất thường.
Nhưng Hinh thì dần dần hiểu ra rằng mối nguy hiểm vẫn bám theo cô.
Cô không muốn làm liên lụy đến Vân Côn.
- Thầy Côn ạ, chúng ta đi vậy, ở đây có uẩn khúc gì đó, rõ ràng là bác Phùng không có ở trong kia!
- Có người đang làm trò ma hay sao? Ai đấy, hãy đường hoàng bước ra đây xem nào! - Vân Côn lớn tiếng gọi.
- Bác Phùng đang ở trong, đó là tiếng cưa điện của bác ấy.
Hinh bước
vào hành lang, chạy ngay đến gian cuối cùng.
Vân Côn vội gọi theo:
- Bạn
Hinh chờ đã, cẩn thận đấy!
Có lẽ đế giầy bị ướt, Vân Côn trượt ngã nên
bị rớt lại phía sau. Hinh như không nghe thấy gì, loáng một cái cô đã
đứng ngay trước cửa căn phòng.
Cửa đang khép, tiếng cưa điện vang lên, đúng là từ trong đó phát ra.
Cô định đẩy cửa, tay đưa ra nhưng lại dừng tay hờ hờ ở đó. Cô lờ mờ
cảm thấy có điều gì kì cục chi đây: không thấy ánh sáng lách qua khe
cửa, tất nhiên là vì ông già gù có thói quen không bật đèn trong lúc xử
lý thi thể, nhưng đêm mưa không thấy trăng sao, thì ông ấy làm việc sao
được?
Sau phút do dự, Hinh vẫn đẩy cửa.
Cửa đã mở, cô ngây người như pho tượng. Cô không biết có nên tin ở
mắt mình nữa không, bộ não thông minh của cô không thể chịu đựng nổi
cảnh tượng kỳ quái đáng sợ đang diễn ra trước mắt.
Nhờ ánh đèn yếu ớt từ hành lang hắt vào, cô nhìn thấy chiếc cưa điện đang vận hành dữ dội trên cái bàn đặt thi thể.
Cô thấy rõ ràng không có ai cầm cưa, chiếc cưa điện như bỗng có sức sống, nó tự xử lý thi thể trên bàn.
Cô nhìn rõ, đúng là trên bàn có thi thể, và nó đã bị xẻ ra vài đoạn.
Cô cũng nhìn rõ thi thể ấy có cái đầu hói, lưng gù. Chính là bác Phùng!
Đôi mắt bác Phùng vẫn mở to, hình như đang nhìn Hinh, ánh mắt lộ vẻ nài nỉ, tuyệt vọng, và cảnh cáo nữa.
Bao khiếp sợ, áp lực, hẫng hụt và mệt mỏi trong cô ít hôm nay, lúc
này đã tích tụ đến ngưỡng không thể vượt qua được nữa. Hinh thét lên một
tiếng rất dài, tiếng thét phá tan sự tĩnh mịch của đêm mưa trong khu
trường.
Vân Côn chạy đến nơi, thấy Hinh ngồi rũ trên sàn, toàn thân run rẩy
dữ dội, vẫn đang kêu thét lên kinh hãi. Anh cúi xuống ôm lấy cô, ôn tồn
nói:
- Bạn Diệp Hinh hãy bình tĩnh nào! Cứ kêu thế này sẽ ảnh hưởng đến
các cán bộ giáo viên quanh đây.
Tuy đã gần đến mức suy sụp hoàn toàn nhưng Hinh vẫn nhớ ra rằng "kêu
thét thế này, mình sẽ bị lộ, khác nào gọi nhân viên bảo vệ chạy đến?". Cô
lập tức nín lặng, ngừng cả tiếng khóc, đứng lên rồi chạy ra ngoài.
Vân Côn đứng sau gọi ngay:
- Diệp Hinh, bạn định đi đâu?
Hinh đứng lại, nghĩ bụng: phải rồi, mình nên đi đâu đây?
Đầu cô bỗng như mơ hồ trống vắng, khuôn mặt đẫm lệ ngoái lại nhìn Vân
Côn bằng ánh mắt buồn bã và bất lực. Vân Côn tiến lại dịu dàng nói:
- Thế này vậy, đêm này dù bạn đi đâu, tôi cũng đi với bạn.
Đang nói chuyện, bỗng nghe thấy những tiếng bước chân vội vã, hình
như có nhiều người đang chạy đến. Hinh thầm nghĩ "gay rồi", cô hiểu rằng
mình không còn thì giờ nữa, không kịp giải thích với Vân Côn nửa lời,
cô vụt chạy ra khỏi khu nhà.
Vừa bước chân ra cửa, thấy một ánh đèn pin cực mạnh chiếu thẳng vào
cô, khiến cô không dám mở mắt ra nhìn, theo phản xạ, cô đưa tay lên che
mặt.
Có tiếng gọi: "Diệp Hinh ở đây! Tìm thấy rồi!"
Hinh biết chắc đó là các nhân viên được nhà trường cử đi tìm mình,
không nghĩ gì khác, cô vụt chạy về hướng không có người. Cô cũng biết
nếu cứ chạy trên đường trong trường, thì đèn pin đặc chủng kia sẽ bám
sát, họ sẽ dễ dàng đuổi kịp cô. Phải nhanh chóng bỏ rơi họ mới được!
Chênh chếch với nhà giải phẫu là khu nhà hành chính cũ, cô nhớ rằng
lối đi trong đó rất quanh co, có lẽ có thể trốn vào đó, cô bèn chạy
thẳng vào khu nhà ấy.
Cô lên cầu thang rồi chạy lên tầng hai, nghe thấy phía dưới kia rất
ồn ào, có người hô lên "cửa phía đông đã có người gác, hai anh hãy lục
soát từng gian ở tầng một và tầng hầm. Mọi người còn lại hãy theo tôi
lên gác!" Đó là tiếng ông Vu Tự Dũng phó phòng bảo vệ.
Đôi chân của Hinh đang run: liệu mình còn có thể trốn được bao lâu nữa đây?
Nhưng cô không chịu "đầu hàng", không thể để họ dễ dàng đưa mình đi viện tâm thần như thế.
Mỗi bước ba bậc cầu thang, Hinh tiếp tục chạy lên trên.
Tòa nhà hành chính cũ này có 5 tầng, cầu thang đưa thẳng lên nóc, sân
thượng luôn thông thoáng, còn kê vài chiếc ghế xi-măng để mọi người
ngồi nghỉ. Các bước chân vẫn đang đuổi sát phía sau, không còn cách nào
khác, cô đành chạy một mạch lên sân thượng.
Mưa phùn táp lên mặt nhưng Hinh hoàn toàn không có cảm giác gì.
Hinh chạy một đoạn trên sân thượng, bỗng thấy ánh đèn pin lóe sáng
trước mặt, thì ra đã có người lên đây theo một lối cầu thang khác. Thế
là cô bị chặn cả hai phía trước sau.
- Này bạn Diệp Hinh chớ chạy nữa! Lẽ nào bạn không hiểu thiện chí của nhà trường dành cho bạn hay sao?
Ôi, nếu mình chỉ là một con chim, thì mình có thể tự do bay đi!
Ý nghĩ này nảy sinh khiến Hinh cảm thấy mình đã thay đổi thật là đáng sợ.
Những người đuổi theo cô đều bước chậm lại, dàn từ hai phía thành một vòng cung vây lấy cô.
Không sao gạt bỏ được cái ý nghĩ đáng sợ kia, nhưng dường như cô không còn sức để khôi phục lý trí của mình cho tỉnh táo hơn.
Thế là Hinh trèo lên thành tường vây sân thượng, cao chưa đầy một mét.
Vu Tự Dũng gật mình "gay rồi!" Ông vẫy tay:
- Dừng lại, mọi người dừng lại! Bạn Diệp Hinh định làm gì thế?
- Làm gì à? Chẳng nhẽ ông không nhận ra hay sao? - Giọng Diệp Hinh lạnh như những giọt mưa đang hắt vào mặt.
- Em đừng làm bừa! Chúng tôi đến để giúp đỡ em, cứ yên tâm, nhà trường
không hề hiểu lầm em. Sẽ quan tâm đến em nhiều hơn. Em mau xuống đi! Em
còn chưa ăn tối kia mà? Chắc cũng rất mệt rồi! Nhà trường đã thu xếp
cho em đến nhà khách, để em ăn uống tắm gội, rồi đi ngủ. Thế lại không
tốt à?
- Tiếp đó là, ngày mai đưa tôi đi bệnh viện tâm thần, đúng không?
Ông Dũng không biết nên nói thế nào nữa, nhưng may có thầy Lý chủ
nhiệm lớp Diệp Hinh kịp đi đến, nói:
- Em Hinh xưa nay là một sinh viên
rất hiểu biết, sao lại... Em mau xuống đây, cần gì thì nói xem nào!
- Chẳng có gì để nói cả! Em biết thầy Lý không thể quyết định xem nên
là thế nào, nhưng em mong thầy yêu cầu nhà trường bảo đảm rằng không đưa
em đi viện tâm thần, thì em sẽ xuống ngay!
Thầy Lý hơi đắn đo, ông Dũng thì cười nhạt, cất cao giọng:
- Cho dù
thầy Lý không thể quyết định, thì tôi có thể bảo đảm với em: chắc chắn
sẽ không đưa em đi viện tâm thần! Bây giờ em xuống đi nào!
- Tôi muốn nhà trường phải có văn bản chính thức, tuyên bố rằng bảo
đảm ấy có giá trị trước pháp luật, có đóng dấu của Phòng quản lý sinh
viên, thì tôi mới xuống!
Ông Dũng không ngờ Diệp Hinh "khó nhằn" như thế này, ông phát cáu:
- Này, sao em lại trẻ con như vậy? Em sẽ làm bừa chắc?
- Có phải ông cho rằng tôi không dám nhảy không? Tôi biết trong số nữ
sinh trước kia từng ở phòng của chúng tôi, đã có 12 cô nhảy lầu tự tử,
ông cũng đã nói với tôi còn có vài cô khác nữa, tổng cộng là bao nhiêu?
Có lẽ, nhảy xuống dưới kia là cách duy nhất để giải tỏa mọi buồn phiền.
- Em... - Ông Dũng thực sự thấy điên tiết.
- Hinh ơi! - Một giọng nói rất quen thuộc vọng đến. Chính là mẹ cô!
Bà Kiều Doanh được ông Kim Duy Chúc trưởng phòng quản lý sinh viên
đưa tới, đang chằm chằm bước đến. Bà quá kinh ngạc trước cảnh tượng
trước mắt, bà đưa tay bịt lấy miệng, chỉ chực òa khóc, bà gọi "Hinh ơi"
rồi đứng đờ ra không biết nên nói gì nữa.
- Em Hinh nhìn xem ai đây nào? - Ông Chúc lấy làm may vì mình đã sớm
nhắc thầy Lý báo tin cho bà Kiều Doanh, bà đã ngồi chuyến bay trưa nay
để đến Giang Kinh.
- Em thấy rồi! - Hinh nói lạnh lùng - Mẹ ơi, sao mẹ cũng đến để ép buộc con?
Sau phút bất ngờ nhìn thấy con, bà Kiều Doanh trấn tĩnh lại và dịu
dàng nói:
- Kìa con! Mẹ đâu có ép buộc gì con? Mẹ đến để thăm con, mẹ vẫn
chưa đồng ý để đưa con đi viện! Mẹ chỉ... mẹ chỉ không muốn mất con,
con là... là người thân yêu nhất trên đời này của mẹ! - Nói xong câu cuối
cùng, bà nghẹn ngào.
Câu nói cuối cùng đã thực sự cảm hóa được Diệp Hinh, cô trào nước
mắt, bước xuống sân thượng, tiến về phía trước và nhào vào lòng mẹ, cô
khóc nức nở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét