Chương 15 - Người đàn bà mặt sẹo và Uông Lan San
- Thành thật mà nói, tôi cho rằng thu xếp đưa Diệp Hinh đi
viện tâm thần là một quyết định sai lầm.
Ông Từ Hải Đình nhíu mày, nhìn
chăm chú trang lịch in ở đầu cuốn sổ công tác, ông không nhớ mình đã
khoanh một vòng tròn đỏ vào ngày 16/6 từ bao giờ.
Từ khi vị chủ nhiệm khoa thu xếp chương trình để về hưu thì các cuộc
họp khoa đều do ông Đình và ông Đằng Lương Tuấn thay nhau chủ trì. Ông
Tuấn chăm chú nhìn ông Đình. Chính ông Tuấn đã quyết ý chủ trương đưa
Diệp Hinh đi viện, lúc này trước mặt các bác sĩ trẻ chưa có thâm niên,
ông Đình lại nói mình "quyết định sai lầm" là có ý gì vậy? Hai ông đang
tranh đua chức vụ chủ nhiệm, chỉ mai kia sẽ công bố bổ nhiệm ai làm.
Nghe tin cấp trên tiết lộ, nói mình "hơi có ưu thế" thì ông Đình ra đòn
này không phải là không có ý đồ.
- Trong những năm qua, bác sĩ Đình đã đưa các sinh viên tương tự đi
viện, chắc anh đã cân nhắc kỹ mọi bề, thậm chí rất đau xót nhức nhối
phải không?
Ông Tuấn từng sang Mỹ tu nghiệp 2 năm, ông rất hiểu sự tàn
khốc trong cạnh tranh, nếu cứ nhân từ với Tương Công (Sự tích Tề Tương
Công thời Đông Chu là một vua chư hầu hoang dâm tàn bạo. Nếu nương tay
với y thì chỉ là tự chuốc lấy kết cục bi thảm) thì khác nào tự sát, vì
thế ông trả đũa luôn.
Ông Đình biết ông Từ hỏi câu đó là có ý công kích mình, ông thấy hơi
buồn, nhưng ông cố kiềm chế rồi chậm rãi nói:
- Tình hình của Diệp Hinh
không giống như các nữ sinh kia. Trước khi đi viện các cô kia học tập
sút kém, hiện tượng nói năng lú lẫn rất rõ rệt, hoặc là lúc tỉnh lúc
không. Còn Diệp Hinh thì kết quả học tập không những không giảm sút mà
còn đạt mức ưu tú, môn giải phẫu được điểm tối đa, việc này chỉ mới cách
đây vài tuần.
- Nhưng chuyện cô luôn miệng nói là đã gặp linh hồn cha mình thì cũng
là biểu hiện tỉnh táo hay sao? Cô ta còn nói đã nhìn thấy ông kỹ thuật
viên của phòng nghiên cứu giảng dạy bị xả thây, nhưng rõ ràng là ông ta
vẫn còn sống, chỉ là xuất huyết não phải nằm viện để theo dõi mà thôi.
Điều này cũng là biểu hiện tỉnh táo ư? - Ông Tuấn chỉ tay về phía buồng
bệnh - và còn hàng loạt lời nói cử chỉ không sao hiểu nổi nữa đều được
ghi trong y bạ. Nếu tôi không nhầm thì chính anh và tôi đã cùng khám
bệnh và cùng ghi vào y bạ đó kia mà!
Các bác sĩ đưa mắt nhìn nhau, họ đều đã nghe nói trường hợp bệnh nhân
Diệp Hinh là không bình thường, nhưng không ngờ lại là một ca mà hai vị
phó chủ nhiệm này cũng khám bệnh.
- Anh nói đều đúng cả, nhưng vẫn cần phải phân tích kỹ hơn. Ta biết
rằng cô Hinh đã phải chịu đựng áp lực rất lớn về tinh thần, khi con
người bị căng thẳng quá mức họ sẽ nói ra những điều ẩn sâu trong tiềm
thức, nhưng đó không có nghĩa là bệnh lý nghiêm trọng đến mức phải đi
viện điều trị. Tôi cho rằng cô ấy chưa thật sự tin cậy tôi, anh và nhà
trường nên còn nhiều điều chưa nói ra với chúng ta, vì cho rằng dù có
nói ra thì chúng ta cũng không tin. Chúng ta đừng quên rằng chuyến đi Vô
Tích của cô Hinh đã liên quan đến một vụ án mạng, chứ không phải là
chuyện ngẫu nhiên. Chắc chắn cô Hinh đã cảm nhận được một điều gì đó nên
mới có động cơ mãnh liệt để đi tìm lời giải cho "vụ mưu sát 405". Điều
tôi muốn nói là không phải cô ta không hề muốn được chúng ta quan tâm.
Chúng ta nên coi việc trợ giúp tâm lý là chính, chứ đừng vội vã điều trị
thuốc men. - Ông Đình đang suy nghĩ rất sâu về trường hợp Diệp Hinh.
- Nếu cho nằm viện thì chẳng phải sẽ càng tiện, và càng có thể trợ
giúp tâm lý tỷ mỷ hơn cho cô Hinh hay sao? Nếu anh Đình nhất định bảo
lưu ý kiến không cần cho nằm viện thì chi bằng cứ giao ca này cho mình
tôi phụ trách điều trị. - Ông Tuấn vẫn cảm thấy ông Đình đang cố cãi lấy được, nên ông lên tiếng mạnh hơn.
Ông Đình cười nhạt:
- Bác sĩ Tuấn thật sự nghĩ rằng đưa một cô gái có
lẽ vẫn đang khỏe mạnh về tinh thần vào nằm viện của chúng ta, sẽ rất hữu
ích cho việc trợ giúp tâm lý hay sao?
Bệnh viện tâm thần nằm ở vùng ven "khu bệnh viện", mà trung tâm của
nó là Đại học Y số 2 Giang Kinh, nằm kề vùng ngoại ô. Toàn bộ bệnh viện
được một vành đai trồng toàn cây ngô đồng chẵn ba chục năm tuổi vây lại,
hết sức yên tĩnh. Nhất là khu buồn bệnh, hoàn toàn cách xa chốn "ngựa
xe như nước, áo quần như nêm" ồn ã ở bên ngoài, thật sự là nơi con người
có thể hoàn toàn tĩnh tâm.
Khu buồng bệnh là một tòa nhà lớn ba tầng, bệnh nhân nam ở tầng hai
và ba, bệnh nhân nữ ở tầng một. Phần lớn bệnh nhân đều nằm ở "khu lớn",
khu này gồm các khoa: khoa bệnh thần kinh thông thường, khoa bệnh nặng,
khoa chăm sóc người già và khoa cai nghiện. Mỗi khoa có đến vài chục
giường bệnh bố trí trong một gian phòng rất rộng, bốn bề đều có phòng y
tá trực ban được cách ly bởi các vách ngăn bằng kính thủy tinh hữu cơ –
để các y tá dễ dàng quan sát mọi động tĩnh bên trong. Khoa bệnh thần
kinh thông thường, có số bệnh nhân đông nhất, lại được chia thành hai
khu vực, bên ngoài phòng y tá trực ban ở phía đông là nhà ăn kiêm vui
chơi giải trí với vài dãy bàn dài, bốn góc treo bốn ti-vi màu. Bên ngoài
gian vui chơi giải trí là phòng tiếp người nhà bệnh nhân và phòng làm
việc của bác sĩ. Xa hơn nữa là một hành lang chạy dày đến tận khu nhà
bảy tầng, là nơi khám bệnh kiêm văn phòng hàng chính. Một số ít bệnh
nhân nằm ở tầng ba của "khu nhỏ", chỉ có vài căn buồng bệnh dành cho một
người hoặc hai người, có y tá chuyên trách chăm sóc. Thường là một số
nhân vật đặc biệt hoặc bệnh nhân nặng mới được bố trí nằm các buồng nhỏ
này.
Từ lâu, các buồng nhỏ đã hết chỗ, bà Kiều Doanh cố "tác động" cũng
không có kết quả, đành để cho Diệp Hinh vào nằm buồng chung của khoa
thần kinh thông thường.
Hinh đã khóc không biết bao nhiêu lần, cũng cố tỏ ra trấn tĩnh không
biết bao nhiêu lần, nhưng cô càng cố chứng minh trí óc mình vẫn mạnh
khỏe thì nhà trường và các chuyên gia thần kinh lại càng cho rằng cô rất
thất thường, trạng thái tinh thần sai lệch quá lớn, và càng giữ ý kiến
buộc cô phải nằm viện.
Hầu như không ai còn tin cô nữa, thậm chí cả mẹ cô cũng vậy. Đã rất
nhiều lần cô có cảm giác nỗi oan ức chứa chất trong lồng ngực khiến cô
nghẹt thở, cô muốn đột nhiên "lên cơn" một phen cho hả. Dường như số
phận của cô bị một "bàn tay đen" vô hình nắm lấy rồi mặc sức xoay vần.
Nhưng Hinh vẫn suy nghẫm, và hiểu rằng nếu tiếp tục làm ầm ỹ thì chỉ
khiến cho "bệnh án" của cô thêm dày hơn, đặc biệt là không thể "lên
cơn", vì chứng cấp cuồng là dấu hiệu rà dấu hiệu rất chuẩn để các bác sĩ
thần kinh phải dùng thuốc, cô không thể dại dột mà chấp nhận bị điều
trị. Việc điều trị bệnh tâm thần chỉ dành cho bệnh nhân tâm thần, tác
dụng của thuốc sẽ là có hại cho những người khỏe mạnh. Cô phải duy trì
một bộ não tỉnh táo – đây là con đường duy nhất để nắm vững vận mệnh của
mình.
Phải làm thế nào để không bị dùng thuốc? Hinh nhớ lại bộ phim Nhật
Bản "Đuổi bắt" mà cô xem hồi nhỏ, nhân vật nam vì không muốn uống thuốc
chữa thần kinh có hại cho mình nên lần nào anh ta cũng giả vờ uống
thuốc, rồi đi vào nhà vệ sinh nhè ra. Có lẽ mình có thể dùng cái mẹo
này.
- Đây là thuốc của em sáng nay. Tôi phải đứng chờ xem em uống xong.
Trông em có vẻ là một cô gái ngoan ngoãn, lại là một sinh viên kia mà!
Em biết không, có nhiều bệnh nhân không chịu nghe lời, khăng khăng rằng
mình không bệnh tật gì cả, cứ học theo bộ phim Nhật Bản "Đuổi bắt" –
ngậm thuốc nhưng không nuốt, hoặc là vào nhà vệ sinh rồi nhè ra. Cho nên
chúng tôi đề phòng là chính: em phải uống từng ngụm nước to... đúng
thế... nếu chỉ nuốt thuốc mà uống ít nước, sẽ hại cho dạ dày. Tốt rồi,
tôi sẽ ngồi với em một lúc.
Chị y tá đã làm tan biến mọi hy vọng của
Hinh. Hinh lim dim mắt, cô như cảm nhận được hai viên thuốc đang khoái
trá trôi qua thực quản rồi xuống dạ dày mình, chuẩn bị tan vụn ra rồi
thấm vào máu, sau đó tập kích hệ thần kinh nhạy bén và khỏe mạnh của cô
bằng dược tính của nó. Chị y tá đứng quanh ở giường bên một lúc, thấy
bệnh nhân ở "khu nhỏ" này không có khả năng nhè thuốc ra, chị mới chậm
rãi bước đi. Hinh ngồi trên ghế đặt bên đầu giường, nhắm mắt. Chẳng rõ
có yếu tố tâm lý hay không, hình như thuốc đã bắt đầu phát huy tác dụng:
cô thấy mình bình tĩnh hơn như tư duy dường như lại có phần trì trệ.
Những hình ảnh trong mấy ngày qua vốn đã đan xem rối mù... thì bây giờ
vẫn cứ rối mù, có điều, chúng như một đống rác tạp nham chất chồng,
không chút sức sống, cũng không chờ đợi cô tháo gỡ.
Chẳng lẽ cứ thế này mãi? Bỗng có ai đó đẩy cô một cái, cô bừng tỉnh. Chị y tá mỉm cười:
- Diệp Hinh, em xem ai đến kìa!
- Mẹ! - Hình như mẹ đang ở phòng đón tiếp người nhà, cô không nén được
nước mắt tuôn trào. Bà Kiều Doanh rất xót xa, cũng trào nước mắt: có lẽ
gộp những lần con gái bà khóc từ thời tiểu học, trung học lại, cũng
chẳng khóc nhiều hơn mấy hôm nay.
- Con ạ, mẹ chủ trì một hội nghị định hướng công tác, đang đi đến hồi
kết, mẹ phải trở về mấy hôm. Đây là bệnh viện tốt nhất của tỉnh, nên mẹ
cũng yên tâm để con đến đây điều trị. Vài hôm nữa mẹ lại đến thăm con,
con hãy chịu khó nghe lời bác sĩ...
Hinh nín khóc, chăm chú nhìn khuôn mặt mẹ. Bà Kiều Doanh vốn vẫn còn
nét duyên dáng phong lưu, nhưng bao lo nghĩ và mệt mỏi mấy hôm nay đã
khiến bà già đi ít nhiều.
- Lẽ nào chính mẹ cũng cho rằng con có bệnh thật ư?
Hinh đã hỏi câu này không biết bao nhiêu lần.
- Con gái ngốc nghếch của mẹ, con không có bệnh, lời con nói mẹ đều
tin cả! - Bà Kiều Doanh ôn tồn trả lời mà lòng đau như dao cắt.
Hinh biết mẹ chỉ an ủi cô đó thôi, chắc chắn bà cũng tin rằng con gái
mình cần được vào đây điều trị. Hai mẹ con bịn rịn chia tay. Lúc bà
Kiều Doanh quay ra cửa, Hinh không nén được lại trào nước mắt.
Trở về giường của mình cô vẫn chưa thoát khỏi cảm giác cô độc sau khi
mẹ ra về. Hai tay ôm vai, cô ngồi trên ghế suốt hai tiếng đồng hồ không
hề nhúc nhích. Hình như trên thế gian này chỉ còn lại mình cô. Tạ Tốn
thực đáng giận, anh đang ở đâu? Lẽ nào anh bụng dạ hẹp hòi như thế thật
ư? Thế mà em vẫn đang nhớ đến anh đây, anh có biết không? Âu Dương Sảnh
đáng thương, liệu bao giờ cậu mới khỏi bệnh? Mẹ thân yêu, con mong mẹ sẽ
sớm trở lại, nhưng rồi sao nữa? Họ vẫn cứ giam cầm con ở đây như thế
này... Có phải đây là cảm giác thật sự tuyệt vọng? Mọi nỗi hãi hùng
trước đây chỉ là khiến cô kinh sợ mà thôi.
Cứ như thế, Hinh ngồi đến khuya, cô y tá vài lần đến khuyên Hinh đi
ngủ, Hinh mới uể oải nằm xuống. Cô văng vẳng nghe thấy các cô y tá thở
dài nói với nhau:
- Cô sinh viên ấy thật đáng ái ngại, chắc là thuốc đã
ngấm rồi đấy.
- Mới uống thuốc có một ngày mà có tác dụng nhanh thế kia à?
- Cũng khó nói lắm.
Lẽ nào mình bị thuốc tác dụng thật nên mới sa sút như thế này? Nhưng
tình thế lúc này mình không sa sút làm sao được? Liệu có phải ngày mai
mình sẽ phấn chấn lên chăng? Nhưng nếu thế họ liệu có bắt mình uống thêm
thuốc không? Hình như họ mong mình cứ xẹp đi như thế này thì mới gọi là
thuốc có hiệu quả! Hinh nghĩ ngợi miên man rối bời, mơ màng ngủ thiếp
đi.
Đây đâu phải là phòng 405, sao lại cũng có một khuôn mặt nát bươm?
Không có tiếng nhạc, không có ánh sáng nhợt nhạt, nhưng lại thấy bóng cô
gái áo trắng chập chờn mờ tỏ. Đúng là đang ngủ mê, nhưng hình như lại
rõ hơn là cảnh có thật. Hinh chăm chú nhìn khuôn mặt dập nát của cô gái,
hình như đã từng quen nhau...
- Tại cô nên tôi mới nên nông nỗi này, phải ở chung với đám người điên!
Cô gái áo trắng lắc đầu và giơ đôi tay về phía Hinh, mười ngón tay
xương xẩu hướng tới mặt cô. Cô định xua tay cưỡng lại, nhưng đôi tay cô
như bị đè nặng, bất lực không sao nhấc lên được.
Cơn ác mộng này không thể kéo dài lâu thêm nữa. Hinh mở to mắt, trời ơi... một khuôn mặt nát bươm!
Ánh đèn yếu ớt bật suốt đêm ở phòng y tá trực ban có thể hắt vào
buồng bệnh nhân qua vách thủy tinh hữu cơ, vì cự ly quá xa nên quanh
giường Hinh vẫn rất tối, tuy nhiên cô vẫn có thể nhìn rõ người phụ nữ ấy
có khuôn mặt dập nát, một bàn tay bịt lấy miệng cô, bàn tay kia xoa lên
mặt cô và nói: "Làn da thật mịn màng!". Hai cánh tay Hinh cũng bị hai
bàn tay khác giữ chặt. Hai phụ nữ mặc quần áo bệnh viện màu trắng đang
đứng bên giường Hinh, một người mặt nát bươm, nói đúng ra là mặt nham
nhở chằng chịt, nhìn trong lúc mờ tối thế này phải giật mình, người kia
thì nhìn không rõ mặt nhưng rất khỏe, đang ghì tay Hinh đau điếng. Hinh
muốn kêu lên nhưng miệng bị bịt chặt nên đành chịu. Rất nhanh, người mặt
sẹo thò tay lần cởi khuy áo ngủ của Hinh. Hinh giẫy giụa, quẫy chân
nhưng họ khỏe hơn cô nhiều, xem chừng cô đã hết hy vọng. Đôi tay đang
ghì cô bỗng buông ra, và một loạt những âm thanh quái dị vọng đến. Hinh
lập tức nhảy xuống giường, ấn chuông cầu cứu phòng y tá trực ban. Rồi
chỉ nhìn thấy ở phía xa xa, người phụ nữ mặt sẹo đang đánh nhau với hai
người khác, các cô y tá nghe thấy tiếng chuông ở bên này bèn chạy vào,
các bệnh nhân khác cũng bị tỉnh dậy bởi tiếng ồn, họ vây lại ngó xem.
Các cô y tá kéo ba người tách ra. Ngoài người phụ nữ mặt sẹo, thì người
thứ hai là một phụ nữ tuổi trung niên – nhìn vóc dáng thì có lẽ là người
lúc nãy vừa ghì tay Hinh, người kia là một bà già tóc hoa râm.
Một cô y
tá trách móc:
- Lại là các người! Nếu còn làm loạn lên nữa, chúng tôi sẽ
báo cáo bác sĩ dí điện để điều trị cho các người!
Lúc này lại có một
nam y tá thân hình lực lưỡng chạy đến, một cô y tá nói:
- Cô sinh viên
không vấn đề gì, còn ba người này thì phải đưa về giường, đêm nay phải
trói lại mà ngủ kẻo lại gây rắc rối!
Hinh vội nói:
- Hình như bà già không làm gì đâu, đừng trách oan bà ấy.
Cô y tá cười nhạt:
- Không làm gì à? Cô nhìn hai người kia bị đau ra sao thì biết.
Đúng thế, người đàn bà mặt sẹo lại bị thêm một vết máu trên mặt, còn
người đàn bà to vâm thì trán sưng vù, cánh tay phải thõng xuống như là
bị trật khớp. Rõ ràng là bà già ấy đã cứu Hinh. Hai người kia bị trừng
trị là đáng rồi, bà già ra tay cũng khiếp thật. Nhưng bà già có vẻ rồ
dại kia sao có thể khiến hai nữ bệnh nhân cao to, ít tuổi hơn hẳn bị ăn
đòn khiếp thế?
Bà già bỗng tỏ vẻ vô tội, nói nghèn nghẹn:
- Tôi có làm gì
đâu? Các... các cô nhìn xem, thân già này chưa bị họ nghiền nát ra là
đã phải tạ ơn trời đất rồi, sao lại trói tôi?
Hai nam y tá đưa bà già vào đầu tiên, hình như bà còn nguy hiểm hơn
cả hai người kia. Hinh đưa mắt nhìn sang, thấy giường của bà cách giường
của cô không xa lắm. Anh y tá ấn bà nằm xuống giường, thắt chặt bà bằng
dây đai da buộc sẵn ngay mép giường. Còn hai bệnh nhân đã nạt nộ Diệp
Hinh thì được đưa đi điều trị vết thương.
Vẳng nghe thấy tiếng cô y tá
cảnh cáo:
- Nếu các người còn dám làm thế nữa thì sẽ bị đưa sang khu bệnh
nhân nặng, rồi sẽ được gặp đối thủ còn dữ dằn hơn các người.
Lúc này Hinh mới cảm thấy rõ nỗi ê chề, sợ hãi, oán hận đang cùng ập
đến với cô. Cô thút thít khóc, y tá đến an ủi cô cũng chẳng thiết nghe...
Vào lúc cô độc không biết bấu víu vào đâu, điều mà Hinh cần không chỉ
là an ủi. Điều mà cô cần là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới khiến cô lại có can đảm.
Nửa đêm về sáng, Hinh hầu như không chợp mắt. Vào giờ đến khám phòng
buổi sáng, bác sĩ Đằng Lương Tuấn thấy đôi mắt Hinh có quầng thâm, ông
nghĩ bụng: "có lẽ bệnh cô ta còn nặng hơn mình dự đoán". Cô y tá đứng
bên báo cáo rằng cô sinh viên này từ sau khi uống thuốc đã rất yên ổn,
hầu như cả ngày không nói một câu.
- Tốt rồi, vậy là thuốc rất phù hợp với cô ta. - Ông Tuấn gật đầu tỏ ý
bằng lòng, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị cho Diệp Hinh.
Ông là nhân
vật hàng đầu thuộc trường phái phân tích thần kinh của bệnh viện này,
tích lũy kinh nghiệm sau chuyến du học Mỹ, ông rất tin ở kỹ thuật lâm
sàng của mình. Trông ông rất có phong độ, nói năng khúc chiết, rất dễ
khiến cho bệnh nhân có thiện cảm, vì thế họ thường thẳng thắn bộc bạch
với ông mọi nỗi niềm, rất có lợi cho việc điều trị của ông.
- Bạn Diệp Hinh đừng nên nghĩ ngợi nhiều, tôi đã lập phác đồ cho bạn,
chỉ cần chúng ta nói chuyện vài lần để tháo gỡ những băn khoăn trong
lòng, thì chỉ ít hôm sau bạn có thể ra viện. - Ông Tuấn nói hết sức nhẹ
nhàng để tranh thủ niềm tin và thiện cảm của Hinh.
- Xin tùy bác sĩ Tuấn, cháu nhất định sẽ làm theo ý bác sĩ.
Thái độ
ung dung của Hinh khiến ông Tuấn thầm ngạc nhiên, không biết nên mừng
hay nên lo. Nếu cô ta thực sự nhẹ nhõm thế này thì thật là quá tốt,
nhưng nếu chỉ là bề ngoài thôi thì sao? Mình sẽ tìm tác nhân gây bệnh
như thế nào? Biểu hiện tỉnh táo thế này sẽ là cái cớ để Từ Hải Đình bắt
bẻ này nọ!
Đến giờ ăn trưa, Hinh bưng khay đến trước cửa sổ nhà ăn chờ lĩnh suất
ăn. Rất đông người xếp hàng, thỉnh thoảng có bệnh nhân lỡ đánh rơi
khay, cơm canh thức ăn vung vãi tứ tung trông chết khiếp, các nhân viên
lại phải đến quét dọn, hàng ngũ lại càng chậm tiến.
- Cô đừng tưởng có thể trốn được tôi. - Một giọng nói lạnh tanh.
Hinh
ngoái đầu lại, ớn lạnh: chính là người đàn bà mặt sẹo tối qua. Rõ ràng
chị ta nhân lúc các y tá không để ý đã chen ngang đứng phía đằng sau
Hinh. Các bệnh nhân đứng phía sau bắt đầu chỉ trích, thậm chí có người
chửi bới thô tục. Người đàn bà mặt sẹo ngoảnh lại nhăn mặt, mím môi dọa
dẫm khiến mọi người cũng bớt xì xào hơn.
- Chị đừng tưởng tôi sợ chị thật!. - Hinh nói thản nhiên, chẳng buồn
quay mặt lại. Cô cũng chẳng hiểu lòng can đảm của mình có từ đâu, nhưng
cô biết, ở đây chỉ cô mới có thể bảo vệ cho chính cô.
Chị mặt sẹo ngớ ra, hoàn toàn không ngờ cô học sinh trông non
choẹt yếu ớt này lại dám có gan như thế. Chị ta cười hì hì, đổi giọng:
- "Được, tôi thích cái tính này của cô! Thực ra tôi đâu có đáng sợ như
thế, chỉ vì bị ở đây lâu quá thì thấy buồn. Cô lại mới đến, chưa quen
biết ai nên tôi muốn kết bạn với cô để cùng âu yếm với nhau.
Hinh nghe chị ta nói hai chữ "âu yếm" thật quái dị nhưng cũng thấy sờ
sợ, cô cố ra vẻ điềm tĩnh:
- Tôi quá sẵn các bạn ở trường học, đằng nào
thì tôi cũng không ở đây lâu, tôi chẳng lo sẽ bị cô đơn.
- Này, cô không biết thật hay giả vờ không biết thế? Đã vào đến đây
thì đâu phải chỉ là nhức đầu sổ mũi lặt vặt, làm gì có chuyện dăm bữa
nửa tháng là ra viện. Mà dù có ra viện thì chỉ ít lâu sau sẽ lại quay
vào. Nếu không quay vào thì chỉ có một khả năng là lên chầu trời, giống như mấy cô gái ở trường cô ngày trước!
Hinh bỗng chột dạ:
- Chị cũng biết chuyện về các cô gái ấy à? Chị đã biết những gì?
- Tôi đã ở đây mười mấy năm, sao lại không biết? "Vụ án mưu sát 405" nghe quen tai chứ?
- Chị nói cụ thể hơn được không? - Hinh sốt ruột hỏi.
- Cô đừng hung với tôi thì tôi sẽ cho cô biết. Đến giờ hoạt động tự do
chiều nay, cô hãy đi bách bộ với tôi, có được không? - Chị mặt sẹo ôn
tồn nói.
Hinh thấy dạ dày cô oi ói buồn nôn, cô giận mình suýt nữa mắc lừa chị
mặt sẹo. Có phải tại mình uống thuốc thần kinh nên đầu óc bị lú lẫn hay
không? Cô quay đi, không để ý đến chị ta nữa.
Chị ta không chịu thôi, lại bám hỏi:
- Lát nữa ta cùng ngồi ăn với nhau có được không?
- Được chứ, nếu có thể cho bà lão xấu xí này ngồi cùng hai người thì
càng hay.
Người nói câu này chính là bà già đã cứu Hinh tối qua. Chắc
bà phải xấp xỉ tuổi bảy mươi, lưng hơi còng nhưng đầu tóc chải rất gọn
ghẽ. Mặt bà đầy những nếp nhăn, đôi mắt mờ đục, cũng không có gì khác
với các vị cao niên thường gặp; bà nói năng cũng rất bình thường, nhưng
tại sao phải vào nằm viện tâm thần? Nghĩ đến đây Hinh khẽ thở dài. Cô tự
thấy mình rất bình thường, thế mà cũng phải vào đây kia mà!
- Bà ạ, cháu cảm ơn bà tối qua đã giúp cháu!
Bà già lấy làm lạ, nhìn Hinh:
- Tôi giúp cô cái gì nhỉ?
Hinh lại thở dài, xem ra bà già bị vào đây không phải là không có lý.
- Thực ra chỉ cô mới giúp được cô thôi. - Bà già lẩm bẩm rồi chen lên
đứng trước Hinh (nhà ăn của bệnh viện có quy định rằng người già trên 65
tuổi không phải xếp hàng khi lĩnh cơm).
Bà bưng khay cơm canh từ ô cửa
sổ nhỏ rồi quay đi luôn, chẳng buồn nhìn Hinh nữa. Hinh thấy lời nói của
bà còn có ẩn ý gì đó, bèn bưng khay đồ ăn của mình đến ngồi bên cạnh
bà.
- Cháu là Diệp Hinh, chẳng lẽ bà đã quên tối qua bà vừa cứu cháu à?
Thôi được, dù bà nhớ hay quên cháu cũng xin cảm ơn bà! Cháu xin hỏi, bà
là...
Chị mặt sẹo cũng đến ngồi cùng, cười nhạt:
- Bà ấy là Uông Lan San nổi
tiếng ra trò! Nếu cô trò chuyện ăn ý với bà ấy, thì cô chỉ có chết! Mấy
cô sinh viên của trường cô ngày trước đều thân với bà ấy, cô xem hậu
quả là gì nào?
Hinh lừ mắt nhìn chị mặt sẹo, nhưng không ngờ bà già lại nói:
- Chị ta nói không sai đâu.
Hinh ngạc nhiên:
- Sao lại nói thế? Làm gì có mối liên quan đó? Cháu
không tin, các chị kia chết đều do các nguyên nhân khác... nói thế này
tức là chắc chắn bà cũng biết về "vụ mưu sát 405"?
- Những ai tự cho rằng mình biết, thường lại là chẳng biết gì. - Bà Uông Lan San không trả lời thẳng vào câu hỏi.
- Thấy chưa, bà già này dở hơi! - Chị mặt sẹo không bỏ lỡ cơ hội, "trả thù" luôn.
- Phải! Không dở hơi thì tại sao phải ở đây bốn chục năm? Trong những
người hay ra vào chỗ này, có vài người nằm viện hơn chục năm là cùng, đã
tưởng mình là bậc nguyên lão rồi - Bà San phản kích chị mặt sẹo, chứng
tỏ bà hoàn toàn không có bệnh tật gì.
Vậy những con người này là thế nào đây?
Hinh bỗng thấy ngao ngán đến cùng cực, xem chừng mình đành phải thích
nghi chung sống với đám người rồ dại kỳ cục này vậy. Nếu muốn giao lưu
với họ thì mình cũng phải suy nghĩ như kiểu của họ chăng? Còn có việc gì
khó hơn điều này đây? Họ rõ ràng là những con người cần được quan tâm
giúp đỡ, nhưng ai sẽ giúp đỡ mình đây?
Điều Hinh có thể làm, dường như chỉ lại là ngồi ngây trên giường, có
lẽ chỉ có cách này mới có thể giữ được sự tỉnh táo cho mình.
Đã đến giờ được hoạt động tự do, các bệnh nhân đều ra đánh bóng bàn,
tập thể dục, đi bách bộ... chỉ có Diệp Hinh vẫn ngồi bất động trên
giường. Chị mặt sẹo lại đến bên cạnh nói những câu vớ vẩn chẳng đâu vào
đâu. Hinh chán ngán nhìn chị ta một hồi, rồi dứt khoát nhắm mắt lại
không để ý nữa.
- Mấy cô kia lúc mới đến cũng thế này.
Một giọng thiếu nữ trong trẻo như tiếng chuông bạc. Tại sao mình lại
chưa để ý rằng ở đây còn có một cô gái trẻ như thế? Hinh mở mắt ra nhìn,
cô lạnh cả người. Đâu phải là một cô thiếu nữ, mà chính là bà già Uông
Lan San. Tại sao bà ý lại bắt chước giọng của bé gái?
- Bà San, bà...
- Chị ơi, chị ra kia đi dạo với em được không? - Đôi mắt mờ đục của bà
San hình như cũng trong hơn trước, long lanh sức xuân mà chỉ tuổi trẻ
mới có.
Hinh cảm thấy toàn thân rùng rùng ớn lạnh, cô đứng lên rồi lùi lại một bước:
- Bà... bà là ai?
Bà San bước lên một bước, đưa tay ra nắm lấy tay Hinh:
- Em là Tôn
Tĩnh Tĩnh, em ít tuổi nhất ở đây, chuyện trò chẳng hợp với ai cả, may mà
chị lại vào đây, tuổi không chênh nhau là mấy, chúng ta kết bạn đi.
Hinh đưa tay ra sau lưng, giọng run run:
- Cô... năm nay bao nhiêu tuổi?
- 16 ạ!
Hinh bấm nút chuông đặt ở đầu giường xin trợ giúp, một cô y tá đi vào, nhìn tình thế cô hiểu ra ngay:
- Bà San lại quậy nữa à?
- Em là Tôn Tĩnh Tĩnh kia mà! - Bà San eo éo cãi lại.
Cô y tá đưa bà
ta ra, bà ta vừa giãy giụa vừa ngoái đầu lại nhìn Diệp Hinh bằng ánh mắt
dữ tợn ai oán, hỏi lạnh lùng:
- Tại sao chị lại không chơi với em?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét