Cây
bàng cách cửa nhà tôi khoảng 15 mét thân to bằng thùng gánh nước, lá
bàng mùa hè xanh mướt, không tia nắng nào lọt được qua tán cây. Cây bàng
ấy rất ít quả, chúng tôi gọi nó là cây bàng đực.
Năm
tôi hơn 10 tuổi, quanh nhà tôi rất nhiều cây bàng. Dọc đầu đường Nguyễn
Hữu Huân các cây bàng cứ san sát, trước cửa mỗi nhà là một cây bàng. Bọn
trẻ chúng tôi đặt tên cây bàng theo tên chủ nhà trước cửa.
Phố
Nguyễn Hữu Huân ngày đó người già vẫn quen mồm gọi là phố Phan Thanh
Giản, một vị quan thời Nguyễn, Việt Minh về tiếp quản thủ đô thì đổi tên
vì cho rằng Phan Thanh Giản chủ trương ký hoà ước với Pháp. Một nửa ngõ
Phất Lộc là mặt sau của đoạn đầu phố Nguyễn Hữu Huân, từ số nhà 2 đến
số nhà 36 thì phải.
Suốt dọc đoạn đó toàn là cây bàng
xen lẫn xà cừ, bọn trẻ chúng tôi thuộc đặc tính từng cây. Chỉ có cây
bàng nhà Phúc Lâm ở 24 Nguyễn Hữu Huân là sai quả nhất trong dãy bên
chẵn. Ông bà Phúc Lâm làm nghề buôn bán vành, lốp, nan hoa xe thồ, xích
lô. Nghề đó dạo ấy làm ăn phát đạt vì cả xe thồ, xích lô là phương tiện
chủ lực vận chuyển bấy giờ.
Các chủ cây bàng, tức nhà
có cây bàng trước cửa thường cấm chúng tôi trèo. Bởi thế mỗi lần trèo
như một lần tập kích. Chúng tôi đảo đi, đảo lại thấy họ lỡ đễnh là ôm
thân cây nhoi nhoắng cái đã lên cao. Lúc mà đã lên cây rồi thì không bị
đuổi nữa, vì người ta sợ chúng tôi ngã. Khi ấy người lớn chỉ năn nỉ ngọt
ngào là hái nhanh nhanh rồi xuống nhé.
Tôi và thằng An
nhà Bính và thằng Phong Loe trèo giỏi nhất. Chúng tôi trèo lên trên cây
bàng, ở trên đó hàng tiếng đồng hồ, ngồi vắt vẻo nhấp nháp bàng và tán
chuyện, ngắm những mái nhà, cửa sổ và người đi lại phía dưới. Bọn ở dưới
thì tăm tia phía nào cây bàng có quả chín thông báo cho chúng tôi vặt.
Nhiều chùm bàng chín ở dưới lại nhìn thấy dễ hơn là khi bạn ở trên cây.
Vặt được chùm như thế, chúng tôi sẽ thả xuống chia phần cho bọn ở dưới.
Trên
cây bàng là một chòi quan sát thú vị, khi trời xanh trong chúng tôi
nhìn được cả dãy núi xa xa mờ mờ phía Tam Đảo, trên cây bàng còn có bọ
ngựa, bọ xít, sâu róm, và tổ chim. Có loại chim nào đó kéo hai cái lá
bàng to lại với nhau và khâu viền mép hai lá dính vào nhau thành tổ. Vết
khâu như người thợ may vụng về nhưng vẫn chắc chắn.
Bàng có nhiều loại, thích nhất loại mà vỏ dày, ăn thơm, ngọt, hột bàng đỏ sẫm. Chúng tôi gọi đó là bàng đào.
Nhưng
những cây bàng bên phố Hàng Muối thì sai hơn cả. Hồi ấy phố Hàng Muối,
Hàng Tre bị ngăn lại bởi nhà máy cơ khí Đồng Tháp. Nó trở thành phố cụt,
luôn vắng hoe. Mỗi tội bên đó cây nào cũng cao ngất ngưởng, những cái
cây ở ngõ Bạch Thái Bưởi (cái ngõ Nguyễn Hữu Huân bây giờ) là cao
nhất, chúng tôi chưa trèo ở đấy bao giờ. Các cây bàng ở đó thuộc loại
lâu đời, già cỗi, quả ít, cành cao chót vót.
Chúng tôi
đi oanh tạc hàng ngày vào mùa bàng, từ phố Hàng Chĩnh sang Mã Mây, qua
Hàng Bạc rồi lượn sang Hàng Vôi quay về Nguyễn Hữu Huân. Cứ mỗi ngày một
cây rồi vòng lại. Bên Mã Mây có cây bàng nhà phở Thấu rất nhiều quả, và
cây bàng nhà bà Chột bán dưa cà mắm muối (cái nhà bây giờ thành nhà cổ
cho khách tham quan). Nhà phở Thấu hẹp, bày bàn ghế cho khách ăn phở
ngoài hè, chúng tôi trèo cây lấy bàng, có lúc làm rơi bàng xuống, may là
chưa bao giờ trúng đầu khách hay vào bát phở. Hai anh con trai nhà đó
là anh Tiến, anh Thịnh cũng hiền. Lúc nào bọn tôi trèo được lên rồi thì
họ cũng chẳng quát nữa.
Thằng Phúc con bà Mi béo không
trèo cây. Nó thửa cây sào dài đầu có cái móc sắt để ngoáy vào chùm bàng
vặn rồi giật xuống. Nhưng như thế bàng rơi xuống đất giập nát, mà như
thế bàng xanh, bàng ương hay chín đều rụng cả chùm. Hoặc như thằng Bằng
nó chỉ đứng dưới nhằm chùm nào ưng ý để gân sức ném dép lên cây. Dũng
Tễu thì bắn ná cao su, các kiểu đó cũng chả hiệu quả. Trèo lên cây lựa
kỹ từng quả chín nứt, chín vàng, ngưỉ thấy mùi thơm, vặt ăn ngay tại
trên cây. Thừa thì cho vào bụng. Bụng ở đây là áo may ô , vạt áo bỏ vào
quần, thế là thành chỗ đựng hàng chục quả. Lúc xuống tha hồ phân phát
đầy vẻ đàn anh cho bọn đứng dưới.
Một lần tôi và thằng
An Bính trèo cây bàng ở cuối phố Hàng Chĩnh, chỗ giáp Mã Mây, trước cửa
hàng tổ phục vụ hợp tác xã bán nước sôi và bán phở mà nước dùng cũng
trong như nước sôi. Đang trèo bị công an hộ tịch chỗ đó gọi xuống, bắt
vào đồn, giam mấy tiếng. Đấy hình như là lần đầu tiên tôi bị bắt tù. Đến
chiều hai thằng viết bản kiểm điểm, xin hứa không tái phạm rồi về.
Lúc
vào cấp ba, thỉnh thoảng tôi vẫn còn trèo bàng. Một lần trèo ở chỗ
Nguyễn Siêu, gặp bạn Hạnh cùng trường Trần Phú nhà ở đó thấy tôi trèo,
bạn ấy ngỡ ngàng nhìn như không ngờ tôi trẻ con đến thế. Từ đó thấy
ngượng tôi thôi không trèo nữa. Bạn Hạnh thi cấp ba cùng, được tôi cho
nhìn bài, bạn ấy thi đỗ. Hôm tựu trường bạn ấy đến gần cảm ơn, bạn ấy
nhìn tôi có vẻ rất nể nang, lần nào gặp cũng cười chào thân thiện. Con
gái vào cấp ba thì ra dáng thiếu nữ lắm rồi, nên khi bạn ấy nhìn thấy
tôi quần đùi, chân đất, áo may ô trèo bàng với từng quả gặm thì ngạc
nhiên là phải thôi.
Nhoằng cái thời gian trôi, mười
năm rồi hai mươi năm. Bỗng nhiên một hôm ngồi vỉa hè chỗ nhà bà Phúc Áp
uống nước trè, chợt nhận ra cả dãy đầu phố Nguyễn Hữu Huân chỉ còn lại
một hai cây bàng. Lẩn thẩn ngồi kiểm đếm thì đã thấy biến mất bao nhiêu
cây bàng và cây xà cừ. Hỏi ra thì mới biết người ta chặt. Ngày trước nhà
mặt tiền không quan trọng, ít cửa hàng, cửa hiệu nên chả ai để ý cây
chiếm diện tích. Trái lại người ta mừng có cây trước cửa để che bóng mát
mùa hè. Giờ cái nhà có cửa hàng mặt tiền vài mét giá thuê đến chục
triệu. Mà cửa hàng, cửa hiệu cần chỗ để xe, cần tầm nhìn thoáng... hế
là bằng mọi cách người ta chặt, đốn hết tất cả các cây trước cửa. Những
vỉa hè vắng lặng, rộng thênh thang để chúng tôi chơi đá bóng, ném ống
bơ khi xưa giờ chật cứng xe gắn máy xếp ken nhau.
Hà
Nội 36 phố phường của tôi ngày thơ là những cây bàng trên hè các con phố
nhỏ có chữ Hàng, những cây bàng vươn ra giữa con phố nhỏ, tán cây bên
này chạm tán cây bên kia. Khi nắng hè đổ xuống qua tán cây chạm tới
đường thành những đốm nắng đung đưa. Những chiếc xe đạp lẻ loi kêu kin
kít đi qua, những tiếng rao của người bán hàng rong khi dừng chân dưới
gốc cây bàng. Tiếng rao của ông tào phở già, chân ông đi đôi dép lốp,
tay ông cầm quạt nan phe phẩy. Ông mặc áo nâu, vắng khách ông hay ngồi
bấm đốt tay tính nhẩm gì đó. Ông hay ngồi ở cây bàng trước cửa nhà tôi,
đó làm trạm dừng chân của ông trong ngày.
Bây giờ thì
ông tào phở già chắc đã chết, năm đó ông cũng khoảng 70 tuổi. Những cây
bàng biến mất. Đứa bé trèo bàng thưở ấy như tôi thành người viễn xứ
trong một học bổng dành cho những ''nhà văn lưu vong''.
Ở
chỗ tôi bây giờ mùa đông, những cành cây trơ trụi. Y như những cây bàng
quanh nhà tôi vào mùa đông, chúng cũng trơ trụi và khẳng khiu như thế.
Tôi
ước ngày nào đó trở về quê hương, thấy một Hà Nôị vắng vẻ, yên tĩnh
trong buổi trưa hè nắng chan hòa. Tôi ngồi dưới gốc cây bàng, đợi những
cơn gió mát thoảng qua và đợi ông tào phở dừng chân. Trong lúc đợi ông
mang đến bát tào phở trắng mịn, ngọt ngào và mát mẻ. Tôi sẽ ngước nhìn
xem có chùm bàng nào chín, tôi giờ chắc chả còn gân sức để trèo, vậy tôi
sẽ cởi giày để ném chùm bàng chín nhất. Nhặt những quả bàng rụng dập
nát, tôi chùi vào áo mình và thưởng thức vị thơm, nhọt, hơi chát trong
miệng. Ăn hết cùi còn trơ cái hột đỏ lựng, tôi sẽ tìm hòn gạch đập vỡ
hột lấy cái nhân trắng bên trong, ăn vị bùi bùi, ngầy ngậy.
Nhưng hình như quanh nhà tôi, giờ chả còn cây bàng nào.
(Người Buôn Gió)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét