Biển và tôi
Ba con tàu đổ bộ kéo miệng lên
kín nghít vội vàng di chuyển ra giữa dòng sông Sài Gòn. Tối 29 tháng 4
bầu trời đen như mực, những người trên tàu lớn - bé - già - trẻ đều được
lệnh ngồi im xuống sàn tàu. Con tàu được điều chỉnh với tiếng máy thật
nhỏ, chỉ đủ sức để đẩy khối sắc và đoàn người đi trong im lặng.
Đoàn
tàu chứa đầy gia đình binh lính Lôi Hổ, lính thiện chiến của QLVNCH.
Những người lính này thường được di chuyển vào ban đêm để đột nhập vào
phòng tuyến của địch. Hay những đêm tối trời họ nhảy dù xuống mật khu
trà trộn trong vùng địch với những phi vụ tình báo. Hoặc những cuộc
trinh sát một còn một mất. Nhiều khi họ chỉ được trở về thành phố sau
nhiều tháng sống trong rừng sâu, vì vậy mà lối ăn mặc, tóc tai và bản
tính của họ có phần không giống với những binh chủng khác.
Nhưng
đêm nay những người lính Lôi Hổ này như cọp trong chuồng. Trước mặt họ
không có quân thù, không có rừng sâu, không có những tiếng kêu rùng rợn
của loài cầm thú, hay tiếng cóc nhái rỉ rã giữa đêm trường nằm ngóng
quân thù. Mà chỉ có một màng đêm đen tối.
Khi
con tàu qua địa phận Rừng Sát những tiếng súng nhỏ nổi lên lẻ tẻ từ hai
bên bờ sông nhưng không đáng kể, con tàu vẫn âm thầm trôi đi trong bóng
tối. Ngồi khép mình bên mạn thuyền tôi nhìn về vùng trời Sài Gòn, nơi
đó có Mẹ, có anh em, và Phương. Có lẽ giờ này Phương đã ngủ yên giấc!
Nhìn chung quanh, khối người chật như nem nhưng tuyệt nhiên im phăng
phắc. Tiếng sóng lăn tăn vẫn vỗ vào mạn thuyền nghe róc rách, và con tàu
di chuyển thật chậm. Nhìn về bầu trời Thủ Thiêm, những ngọn lửa đỏ làm
sáng cả góc trời và chen lẫn những tiếng nổ ì ạch. Một đêm tôi thức
trắng, và có lẽ nhiều người khác cũng thức trắng đêm.
Sáng
30 tháng 4, 1975 ba con tàu đã có mặt ngoài khơi Vũng Tàu. Chúng di
chuyển sát nhau và quần thảo trên vùng biển nhỏ, dường như họ đang chờ
đợi ai. Gió biển lạnh, thổi rì rào làm buốt da thịt. Màu nước biển đen
và ánh sáng mập mờ đã thu đại dương bao la thành một không gian nhỏ bé
bao quanh con tàu. Và trong không gian nhỏ này, con tàu cứ lảng vảng như
vẫn còn luyến tiếc điều gì nơi bến nó ra đi.
Khi
mặt trời bắt đầu ló dạng trên biển Đông, xa xa những tia sáng yếu ớt
màu hồng đập vào mặt nước làm lóe lên những gợn sóng bạc đầu thì, nhấp
nhô từ xa những con thuyền, to có, nhỏ có bắt đầu lù lù hiện ra. Một
chiếc, hai chiếc, rồi ba chiếc, những chiếc ghe đánh cá bằng gỗ đông
nghẹt người cứ nhô lên rồi lại chìm xuống. Trời đã sáng, đoàn tàu càng
lúc càng nhiều hơn. Mọi người trên tàu đổ bộ đã tỉnh. Từ phía chân trời
hiện lên chiếc tàu hải quân Mỹ màu xám tro nằm lù lù trên mặt biển. Thế
là những chiếc tàu vượt biên đều quay đầu về chiếc tàu hải quân Mỹ mà
chạy.
Bên
cạnh tàu hải quân Mỹ, khoảng vài ba trăm thước, là chiếc xà lang chở
đầy người lố nhố. Chiếc xà lang này đi từ Đà Nẳng vào từ mấy ngày nay.
Tàu hải quân Mỹ, chiếc USS Thomaston LSD-28 thuộc đệ thất hạm đội Thái
Bình Dương, có bải đậu trực thăng. Bên cạnh chiếc LSD là một chiếc soái
hạm (thuộc loại FFG) chạy theo sau hộ tống.
Khoảng
9 giờ sáng ngày 30 tháng 4, từ xa chiếc tàu đánh cá chở đầy người đang
bập bềnh nhấp nhô theo nhịp sóng như muốn chìm trong biển sâu, cố gắng
lại gần tàu đổ bộ. Khi đến gần, những người trên tàu đánh cá chờm mình
lên mũi tàu van xin được cứu vớt. Nhìn họ như những con chim ướt sũng,
run rẫy trong cơn gió lớn muốn tìm một tàn cây để núp. Con tàu nhỏ bé
vẫn bập bếnh trên ngọn sóng và những khuôn mặt hãi hùng giương tròn đôi
mắt nhìn về chiếc tàu đổ bộ khẩn cầu. Nhưng, một khẩu lệnh từ đâu trên
chiếc tàu đổ bộ đưa xuống: “Bắn!”
Liền
sau tiếng “Bắn” người lính Lôi Hổ kéo cò cây súng M16 rắc một tiếng.
Hàng loạt những viên đạn bay vèo vèo về chiếc tàu đánh cá, găm chụt chụt
xuống nước, ria thành hình chữ V bao quanh mũi tàu. Chiếc tàu đánh cá
mong manh khựng lại, và những người trong tàu chấp tay lạy như rái.
Những gương mặt hốc hác run rẩy lại càng thêm run rẩy, và con tàu nhỏ bé
lặng lẽ lùi dần ra xa.
Tôi
đứng đó, tay siết chặt thành tàu nhìn đám người chấp tay lạy trước làn
đạn mà lòng tê cứng. Không biết họ kinh hoàng hay chính lòng tôi thấy
sợ.
Ngoài
khơi Vũng Tàu lúc này tàu vượt biên càng đông hơn, quần thảo lại một
vùng như buổi chợ nổi. Tiếng kêu cứu, van xin, la hét như loạn. Mọi
người đều nhắm vào chiếc tàu hải quân Mỹ và chiếc xà lang khổng lồ.
Nhưng
tiếng súng chát chúa vừa rồi xua đuổi con tàu đánh cá đã giấy lên một
không khí rối loạn trên mặt biển. Đáp lại những tiếng súng từ chiếc tàu
đổ bộ là, chiếc soái hạm chạy bắn nước, đánh một vòng bên cạnh chiếc LSD
như con ngựa trở chứng! Và kế tiếp là lệnh từ đâu đưa ra bảo mọi người
phải vứt tất cả súng ống xuống nước mới được lên tàu lớn. Những khẩu
Carbin xếp, M16, và những cây súng lục ngắn gọn rất đẹp lần lượt được
ném xuống biển sâu! Từ đây trên tàu đổ bộ trở thành một nơi vô trật tự,
không ai nghe ai. Nơi đây nếu còn luật lệ thì chỉ còn luật mạnh còn yếu
chết.
Trong
đám tàu kia có hai chiếc tàu buôn: Long Hồ và Long Châu, hai chiếc tàu
cùng một chủ đang đi bên cạnh nhau. Tôi biết anh Hoàng là sĩ quan cơ khí
của tàu Long Hồ, mấy tuần nay tình hình rối loạn ở Sài Gòn tôi không
liên lạc được. Bây giờ Long Hồ xuất hiện ở đây, tôi nghĩ thế nào cũng có
người quen trên đó. Trước những cảnh đáng sợ, tiếng súng đạn và con
người cấu xé lẫn nhau để được bốc lên tàu lớn, đã làm chùn ý tưởng “ra
đi ôm mộng trùng dương” của tôi. Tôi quay mắt theo dõi chiếc Long Hồ.
Bất chợt chiếc tàu đổ bộ tôi đi quay đầu về chiếc Long Châu. Khi hai
chiếc tàu sắp chạm nhau tôi mới biết là trên Long Châu có một vị quân
nhân Lôi Hổ cấp Tá có gia đình đang đi bên tàu đổ bộ, và vị sĩ quan cấp
Tá này muốn nhảy qua tàu đổ bộ cùng gia đình.
Trong khi hai chiếc tàu
đang điều động gần nhau tôi thấy anh em anh Hoàng có mắt trên Long Châu,
tôi vội mừng như kẻ sắp chết đuối vớ được phao, tôi la lớn:
- Anh Hoàng tui qua bên tàu anh được không?
Anh Hoàng liền đáp:
- Tàu tao trở lại Sài Gòn.
Nghe mấy tiếng “trở lại Sài Gòn” tôi mừng quá.
Tôi liền nói:
- Anh đợi tui qua với, tui cũng muốn trở lại Sài Gòn.
Anh Hoàng liền nói:
- Ừ, qua đi.
Tôi quay qua Điện:
- Anh ở lại đi nhe, tui trở lại Sài Gòn.
Điện nghe tôi nói thế liền đáp:
- Mầy về thì tao cũng về chứ đi một mình chi.
Tôi
chen chân bước về hướng mũi tàu, nơi hai chiếc tàu sẽ chạm nhau cho vị
sĩ quan cấp Tá bước qua.
Tôi liền nói với mấy anh Lôi Hổ đang ôm súng
đứng trước mũi tàu:
- Anh cho tôi qua chiếc tàu kia nhe.
- Không được. Không được lộn xộn, trở lại không tao bắn chết bây giờ.
Anh lính Lôi Hổ nhìn tôi sừng sộ, nạt.
Nhìn
nét mặt anh tôi hoảng sợ, liền ôm túi sách lùi lại phía sau tàu. Hai
chiếc tàu chỉ còn một chút nữa là chạm nhau, tôi thấy viên sĩ quan cấp
Tá đang đứng trên mũi Long Châu, chờ bước qua. Tôi ao ước được làm như
ông ta, nhưng không được! Hai con tàu chỉ cập sát nhau để chuyển một
người rồi sẽ gian ra xa. Tôi quẩn trí, không biết phải làm sao để qua
bên kia, để được về với gia đình, với Phương, và với sự bình an mà hằng
ngày tôi vẫn có, và nhất là để khỏi thấy cảnh con người đối xử tàn nhẩn
với con người. Chỉ một bước thôi, một bước là tôi sẽ xa rời những ưu
phiền sợ sệt, những hãi hùng mà sáng nay tôi đã chứng kiến. Nhưng bước
chân đó tôi không thực hiện được! Khi hai con tàu xích gần lại nhau thì
người trên tàu đổ bộ xôn xao, ồn ào như náo loạn. Người lính Lôi Hổ phải
bắn chỉ thiên mấy phát và ra lệnh mọi người đứng im tại chỗ. Tôi nhìn
anh Hoàng, chỉ tay xuống biển ra ni và nói:
- Anh thả phao xuống kéo tui lên được không?
Anh Hoàng nhìn xuống mặt nước, ngước mặt nhìn tôi nói:
- Được. Nhưng mầy dám nhảy xuống không?
Lúc
này hai chiếc tàu đâu lại thành hình chữ V, vị sĩ quan cấp Tá sắp bước
chân qua, và Điện đang đứng sát bên tôi. Tôi không còn thì giờ để do dự,
chỉ có giây phút này thôi rồi hai con tàu sẽ xa nhau, và cơ hội trở lại
Sài Gòn sẽ không đến với tôi lần thứ hai trên biển này. Tôi liền tròng
túi hành trang qua cổ, xong, nhảy xuống biển!
Liền theo đó Điện cũng nhảy xuống biển theo tôi.
Hai
chiếc phao từ Long Châu liệng xuống nhưng cả tôi lẫn Điện đều chụp hụt,
lập tức hai chiếc phao bị dòng nước tống ra phía sau. Con nước giữa hai
chiếc tàu như một dòng sông chảy xiết, chỉ trong vòng vài ba phút phấn
đấu tôi đã mệt lã, và con nước xoi tôi và Điện về phía đuôi tàu. Tôi
ngóc đầu lên nhìn những người trên tàu Long Châu, con sóng lại đánh tôi
lao chao, tôi quậy tay chân giữ thăng bằng, và hai cái phao thứ hai
liệng xuống. Tay tôi quờ quạng trong con sóng và chụp được chiếc phao,
khi tôi chỉ còn cách chân vịt khổng lồ của Long Châu không bao xa. Tôi
vội vàng chui đầu vô phao cấp cứu, lấy sợi dây còn lại quấn lia lịa trên
mình, trên phao, rồi nằm như con cá chết! Mấy người trên Long Châu kéo
tôi lên khỏi mặt nước, bỏ trên boong tàu. Tôi mệt lã người, chỉ hỏi:
- Điện đâu?
- Nó chụp hụt phao, nước đẩy ra sau và được tàu đánh cá vớt rồi.
Tiếng nói của ai đó trên tàu Long Châu cho tôi biết.
Tôi
nằm sãi sòng trên boong tàu, người lã đi. Hơn nữa tiếng đồng hồ sau tôi
bình phục và đi lại trên tàu Long Châu. Chiếc tàu đổ bộ hải quân đã
tách xa Long Châu và đang nhập với những chiếc tàu khác bên cạnh xà lang
và tàu hải quân Mỹ. Tôi dõi mắt nhìn theo những chiếc tàu chung quanh
nhưng không thấy bóng dáng Điện. Từ đó tôi mất liên lạc Điện.
Nhìn
lại trên tàu Long Châu chỉ có trên dưới 20 người kể cả gia đình thuyền
trưởng và anh em anh Hoàng. Những người trong nhóm anh Hoàng tôi đều
biết.
Đã
gần trưa ngày 30 tháng 4, Long Châu chở đầy xăng dầu và Long Hồ chở gạo
nằm ì tại chỗ. Máy vẫn nổ nhưng tàu chỉ lần quần ngoài khơi Vũng Tàu,
chưa chịu đi. Tôi hỏi chừng nào quay đầu trở lại Sài Gòn thì chỉ nghe
anh Hoàng nói đợi một lát nữa. Nữa tiếng đồng hồ rồi một tiếng, hai
tiếng đồng hồ trôi qua tàu vẫn chưa nhúc nhích. Tôi đi lòng vòng trên
tàu, vào những phòng ngũ của thủy thủ xem xét. Lật nệm giường ngủ lên
tôi thấy súng M16, đạn dược và lựu đạn nằm la liệt dưới giường. Thì ra
chiếc Long Châu từ Đà Nẵng vào chở hơn một tiểu đội Lôi Hổ. Khi đến Vũng
Tàu những người lính Lôi Hổ trở vào bờ bỏ lại súng đạn nơi đây, và
trong số người từ Đà Nẵng vào có vị sĩ quan cấp tá Lôi Hổ, một đại Tá
Cảnh sát và một tài lọt. Tôi nôn nóng đợi không biết chừng nào tàu sẽ
trở lại Sài Gòn. Nơi đây không khí càng lúc càng sôi nổi. Những chiếc
ghe đánh cá thi nhau chạy về tàu lớn.
Khoảng
10:30 trưa 30 tháng 4, trên radio lời tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống
Dương Văn Minh được loan đi. Chấm dứt! Chính thể Việt Nam Cộng Hòa của
miền Nam Việt Nam chấm dứt vào lúc trưa 30 tháng 4, 1975!
Ngoài
khơi biển Vũng Tàu dậy sóng. Những chiếc tàu con chạy loạn xạ tìm tàu
cứu vớt. Chiếc LSD hải quân Mỹ thả lưới xuống kéo người từ xà lang và
những chiếc ghe con. Từ xa tôi nhìn về chiếc LSD, hàng hàng lớp lớp
những bàn tay con người nhôn nháo bám vào mảnh lưới để được kéo lên như
kéo những kiện hàng. Người đạp lên người, những bàn tay bám víu vào mảnh
lưới không chịu nỗi sức nặng của chính mình, và rớt lủm bủm xuống nước
giữa hai con tàu. Xa quá, tôi không biết những người rơi rớt xuống biển
có được cứu vớt lên không? Hay chỉ là miếng mồi cho cá! Hay có lẽ đã bị
nghiền nát bởi hai thành tàu!
Từ
thành phố Sài Gòn những chiếc trực thăng ào ạt mang người di chuyển ra
chiếc LSD và Đệ Thất Hạm Đội Thái Bình Dương. Khi những nhân viên cuối
cùng đáp xuống chiếc LSD an toàn thì những chiếc trực thăng cũng lần
lượt bị xô xuống biển, lấy chỗ cho chiếc khác đáp xuống.
Trời
về chiều, gió thổi mạnh và bọt nước chung quanh chiếc LSD như lớp sương
mù. Và hết lưới này đến lưới khác, bóng người vẫn đu đeo, và bóng người
vẫn rơi rớt giữa hai con tàu. Ba con tàu đổ bộ từ căn cứ chuyển vận kho
18, Tân Thuận Đông quay đầu lên đường đi Subic Bay, Phi Luật Tân. Những
tàu sắt có khả nămg đi một mình thì ra đi. Long Châu và Long Hồ cũng
bắt đầu lên máy. Tôi quay qua hỏi anh Hoàng:
- Sao anh đi hướng này?
- Thì tao nói với mầy tàu tao trở lại Sài Gòn để khỏi bị nhiều người bu lên, đơn giản vậy thôi.
Tôi ngỡ ngàng nhìn anh Hoàng!
Long
Châu hú lên một hồi còi, tôi nhìn lại chiếc xà lang và đám ghe nhỏ mong
manh. Chắc Điện đang loi nhoi đu đeo theo lưới trong đám người đó! Rồi
tôi tự hỏi: “Long Châu sẽ đi về đâu?” Long Châu, những ngày rong ruổi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét