Các cuộc biểu tình trên khắp ba miền vừa
qua đã gây ngạc nhiên và chú ý cho báo chí quốc tế. Các hãng tin lớn
như Reuters, AFP, các báo lớn như Wall Street Journal, Chicago Tribune
v.v. đều loan tin khá chi tiết và xem đó như là sự kiện hiếm hoi. Người
dân đã biết đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Phong
trào đã chứng tỏ cho đảng CS thấy thước đo của sự giận dữ và giới hạn
của sự chịu đựng của người dân. So với vài năm trước, đây là một bước
phát triển cao hơn của phong trào xã hội. Sự sụp đổ của Liên Xô cho
thấy, bao nhiêu bom nguyên tử, mấy trăm ngàn công an chìm nổi cũng vô
hiệu trước sức mạnh của nhân dân.
Những vết đen trong lịch sử của Formosa Plastics Group
Việc
dư luận quy kết cho Formosa là một điều hợp lý vì lịch sử của công ty
này đã có những hoạt động bất chánh như tham nhũng, hối lộ các viên chức
địa phương chỉ vì mục đích lợi nhuận bất chấp sức khỏe và sinh mạng của
con người.
Từ khi thành lập vào
năm 1954 cho đến nay, Formosa Plastics Group, một tập hợp các công ty đa
dạng xuất nhiều mặt hàng từ dầu khí cho đến gan thép, đã vi phạm luật
pháp tại các quốc gia nơi Formosa Plastics Group đầu tư và công ty này
nhiều lần bị phạt và bị kết án. Vụ thải cặn bã sản xuất có chứa chất
thủy ngân (mercury) xuống vịnh Sihanoukville là một ví dụ.
Năm
1999, Formosa Plastics hối lộ các cấp lãnh đạo Campuchia để nhập vào 3
ngàn tấn phế thải có thủy ngân và thải xuống vịnh Sihanoukville. Cả ba
làng Campuchia trong khu vực lần lượt chết. Theo điều tra của Human
Rights Watch, các phế thải thủy ngân độc được đưa từ Đài Loan sang và
nhập được vào Campuchia nhờ hối lộ, như chính Hun Sen ước lượng, khoảng 3
triệu đô-la cho các viên chức hải quan.
Gọi đúng là Formosa Ha Tinh Steel Corporation, tên tiếng Việt là Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh,
viết tắt là FHTS) là một nhà máy gan thép được thiết lập tại Khu Kinh
Tế Vũng Áng với tài trợ của Tổng Công Ty Formosa Plastics Group đặt bản
doanh tại Đài Loan với cổ phần lớn thuộc Trung Quốc.
Formosa
Ha Tinh được thành lập năm 2008 nhằm sản xuất gan thép trên vùng đất
rộng 3,300 mẫu, tức 33 kilomet vuông, thuộc quận Kỳ Anh, Hà Tĩnh và gần
cảng sâu Vũng Áng. Vốn đầu tư ban đầu ước lượng là 22 tỉ đô-la, nhưng
theo nhiều nguồn tin mới, số vốn đầu tư có thể lên đến 28 tỉ đô-la với
những lò luyện kim sau khi hoàn thành có thể sản xuất 2 triệu tấn thép
một năm.
Rất nhiều tác giả đã phân
tích về nạn cá chết tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Bài viết này chỉ
tập trung vào ảnh hưởng của cơ chế chính trị trong việc giải quyết các
tai họa do con người hay thiên nhiên tạo ra. Trong lúc không thể ngăn
chận được tai họa, cách giải quyết của chính phủ đóng một vai trò quan
trọng trong công việc cứu giúp, điều tra nguyên nhân và xây dựng lại từ
trên điêu tàn đổ nát do tai họa gây ra.
Đáp ứng của lãnh đạo các chính phủ dân chủ trước các tai họa
Trên
bàn của Tổng thống Harry Truman có một phương châm được in trên tấm
bảng chỉ dài 13 phân tây nhưng rất nổi tiếng: “The buck stops here”.
“The buck” tiếng Anh có nghĩa là tấm bảng hiệu xác định ai là nhà cái
trong một trận xì tố (Poker). Tổng thống Truman sử dụng nhiều lần thành ngữ này
để xác định trách nhiệm của lãnh đạo một quốc gia, và như ông nói, không
thể sang đến tay bất cứ một người nào khác.
Từ
đó đến nay, phương châm này rất nổi tiếng và phổ biến ở Mỹ. Mới đây Tổng thống
Barack Obama cũng sử dụng “The buck stops here” để nhận lãnh trách
nhiệm sau thất bại của chính phủ Dân Chủ đã để đảng Cộng Hòa chiếm đa số
trong Hạ Viện Mỹ.
Không chỉ ở Mỹ
mà trong mọi quốc gia dân chủ với tam quyền phân lập, vai trò của hành
pháp có trách nhiệm cuối cùng trong điều hành đất nước và phản ứng nhanh
hay chậm của chính phủ có ảnh hưởng tối hậu trong giải quyết tai họa.
Vài
ví dụ. Hurricane Katrina bắt đầu vào đất liền sáng thứ Hai, ngày 29
tháng Tám, 2005 và tàn phá các tiểu bang Mississippi, Louisiana của Mỹ.
Mặc dù đang đi nghỉ hè, ngay trong lúc bão còn đang hoành hành, 11 giờ
trưa hôm đó, Tổng thống George Bush đã họp báo và hứa sẽ làm tất cả để cứu giúp
nạn nhân. Bốn ngày sau, tiền bạc và vật dụng cứu trợ đã trên đường đến
các vùng bị thiệt hại. Chính phủ Mỹ chi 120 tỉ đô-la để cứu giúp nạn
nhân.
Nước Mỹ giàu quá, hãy dùng
Chile, một nước nghèo, làm ví dụ để xem lãnh đạo quốc gia này phản ứng
thế nào trước trận động đất có cường độ 8.8 đã xảy ra ngày 27 tháng Bảy,
2010.
Tổng thống Michelle
Bachelet được thế giới ca ngợi về cách bà đã đáp ứng với trận động đất.
Bà ra lệnh tức khắc khai quang mọi phi trường và khai thông các xa lộ
dẫn vào vùng bị động đất. Nhờ đó, chỉ trong vòng mười ngày, 90 phần trăm
nhà cửa trong các vùng động đất đã có điện trở lại và nửa triệu dân
sống sót có đủ nước uống. Những xe tải lớn chở đồ viện trợ và các hàng
hóa đến tận tay nạn nhân. Giống như trường hợp Tổng thống Bush, TT
Michelle Bachelet cũng bị nhân dân phê bình phản ứng chậm nhưng các
chuyên viên động đất cho rằng để đánh giá một cách khách quan, TT
Michelle Bachelet đã đáp ứng một cách hiệu quả.
Đáp ứng từ các lãnh đạo độc tài CS
Động đất tại Nepal
Nepal
là một quốc gia vùng Nam Á, có dân số khoảng 27 triệu người sống dọc
theo rặng Hy Mã Lạp Sơn. Ngày 25 tháng 4, 2015, trận động đất với độ
mạnh 7.8 làm hơn 8 ngàn người thiệt mạng và 19 ngàn người bị thương trầm
trọng. Ngày 12 tháng 5, 2015, trận động đất thứ hai với độ mạnh 7.3 lại
xảy ra giết chết thêm 125 người và gây thương tích cho 2,500 người.
Theo tổng kết của chính phủ Nepal và các cơ quan cứu trợ quốc tế, con số
tử vong tính đến nay là 8,583 người, 6 triệu dân bị ảnh hưởng và có đến
500 ngàn ngôi nhà bị tàn phá.
Mặc
dù sau 2008, trên danh nghĩa Nepal là một nước cộng hòa nhưng thực tế
vẫn do đảng Maoist Unified Communist Party of Nepal (Maoist) nắm hết
quyền cai trị.
Đất nước nhỏ hẹp này
bị ảnh hưởng sâu xa của Trung Cộng về mặt tư tưởng và do đó chi phối cả
các hành động cứu trợ nạn nhân động đất không chỉ trung ương mà xuống
tận các tầng lớp cán bộ tại các địa phương. Liên Hiệp Quốc và các tổ
chức từ thiện quốc tế kết án chính phủ Nepal vô hiệu quả, thối nát, tham
nhũng và ngay cả ngăn chận các nguồn tiếp tế đến các địa phương mà
chính phủ không cho phép.
Lãnh đạo CSVN trước nạn cá chết
Ngày
6 tháng 4, hàng ngàn cá chết được phát hiện tại khu vực biển Vũng Áng
và bốn ngày sau, dọc bờ biển tỉnh Quảng Bình cá chết trôi dạt vào bờ.
Các báo nghi nhận, không chỉ cá nhỏ mà những con cá mú, cá vược biển to
gần 4kg. Tại bãi biển Mũi Đao, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, suốt 10 ngày
đầu tháng Tư, cá chết thối, gây ô nhiễm môi trường. Ngư dân các xã Kỳ
Lợi, Kỳ Phương và Kỳ Nam làm nghề đi biển thất thu nặng nề vì cá đánh
được về cũng không ai mua, một phần vì sợ mua phải cá chết, một phần vì
sợ cá bị nhiễm độc.
Lãnh đạo trung ương im lặng.
Gần
ba tuần sau mới có đoàn kiểm tra thuộc Bộ Tài Nguyên và môi trường đầu
tiên do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài dẫn đầu đến kiểm tra tại Công ty
Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh và tại Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà
Tĩnh.
Thay vì đưa ra sự thật, trong cùng ngày, báo Nhân Dân loan tin có kèm theo hình ảnh “Từ
đầu năm đến nay, một số đợt thủy triều đỏ xuất hiện khiến nước sông
Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) lúc có màu đỏ, lúc màu bùn. Nước
thủy triều đỏ xâm nhập đã gây thiệt hại và khó khăn cho việc nuôi trồng
thủy sản.”
Bức hình “thủy triều đỏ” do phóng viên Ng Vân chụp với lời ghi chú nguồn chính xác “Thủy triều đỏ xâm nhập cửa biển thị xã Hoàng Mai” chứ không phải là hình có tính cách minh họa như một số bồi bút của đảng biện hộ sau đó.
Kỹ
thuật cạo sửa, thêm màu thịnh hành nhất vào thời kỳ Stalin. Tên độc tài
này không chỉ giết nhiều triệu người mà còn giết những lãnh đạo cao cấp
của đảng nên y phải ra lệnh cạo sửa hình ảnh chính thức của họ ra khỏi
tài liệu đảng. Lev Kamenev, Grigory Zinoviev v.v. đều là những ủy viên
Bộ Chính Trị đầu tiên sau cách mạng CS Nga nên hình ảnh của họ đầy dẫy
trên các hồ sơ lưu trữ. Hàng ngàn tấm ảnh chính thức của họ chụp chung
với Stalin đều được lịnh cạo sửa. Chưa thay thế xong lãnh đạo này,
Stalin đã giết lãnh đạo khác và các chuyên viên hình ảnh lại phải tiếp
tục cạo sửa.
Phương pháp tuyên
truyền lạc hậu đó không chết theo ý thức hệ CS mà lại đươc tờ báo chính
thức của đảng CSVN sử dụng ngay giữa thời đại toàn cầu hóa. Các hãng tin
báo chí lớn trên thế giới đều mỉa mai và phê bình hành động bẩn thỉu đó
của báo đảng CSVN.
Quan hệ giữa cơ chế chính trị và môi trường
Thống kê 2016 Global Metrics For The Environment
do đại học Yale công bố cho thấy có sự gắn liền giữa sự trong sạch
trong chính phủ và sự trong sạch của môi trường. Bằng chứng, những quốc
gia nằm trong tay các chính phủ tham nhũng, độc tài quân phiệt cai trị ở
Phi Châu như Trung Phi, Cộng Hòa Congo, Ghana v.v. cũng là những quốc
gia mà nơi đó rừng bị khai thác không kiểm soát và thú hiếm sắp bị tận
diệt.
Trong khi đó, những quốc gia
được xem là bảo vệ môi trường tốt nhất như Finland, Iceland,
Switzerland, Sweden đồng thời cũng là những quốc gia được lãnh đạo bởi
các chính phủ trong sạch nhất thế giới. Việt Nam được xếp vào hạng 131,
và nếu để ý các bạn sẽ thấy nhóm quốc gia trong đó có Việt Nam phần lớn
là Phi Châu như Congo, Ghana, Tanzania, Nigeria nghèo và trong mức độ
còn chịu đựng độc tài.
Lý do đáp ứng chậm
- “Hồng hơn chuyên”:
Các lãnh đạo CS không do ai bầu ra và cũng không do một cơ quan hành
pháp nào đề nghị với sự phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp độc lập. Họ phần
đông rất dốt nát về chuyên môn nhưng trung thành với mục tiêu của đảng
CS và là thành viên các phe cánh lãnh đạo CS đang thắng thế sau môt cuộc
tranh chấp nội bộ. Chế độ CS như chiếc máy CS rệu rã nhưng vẫn chạy vì
mòn đều và xăng nhớt là thành phần có học ham danh lợi.
Như môt tập quán CS, mỗi khi có một sự kiện hay tai họa xảy ra, ý niệm
đầu tiên đến trong đầu họ là tìm cách gì đó để bao che.
Thay vì tức khắc thành lập một ban đặc nhiệm, độc lập và mời các chuyên
viên quốc tế đến điều tra, họ lại đi bơi để chứng tỏ nước an toàn. Hành
động tuyên truyền trẻ con này gợi nhớ đến việc Mao, để kích thích tuổi
trẻ tham gia vào Cách mạng Văn Hóa dã man ở Trung Quốc, đã bơi trên sông
Trường Giang (Yangtze) cuối năm 1965.
- Thụ động, che giấu tội lỗi và lừa dối lẫn nhau:
Trong một cơ chế trung ương tập quyền CS, sáng kiến cá nhân hay cả phát
biểu cá nhân là những điều tối kỵ. Cấp thấp chờ đợi cấp cao hơn và cứ
theo chiếc thang quyền lực đó mà dẫn đến trung ương.
Các cán bộ CS trong guồng máy không có quyền phê bình lãnh đạo hay phê
bình chính sách của đảng bởi vì làm vậy là vi phạm kỹ luật đảng, không
trung thành với mục tiêu của đảng. Cấp thấp nói dối đến cấp trên, bịa
đặt thành quả và che đậy thất bại. Do đó, không ngạc nhiên khi cần gần
một tháng để có một đoàn do trung ương cử xuống.
Có người sẽ biện hộ cho đảng, không thể so việc cá chết với người chết.
Nếu một trận động đất lớn như động đất tại Nepal chẳng hạn, chính phủ sẽ
phản ứng nhanh hơn. Không, cơ chế chi phối hành động. Phản ứng của cơ
chế chính trị CS ở đâu cũng vậy. Không chỉ Việt Nam ngày nay mà Liên Xô
trước đây cũng không khác. Khi các nước Thụy Sỹ, Đan Mạch, Phần Lan và
Na Uy khám phá ra chất phóng xạ cao trong khu vực có nhà máy nguyên tử
Chernobyl và liên lạc với Liên Xô, chính phủ Liên Xô bác bỏ nguồn tin
một tai họa nguyên tử vừa xảy ra. Và khi cả thế giới đều biết qua phim
ảnh vệ tinh, Liên Xô thừa nhận có tai nạn nhưng đã giải quyết xong rồi.
Việt Nam hôm nay, nhìn ra,
nhìn lên, nhìn trước, nhìn sau đều không có lối thoát, bởi vì vấn đề của
Việt Nam là vấn đề nhân quả. Sau đất, biển, đảo, rừng, cây, thực phẩm,
thức ăn, chim cá, rồi sẽ tới gì nữa? Chưa biết, nhưng dù gì cũng chỉ là
“quả” chứ không phải là “nhân”. Tội ác sẽ không bao giờ xóa được khi
các nguyên nhân gây ra tội ác vẫn còn tồn tại. Do đó, thay vì hái “quả”
phải tập trung thay đổi “nhân” CS đã và đang gây ra thảm trạng ngày nay.
Trần Trung Đạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét