Chuyên gia của BBC trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin trên mạng, Paul
Myers, giải thích lý do vì sao các phóng viên cần nhận thức được độ
bảo mật sơ sài, kém an toàn của các thiết bị mà họ sử dụng, và những
việc các phóng viên cần làm để bảo vệ thông tin, bảo vệ chính bản
thân mình.
Thông tin bạn lưu trong máy tính hoặc điện thoại, thiết bị di động rất dễ rơi vào tay người khác.
Có thể do bạn bỏ quên đâu đó, có thể do bị giới
chức tịch thu tại chốt kiểm tra an ninh sân bay, hoặc bị lấy đi theo
lệnh của tòa án, cảnh sát. Chưa kể nguy cơ bị tin tặc tấn công để
lấy đi những thông tin của bạn.
Bạn cần nhận thức được tất cả các nguy cơ trên và
cần biết những cách phù hợp để bảo vệ thông tin, nguồn cung cấp
tin cho bạn, và bảo vệ chính bản thân bạn.
Dưới đây là một số điều bạn nên biết để bảo vệ thông tin khi dùng điện thoại di động:
Điện thoại là thứ rất dễ đánh mất, trong lúc các
phóng viên thường lưu các thông tin cá nhân trên điện thoại nhiều hơn
là trên máy tính xách tay.
Nếu đang ngầm điều tra hoặc đang tiến hành một
cuộc điều tra phức tạp, bạn nên mua một chiếc điện thoại dùng dịch
vụ trả tiền trước, nhất là khi bạn sợ mình có thể bị nghe lén hoặc
bị tịch thu điện thoại.
Bạn cũng có thể chọn dùng một loại app kiểu như Wickr cho phép xóa tin nhắn và hình ảnh sau khi bạn đã gửi đi.
Các mạng ảo riêng tư (VPN) cho điện thoại di động
VPN là các kết nối và phần mềm che giấu địa chỉ
IP của bạn và mã hóa hoạt động của bạn. Chúng sẽ giúp bảo vệ an toàn
cho bạn khi bạn dùng internet ở các quốc gia cấm hoạt động online.
Ví dụ như ở Trung Quốc, nhiều trang mạng bị chặn.
Dùng VPN, bạn sẽ vượt qua được các hạn chế của Trung Quốc để xem
thông tin trên internet.
Nếu bạn làm việc trong môi trường thù nghịch và sợ
bị phát hiện, hoặc sợ việc dùng internet của bạn bị theo dõi, bạn
rất nên dùng VPN.
Bạn cũng có thể dùng VPN khi vào internet, mạng xã hội và email từ điện thoại di động.
Tuy nhiên, VPN sẽ không mã hóa các cuộc gọi điện
thoại di động thông thường. Có một số loại điện thoại trên thị
trường tự động mã hóa các cuộc gọi, hoặc bạn có thể tải các app đặc
biệt xuống.
Phòng chống virus và malware (phần mềm độc hại)
Virus là bất kỳ cái gì có thể lây lan từ máy tính
này sang máy tính khác. Thậm chí những câu chuyện hoang đường nơi đô
thị cũng có thể bị coi là virus nếu được lan truyền trên truyền
thông xã hội.
Malware nhằm xâm nhập sự riêng tư cá nhân, tấn công
bạn bằng rất nhiều nội dung quảng cáo khác nhau, hoặc làm hư hại
máy tính, thiết bị.
Có những malware chuyên đánh cắp các thông tin trong
danh bạ liên lạc rồi mạo danh bạn gửi đi các email tới những người đó.
Tuy nhiên, malware không nhất thiết phải có khả năng lây lan sang các
máy tính khác.
Trên điện thoại, malware còn nguy hiểm hơn so với
trên máy tính, bởi có rất nhiều thông tin cá nhân được lưu trên cùng
một chỗ.
Malware tiết lộ không chỉ email mà còn cả các nội
dung tin nhắn văn bản, danh bạ liên lạc, các cuộc điện thoại, việc
dùng internet, và việc vào mạng xã hội.
Một khi máy của bạn bị cài malware, người khác có
thể nghe được bạn nói gì thông qua microphone trong máy, nhìn được bạn
thông qua camera của điện thoại, và thậm chí lần được dấu vết từng
bước di chuyển của bạn từ nơi này tới nơi khác.
Điều này khá dễ thực hiện bởi hầu hết mọi người
đều không cài phần mềm chống virus trên điện thoại, tuy đã có những
app chuyên chống virus.
Bạn
phải nhớ luôn cài đặt phần mềm chống virus trên các thiết bị và
sẵn sàng ứng phó với các nguy hiểm rủi ro nếu bạn đang tiến hành một
cuộc điều tra.
(BBC Academy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét