Chương 13
MÁTXCƠVA
14
THÁNG BA
LEO MỞ
MẮT.
Ánh đèn
pin khiến gã lóa mắt. Gã không cần xoay nhìn đồng hồ mới biết thời gian - giờ
bắt người, bốn giờ sáng.
Gã ra
khỏi giường, tim đập thình thịch. Trong bóng tối gã đi loạng choạng, mất phương
hướng, va phải một người, né sang bên. Gã loạng choạng, lấy lại thăng bằng. Ánh
đèn bật lên. Khi đã quen với ánh sáng, gã nhìn thấy ba sĩ quan: thanh niên,
chưa quá mười tám tuổi. Bọn họ có vũ khí. Leo không nhận ra họ nhưng gã biết
bọn họ thuộc hạng nào: cấp thấp, tuân thủ mù quáng, bọn họ nghe theo bất cứ
mệnh lệnh nào được đưa ra. Họ trở nên hung bạo không chút dè dặt: bất cứ chống
đối nhỏ nhặt nào cũng sẽ được đáp lại bằng sức mạnh kinh khủng. Họ nồng nặc mùi
thuốc lá và rượu. Leo cho rằng những người này chưa được ngủ: uống suốt cả đêm,
thức để làm nhiệm vụ này. Rượu khiến họ trở nên khó đoán, bất thường. Để tồn
tại trong vài phút tới, Leo phải thận trọng, phục tùng. Gã hy vọng Raisa cũng
hiểu điều đó.
Raisa
đang đứng mặc bộ đồ ngủ, run rẩy nhưng không phải vì lạnh. Cô không biết đó là
cơn sốc hay sợ hãi hay tức giận. Cô không thể ngừng run rẩy. Nhưng cô cũng
không quay đi chỗ khác. Cô không xấu hổ; hãy để bọn họ xấu hổ vì sự hung hãn
của họ, cứ để họ thấy chiếc váy ngủ nhàu nhĩ của cô, mái tóc rối bù của cô.
Không, bọn họ thờ ơ. Điều đó chẳng có nghĩa gì hết, một phần trong công việc
của họ là vậy. Cô không thấy chút cảm xúc gì trong mắt những thanh niên này.
Những cặp mắt đờ đẫn: liếc qua liếc lại như con thằn lằn - mắt của loài bò sát.
Họ kiếm đâu ra những cậu bé tâm hồn chai sạn thế này? Người ta biến họ thành
như thế, cô chắc vậy. Cô liếc nhìn Leo. Gã đang đứng, hai tay để trước, đầu cúi
xuống, tránh ánh mắt nhìn. Hèn yếu, dễ bảo: có lẽ đấy là cách xử sự khôn ngoan.
Nhưng ngay lúc này cô không cảm thấy vậy là khôn ngoan. Có ba tên côn đồ trong
phòng ngủ của họ. Cô muốn gã phải ngang ngạnh, nổi giận. Chắc chắn đấy là phản
ứng tự nhiên? Bất cứ người bình thường nào cũng cảm thấy bị sỉ nhục.
Một người
rời phòng, rồi gần như ngay lập tức quay lại mang theo hai va li nhỏ:
- Đây là
tất cả những gì các người có thể mang theo. Các người không được mang gì theo
ngoại trừ quần áo và giấy tờ. Trong một tiếng nữa ta sẽ đi cho dù hai người đã
xong hay chưa.
Leo nhìn
vào chiếc va li, vải căng chặt khung gỗ. Nó quá nhỏ, đủ cho một chuyến đi trong
ngày. Gã quay sang vợ:
- Cố mặc
càng nhiều càng tốt.
Gã liếc
ra sau. Một người đang nhìn họ, hút thuốc.
- Cậu có
thể chờ bên ngoài không?
- Đừng
phí thì giờ yêu cầu. Câu trả lời cho tất cả là không. Raisa thay đồ, cảm thấy
con mắt bò sát của tên lính đang bò trên người cô. Cô mặc thật nhiều quần áo
trong chừng mực có thể: lớp này chồng lớp khác. Leo cũng vậy. Có thể trong tình
huống khác thì buồn cười, tay chân họ phồng lên vì vải và len. Mặc đồ xong, cô
vật lộn với câu hỏi nên mang gì và để lại gì trong số tất cả đồ đạc. Cô kiểm
tra va li. Dài không quá chín mươi xăng ti mét, có lẽ rộng sáu mươi xăng ti mét
và cao hai mươi xăng ti mét. Cuộc sống của họ phải gói gọn lại trong khoảng
trống này.
Leo biết
có khả năng họ được bảo phải gói ghém đồ như là một cách bị đưa đi mà không có
xáo trộn tâm lý, một cuộc vật lộn xảy ra khi biết được rằng đang tới gần cái
chết. Vì sẽ luôn dễ dàng hơn khi bắt người ta đi nếu họ vẫn bám lấy ý nghĩ, dù
nhỏ nhoi đến thế nào, rằng họ sẽ sống sót. Tuy nhiên, gã có thể làm gì? Đầu
hàng? Chống cự? Gã tính toán thật nhanh. Tay lính trẻ canh họ đang quan sát
tất cả, thấy cái gì được cho vào, họ đã lựa chọn gì. Leo chạm tay Raisa:
- Lấy
giày đi. Chọn đôi tốt nhất, mỗi người một đôi.
Giày tốt
là loại hàng hóa có giá trị rất khan hiếm, có thể mua bán được.
Leo thu dọn quần áo, vật dụng có giá trị, tập ảnh: ảnh cưới, ảnh cha mẹ gã, Stepan và Anna nhưng không có ảnh gia đình Raisa. Cha mẹ cô đã bị giết trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, ngôi làng của cô bị quét sạch. Cô mất tất cả chỉ còn bộ quần áo đang mặc trên người. Vì va li gã đã đầy, mắt Leo nhìn lên tờ báo đóng khung treo trên tường: bức ảnh của gã, anh hùng chiến tranh, dũng sĩ diệt xe tăng, chiến sĩ giải phóng vùng bị chiếm đóng. Đối với những người lính này, quá khứ của gã chẳng có ý nghĩa quan trọng gì: với việc ký lệnh bắt, mọi hành động anh hùng và sự hy sinh của cá nhân trở nên vô ý nghĩa. Leo lấy mảnh báo khỏi khung. Sau nhiều năm gìn giữ cẩn thận, sùng kính nó trên tường như một bức tượng thánh, gã gấp tờ báo lại ném vào va li.
Đã hết
giờ. Leo đóng va li của mình. Raisa đóng va li của cô. Gã tự hỏi còn được gặp
lại căn hộ này nữa không. Điều đó khó xảy ra.
Bị áp
giải xuống cầu thang, cả năm người chen chúc trong thang máy, áp sát vào nhau.
Có một chiếc xe đang đợi. Hai người lính ngồi đằng trước. Một người ngồi sau,
hơi thở hắn ta hôi hám, hai bên là Leo và Raisa.
- Tôi
muốn gặp cha mẹ tôi. Tôi muốn tạm biệt họ.
- Không
yêu cầu chết tiệt gì hết.
***
NĂM GIỜ
SÁNG mà phòng khởi hành đã đông đúc. Có lính, hành khách là dân thường, nhân
viên nhà ga, tất cả đều đổ về con tàu tốc hành xuyên Siberi. Trong khi hành
khách lên tàu, Leo và Raisa chờ ở cuối sân ga, xách va li và bị những kẻ áp
giải mang vũ khí kè hai bên. Như thể họ bị nhiễm một loại virus truyền nhiễm,
không ai đến gần họ, một quả bóng cô lập trong nhà ga đông đúc. Không ai giải
thích gì cho họ, và Leo cũng không buồn hỏi. Gã không biết họ sẽ đi đâu hay
đang chờ ai. Vẫn có khả năng họ sẽ bị đưa đến các trại cải tạo Gulag khác nhau,
không bao giờ gặp lại nhau nữa. Tuy nhiên, đây đúng là con tàu chở khách không
thể nhầm lẫn được, không phải là xe zak, loại xe màu đỏ chở gia súc dùng để chở
tù nhân. Liệu họ có thể sống sót không? Chắc chắn cho đến giờ họ vẫn may mắn.
Họ vẫn còn sống, vẫn ở gần nhau, hơn so với những gì Leo dám hy vọng.
Sau buổi
lấy lời khai, Leo được cho về, chịu sự quản thúc cho đến khi quyết định được
ban ra. Gã nghĩ sẽ không mất quá một ngày. Trên đường về nhà, căn hộ ở tầng
mười bốn, nhận ra mình còn đồng xu rỗng kết tội trong túi, gã vứt nó bên đường.
Có lẽ Vasili đã bỏ vào, có lẽ không phải. Không còn là vấn đề nữa. Khi Raisa từ
trường về, cô thấy hai tay lính có vũ trang bên ngoài cửa; cô bị lục soát và
được lệnh phải ở yên trong nhà. Leo đã giải thích tình thế của họ: những cáo
buộc chống lại cô, việc điều tra của gã và việc gã đã bác bỏ cáo buộc. Gã không
cần giải thích rằng cơ hội sống sót của họ rất mong manh. Trong khi gã nói, cô
lắng nghe không hề bình luận hay đặt câu hỏi, không chút biểu hiện gì. Khi gã
nói xong, phản ứng của cô khiến gã ngạc nhiên:
- Thật
ngây thơ khi nghĩ chuyện này sẽ không xảy ra với ta. Họ ngồi trong căn hộ, chờ
MGB đến bất kỳ lúc nào. Không ai buồn nấu ăn; không ai đói mặc dù việc nên làm
là ăn càng nhiều càng tốt để chuẩn bị cho điều chờ đợi phía trước. Họ không
thay đồ đi ngủ, họ không rời bàn ăn. Họ ngồi lặng lẽ - chờ đợi. Xem như họ có
thể không bao giờ còn gặp lại nhau nữa, Leo cảm thấy thôi thúc muốn nói với vợ:
nói những điều cần phải nói. Nhưng gã không thể hình dung ra những điều đó là
gì. Nhiều giờ trôi qua, gã nhận ra đây là lần họ ở bên nhau như thế này, đối
diện nhau, không bị quấy rầy, lâu nhất mà gã nhớ được. Không ai biết phải làm
gì.
Đêm hôm
đó không có tiếng gõ cửa. Bốn giờ sáng trôi qua, không có bắt bớ. Khi trời đã
sang buổi trưa ngày hôm sau, Leo dọn bữa sáng, tự hỏi sao lại lâu đến vậy. Khi cuối
cùng thì cũng có tiếng gõ cửa đầu tiên, gã và Raisa đã đứng lên, thở gấp, nghĩ
rằng đây là kết thúc, bọn lính đến đưa họ đi, chia rẽ họ và mang họ đến những
cuộc thẩm vấn khác nhau. Thế mà, chỉ là việc vặt; đổi lính gác, một tên dùng
nhà tắm của họ, hỏi về việc mua đồ ăn. Có lẽ họ không thể tìm thấy bằng chứng
nào, có lẽ hai người sẽ được minh oan và vụ án chống lại họ sẽ sụp đổ. Leo chỉ
đùa giỡn với ý nghĩ này trong thoáng chốc: những cáo buộc không bao giờ sụp đổ
vì thiếu bằng chứng. Tuy nhiên, một ngày trở thành hai ngày, hai ngày trở thành
bốn ngày. Vào ngày 6 tháng Ba, thay vì nghe tiếng gõ cửa báo tin số mệnh của
họ, Leo và Raisa được phép dự lễ tang cấp nhà nước của Lãnh tụ.
Theo quy
định là vẫn đang bị quản thúc tại nhà, nhưng Leo và Raisa và hai lính canh đã
hòa vào đám đông một cách đầy
trách nhiệm, tất cả đều tiến về
Quảng trường Đỏ. Nhiều người khóc, một số không kìm nén được - đàn ông đàn bà
và trẻ em.
Bầu không
khí tràn ngập nỗi buồn.
Các phố
chính và tòa nhà Xô viết Tối cao chật ních người đến mức khó thở, tiến tới
trước không kiểm soát được, giống như một hòn đá kẹt trong một trận sụt lở. Leo
không lần nào để tuột tay Raisa, và mặc dù vai thiên hạ chen gã tứ phía gã cũng
cố cho chắc là họ không bị xô nhau ra. Họ liền bị tách khỏi đám lính canh. Khi
họ gần quảng trường, đám đông ép chặt hơn. Cảm thấy sự chen lấn, cơn cuồng loạn
dâng cao, Leo đã quyết định xong. Tình cờ, họ bị đẩy ra rìa đám đông và thế là
gã bước vào một cánh cửa, giúp Raisa thoát khỏi đám đông. Họ nấp đó, nhìn dòng người
tiếp tục đi qua. Đó là quyết định đúng. Phía trước, mọi người chen lấn giẫm đạp
lên nhau.
Trong cơn
hỗn loạn, họ có thể thử tẩu thoát. Họ đã cân nhắc điều đó, giằng co với nó, thì
thầm với nhau điều đó ở ngưỡng cửa. Mấy tay lính gác theo họ đã mất dấu. Raisa
muốn bỏ chạy. Nhưng bỏ chạy sẽ cho người ta mọi lý do cần thiết để tử hình họ.
Và thực tế là, họ không có tiền, không bạn bè, và không chỗ ẩn nấp. Nếu họ
quyết định bỏ chạy, cha mẹ Leo sẽ bị xử tử. Cho đến giờ họ vẫn may mắn. Leo đã
đặt cược mạng sống của họ bằng việc ở lại đương đầu.
* * *
HÀNH
KHÁCH CUỐI CÙNG ĐÃ LÊN TÀU. Trưởng ga, thấy những người mặc quân phục túm tụm
trên sân ga gần đầu máy, nán lại chờ họ. Lái tàu thò đầu ra khỏi buồng lái, cố
tìm hiểu xem có vấn đề gì. Những hành khách tò mò liếc trộm ra cửa sổ nhìn đôi
vợ chồng trẻ đang gặp một rắc rối nào đó.
Leo thấy
là một nhân viên mặc quân phục đang bước về phía họ. Đó là Vasili. Leo đã nghĩ
là hắn. Hắn ta khó mà bỏ lỡ cơ hội này để hả hê. Leo cảm thấy thoáng giận dữ
nhưng gã buộc phải nén cảm xúc lại. Có lẽ vẫn còn một cái bẫy được giăng ra.
Raisa chưa bao giờ gặp Vasili trước đó, nhưng cô đã nghe Leo tả về hắn:
Một khuôn
mặt người hùng có trái tim của kẻ tay sai.
Thậm chí
nhìn qua cô cũng có thể biết có gì đó rất lệch lạc ở hắn. Hắn cười như thể nụ
cười đó được tạo ra không để biểu lộ gì hơn ác tâm. Khi hắn đến chỗ họ, cô nhận
thấy hắn sung sướng trước sự bẽ mặt của Leo và hắn thất vọng vì nó không nhiều
hơn. Vasili nhăn răng cười:
- Tao
khăng khăng là họ phải đợi, để tao có thể nói lời tạm biệt. Và giải thích cái
gì đã được quyết định cho mày. Tao muốn đứng ra làm việc này, mày hiểu chứ?
Hắn đang
thích thú. Dù kẻ này đang làm Leo kinh tởm, nhưng thật ngu ngốc nếu liều lĩnh
chọc giận hắn khi họ đã sống sót được đến giờ này. Bằng một giọng vừa đủ nghe
gã lẩm bẩm:
- Tôi rất
cảm kích.
- Mày bị
thuyên chuyển. Không thể giữ mày lại MGB khi trên đầu mày vẫn treo quá nhiều
câu hỏi chưa được trả lời. Mày sẽ gia nhập dân quân. Không phải là syshchik,
không phải thanh tra, mà là cấp thấp nhất, một uchastkovyy. Mày sẽ là thằng đi
rửa dọn phòng giam, một thằng ghi chép - một kẻ làm những gì được bảo. Mày phải
quen với việc nhận lệnh nếu mày muốn sống.
Leo hiểu
sự thất vọng của Vasili. Hình phạt này - lưu đày đi làm việc cho lực lượng dân
quân địa phương - quả là nhẹ nhàng. Căn cứ vào sự nghiêm trọng của các cáo
buộc, họ có thể phải đối mặt với hai mươi lăm năm làm việc ở mỏ vàng Kolyma,
nơi nhiệt độ là âm năm mươi độ, và bàn tay tù nhân bị biến dạng vì phát cước và
chỉ còn mong sống được ba tháng. Họ không chỉ thoát được cùng mạng sống mà còn
tự do. Leo không ảo tưởng rằng thiếu tá Kuzmin đã làm điều này vì tình cảm. Sự
thật là ông ta cũng sẽ tự gây khó cho mình nếu truy tố người ông ta đỡ đầu. Sẽ
tốt hơn, khôn ngoan hơn nếu chỉ cần cho gã đi xa dưới chiêu bài thuyên chuyển.
Kuzmin không muốn các đánh giá của ông ta bị soi mói; dù gì, nếu Leo là gián
điệp thì tại sao Kuzmin lại ưu ái gã bằng những lần thăng chức? Không, những
câu hỏi đó thật rắc rối. Sẽ đơn giản hơn và an toàn hơn nếu quét lùa gã dưới một
góc thảm nào đó. Hiểu rằng bất cứ biểu lộ nhẹ nhõm nào cũng sẽ làm Vasili bực
mình, Leo cố hết sức tỏ vẻ chán nản:
- Tôi sẽ
làm nhiệm vụ ở nơi cần đến tôi.
Vasili
bước lên, dúi mấy tấm vé và giấy tờ vào tay Leo. Leo nhận lấy giấy tờ và tiến
về phía tàu.
Raisa
bước lên toa. Khi cô đang bước thì Vasili nói với theo:
- Thật khó khăn khi
biết ra là chồng cô đã cho người theo dõi cô. Mà không chỉ một lần. Tôi chắc
hắn đã kể cho cô nghe. Hắn ta theo dõi cô hai lần. Lần kia lại không phải việc
công. Hắn không nghĩ cô là gián điệp. Hắn nghĩ cô là con điếm. Cô phải tha thứ
cho hắn. Mọi người ai cũng có những nghi ngờ. Và cô lại quá xinh đẹp. Cá nhân
tôi, tôi không nghĩ cô xứng đáng để mà phải từ bỏ tất cả. Tôi ngờ rằng khi
chồng cô nhận ra cái hố xí chúng tôi chuyển hắn đến, hắn sẽ dần ghét bỏ cô. Còn
nếu là tôi, thì tôi đã chọn căn hộ và để cô bị bắn như một kẻ phản bội. Tôi chỉ
còn biết nghĩ rằng hẳn cô rất giỏi khi trên giường.
Raisa thắc mắc về sự ám ảnh của kẻ này đối với chồng cô. Nhưng cô vẫn yên lặng: sự trả đũa có thể khiến họ phải trả giá cả tính mạng. Không bận tâm đến sợi dây bị tuột, cô xách va li lên và mở cửa toa tàu.
Leo theo
sau cô, thận trọng không quay lại. Có khả năng, nếu gã thấy Vasili nhếch mép,
gã sẽ không thể kiểm soát bản thân được nữa.
***
RAISA
NHÌN RA cửa sổ khi con tàu rời nhà ga.
Không còn
chỗ ngồi và họ buộc phải đứng, ép sát nhau. Trong một lúc lâu, không ai nói gì,
chỉ nhìn thành phố chạy qua. Cuối cùng Leo nói:
- Anh xin
lỗi.
- Tôi
chắc chắn là hắn ta nói dối. Hắn ta sẽ nói bất cứ điều gì để chọc tức anh.
- Hắn nói
sự thật. Anh đã cho người theo dõi em. Và chuyện đó không liên quan gì đến công
việc hết. Anh đã tưởng...
- Là tôi
ngủ với người khác?
- Có một
thời gian em không nói chuyện với anh. Em không động vào anh. Em không ngủ với
anh. Ta như những người lạ. Và anh không thể hiểu tại sao.
- Ta
không thể lấy một nhân viên MGB mà không nghĩ sẽ bị theo dõi. Nhưng cho tôi
biết đi, Leo, làm sao tôi lại có thể không chung thủy? Nói thực, làm thế là
tôi sẽ mạo hiểm cả tính mạng mình. Chúng ta sẽ không tranh cãi gì hết và anh sẽ
cho người bắt tôi.
- Đó là
điều em nghĩ sẽ xảy ra?
- Anh còn
nhớ Zoya bạn tôi không, anh từng gặp cô ấy một lần, tôi nghĩ vậy?
- Có
lẽ...
- Đúng,
đúng thế - anh không bao giờ nhớ tên ai, đúng không? Tôi tự hỏi tại sao. Có
phải đó là cách để anh có thể ngủ ban đêm, xóa sạch các sự kiện trong đầu anh?
Raisa nói
nhanh, điềm tĩnh, và với sự dữ dội mà Leo chưa từng nghe trước đây. Cô nói
tiếp:
- Anh đã
gặp Zoya. Cô ấy bị kết án hai mươi năm.
- Sao em
không nói với anh ? Anh có thể giúp.
Raisa lắc
đầu. Leo hỏi:
- Em nghĩ
anh tố cáo cô ấy?
- Anh thì
có biết gì đâu? Anh thậm chí còn không nhớ cô ấy là ai.
Leo sửng
sốt: gã và vợ chưa bao giờ nói với nhau thế này, chưa bao giờ nói gì khác ngoài
những việc vặt trong gia đĩnh, những lời lịch sự - họ chưa bao giờ to tiếng,
chưa bao giờ tranh cãi.
- Tuy là
anh không tố cáo cô ấy, Leo, nhưng làm sao anh có thể giúp được? Khi những
người bắt cô ấy cũng giống như anh - những công chức tận tụy, mẫn cán? Cũng đêm
đó anh không về nhà. Và tôi nhận ra có lẽ anh đang đi bắt bạn thân nhất của ai
đó, bố mẹ của ai đó, con của ai đó. Nói đi, anh đã bắt bao nhiêu người? Anh có
biết không? Nói một con số, năm mươi, hai trăm, một nghìn?
- Anh đã
không chịu nộp em cho họ.
- Họ
không theo dõi tôi. Họ theo dõi anh. Khi bắt những người lạ, anh có thể lừa
phỉnh bản thân rằng họ có tội. Anh có thể tin rằng điều anh đang làm phục vụ
mục đích nào đó. Nhưng thế không đủ với họ. Họ muốn anh chứng minh anh làm bất
cứ điều gì họ đòi hỏi cho dù thâm tâm anh biết điều đó là sai trái, cho dù anh
biết điều đó là vô nghĩa. Họ muốn anh chứng minh sự tuân thủ mù quáng của anh.
Tôi nghĩ những người vợ là phép thử hữu ích cho việc đó.
- Có lẽ
em đúng, nhưng giờ ta đã thoát khỏi nó rồi. Em có hiểu chúng ta may mắn thế nào
vì có được cơ hội thứ hai không? Anh muốn mình bắt đầu một cuộc sống mới, như
một gia đình.
- Leo,
không đơn giản như vậy.
Raisa
dừng lại, thận trọng dò xét gương mặt chồng, như thể lần đầu tiên họ gặp nhau:
- Buổi
tối chúng ta ăn ở nhà bố mẹ anh, tôi đã nghe thấy cuộc nói chuyện từ cửa trước.
Tôi ở phòng trước. Tôi nghe cuộc trao đổi về việc có nên tố cáo tôi là gián
điệp hay không. Tôi không biết phải làm gì. Tôi không muốn chết. Nên tôi xuống
phố và đi bộ một lúc, cố tập trung ý nghĩ. Tôi tự hỏi - liệu anh ta có làm điều
đó không? Liệu anh ta có từ bỏ mình không ? Bố anh đã có lý lẽ rất thuyết
phục.
- Bố anh
sợ.
- Ba mạng
sống so với một người ? Thật khó mà tranh luận với con số đó. Nhưng nếu ba
chống hai thì sao?
- Em
không có thai?
- Anh có
bảo vệ tôi nếu tôi không có thai?
- Và em
đợi đến lúc này mới nói cho anh?
- Tôi sợ
anh sẽ đổi ý.
Đây là
mối quan hệ của họ, trần trụi. Leo cảm thấy loạng choạng. Con tàu mà gã đang
đứng, những người gần gã, những chiếc va li, quần áo gã, thành phố bên ngoài -
phút này không có gì có vẻ thật hết. Gã không thể tin bất kỳ điều gì, thậm chí
là những đồ vật gã có thể nhìn, chạm vào và cảm thấy. Tất cả những gì gã tin
vào đều là dối trá.
- Raisa,
có bao giờ em yêu anh không?
Một lúc
trôi qua yên lặng, câu hỏi vương lại như một mùi hôi, cả hai người lắc lư theo
chuyển động của con tàu. Cuối cùng, thay vì trả lời, Raisa quỳ xuống và buộc
lại dây giày.
15 THÁNG
BA
VARLAM
BABINICH đang ngồi khoanh chân trên sàn bê tông bẩn thỉu trong một góc của ký
túc xá, lưng quay ra cửa, dùng thân che những đồ vật sắp xếp trước mặt nó. Nó
không muốn những đứa khác xía vào vì chúng dễ làm thế nếu có gì đó khiến chúng
quan tâm. Nó liếc quanh. Có khoảng chừng ba mươi đứa trong phòng, chúng chẳng
thèm để ý đến nó; hầu hết chúng nằm cạnh nhau trên tám cái giường dầm nước tiểu
mà chúng buộc phải dùng chung. Nó nhìn hai đứa đang cào lưng cho nhau, những
cái lưng bị lũ bọ cắn sưng phồng. Hài lòng vì không bị quấy rầy, nó quay lại
nhũng món đồ sắp trước mặt, những đồ vật nó lượm lặt được những năm qua, tất cả
đều quý giá với nó, bao gồm thứ mới thêm vào gần đây, trộm được sáng nay - một
đứa bé bốn tháng tuổi.
Varlam lờ
mờ hiểu rằng lấy cắp đứa bé là nó đã làm điều sai trái và nếu bị bắt nó sẽ gặp
rắc rối, rắc rối hơn nó từng dính vào trước đây. Đứa bé đang khóc. Nó không đặc
biệt lo lắng về tiếng ồn này bởi sẽ không ai nhận ra tiếng gào của một đứa trẻ
khác. Khi đứa bé khóc, nó không quan tâm đứa bé bằng quan tâm cái chăn vàng
quấn quanh. Tự hào về món đồ mới này, nó đặt đứa bé ngay giữa bộ sưu tập, hộp
thiếc vàng, áo sơ mi cũ màu vàng, một viên gạch son vàng, một mẩu xé ra từ tấm
áp phích có nền vàng, chiếc bút chì vàng, cuốn sách bìa mềm vàng. Vào mùa hè,
nó thêm vào bộ sưu tập những bông hoa dại màu vàng hái trong rừng. Những bông
hoa không giữ được lâu và không gì làm nó buồn hơn khi nhìn những sắc vàng phai
đi, những cánh hoa trở nên héo úa. Nó tự hỏi:
Màu vàng
đi đâu rồi?
Nó không
biết. Nhưng nó hy vọng rồi một ngày nó sẽ đến được nơi đấy, có lẽ khi nó chết.
Màu vàng với nó còn quan trọng hơn bất cứ gì hay bất kỳ ai. Màu vàng là lý do
cuối cùng nó lại ở đây, Internat Voualsk, một cơ sở nhà nước dành cho trẻ thiểu
năng trí tuệ.
Khi còn
nhỏ, nó cứ đuổi theo mặt trời, chắc rằng nếu nó chạy đủ xa thì nó sẽ bắt được
mặt trời, kéo xuống khỏi bầu trời, và mang về nhà. Nó đã chạy gần năm tiếng
đồng hồ trước khi bị bắt và mang về, gào thét tức tối vì cuộc chinh phục của nó
bị ngăn chặn. Cha mẹ đã đánh đập nó hy vọng rằng như vậy sẽ uốn nắn được tính
cách quái dị của nó, rồi cuối cùng họ cũng chấp nhận rằng phương pháp của họ
không hiệu quả và giao nó cho nhà nước. Trong hai năm đầu ở Intemat, nó bị xích
vào khung giường, như con chó ở nông trang bị trói vào gốc cây. Tuy nhiên, nó
là đứa khỏe mạnh, vai rộng và quyết tâm ngoan cường. Sau mấy tháng, nó đã phá
được khung giường, tháo dây xích và trốn thoát. Nó ra khỏi thị trấn, đuổi theo
toa màu vàng của con tàu đang chạy. Cuối cùng nó được đưa về Intemat, bị kiệt
sức và mất nước. Lần này nó bị nhốt vào tủ đựng bát. Nhưng chuyện đấy đã lâu -
bây giờ các nhân viên đã tin tưởng nó. Nó đã mười bảy tuổi và đủ khôn ngoan
hiểu rằng nó không thể chạy đủ xa để chạm tới mặt trời hoặc trèo lên cao đủ để
hái mặt trời. Thay vì thế, nó tập trung vào việc tìm những màu vàng gần hơn,
như đứa bé này đây, nó đánh cắp bằng cách thò tay qua ô cửa sổ để mở. Nếu nó
không vội thế thì nó đã cố gỡ cái chăn ra và để đứa bé lại. Nhưng nó đã hoảng
hốt, sợ sẽ bị bắt quả tang nên nó đã mang đi cả hai. Bây giờ, nhìn xuống đứa bé
đang gào thét, nó nhận thấy tấm chăn khiến da đứa bé như vàng nhạt. Và cuối
cùng thì nó mừng vì đã đánh cắp cả hai.
* * *
BÊN
NGOÀI, HAI CHIẾC XE ĐẬU LẠI và sáu dân quân Voualsk có vũ trang bước ra, dẫn
đầu là chỉ huy Nesterov, một người trung niên có vóc dáng ngang, chắc nịch của
một lao động trong nông trang tập thể. Anh ta ra hiệu cho đội của mình bao vây
khu nhà trong khi anh ta và cấp phó, một trung úy, đi vào cổng. Mặc dù dân quân
thường không được vũ trang, nhưng hôm nay Nesterov đã chỉ thị cho nhân viên
mang súng. Họ sẽ bắn giết.
Phòng
hành chính mở cửa: chiếc radio mở âm lượng nhỏ, một ván bài đang bỏ dở trên
bàn, mùi rượu lởn vởn trong không khí. Không thấy bóng nhân viên. Nesterov và
viên trung úy tiến đến, vào hành lang. Mùi rượu nhường chỗ cho mùi phân và lưu
huỳnh. Lưu huỳnh được dùng để xua bọ chét. Mùi phân thì khỏi phải giải thích.
Phân đầy trên sàn nhà và tường. Những phòng mà họ đi qua có rất nhiều trẻ em,
có lẽ bốn chục đứa mỗi phòng, không mặc gì khác ngoài một chiếc áo bẩn thỉu
hoặc quần đùi bẩn thỉu nhưng dường như không bao giờ mặc cả hai. Bọn trẻ nằm la
liệt trên giường, ba hay bốn đứa vắt ngang trên tấm nệm mỏng tang dơ dáy. Nhiều
đứa bất động - nhìn chằm chằm lên trần nhà. Nesterov thắc mắc có phải có mấy
đứa đã chết rồi không. Thật khó mà biết được. Bọn trẻ đứng lên, chạy lại, cố
chụp mấy khẩu súng, sờ quân phục của họ, thèm khát được tiếp xúc với người lớn.
Chẳng mấy chốc họ bị bao vây giữa những bàn tay bu bám. Cho dù Nesterov đã
chuẩn bị cho tình huống kinh khủng, anh ta cũng thấy thật khó mà hiểu nổi tại
sao mọi thứ lại tồi tệ thế này. Anh ta định sẽ đưa vấn đề này ra với giám đốc
trại. Tuy nhiên, chuyện đó để lúc khác.
Sau khi
lục soát ở tầng trệt, Nesterov đi lên cầu thang trong khi viên trung úy ngăn
đám trẻ con bám theo, nói bằng cái nhìn và cử chỉ nghiêm khắc nhưng điều đó chỉ
khiến chúng bật cười như thể ấy là trò chơi. Mỗi khi anh ta nhẹ nhàng đẩy đám
trẻ lùi lại, chúng lại ùa lên ngay, muốn bị đẩy trở lại. Hết kiên nhẫn, Nesterov nói:
- Kệ
chúng, để chúng theo.
Họ chỉ
còn cách để chúng theo sau.
Bọn trẻ trong
những phòng trên lớn tuổi hơn. Nesterov đoán các phòng được phân chia theo độ
tuổi. Kẻ khả nghi của họ là một đứa mười bảy tuổi - độ tuổi tối đa tại cơ sở
này. Sau độ tuổi này, chúng sẽ được chuyển đến làm những việc nặng nhọc chán
nản còn lại - công việc mà không người bình thường nào muốn làm, công việc mà
những người làm nó tuổi thọ chỉ khoảng ba mươi. Họ đang đến cuối hành lang. Chỉ
còn một phòng để lục tìm.
Lưng vẫn
quay ra cửa, Varlam đang mải vuốt ve cái chăn của đứa bé, thắc mắc làm sao đứa
bé không khóc nữa. Nó đưa ngón tay bẩn thỉu chọt đứa bé. Bỗng nhiên một giọng
nói vẳng qua phòng, khiến lưng nó cứng đơ:
- Varlam
đứng lên và quay lại, từ từ.
Varlam
nín thở và nhắm mắt như thể điều này sẽ khiến giọng nói biến mất đi. Không có
tác dụng.
- Chú sẽ
không nhắc lại nữa. Đứng lên và quay lại.
Nesterov
bước lên, tiến về chỗ Varlam. Anh ta không thấy được thằng bé đang giấu cái gì.
Anh ta không nghe được tiếng một đứa trẻ đang khóc. Mấy thằng bé khác trong
phòng đều đứng dậy, nhìn chằm chằm, háo hức. Thình lình Varlam cử động, nhặt
lấy gì đó trong tay, đứng lên và quay lại. Nó đang ôm đứa bé. Đứa bé ré lên
khóc. Nesterov thấy nhẹ nhõm: ít ra thì đứa bé vẫn còn sống. Nhưng không phải
đã hết nguy hiểm. Varlam đang ôm chặt đứa bé vào ngực, tay nó quàng quanh cái
cổ mong manh của đứa bé.
Nesterov
nhìn ra sau. Cấp phó của anh ta vẫn đứng ở cửa cùng những đứa trẻ khác tò mò
vây quanh. Anh ta nhắm vào đầu Varlam, lên cò, chờ lệnh, sẵn sàng giết. Tầm bắn
thoáng. Nhưng cùng lắm thì anh ta cũng chỉ là một tay súng hạng tầm tầm. Khi
nhìn thấy súng, mấy đứa trẻ bắt đầu gào lên, những đứa khác cười cợt và đập nệm
thình thình. Tình huống trở nên mất kiểm soát. Varlam đâm hoảng. Nesterov cho
súng vào bao, giơ tay lên nhằm trấn an Varlam, nói át tiếng ầm ĩ:
- Đưa đứa
bé cho chú.
- Cháu
gặp rắc rối lắm rồi.
- Không
đâu. Chú thấy đứa bé vẫn ổn. Chú hài lòng về cháu. Cháu đã làm rất tốt. Cháu đã
chăm sóc nó. Chú đến đây chúc mừng cháu.
- Cháu đã
làm việc tốt ạ?
- Đúng
vậy.
- Cháu có
thể giữ nó không?
- Chú cần
kiểm tra xem đứa bé có sao không đã, cho chắc. Rồi chú cháu ta sẽ nói chuyện.
Chú có thể kiểm tra đứa bé được không?
Varlam
biết họ đang giận dữ và họ định lấy đứa bé đi và sẽ nhốt nó trong phòng không
có màu vàng. Nó kéo đứa bé sát hơn, chặt hơn, siết lại khiến cái chăn vàng trùm
lên miệng đứa bé. Nó lùi lại phía cửa sổ, nhìn ra mấy chiếc xe dân quân đỗ dưới
đường và những người có vũ trang bao vây tòa nhà:
- Cháu
gặp rắc rối lắm rồi.
Nesterov
tiến từ từ lên. Không có cách nào anh ta có thể dùng vũ lực gỡ đứa trẻ khỏi
vòng tay của Varlam - đứa bé có thể bị bóp chết khi giành giật. Anh ta liếc
nhìn viên trung úy, người này gật đầu, ám chỉ rằng anh ta đã ngắm đường đạn:
anh ta đã sẵn sàng. Nesterov lắc đầu. Đứa bé quá gần mặt Varlam. Rủi ro xảy ra
tai nạn quá lớn. Phải có cách khác.
- Varlam,
sẽ không ai đánh cháu hay hại cháu cả. Đưa đứa bé cho chú rồi ta sẽ nói chuyện.
Không ai tức giận hết. Chú đã nói rồi. Chú hứa!
Nesterov
tiến thêm một bước, chắn tầm bắn của viên trung úy. Nesterov liếc xuống bộ sưu
tập những đồ vật màu vàng trên sàn. Anh ta đã biết Varlam trong một sự cố trước
đây, một chiếc váy vàng trên dây phơi bị mất trộm. Anh ta thấy ngay là đứa bé
được quấn trong chăn màu vàng:
- Nếu
cháu đưa đứa bé cho chú, chú sẽ bảo bà mẹ xem cháu có thể giữ lại cái chăn vàng
được không. Chú chắc là cô ấy sẽ đồng ý. Chú chỉ cần đứa bé.
Nghe điều
dường như là một thỏa thuận hợp lý, Varlam thấy thoải mái. Nó đưa tay
ra, trao đứa bé. Nesterov chồm tới, chộp lấy đứa bé từ tay nó. Anh ta kiểm tra
thì thấy rằng đứa bé dường như không bị tổn thương gì, trước khi chuyển sang
cho viên cấp phó:
- Mang nó
đến bệnh viện.
Viên
trung úy vội vã đi ra.
Như thể
không có chuyện gì xảy ra, Varlam ngồi xuống xoay lưng ra cửa, sắp xếp lại
những món đồ trong bộ sưu tập để lấp khoảng trống do đứa bé để lại. Những đứa
khác trong phòng yên lặng trở lại. Nesterov quỳ xuống bên cạnh nó. Varlam hỏi:
- Khi nào
cháu có cái chăn?
- Cháu
phải đi với chú đã.
Varlam
tiếp tục sắp xếp lại bộ sưu tập. Nesterov liếc
nhìn cuốn sách màu vàng. Đấy là một
tài liệu quân sự, một tài liệu mật.
- Sao
cháu có được nó?
- Cháu
nhặt được.
- Chú sẽ
xem một chút. Cháu có bình tĩnh để chú xem một không?
- Tay chú
có sạch không?
Nesterov
nhận thấy mấy ngón tay Varlam bẩn thỉu.
- Tay chú
sạch.
Nesterov
nhặt cuốn sách lên, lật giở ngẫu nhiên. Giữa sách có gì đó, kẹp giữa các trang.
Anh ta lật ngược cuốn sách lại và lắc lắc. Một lọn tóc dày màu vàng rơi xuống
sàn nhà. Anh ta nhặt lên, vê vê giữa ngón tay. Varlam đỏ mặt:
- Cháu
gặp rắc rối lắm rồi.
16 THÁNG
BA
KHI ĐƯỢC
HỎI cô có yêu gã không, Raisa đã không chịu trả lời. Cô vừa thừa nhận nói dối
việc mang thai, nên dù cô có nói "Có, em yêu anh, em luôn yêu anh",
Leo cũng sẽ không tin cô. Cô chắc chắn không định nhìn thẳng vào mắt gã mà thốt
ra những lời tưởng tượng nào đấy. Dù sao thì câu hỏi có ích gì? Nó như thể gã
ngộ ra điều gì đấy, phát hiện ra hôn nhân của họ không được xây dựng trên tình
yêu và sự trìu mến. Nếu cô trả lời thật lòng - Không, tôi chưa bao giờ yêu anh
- bỗng đâu gã sẽ là nạn nhân, vì cái ngụ ý rằng hôn nhân của họ là một trò bịp
cô lừa gã. Cô là một chuyên gia lường gạt đã đùa nghịch với con tim khờ khạo
của gã. Khi không gã lại lãng mạn. Có lẽ là do cú sốc mất việc. Nhưng từ bao
giờ tình yêu là một phần của cái xếp đặt này vậy? Gã chưa bao giờ hỏi cô điều
này trước đây. Gã chưa bao giờ nói: "Anh
yêu em!".
Cô không
trông đợi gã nói. Gã đã cầu hôn cô, đúng vậy. Cô đã ưng thuận. Gã muốn một cuộc
hôn nhân, gã muốn một người vợ, gã muốn cô và gã đã có điều gã muốn. Giờ thế
không đủ. Sau khi mất quyền lực, mất đi cái quyền bắt bất kỳ ai gã muốn, gã lại
nghẹn ngào đa cảm. Và tại sao trò lừa gạt thực dụng của cô, mà không phải là
nỗi ngờ vực sâu xa của gã, lại khiến cái ảo tưởng về sự mãn nguyện hôn nhân này
đổ xuống quanh họ? Tại sao cô không thể đòi hỏi gã phải thuyết phục cô tin tình
yêu của gã? Sau nữa, gã đã giả định sai lầm rằng cô đã phản bội, gã đã sắp đặt
một đội theo dõi, một chuyện có thể dễ dàng dẫn đến việc cô bị bắt. Gã đã phá
vỡ niềm tin giữa họ từ rất lâu trước khi cô buộc phải làm thế. Động cơ của cô
khi làm vậy là để tồn tại. Động cơ của gã là nỗi lo lắng đáng thương của đàn
ông.
Từ khi họ
điền tên mình là vợ và chồng vào cuốn sổ đăng ký kết hôn, thậm chí trước đó, từ
khi họ bắt đầu gặp gỡ, cô đã nhận thức được rằng nếu cô không làm gã hài lòng,
gã có thể cho người giết cô. Điều ấy đã trở thành một thực tế phũ phàng của đời
cô. Cô phải làm cho gã vui vẻ. Khi Zoya bị bắt thì cái hình ảnh về gã - đồng
phục gã, những câu nói của gã về nhà nước - khiến cô tức giận đến mức không thể
hé ra quá hai lời với gã.
Cuối cùng
câu hỏi thật đơn giản. Cô có muốn sống không? Cô nói Có, là người sống sót, và
sự thật về sự sống còn của cô, sự thật rằng cô là người còn lại duy nhất trong
gia đình cô, đã xác định con người cô. Căm phẫn vì việc Zoya bị bắt là một sự
xa xỉ. Nó chẳng đem đến gì hết. Và vì thế cô lên giường với gã, nằm bên cạnh
gã, ngủ với gã. Cô nấu bữa tối cho gã - ghét cái âm thanh lúc gã ăn. Cô giặt đồ
cho gã - ghét cái mùi của gã.
Vài tuần
qua, cô đã ngồi đờ đẫn trong căn hộ, biết rất rõ gã đang cân nhắc mình đã quyết
định đúng chưa. Gã có nên cứu mạng cô không? Cô có đáng để mạo hiểm không? Cô
có đủ xinh đẹp, đủ dịu dàng, đủ tốt không? Trừ phi mọi cử chỉ và cái nhìn đều
làm gã hài lòng, nếu không cô sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. À, thời khắc đó đã
qua. Cô phát ớn vì bất lực, phải lệ thuộc vào thiện chí của gã. Vậy mà giờ gã
như đang có ấn tượng rằng cô mắc nợ gã. Gã đã tuyên bố rõ ràng: cô không phải
là điệp viên quốc tế, cô là giáo viên phổ thông trung học. Để đền đáp, gã muốn
cô bày tỏ tình yêu của cô. Thật xúc phạm. Gã không còn ở vị thế đòi hỏi
điều gì nữa. Gã không có ưu thế hơn cô, cũng như cô không có ưu thế gì với gã.
Cả hai đều cùng trong tình trạng khốn cùng: đồ đạc cho cuộc sống của họ gói gọn
trong một chiếc va li cho mỗi người, bị đày đến một thị trấn xa xôi. Họ chưa
bao giờ bình đẳng với nhau như thế. Nếu gã muốn nghe nói về tình yêu, vần thơ
đầu tiên phải do gã xướng lên.
Leo ngồi
đó, nghiền ngẫm về những lời của Raisa. Dường như cô đã cho mình cái quyền phán
xét gã, khinh miệt gã, trong khi giả vờ như cô trong sạch. Nhưng cô đã lấy gã
khi biết rằng gã làm nghề gì để sống, cô đã hưởng những lợi ích từ địa vị của
gã, cô đã ăn thực phẩm khan hiếm gã có thể mang về, cô đã mua quần áo ở những
spetztorgi đầy hàng hóa. Nếu cô quá kinh sợ công việc của gã, tại sao cô đã
không cự tuyệt những tán tỉnh của gã? Ai cũng hiểu rằng để tồn tại cần phải
thỏa hiệp.
Con tàu
dừng ở Mutava một tiếng. Raisa phá tan sự im lặng cả ngày dài giữa họ:
- Chúng
ta nên ăn gì đó.
Bằng cử
chỉ này cô muốn rằng họ nên tiếp tục những dàn xếp thực dụng: đó là nền tảng
mối quan hệ của họ cho đến giờ. Tồn tại trước bất kỳ thách thức nào xảy đến, đó
là thứ keo hồ kết dính họ, không phải tình yêu. Họ ra khỏi toa. Một phụ nữ đi
dọc sân ga bê một rổ đan bằng liễu gai. Họ mua mấy quả trứng luộc, một gói
muối, bánh mì đen. Ngồi cạnh nhau trên chiếc ghế dài, họ bốc trứng, để vỏ trong
lòng, chia nhau gói muối và không nói với nhau tiếng nào.
***
CON TÀU
GIẢM TỐC ĐỘ khi chạy lên những ngọn núi băng qua những rừng thông thẫm màu. Từ
xa, bên trên những ngọn cây, có thể nhìn thấy những ngọn núi nhô lên cao như
những chiếc răng không đều của hàm dưới.
Con đường
mở ra một khu phát hoang - kéo dài trước họ là một nhà máy lắp ráp rộng mênh
mông, những ống khói cao ngun ngút, những tòa nhà như những nhà kho liền nhau
đột ngột hiện ra giữa vùng hoang vu. Như thể một vị thần đã ngồi trên dãy Ural,
dằn nắm đấm xuống phong cảnh trước mặt ngài, hất tung cành cây, và đòi hỏi
khoảng trống mới tạo ra nay phải đầy ống khói và nhà máy thép. Đây là hình ảnh
đầu tiên về chỗ ở.
Hiểu biết
của Leo về thị trấn này là qua tài liệu và sách báo tuyên truyền. Trước chỉ là
những nhà máy gỗ và một loạt những căn nhà gỗ dành cho người làm việc trong nhà
máy, nhưng rồi nơi đã từng là khu định cư bình thường của hai mươi nghìn cư dân
đã lọt vào mắt Stalin. Xem xét kỹ hơn những tài nguyên thiên nhiên và do con
người tạo ra, ông tuyên bố rằng nó không đạt năng suất. Sông Ufa gần đó, có
những nhà máy chế biến sắt thép ở Sverdlovsk chỉ cách một trăm sáu mươi ki lô
mét về phía Đông, các mỏ quặng trên núi, và nó hưởng lợi từ đường tàu xuyên
Siberi - những toa tàu lớn chạy qua thị trấn này mỗi ngày mà không có gì chất
lên ngoài những tấm gỗ. Ông quyết rằng đây sẽ là nơi lý tưởng để lắp ráp ô tô,
GAZ-20, loại xe nhằm cạnh tranh với những xe được sản xuất ở phương Tây, được
sản xuất theo những quy chuẩn cao nhất. Loại xe kế tiếp, hiện đang được thiết
kế - Volga GAZ-21 - đang được coi là đỉnh cao của công nghệ Xô viết, được thiết
kế để chống chọi lại môi trường khắc nghiệt, gầm cao, hệ thống giảm xóc đáng
thèm, động cơ chống đạn, và đặc tính chống gỉ ở quy mô chưa từng được biết đến
ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Cho dù có thật hay không, Leo vẫn không có cách nào
biết được. Gã biết đó là loại ô tô mà chỉ một số rất ít công dân Liên Xô mua
được, vượt xa khả năng tài chính của những người làm việc trong nhà máy lắp ráp
nó.
Việc xây
dựng nhà máy bắt đầu sau chiến tranh và mười tám tháng sau, nhà máy lắp ráp xe
Volga mọc lên giữa rừng thông. Leo chỉ tham gia tích cực sau khi nhà máy hoàn
thành. Hàng nghìn lao động nhàn rỗi đã được kiểm tra và chuyển đến từ các thành
phố trên toàn quốc để lấp đầy khoảng trống lao động mới được tạo ra, dân số
tăng lên gấp năm lần trong năm năm qua. Leo đã kiểm tra năng lực của những công
nhân Mátxcơva được chuyển đến đây. Nếu họ qua được cuộc kiểm tra, họ sẽ bị tập
trung rồi đưa đi trong vòng một tuần. Gã từng là một trong số những tay gác
cổng vào thị trấn này. Gã chắc rằng đây là một trong những lý do Vasili chọn
nơi này. Sự mỉa mai hẳn làm hắn ta thích thú.
Raisa đã
bỏ lỡ hình ảnh đầu tiên về chỗ ở mới của họ. Cô ngủ, quấn trong áo khoác, đầu
dựa vào cửa sổ, lắc lư nhẹ theo chuyển động của con tàu. Dịch đến chỗ ngồi bên
cạnh vợ và hướng về nơi họ đang đi, gã có thể thấy thị trấn lớn bám lấy nhà máy
lắp ráp khổng lồ như thể nó là một con ve đang hút máu trên cổ chó. Đầu tiên và
trước hết đây là nơi sản xuất công nghiệp, và thứ nhì, không chắc chắn lắm, đây
là một nơi để sống. Ánh điện của các khu căn hộ sáng mờ màu da cam trên nền
trời xám. Leo huých Raisa. Cô tỉnh dậy, nhìn Leo, rồi nhìn ra cửa sổ.
- Mình
đến nơi rồi.
Con tàu
vào ga. Họ lấy va li, bước xuống sân ga. Ở đây lạnh hơn ở Mátxcơva - nhiệt độ
giảm ít nhất vài độ. Họ đứng như hai đứa trẻ lần đầu tiên di tản về nông thôn, nhìn
chằm chằm xung quanh lạ lẫm. Họ không nhận được chỉ dẫn gì. Họ không quen ai.
Họ thậm chí cũng không có số điện thoại nào mà gọi. Không ai chờ đợi họ.
Nhà ga trống trơn ngoại trừ một người đàn ông đang ngồi trong phòng vé. Anh ta còn trẻ, chưa quá hai mươi. Anh ta nhìn họ chăm chú ngay khi họ vào ga. Raisa đến chỗ anh ta:
- Chào
anh. Chúng tôi cần đến trụ sở dân quân.
- Anh chị
từ Mátxcơva đến?
- Đúng
vậy.
Người đàn
ông mở cửa phòng vé, bước ra phòng đợi. Anh ta chỉ ra cửa kính về phía ngoài
đường.
- Họ đang
đợi các vị.
Cách cổng
nhà ga một trăm bước chân là một chiếc xe dân quân.
Đi ngang
qua tượng đá phủ tuyết khắc chân dung nhìn nghiêng của Stalin, được chạm trổ
trên phiến đá, trông như hóa thạch, Raisa và Leo tiến đến chiếc xe, một chiếc
GAZ-20, chắc chắn là một trong những chiếc xe được sản xuất ở thị trấn này.
Khi lại gần hơn, họ thấy hai người đàn ông ngồi ở ghế trước. Cửa mở, một người bước ra, người này tuổi trung niên, có bờ vai rộng:
- Leo
Demidov?
- Vâng.
- Tôi là
chỉ huy Nesterov, trưởng dân quân Voualsk.
Leo tự
hỏi tại sao anh ta lại muốn gặp họ. Chắc chắn Vasili đã chỉ thị cho họ phải làm
cho sự kiện này càng khó chịu càng tốt ? Nhưng dù Vasili có nói gì - thì việc
một cựu mật vụ MGB từ Maacut.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét