Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

BẢO ĐẢM AN TOÀN KHI LÊN MẠNG


Chuyên gia của BBC trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin trên mạng, Paul Myers, giải thích lý do vì sao các phóng viên cần nhận thức được độ bảo mật sơ sài, kém an toàn của các thiết bị mà họ sử dụng, và những việc các phóng viên cần làm để bảo vệ thông tin, bảo vệ chính bản thân mình.

Thông tin bạn lưu trong máy tính hoặc điện thoại, thiết bị di động rất dễ rơi vào tay người khác.

Có thể do bạn bỏ quên đâu đó, có thể do bị giới chức tịch thu tại chốt kiểm tra an ninh sân bay, hoặc bị lấy đi theo lệnh của tòa án, cảnh sát. Chưa kể nguy cơ bị tin tặc tấn công để lấy đi những thông tin của bạn.

Bạn cần nhận thức được tất cả các nguy cơ trên và cần biết những cách phù hợp để bảo vệ thông tin, nguồn cung cấp tin cho bạn, và bảo vệ chính bản thân bạn.

Dưới đây là một số điều bạn nên biết khi lên mạng điều tra, tìm kiếm thông tin:

Metadata

Trong tiếng Hy Lạp, 'meta' có nghĩa là 'sau' hoặc 'trước', và metada là dấu vết bạn để lại khi bạn làm cái gì đó trên một thiết bị.

Mỗi khi bạn dùng máy tính hoặc tạo ra một file mới, sẽ không chỉ có những dữ liệu tạo thành file đó mà còn có cả một file phát sinh có chứa toàn bộ thông tin về file chính.

Metadata có thể gồm thời gian, địa điểm, loại camera được dùng, thiết bị điện thoại di động được dùng, máy tính, người tạo file, công ty nơi người đó làm việc, và các thông tin khác về cá nhân bạn.

Các thông tin đó có thể được chứa trong email bạn gửi ra, tài liệu văn bản word bạn soạn thảo, ảnh bạn chụp, hay các file âm thanh, video mà bạn thu âm, ghi hình.

Có những trang web và các chương trình ai cũng có thể sử dụng để xem nội dung metadata của các file. 

Bạn có thể biết được rất nhiều thông tin về máy tính của mình bằng cách nhấp chuột phải vào file rồi chọn 'properties' trên máy tính Windows, hoặc 'get info' đối với máy Mac. Các thông tin đặc biệt hơn sẽ được tiết lộ nếu bạn dùng các trang web thích hợp.

Bạn đương nhiên là có thể dùng cách này để kiểm tra những thông tin mà bạn nhận được.

Cookies

Mỗi khi vào một trang web mới là bạn đã gửi metadata liên quan tới việc kết nối internet của bạn cho chủ sở hữu trang web đó.

Điều này cho phép họ xem được chi tiết các thông tin về kết nối của bạn vào mạng, kể cả loại máy tính của bạn, trình duyệt bạn đang dùng, và quan trọng hơn cả, địa chỉ IP của bạn, qua đó biết được vị trí, thành phố nơi bạn sống hoặc làm việc.

Nó cũng tiết lộ các từ khóa tìm kiếm mà bạn đã gõ vào.

Khi bạn đang điều tra một vụ việc phức tạp, nhạy cảm, bạn sẽ khiến đối tượng bị điều tra nghi ngờ nếu họ biết được rằng bạn làm việc cho BBC.

Các từ khóa bạn gõ vào để tìm kiếm cũng có thể cho đối tượng biết về nội dung cuộc điều tra mà bạn đang theo đuổi.

Nếu bạn vào một trang mạng bằng cách nhấp chuột vào một đường dẫn nào đó, chủ trang đó sẽ xem được địa chỉ của trang có chứa đường dẫn - chẳng hạn như từ một trang Facebook.

Nếu địa chỉ đó khớp với địa chỉ IP của bạn, nó sẽ khiến đối tượng phát hiện ra được cuộc điều tra cũng như danh tính của bạn. 

Do vậy, sẽ có lúc phóng viên cần áp dụng các biện pháp thích hợp để giấu đi những thông tin này.

Các mạng ảo riêng tư (VPN)

VPN là các kết nối và phần mềm che giấu địa chỉ IP của bạn và mã hóa hoạt động của bạn. Chúng sẽ giúp bảo vệ an toàn cho bạn khi bạn dùng internet ở các quốc gia cấm hoạt động online.

Ví dụ như ở Trung Quốc, nhiều trang mạng bị chặn. Dùng VPN, bạn sẽ vượt qua được các hạn chế của Trung Quốc để xem thông tin trên internet.

Nếu tác nghiệp trong môi trường thù nghịch và sợ bị phát hiện, hoặc sợ việc dùng internet của bạn bị theo dõi, bạn rất nên dùng VPN.

Bạn cũng có thể dùng VPN khi vào internet, mạng xã hội và email từ điện thoại di động. Để biết cách bảo mật cho điện thoại di động, hãy xem hướng dẫn của BBC tại đây.

Phòng chống virus và malware (phần mềm độc hại)

Virus là bất kỳ cái gì có thể lây lan từ máy tính này sang máy tính khác. Thậm chí những câu chuyện hoang đường nơi đô thị cũng có thể bị coi là virus nếu được lan truyền trên truyền thông xã hội.

Malware nhằm xâm nhập sự riêng tư cá nhân, tấn công bạn bằng rất nhiều nội dung quảng cáo khác nhau, hoặc làm hư hại máy tính, thiết bị.

Malware tiết lộ không chỉ email mà còn cả các nội dung khác có trong máy như file văn bản, tin nhắn, danh bạ liên lạc, các cuộc điện thoại, việc dùng internet, và việc vào mạng xã hội của bạn.

Có những malware chuyên đánh cắp thông tin trong danh bạ liên lạc rồi mạo danh bạn gửi đi các email tới những người trong danh bạ. Tuy nhiên, malware không nhất thiết phải có khả năng lây lan sang các máy tính khác.

Một số malware có thể làm ảnh hưởng chất lượng công việc mà bạn đang theo đuổi. 

Nếu bạn lưu toàn bộ các nội dung ghi chép và các số điện thoại, thông tin liên lạc cần thiết cho việc điều tra, viết tin bài trong máy tính, thì đối tượng mà bạn đang điều tra có thể sẽ nắm được hết nếu họ cài được virus hoặc malware vào máy tính của bạn.

Cách làm là họ cài đặt một công cụ tiếp cận từ xa (RAT - remote access tool), hoặc một Trojan vào máy tính của bạn.

Các RAT này xâm nhập máy tính thông qua các file đính kèm email, hoặc qua các trang mạng mà bạn vào xem nếu trình duyệt internet của bạn không được cập nhật, bằng cách lừa bạn tải về phần mềm đó, hoặc mở file đính kèm email.

Một khi máy tính bị cài đặt malware, người khác có thể nghe được bạn nói gì thông qua microphone trong máy, nhìn được bạn thông qua camera của máy, và thậm chí lần được dấu vết từng bước di chuyển của bạn từ nơi này tới nơi khác (nếu bạn mang laptop theo người).
Nếu theo đuổi một chủ đề phức tạp, nhạy cảm, bạn phải luôn cài đặt phần mềm chống virus và chấp nhận việc phải luôn sẵn sàng rơi vào các tình huống rủi ro. 

Trong trường hợp điều tra một vụ rất khó, rất nguy hiểm, bạn nên cân nhắc mua một laptop mới chỉ để dùng riêng cho cuộc điều tra đó, rồi dán băng keo lên webcam của máy để tránh bị theo dõi, phát hiện.

(BBC Academy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét