Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

VÌ SAO THÁI LAN LUÔN BẤT ỔN?


Tình hình chính trị tại Thái Lan thường xuyên bất ổn, nguyên do là các tướng lãnh và hoàng gia đứng sau giật dây biểu tình chống chính phủ. Sau nhiều tháng biểu tình rầm rộ nhưng không có kết quả, phe biểu tình chán nản và chuẩn bị giải tán thì quân đội lập tức đảo chính với lý do “duy trì trật tự”!

Hoàng gia và quân đội là hai thế lực phản dân chủ tại Thái Lan. Về bản chất, đó là sự hợp tác giữa tài phiệt và quân phiệt. Bhumibol Adulyadej là ông vua giàu nhất thế giới, sở hữu khối tài sản lên đến 30 tỷ USD, gồm 1343 ha bất động sản ở trung tâm Bangkok và 5342 ha đất nông thôn, 32% cổ phần của tập đoàn Siam Cement (trị giá 13 tỷ USD), 23% cổ phần của Siam Comercial Bank (ngân hàng lớn nhất Thái Lan) và nhiều cổ phần trong các công ty Christiani & Nielsen, Deves Insurance và Shin Corporation. Ông còn sở hữu viên kim cương Golden Jubilee nặng 545 carats trị giá 12 triệu USD. Thu nhập hàng năm của nhà vua từ khối tài sản đó được miễn thuế.

Quyền lực của hoàng gia còn được quy định trong hiến pháp với điều khoản “Bất khả xâm phạm” và bất cứ ai dám phê bình nhà vua hay các thành viên của hoàng gia sẽ bị truy tố tội khi quân với hình phạt từ 3 đến 15 năm tù. Mọi sách báo hay phim ảnh chứa thông tin gây bất lợi cho hoàng gia đều bị cấm.


Nhưng lúc Bhumibol lên ngôi năm 1946, ông không hề có thực quyền. Mọi quyền hành thuộc về tướng Plaek Phibunsongkhram, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính năm 1932 để chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế và dựng lên chế độ quân chủ lập hiến. Đến năm 1957, tướng Sarit Thanarat, được sự hỗ trợ của phe bảo hoàng, đảo chính Plaek Phibunsongkhram và bắt đầu gầy dựng lại ảnh hưởng của hoàng gia. Bhumibol tham dự các buổi lễ công cộng, du hành đến các địa phương và bảo trợ nhiều đề án phát triển. Lúc này, nghi thức phủ phục trước nhà vua khi được tiếp kiến, bị cấm bởi vua Chulalongkorn được phục hồi cùng với sự hồi sinh của dòng tu Thammayut Nikaya (một dòng tu thuộc Phật giáo Tiểu thừa được hoàng gia bảo trợ). Lần đầu tiên kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế bị lật đổ, một buổi lễ rước thuyền hoàng gia trên sông Chao Phraya được tổ chức, người dân tụ tập chào đón nhà vua khi ông trên đường đến dâng phục trang cho các đền chùa. Một số nghi lễ từ triều đại Chakri như lễ cày ruộng cũng được phục hồi. Chính sự liên kết mật thiết với quốc vương đã giúp mang đến cho Sarit và chế độ quân sự tính hợp pháp. Năm 1963, khi tướng Sarit Thanarat chết, người con trai và cô vợ trẻ của Sarit đã giành nhau khối tài sản trị giá 140 triệu USD, số tiền cực lớn vào thời điểm đó.

Sau hàng chục năm tuyên truyền và mị dân một cách khéo léo, cộng với việc bỏ tù bất cứ ai dám lên tiếng chỉ trích, kết quả là đa số người Thái sùng bái đức vua như một vị phật sống. Vì vậy, mỗi khi đảo chính, các tướng đều nhân danh đức vua để tránh sự phản đối từ phía dân chúng. Các tướng lãnh thay vì thề trung thành với hiến pháp và tuân lệnh chính phủ lại thề trung thành với nhà vua và biến chính phủ thành con tin. Quân đội có thể tự ý tuyên bố thiết quân luật, đình chỉ hiến pháp, giải tán quốc hội và chính phủ, bắt giữ thủ tướng, các bộ trưởng và nghị sĩ, tự soạn hiến pháp mới, kiểm duyệt truyền thông, đóng cửa trường học… Giống như Việt Nam, quân đội Thái Lan được phép kinh doanh. Tướng Prayuth, người đứng đầu cuộc đảo chính mới đây, cũng là giám đốc Ngân hàng quân đội Thái Lan (Thai Military Bank).

Nếu Thái Lan có một nền dân chủ thực sự như các nước quân chủ lập hiến ở châu Âu, thì chắc chắn hoàng gia sẽ phải đóng thuế thu nhập và các công ty của họ phải cạnh tranh một cách công bằng với các công ty tư nhân. Ngoài ra, điều khoản “Bất khả xâm phạm” và tội “Khi quân” trong hiến pháp sẽ bị loại bỏ. Lúc đó, hoàng gia không còn đứng trên pháp luật. Quân đội cũng không còn được kinh doanh và phải phục tùng chính phủ, các tướng lãnh sẽ mất những đặc quyền đặc lợi mà họ đang hưởng.

Ảnh: Vua Bhumibol Adulyadej là nhân vật được sùng kính nhất tại Thái Lan. Mặc dù theo hiến pháp, hoàng gia chỉ mang tính biểu tượng và không can thiệp vào chính sự, nhưng thực tế nhà vua Thái Lan luôn hậu thuẫn các cuộc đảo chính của giới quân nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét