Anh định cư ở Mỹ từ năm 1975. Anh tham gia hải quân trong quân đội
Sài gòn. Anh chở người di tản ra tàu Mỹ rồi đi luôn qua Mỹ sinh sống.
Mấy chục năm anh mới về nước.
Lần đầu tiên anh về thăm quê hương
sau mấy chục năm xa cách, đúng vào lúc cháu tôi đang gặp khó khăn do
việc ba cháu mất, bà cháu muốn chuyển hộ khẩu qua nhà bác cháu, chỉ còn
mình cháu trong cái hộ khẩu ở căn nhà đó. Mặc dù cháu đã trên 18 tuổi
khá lâu, nhưng công an hộ tịch nhất định không đồng ý cho bà cháu chuyển
đi vì không đồng ý cho cháu làm chủ hộ. Một sự không đồng ý hết sức phi
lí.
Khi thấy gia đình cháu bày tỏ sự bức xúc, nhất là khi bà
cháu đã trên 90 tuổi, các bác cháu chạy lên chạy xuống hàng chục lần
không xong, và gia đình cháu phải tìm cách “nhờ vả”, anh tỏ ra rất khó
chịu. Anh nói “Sao không viết thư cho nghị sĩ của khu vực này? Những
chuyện này thì mấy nghị sĩ đó giải quyết cái một”.
Chúng tôi bật
phì cười, nghĩ rằng anh pha trò. Nhưng khi gia đình cháu thông báo cho
anh, rằng “Bác” đã giải quyết giúp việc hộ khẩu, anh đã phản đối thật
sự. Anh nói rằng làm như vậy là làm hư cảnh sát, rằng không viết thư cho
nghị sĩ là làm cho nghị sĩ không nắm được tình hình, những thói hư tật
xấu của cảnh sát ở khu vực mà họ có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của cử
tri, là đồng loã với thói xấu của cảnh sát.
Khi chúng tôi nói cho
anh nghe cách thức đề cử, ứng cử và bầu cử ra các “nghị sĩ” ở Việt nam,
và chuyện sau bầu cử, gần như chẳng bao giờ chúng tôi được gặp các
“nghị sĩ”, ngay cả khi muốn gặp cũng khó mà có thể có cơ hội gặp họ, anh
tỏ ra không tin lắm. Anh không thể nghĩ là nghị sĩ mà lại không gắn với
cử tri, nghị sĩ mà lại không tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống, tâm tư ngyện
vọng của những người bầu ra mình.
Khi cuốn sổ hộ khẩu của đứa
cháu được trả về, gia đình cháu lại hết sức khổ sở trong việc yêu cầu
điều chỉnh việc viết sai của chính cảnh sát hộ tịch, và cuối cùng, lại
phải “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” mới giải quyết được, anh im
lặng, không nói ra các thắc mắc của mình.
Một hôm, anh hỏi chúng
tôi, mỗi khi bầu ra các nghị sĩ, chúng tôi có đi bầu không. Khi được
biết chúng tôi vẫn đi bầu đầy đủ, anh lại tỏ ra rất ngạc nhiên, rằng tại
sao chúng tôi không tin các nghị sĩ, và họ cũng chẳng thèm quan tâm đến
chúng tôi, mà chúng tôi vẫn cứ đi bầu.
Anh còn ngạc nhiên hơn
khi biết rằng chúng tôi phải đi bầu, vì đảng và chính quyền bảo là đó là
nghĩa vụ của chúng tôi. Anh hỏi sâu hơn, rằng thế chúng tôi bầu cho ai,
khi chúng tôi không tin họ. Anh cau mày khi nghe chúng tôi mô tả cách
bầu của mình, người thì nói đếm đủ từ trên xuống dưới rồi gạch bỏ, người
lại đếm từ dưới lên, có người thì hỏi luôn mấy nhân viên ở đó nên gạch
ai.
Trước khi lên máy bay về Mỹ, anh nói với chúng tôi, rằng
chúng tôi là những công dân tồi tệ và dối trá, rằng chính vì những người
chỉ biết cúi đầu vâng dạ, luôn dối trá để làm vừa lòng chính quyền như
chúng tôi, làm cho chính quyền càng ngày càng xa dân.
Giá mà
những ngày này anh ở đây, anh sẽ hiểu mong muốn của người dân được đảng
và chính quyền lắng nghe như thế nào. Và anh cũng sẽ nhìn thấy cách
thức đảng và chính quyền tiếp nhận ý kiến của người dân ra sao.
Mong rằng anh sẽ đọc được bài viết này, và nắm được tình hình ở Việt nam
hiện nay, để hiểu cho chúng tôi, những công dân tồi tệ và dối trá.
Nhưng mong ước ấy cũng khó thành hiện thực, vì mạng xã hội facebook, nơi
thuận tiện cho người dân trình bày những mong ước, nguyện vọng của
mình, đã bị chặn và không thể sử dụng được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét