Buổi sớm Đà Lạt lạnh ngắt, mù sương.
Nguyễn đi lên đồi thông. Anh thích đứng trên cao nhìn xuống thành phố
vào buổi sớm. Hồ Xuân Hương trông như một ao nước nhỏ, phẳng lặng. Những
mái ngói nâu đỏ thấp thoáng trong sương. Toàn cảnh, từ xa, trông như
một bức tranh thủy mặc, mờ ảo mà sinh động.
Căn nhà Nguyễn ở nằm trên vùng đồi cao một khu ngoại vi Đà Lạt, khá
vắng vẻ. Chủ nhà, ông Vũ, chú ruột của Nguyễn, luôn sẵn sàng đón tiếp
anh. Từ khi nổi tiếng, cứ mỗi Noel Nguyễn lại lên Đà Lạt, từ một tuần
cho đến mười ngày hoặc nửa tháng. Đó là thời gian thoải mái nhất trong
năm của Nguyễn. Anh được thoát hẳn ra khỏi cái không khí xô bồ, náo
nhiệt của Sài Gòn, thoát hẳn cả những buổi làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc mà
nhiều khi chính anh cũng phải mang mặt nạ. Nguyễn luôn đi một mình, với
hành lý rất gọn, nằm vừa trong một cái túi xách du lịch.
Ông Vũ xưa kia là một nhà thầu khoán giàu có, từ ngày vợ mất về qui ẩn
nơi đây, lấy chuyện chăm sóc vườn tược làm thú vui cuối đời. Con cái ông
đều đi học ở nước ngoài từ trước giải phóng, đủ sức nuôi ông không cần
phải làm gì cho vất vả. Từ ngày có Nguyễn lên, ông dành hẳn cho anh một
căn phòng đầy đủ tiện nghi, có cả một cây đàn piano. Cửa phòng luôn đóng
kín, im lìm, chỉ vào những ngày cuối năm mới nghe vang ra từ đấy tiếng
dương cầm thánh thót. Nguyễn thích đàn vào ban đêm, lúc ngà ngà say và
chung quanh chỉ còn nghe tiếng lách tách của những phiến gỗ thông đang
cháy trong lò sưởi. Thỉnh thoảng ông Vũ cũng vào, ngả mình trên chiếc
ghế dựa đặt bên lò, lặng im nghe Nguyễn đàn. Khi Nguyễn ngừng tay thì
thường ông đã ngủ say…
Nguyễn đi
lên đồi thông. Đến đỉnh đồi, anh dừng lại, ngồi xuống và bắt đầu lấy tẩu
ra ngồi, bật lửa đốt. Sương mù dày đặc đến nỗi những hơi thuốc bay ra
từ ngực anh cứ là đà trước mặt. Nguyễn tựa lưng vào một gốc thông, nhắm
mắt cảm nhận hương thơm của khói thuốc, của cây cỏ, lắng nghe tiếng
chuyển động khe khẽ của cành lá trên cao, thấy người lâng lâng, dễ chịu.
Sự cô đơn, nhiều khi rất cần thiết cho con người. Nguyễn rất thích
George Moustaki, một nhạc sĩ người Pháp, chỉ với một bài Ma solitude.
Non, je ne suis jamais seul, avec ma solitude. Không, tôi không bao giờ
đơn độc, với nỗi cô đơn của tôi. Vâng, chính trong những lúc cô đơn của
mình, Nguyễn lại được sống nhiều hơn với bao khuôn mặt bạn bè và nhận
ra được chính mình nhiều hơn.
Nguyễn thường ngồi lại trên đồi trong khoảng thời gian hút hết một tẩu
thuốc. Anh thích lan man nghĩ về đời mình, về những mộng ước không
thành, những cuộc tình đã tan thành khói. Mối tình gần đây nhất của anh
diễn ra cách nay ba năm, với một bác sĩ nha khoa. Cô gái vừa ra trường,
ngoài giờ làm việc ở một bệnh viện trong thành phố còn ra phụ cho phòng
mạch tư của một nha sĩ tên tuổi. Nguyễn đến chữa răng ở đó, gặp cô…
Nhưng rồi… Có hai loại phụ nữ đã đến với Nguyễn. Một loại chịu không
nổi anh, và loại kia, anh chịu không nổi. Mai thuộc loại thứ nhất. Cô
không hình dung nổi cuộc sống tự do bạt mạng của Nguyễn. Với anh, cuộc
sống không hề có giờ giấc. Một ngày không nhất thiết phải bắt đầu từ lúc
bình minh và kết thúc lúc nửa đêm. Nguyễn thường sống theo cảm hứng.
Anh vẫn định nghĩa hạnh phúc là làm được điều gì mình thích - tất nhiên,
đừng hại ai. Khái niệm tiền bạc với Nguyễn cũng vô nghĩa. Đồng tiền vào
tay anh còn hơn gió vào nhà trống. Cũng may, số Nguyễn đông bạn bè và
hầu như ai cũng tốt với anh. Ngày nào nhà Nguyễn cũng có bạn đến. Họ lôi
anh đi có khi từ sáng sớm cho đến giới nghiêm. Việc anh đi mất hút
trong mấy ngày liền là chuyện bình thường. Nguyễn sống chung trong nhà
của người chị. Bà làm cho Nguyễn chiếc cầu thang riêng dẫn lên phòng.
Những lần Nguyễn ngồi ăn cơm chung với gia đình người chị, được kể như
là rất hiếm hoi. Anh là một kẻ rong chơi đúng nghĩa.
Cô nha sĩ từ nhỏ tới lớn vốn sống trong một gia đình mô phạm mẫu mực,
hết sức nề nếp, kiểu sống phóng khoáng của Nguyễn lúc đầu quả có làm cô
choáng ngộp, thú vị. Nhưng rồi… Mai hiểu mình không thể chịu nổi cái tự
do của Nguyễn. Cô không bao giờ có thể làm sợi dây cương của đời anh, dù
cô hiểu anh cũng rất yêu cô. Một tối, Nguyễn say mèm, về phòng. Trên
gối, Mai đã để lại một lá thư ngắn, được chặn bằng chiếc chìa khóa phòng
mà anh đã làm thêm cho cô:
Em
đã đọc được ở đâu đó điều này: “Có thể yêu, nhưng không nên làm vợ một
nghệ sĩ. Hoặc là ta sẽ làm hỏng đời ta, hoặc là ta sẽ làm hỏng một tài
năng”. Cả hai điều ấy, em đều không muốn. Có lần anh đã nói, trong mối
quan hệ này, em đừng qui định anh bất cứ điều gì. Em đã gật đầu, ngỡ
rằng có thể yêu anh đến mức chấp nhận được điều đó. Nhưng… Giờ thì em đã
thấy em chỉ là một cô gái tầm thường, không đủ sức để với tới anh.
Anh gắng sức giữ gìn sức khỏe, nhớ ngủ sớm, đừng uống rượu nhiều. Chúc
anh vẫn sáng tác đều, có nhiều bài hay cho em nghe. Adieu.
Lá thư có đôi chỗ bị nhoè mực. Nguyễn biết Mai đã khóc khi viết. Anh
tỉnh hẳn rượu. Tối nay anh có hẹn với Mai. Vậy mà... Vì quá vui với bạn
bè, anh quên bẵng. Và đây cũng không phải lần đầu. Mặc dù lúc ấy đã gần
nửa đêm, Nguyễn vẫn lên xe chạy tới nhà Mai. Cửa đóng kín, đèn tắt hết,
gọi không ai trả lời, Nguyễn quay xe về, từ ấy không tìm Mai nữa.
Cuộc sống cứ bình thản đi qua. Sau đó hơn một năm, anh nhận được tin
Mai lập gia đình, với một đồng nghiệp của cô. Lúc ấy, anh mới nhận ra
mình còn yêu Mai. Cái gì bị mất thường quý hơn khi đang có. Nếu anh chịu
sống bình thường một chút, thì với một người như Mai, anh hoàn toàn có
thể có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nhưng… Nguyễn chỉ tiếc là tiếc
vậy. Anh thấy mình khó thể sống khác hơn. Đời anh chưa tới lúc chịu nghỉ
ngơi, yên phận. Những cuộc hành trình luôn lôi kéo chân anh. Nguyễn có
mộng ước được đến khắp mọi vùng đất nước, tận từng địa danh nhỏ. Những
chuyến đi luôn làm anh cảm thấy thêm yêu đất nước, mở mang kiến thức cho
anh, giúp anh nhận rõ sự lớn lao vô cùng của người dân mình. Ba năm sau
ngày chia tay với Mai, Nguyễn tiếp tục đi được khá nhiều nơi. Đôi khi,
bất chợt, anh nhớ đến Mai. Như sáng nay...
Tiếng huýt sáo đâu đó làm Nguyễn chợt tỉnh. Ai cũng lên đồi thông vào
giờ này? Và... trời ơi, một ca khúc của anh! Nguyễn đứng dậy, nhìn
quanh. Một cô gái rất trẻ, chỉ khoảng mười tám - hai mươi tuổi, tóc cắt
ngắn đội bêrê đỏ, người mảnh khảnh trong chiếc măngtô đỏ dày cộm và rộng
thùng thình, đang tung tăng đi tới, miệng hồn nhiên huýt sáo. Thấy
Nguyễn đột ngột xuất hiện, cô gái giật mình đứng lại, hai cánh môi hình
dấu â vẫn chưa kịp khép. Nguyễn cũng ngây người nhìn cô. Mặt trời đã
lên, làm ngọn đồi bừng sáng, và trên nền sương đang tan, cô gái có làn
da trắng mịn, đôi mắt tinh anh, cái mũi hếch và tấm thân mảnh khảnh
trong chiếc măngtô đỏ, chợt đẹp rực rỡ trước mắt Nguyễn.
Cô gái bối rối quay lưng đi về hướng khác, nhưng rồi lại quay mặt nhìn trộm Nguyễn. Bất chợt, anh bước tới một bước:
- Cô bé ơi, khoan đi đã...
Cô gái quay lại rất nhanh, như thể chỉ chờ có vậy:
- Ông gọi... em có việc gì ạ?
- Nhà cô ở gần đây không?
Mắt cô gái nhìn Nguyễn trong veo:
- Em ở nhà ông Bích, dưới đồi.
Ông Bích là láng giềng của ông Vũ. Đôi lần Nguyễn đã trò chuyện với ông khi ông sang uống rượu với ông Vũ.
- Cô là con ông Bích à?
- Dạ không. Bà Bích là dì của em. Năm nay, em vừa tốt nghiệp phổ thông
nhưng lại thi rớt đại học. Mẹ em cho em lên đây nghỉ một thời gian...
Cô gái ngập ngừng một chút rồi hỏi:
- Ông có phải là... nhạc sĩ Nguyễn không?
Nguyễn khẽ gật đầu. Mặt cô gái bỗng vui hẳn:
- Trời ơi, em thích nhạc của ông lâu rồi, bây giờ mới được gặp!
Nguyễn không thể nào biết được cô gái đang cố hết sức để đóng kịch với
anh. Mấy hôm nay, đêm nào cô cũng choàng dậy vì tiếng đàn từ nhà ông Vũ
bay sang. Cô hỏi dì và được biết bên ấy đang có nhạc sĩ Nguyễn, như
thông lệ hàng năm, lên ở chơi vào dịp Giáng sinh. Nguyễn là nhạc sĩ mà
cô yêu thích nhất. Cô gái ngầm để ý, và chỉ sau hai ngày, đã phát hiện
được một quy luật: mỗi sáng sớm, Nguyễn đều lên đồi thông... Sáng nay,
khi Nguyễn vừa ra khỏi nhà, lấy hết can đảm, cô khoác vội chiếc măngtô,
chạy theo. Gần đến nơi, cô phát run không phải vì lạnh mà vì hồi hộp. Cô
cố trấn tĩnh bằng cách huýt gió, và trong cơn bối rối, vẫn chọn được
một điệu nhạc quen thuộc của Nguyễn....
Người đàn ông với mái tóc lốm đốm bạc và cô gái tuổi đôi mươi tươi mát
như một quả táo xanh cứ đứng như vậy trên đồi, nói chuyện với nhau. Một
lúc, Nguyễn mời cô xuống phố uống cà phê, cô vui vẻ nhận lời ngay. Họ đi
bộ bên nhau, một người thì điềm đạm, ung dung, một người thì nhanh
nhẹn, hồn nhiên, ai đi qua cũng phải ngoái đầu nhìn theo. Ngang qua một
khu vườn trồng đầy hoa hồng, Nguyễn vào ngắt một bông hoa đỏ tươi còn
đọng sương, tặng cô gái. Cô sung sướng đón nhận và cầm theo suốt dọc
đường đi. Tách càphê sữa thơm ngon. Hương thuốc pipe nồng nàn. Cô bé có
đôi môi má đỏ hồng, mái tóc con trai, đôi môi dấu â và cái mũi hếch ngộ
nghĩnh, cùng những câu chuyện ríu rít không dứt... Tất cả làm Nguyễn
thấy buổi sáng trôi qua thật thú vị. Và lần đầu tiên, để chiều cô gái,
buổi trưa, về nhà, Nguyễn đã đàn cho cô nghe. Không chỉ nghe, cô còn
hát. Và Nguyễn sững sờ nhận ra cô có một chất giọng thật trong trẻo,
mượt mà, tuy chưa điêu luyện nhưng chính điều đó càng trở nên quyến rũ
trước đôi tai Nguyễn vốn quá quen với những giọng ca nặng về kỹ thuật
của các ca sĩ chuyên nghiệp...
Sáng
hôm sau, Nguyễn lên đồi thật sớm, bắt gặp ở mình một cảm giác bồn chồn
chờ đợi thật kỳ lạ. Tim anh đập rộn ràng khi nghe tiếng huýt gió, rồi
sau đó, chiếc bêrê đỏ xuất hiện. Anh và Trâm - tên cô gái - nói chuyện
một lúc rồi đưa nhau đi chơi thác Prenn. Cô còn rất lạ lẫm với cái đất
Đà Lạt này nên Nguyễn tình nguyện làm người dẫn đường, theo quy định
dành mỗi ngày cho một địa điểm. Nguyễn và Trâm thường ăn uống trên đường
đi, có khi lang thang đến tối mới về nhà, anh lại đàn cho Trâm nghe vài
bài rồi mới chia tay. Chàng nhạc sĩ như trẻ hẳn. Trái tim lạnh giá của
anh bỗng ấm lại ngay trên vùng đất lạnh lẽo này.
Hôm họ đến Thung lũng tình yêu là vào giữa buổi trưa. Đây đó, những cặp
tình nhân ngồi trò chuyện bên nhau. Thung lũng này có lẽ đã chứng kiến
mối tình của hàng chục vạn cặp tình nhân. Trâm bỗng buồn ngủ. Cô bé rất
tự nhiên trải áo măngtô lên cỏ, lăn ra nằm, lót túi xách dưới đầu làm
gối, và... ngủ. Nguyễn ngồi bên cạnh, lặng lẽ hút thuốc, ngắm nhìn cô
gái ngủ vô tư như một đứa trẻ. Vẻ đẹp của cô tinh khiết như một bông cúc
trắng. Nguyễn tự hỏi điều gì ở cô bé đã cuốn hút anh đến như vậy? Có lẽ
chính là sự tinh khiết này, một sự tinh khiết thật hiếm hoi với anh.
Con tàu vốn quen với sóng dữ bỗng mong muốn một bờ bến yên lành. Nguyễn
chợt cảm nhận đây chính là cái bờ bến mà anh hằng chờ đợi ấy.
Đôi môi Trâm hé mở trong lúc ngủ, đẹp như một bông hoa đang nở. Nguyễn
không sao kềm được ước muốn được hôn nhẹ lên đó. Anh cúi xuống, và đúng
lúc môi anh chạm môi Trâm, cô bàng hoàng mở mắt, chớp nhẹ đôi mi, rồi
thật bất ngờ, cô gái đưa hai tay lên ôm lất cổ Nguyễn, kéo anh sát lại.
Đất trời tan hết trong cái hôn đó. Khi môi họ rời nhau, Trâm thì thào
hỏi:
- Tại sao khi yêu người ta phải hôn nhau?
Nguyễn đưa ngón tay trỏ lần nhẹ trên bờ môi cô:
- Vì người ta muốn chia nhau đến từng hơi thở.
Trong những trường hợp tưởng chừng vô lý nhất, tình yêu vẫn có thể xảy
ra. Nguyễn và Trâm là một ví dụ. Chỉ sau vài ngày quen biết, họ đã yêu
nhau tưởng chừng như hàng thế kỷ.
- Anh là mối tình đầu của em. Còn với anh, em thứ mấy?
- Cuối cùng.
- Thiệt không?
- Anh mong vậy và anh tin vậy.
- Mối tình đầu tiên và cuối cùng, cái nào đẹp hơn?
- Bằng nhau, nếu như đều chân thật, hết lòng.
Nguyễn âm thầm chuẩn bị cho Trâm một món quà đặc biệt: một tình khúc
mới mà anh hằng ôm ấp, dự định viết từ lâu, chỉ chờ một động lực gợi
hứng. Chính Trâm là động lực ấy. Có Trâm, cũng vẫn những phong cảnh Đà
Lạt ấy, nhưng với Nguyễn, giờ tất cả bỗng tươi mới, kỳ diệu hơn. Tình
yêu đã bộc lộ tác dụng của nó: làm cho cuộc sống đẹp đẽ và có ý nghĩa
hơn.
Nhưng... Một tối, Nguyễn và
Trâm đang ngồi trong một nhà hàng thì một người bạn từ thời học sinh của
Nguyễn, đã hai mươi năm không gặp, ngờ ngợ đi đến, nhận diện anh. Sau
phút tay bắt mặt mừng, Hoàng quay qua Trâm, hỏi:
- Cháu lớn của anh đây hả?
Trâm vội cúi mặt xuống để giấu gương mặt đỏ bừng... Chỉ vậy thôi, nhưng
đã làm đêm đó Nguyễn không sao chợp mắt được. Trước đó, một lần duy
nhất, khi hiểu giữa Nguyễn và Trâm có một tình cảm khác thường, ông Vũ
cũng đã góp ý với anh, rất nhẹ nhàng:
- Cô bé đó dễ thương, nhưng chú thấy không ổn. Cháu nên nghĩ kỹ lại. Có
những giới hạn mình vượt qua được thôi, nhưng đổi lại cũng nhiều bất
tiện. Khổ cho mình thì không sao, nhưng sợ cực cho người ta. Cuộc sống
và tuổi tác của cháu, chú thấy đều không phù hợp. Nhất là sức khoẻ...
Nguyễn không sao chợp mắt được, khi nhớ lại lời góp ý của ông Vũ. Đúng
vậy, sức khoẻ của anh đang suy sụp rất nhanh. Có thể do anh quá phung
phí nó. Có thể do một cuộc sống không chút điều độ. Bốn mươi, nhưng
trông Nguyễn già hơn tuổi. Trâm như một bông hoa đang hé nở bên anh là
một nhánh cây tàn héo. Cả đêm Nguyễn không ngủ được. Anh ngồi trước các
phím đàn, băn khoăn trước một quyết định mà anh biết nếu giằng dai kéo
dài, anh sẽ không sao thực hiện được.
Sáng sớm hôm sau, Trâm chạy qua tìm Nguyễn, tay cầm một nhánh cúc
trắng. Cô biết Nguyễn rất thích loại hoa này. Trâm sững sờ khi thấy ông
Vũ đang ngồi trong phòng. Căn phòng vẫn còn thoang thoảng mùi thuốc pipe
quen thuộc. Nắp chiếc dương cầm vẫn còn được giở lên, như thể Nguyễn
vừa ngồi đó đàn cho cô nghe...
Ông Vũ nói vắn tắt:
- Nguyễn đi rồi. Từ sáng sớm. Có để lại thư này cho cháu.
Trâm cầm lấy tờ giấy.
Bất chợt, như vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng, anh nhận ra mình không
bao giờ có thể là của nhau. Em thứ lỗi cho anh vì đã lôi kéo em vào cuộc
phiêu lưu ngắn ngủi này.
Tặng em ca khúc anh vừa viết xong. Đêm qua anh đàn, không biết em có nghe không?
Trâm nhìn vào bản nhạc mang tên Khi tình yêu qua, lẩm nhẩm đọc.
… Ta
nghe nghìn cây rũ buồn, trên non và chôn kín mối tình yêu dấu. Ta nghe
dòng sông ngủ buồn, trăm năm và trôi mất hút đam mê đầu đời. Ta nghe xôn
xao trên miền lá bay, và nghe trên lá nỗi đớn đau đời cũ. Ta nghe thênh
thang trên đường gió reo, mà sao không thấy áo em tan trường về...
Một giọt nước mắt của cô nhỏ xuống tờ giấy... Nó loang ra,
loang ra. Và những nốt nhạc, những nét chữ của Nguyễn cứ tan dần, tan
dần, cho đến khi tờ giấy trên tay Trâm chỉ còn là một trang giấy trắng.
Trâm lặng lẽ để lại những tờ giấy lên bàn, rồi đi ra cửa. Ngoài thềm,
cô đứng lại, vừa ngắt đi từng cánh hoa của nhành cúc mang theo định tặng
Nguyễn, vừa lẩm nhẩm nói theo sau mỗi động tác:
- Je t’aime, un peu, beaucoup, passionnément, à la folie, pas du tout. Je t’aime, un peu, beaucoup...
Đó là trò chơi bói hoa mà Nguyễn đã bày cho Trâm. Cánh hoa cuối cùng
rơi vào chữ nào, coi như người bói sẽ nhận được điều ấy. Em yêu anh, một
chút, rất nhiều, say mê, điên cuồng, chẳng có gì cả. Em yêu anh, một
chút, rất nhiều...
Cánh hoa cuối
cùng rời khỏi đài hoa. Trâm thừ người. Pas du tout. Chẳng có gì cả. Trâm
đưa tay lên trước mặt, buông hai ngón tay và thổi mạnh cho cánh hoa
cuối cùng ấy bay tung. Cô ném luôn nhành hoa chỉ còn trơ trọi lại cái
đài rồi rảo bước bỏ đi.
Nguyễn từ
phòng trong chạy ra. Anh chưa đi, và từ nãy giờ vẫn đứng nép sau cánh
cửa. Anh đứng nhìn theo Trâm, mắt long lanh. Hai mươi năm rồi, mắt anh
mới lại long lanh như vậy, sau mối tình đầu, Thúy bỏ anh đi. Hai mươi
năm sau cú chấn động đó, trái tim ngỡ thành bia đá, vậy mà sao giờ vẫn
còn đau nhói! Từ chối bao giờ cũng khó hơn đón nhận. Những cánh hoa
trắng mỏng manh nằm dưới chân anh. Cô bé mũi hếch đội bêrê và mặc măngtô
đỏ đã bỏ đi mất rồi! Ông Vũ ra đứng sau lưng Nguyễn, đặt nhẹ một tay
lên vai anh.
Buổi sớm Đà Lạt lạnh ngắt, mù sương.
(11-8-1987)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét