Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

ĐỨA TRẺ THỨ 44 (Tom Rob smith) - CHƯƠNG 36-37-38


Chương 36
 
MỘT TRĂM KI LÔ MÉT 

VỀ PHÍA ĐÔNG MÁTXCƠVA

12 THÁNG BẢY

RAISA VÀ LEO NGỒI KHOM ở cuối toa, một vị trí mà họ lấy được từ khi lên tàu ngày hôm trước. Vì là những tù nhân cuối cùng lên tàu, họ buộc phải bằng lòng với chỗ trống duy nhất còn lại. Những chỗ đáng ao ước nhất, hàng ghế gỗ thô ráp nằm dọc thành toa với ba độ cao khác nhau, đã bị chiếm hết. Trên các ghế này, bề rộng chỉ quá ba mươi xăng ti mét một chút, có tận ba người nằm cạnh nhau, áp sát vào nhau như thể họ đang làm tình.

Nhưng không hề có dục tình gì ở sự chung đụng khủng khiếp này hết. Chỗ trống duy nhất Leo và Raisa tìm thấy là gần cái lỗ to bằng nắm tay được khoét trên sàn toa này - chỗ vệ sinh cho cả toa tàu. Leo và Raisa cách cái lỗ không quá một bàn chân.

Ban đầu, trong bóng đêm nhớp nháp này, Raisa cảm thấy tức giận đến mức không thể kiểm soát nổi. Sự làm nhục này không chỉ bất công, làm kinh hoàng, mà nó còn kỳ quái - ác độc cố ý. Nếu họ sắp đến những trại này để lao động, tại sao họ lại bị chuyển đi như thể họ sắp bị xử tử? Cô tự ngăn mình khỏi theo đuổi mạch suy nghĩ này: họ sẽ không sống được như thế này, bừng bừng phẫn nộ. Cô phải thích nghi. Cô cứ tự nhắc nhở mình: Thế giới mới, quy tắc mới.


Cô không thể so sánh hiện tại với quá khứ. Các tù nhân không có quyền lợi và không nên kỳ vọng.

Dù không có đồng hồ hay được nhìn ra bên ngoài, cô cũng biết giờ đã quá trưa. Trần thép bị mặt trời nung nóng, thời tiết hợp lực cùng những tay lính canh, tạo nên một sự trừng phạt liên hồi, phả hơi nóng không ngớt lên hàng trăm thân người. Con tàu đi ì ạch đến mức không một con gió nào xuyên qua các khe nhỏ của thành gỗ. Nếu có cơn gió nhỏ như vậy thì chúng cũng đã bị hút lấy bởi những tù nhân may mắn ngồi trên hàng ghế.

Buộc phải xua đi nỗi tức giận, cái nhiệt độ và mùi hôi thối không thể chịu đựng nổi này rồi cũng trở nên chịu đựng được.

Tồn tại nghĩa là thích nghi. Một tù nhân đã lựa chọn không chấp nhận những quy tắc mới này. Raisa không biết chính xác ông ta đã chết từ lúc nào: một người trung niên. Ông ta không làm om sòm - không ai để ý đến ông ta, hay nếu có để ý thì cũng không ai nói gì. Tối hôm qua, khi con tàu dừng lại và mọi người xuống tàu để được uống chút nước, ai đó kêu lên rằng một người đã chết. Khi đi ngang qua xác ông ta, Raisa ngờ rằng ông ta đã quyết định là thế giới mới không dành cho ông ta. Ông ta đã đầu hàng, đóng cửa, tắt đèn, chỉ như một cái máy. Nguyên nhân cái chết: vô vọng, không màng đến tồn tại nếu tồn tại chỉ được thế này thôi. Thi thể ông bị ném khỏi tàu, lăn xuống bờ đất, khuất tầm nhìn.

Raisa quay sang Leo. Gã đã ngủ gần suốt cả chuyến đi, dựa vào người cô như một đứa trẻ. Khi gã thức dậy, gã tỏ ra bình thản, không khó chịu hay thất vọng, tâm trí và suy nghĩ của gã như ở nơi khác, trán gã nhăn lại như đang cố lý giải điều gì. Cô tìm trên người gã xem có dấu vết tra tấn không, và tìm được một vết thâm lớn trên cánh tay. Quanh cổ chân và cổ tay có những vết lằn đỏ. Gã đã bị trói. Cô không biết gã đã trải qua chuyện gì, nhưng nó liên quan đến tâm lý và hóa học hơn là những vết cắt thô bạo và những vết bỏng. Cô xoa đầu gã, nắm tay gã - hôn gã. Đây là liều thuốc duy nhất cô có thể mang lại cho gã. Cô tìm cho gã một khoanh bánh mì đen và một mẩu cá muối khô, bữa ăn duy nhất của họ cho đến giờ. Miếng cá, với những chiếc xương trắng nhỏ và giòn, đông cứng thành muối và khiến một số tù nhân cứ cầm trong tay, họ đói lả đi nhưng vẫn bị đày đọa bởi cái viễn cảnh ăn vào mà không có nước. Tệ hơn cái đói là cái khát. Raisa cố phủi cho hết lớp muối trước khi bón cho Leo từng miếng nhỏ.

Leo ngồi dậy, nói lời đầu tiên kể từ khi lên tàu, lời của gã hầu như không nghe được. Raisa cúi sát hơn, căng tai lên nghe:

- Oksana là một người mẹ tốt. Mẹ yêu anh. Anh đã bỏ họ. Anh đã chọn không quay về. Em trai anh luôn muốn chơi bài. Anh đã bảo là anh quá bận.

- Họ là ai, Leo? Oksana là ai? Em trai anh là ai? Anh đang nói về ai thế?

- Mẹ của anh.

- Anna? Anh đang nói về Anna phải không?

- Anna không phải mẹ anh.

Raisa lại ôm đầu gã, tự hỏi có phải gã mất trí rồi không. Cô nhìn khắp toa tàu, cô nhận ra tình trạng yếu đuối của Leo khiến gã dễ trở thành mục tiêu tấn công.

Hầu hết tù nhân quá sợ hãi nên không thể là mối đe dọa, ngoại trừ năm người đàn ông ở góc xa, ngồi trên dãy ghế cao. Không giống những hành khách khác, bọn họ không sợ hãi, mà bình thản trong thế giới này. Raisa đoán họ là tội phạm chuyên nghiệp, có án tù về tội trộm cắp hoặc hành hung. Tù là đất của họ, môi trường của họ. Bọn họ dường như hiểu những quy tắc của thế giới này hơn những quy tắc của thế giới kia. Sự trịch thượng này toát ra không chỉ từ sức mạnh thể chất rõ ràng của họ; cô nhận ra sức mạnh này được những tên lính canh ban cho họ. Bọn họ nói với nhau như những người bình đẳng, hoặc nếu không bình đẳng thì ít nhất cũng như một người nói chuyện với một người khác. Những tù nhân khác sợ bọn họ. Họ nhường lối cho bọn họ. Bọn họ có thể rời ghế, dùng chỗ vệ sinh, và đi lấy nước, làm tất cả mà không sợ bị mất đi chỗ ngồi đáng giá kia. Không ai dám chiếm chỗ bọn họ. Bọn họ đã yêu cầu một người, người rõ ràng bọn họ không quen, đưa đôi giày của anh ta cho bọn họ. Khi anh ta hỏi tại sao, bọn họ giải thích, với giọng thản nhiên, rằng giày của anh ta bị mất trong một cuộc cá cược. Raisa mừng rằng người đàn ông này không thắc mắc cái logic thế này:

Quy tắc mới, thế giới mới.

Anh ta đưa đôi giày của mình, nhận lại đôi giày nát bươm.

Con tàu dừng lại. Những tiếng gọi nước vang lên khắp mọi toa. Những tiếng kêu này bị lờ đi hay bị bắt chước, dội trở lại họ:

Nước! Nước! Nước!

Như thể lời yêu cầu làm sao đó trở nên đáng ghét. Dường như mọi tên lính đang bao quanh toa của họ. Cánh cửa mở ra, mệnh lệnh quát ra bắt tù nhân lùi lại. Mấy tên lính gọi năm người đàn ông kia. Bọn họ bật dậy từ trên ghế như những con thú hoang, chen lấn qua tù nhân, và rời khỏi tàu.

Có điều gì không ổn. Raisa cúi đầu xuống, thở gấp. Không lâu sau, cô nghe thấy mấy người kia quay lại. Cô đợi. Rồi, từ từ, cô ngẩng đầu lên, liếc nhìn mấy người đàn ông khi họ leo lên toa tàu. Tất cả năm người đang nhìn cô chằm chằm.

Chương 37
 
CÙNG NGÀY

RAISA ÔM MẶT LEO:

- Leo.

Cô nghe họ đến gần. Không có cách nào để đi qua cái toa đông cứng người mà không xô đẩy các tù nhân giữa sàn để lấy lối đi.

- Leo, nghe em này, mình gặp chuyện rồi.

Gã không động đậy, dường như không hiểu, dường như không nhận thấy mối nguy hiểm.

- Leo, nào. Em xin anh.

Không ích gì. Cô đứng lên, quay sang đối mặt với những kẻ đang tiến đến. Cô còn biết làm gì khác đây ? Leo vẫn rũ người trên sàn đằng sau cô. Kế hoạch của cô: chống cự hết mức có thể.

Tên cầm đầu, là tên cao nhất, bước lên, nắm lấy tay cô. Đã đoán trước hành động như vậy, Raisa dùng tay kia đấm vào mắt hắn. Móng tay cô, dài và bẩn thỉu, đâm vào da hắn. Đáng lẽ cô nên móc mắt hắn ra. Ý nghĩ đó thoáng hiện trong đầu cô, nhưng cô chỉ gây ra vết rách dài. Tên kia ném cô xuống sàn. Cô rơi lên người những tù nhân khác, họ vội vã né ra. Đây không phải trận chiến của họ và họ không định giúp đỡ. Cô chỉ có một mình. Cố bò thoát khỏi những kẻ tấn công, Raisa nhận ra cô không thể cử động. Có ai đó đang nắm lấy cổ chân cô. Thêm nhiều bàn tay nắm lấy cô, nhấc cô lên và lật cô nằm ngửa. Một tên quỳ xuống, giữ hai tay cô, ghì cô xuống, trong khi tên cầm đầu đá chân cô giạng ra. Tay hắn cầm một miếng sắt dày, lởm chởm, như một chiếc răng lớn:

- Sau khi tự tao hiếp mày, tao sẽ hiếp mày bằng cái này.

Hắn nhếch đầu về phía mẩu sắt, mà Raisa hiểu là bọn lính canh vừa đưa cho hắn. Không thể cử động, cô quay sang Leo. Gã đâu rồi.

Ý nghĩ của Leo đã đi khỏi khu rừng, con mèo, ngôi làng, và người em trai. Vợ gã đang gặp nguy hiểm. Cố gắng đánh giá tình hình, gã tự hỏi tại sao gã lại bị bỏ qua. Có lẽ mấy tên này được cho biết rằng gã bất tỉnh và không gây đe dọa gì. Vì lý do gì đi nữa, gã có thể đứng lên mà không khiến chúng phản ứng. Tên cầm đầu cởi cúc quần. Khi hắn nhận ra Leo đang đứng thì bọn họ chỉ cách nhau một sải tay.

Tên cầm đầu nhếch mép và quay lại, đấm vào mặt gã. Leo không chống lại hay né, mà ngã trên sàn. Nằm trên mặt sàn gỗ, môi gã bị rách, gã nghe mấy tên kia đang cười. Cứ để cho bọn chúng cười. Cơn đau lại có ích, nó khiến cho gã tập trung. Bọn chúng quá tự tin, không được huấn huyện - khỏe mạnh, nhưng thiếu kỹ năng. Cố tỏ ra run rẩy và vụng về, gã từ từ đứng lên, lưng vẫn quay về mấy tên kia, một mục tiêu mời mọc. Gã có thể nghe ai đó đang tiến về phía mình, ai đó đã dính mồi. Liếc nhìn qua vai, gã thấy tên cầm đầu đang lao tới cùng với miếng thép, định kết liễu gã.

Leo bước sang bên, di chuyển bằng một tốc độ khiến tên kia ngạc nhiên. Hắn chưa kịp hoàn hồn thì Leo đã đấm vào họng hắn, làm hắn đứt hơi. Tên kia thở hổn hển. Leo chụp lấy tay hắn, vặn siết khiến miếng thép rơi ra, đâm đầu miếng thép vào bên cổ rắn chắc của tên kia. Leo lại đâm miếng sắt lần nữa, chọc sâu vào, cắt đứt một loạt mọi đường gân cơ, tĩnh mạch và động mạch. Gã rút miếng thép ra và tên kia đổ vật xuống, ôm chặt vết thương nơi cổ.

Tên đứng gần nhất trong nhóm bước lên, tay với ra. Leo để cho hắn bóp cổ gã, để đáp trả gã đâm miếng thép vào bụng hắn, xuyên qua lớp áo, rồi rạch sang một bên. Máu hắn chảy ồng ộc, nhưng Leo vẫn cứ kéo miếng thép, cắt xuyên da thịt và cơ của hắn. Buông tay ra khỏi cổ Leo, tên bị thương kia vẫn đứng, liếc xuống bụng hắn, như thể bàng hoàng, trước khi ngã quỵ xuống.

Leo quay sang ba tên còn lại.

Bọn chúng mất hết nhuệ khí đánh đấm. Dù vụ dàn xếp có như thế nào thì nó cũng không đáng để đánh nhau. Có lẽ tất cả bọn chúng được hứa những khẩu phần thức ăn ngon hơn hoặc công việc nhẹ nhàng hơn ở trại cải tạo. Một tên, có lẽ xác định đây là một cơ hội lên chức trong băng nhóm, đã đứng ra.

- Chúng tôi không đổ lỗi gì anh đâu.

Leo không nói gì, tay gã dính đầy máu, miếng thép thò ra nơi tay gã. Mấy tên kia lùi lại, bỏ rơi người chết và kẻ bị thương. Kẻ thất bại nhanh chóng bị chối bỏ.

Leo đỡ Raisa đứng lên, ôm lấy cô:

- Anh xin lỗi.

Họ bị cắt ngang bởi tên bị thương kêu cứu. Tên đầu tiên, cổ bị rách toang, thì đã chết. Nhưng tên bị đâm ở bụng vẫn sống, còn tỉnh, còn ôm chặt vết thương. Leo nhìn xuống hắn, đánh giá vết thương của hắn. Phải một lúc lâu nữa hắn mới chết: sẽ đau đớn và chậm chạp. Hắn không đáng được ân huệ. Nhưng ngược lại, sẽ tốt hơn cho những tù nhân khác nếu hắn chết phắt đi. Không ai muốn nghe tiếng kêu gào của hắn. Leo cúi xuống, bóp chặt cổ tên kia, làm hắn tắt thở.

Khi tên kia chết, Leo quay sang vợ mình. Cô thì thầm:

- Mấy tên kia được bọn lính ra lệnh giết mình.

Cân nhắc điều này, Leo đáp:

- Cơ hội duy nhất của mình là bỏ trốn.

Con tàu chậm dần. Khi nó dừng hẳn lại, những tay lính sẽ mở cửa, hy vọng thấy Leo và Raisa đã chết. Khi phát hiện ra hai sát thủ đã chết, bọn họ sẽ muốn biết ai đã giết chúng. Một số tù nhân chắc chắn sẽ lên tiếng, vì sợ tra tấn hoặc muốn được ban thưởng. Thế là quá đủ lý do để bọn lính xử tử Leo và Raisa.

Leo quay mặt về phía những tù nhân. Có những bà mẹ mang thai, những cụ già quá già khó sống sót nổi ở Gulag, những ông bố, những người anh người chị - thường dân, bình thường, hạng người chính gã đã bắt và đưa vào Lubyanka. Giờ gã buộc phải cầu xin họ giúp đỡ:

- Tên tôi là gì không quan trọng. Trước khi bị bắt, tôi đang điều tra vụ giết hơn bốn mươi đứa trẻ, những vụ giết người trải dài từ núi Ural xuống tận Biển Đen. Những bé trai bé gái đã bị giết. Tôi biết rằng tội ác này thật khó tin, có lẽ đối với một số người ở đậy thậm chí còn không thể tin nổi. Nhưng tôi đã tận mắt thấy những cái xác vô tội chắc rằng đấy là công việc của chỉ một người. Hắn không giết những đứa trẻ này vì tiền hay tình dục hay vì bất cứ lý do nào tôi có thể giải thích được. Hắn sẽ giết bất cứ đứa trẻ nào, ở bất cứ thành thị nào. Và hắn sẽ không dừng lại. Tội của tôi là đi điều tra hắn. Tôi bị bắt nghĩa là hắn tự do tiếp tục giết người. Không ai khác tìm kiếm hắn. Vợ tôi và tôi phải trốn thoát để ngăn chặn hắn. Chúng tôi không thể trốn thoát mà không có sự giúp đỡ của mọi người. Nếu mọi người gọi lính canh, chúng tôi sẽ chết.

Im lặng. Con tàu gần như dừng hẳn. Trong vài giây nữa, cánh cửa sẽ mở ra, lính canh sẽ vào, súng sẵn sàng. Ai có thể trách cứ họ khi đối mặt với họng súng mà không nói ra sự thật? Một phụ nữ ngồi trên một ghế nói:

- Tôi ở Mátxcơva. Tôi đã nghe nói về những vụ giết người như thế. Trẻ em bị rạch bụng. Người ta đổ cho một nhóm gián điệp phương Tây đã trà trộn vào đất nước.

Leo đáp:

- Tôi tin kẻ giết người sống và làm việc trong thành phố của chị. Nhưng tôi không tin hắn là gián điệp.

Một phụ nữ khác hét lên:

- Khi anh tìm thấy hắn, anh sẽ giết hắn chứ?

- Vâng.

Con tàu dừng lại. Có thể nghe thấy tiếng lính canh đang tiến đến. Leo nói thêm:

- Tôi không có lý do để trông đợi sự giúp đỡ của mọi người. Nhưng dù sao, tôi chỉ thỉnh cầu như vậy.

Leo và Raisa ngồi khom giữa những tù nhân. Cô ôm lấy Leo, che bàn tay dính máu của gã. Cánh cửa mở ra, ánh mặt trời tràn vào toa tàu.

Thấy hai xác chết, bọn lính canh gào lên yêu cầu lời giải thích:

- Ai giết chúng?

Trả lời bọn họ sự im lặng. Leo nhìn qua vai vợ, về phía những tên lính. Bọn chúng còn trẻ, thờ ơ. Bọn chúng tuân thủ mệnh lệnh, nhưng chúng không biết tự suy nghĩ. Việc chúng không tự ra tay giết Leo và Raisa nghĩa là chúng không nhận được chỉ thị làm vậy. Điều đó phải được thực hiện kín đáo, qua một trung gian. Không có chỉ thị rõ ràng, chúng sẽ không hành động. Những tên lính canh này không có sáng kiến. Tuy nhiên, nếu có chút lý lẽ để biện minh, chúng có thể nắm lấy cơ hội. Mọi thứ phụ thuộc vào những người lạ trong toa. Những tay lính canh chửi bới, gí súng vào những khuôn mặt gần nhất. Nhưng những tù nhân không nói gì cả. Bọn chúng chọn hai ông bà già. Họ yếu ớt. Họ sẽ nói.

- Ai giết những người này? Chuyện gì đã xảy ra? Nói!

Một tên lính giơ ủng mũi sắt trên đầu bà cụ. Bà khóc lóc.

Chồng bà van xin. Nhưng cả hai không ai trả lời câu hỏi của chúng. Một tên lính thứ hai bước đến Leo. Nếu hắn bắt gã đứng lên, hắn sẽ thấy áo gã dính máu.

Một tên trong băng nhóm, tên đã nói với Leo rằng giữa họ không còn xích mích gì nữa, nhảy khỏi ghế, tiến đến mấy tay bảo vệ. Chắc chắn hắn sẽ đòi phần thưởng đã được hứa. Tên này nói to:

- Để họ yên đi. Tôi biết chuyện gì xảy ra. Tôi sẽ nói.

Những tay bảo vệ bước khỏi ông bà cụ, bước khỏi Leo.

- Nói đi.

- Bọn họ giết nhau, vì một ván bài.

Leo hiểu rằng có một thứ logic ngang ngược của nhóm băng đảng này, khiến chúng không khai ra họ. Bọn chúng sẵn sàng hiếp dâm và giết người vì một món lợi nhỏ. Nhưng bọn chúng không sẵn sàng chỉ điểm, làm cò mồi cho bọn lính canh. Đấy là vấn đề uy tín. Nếu một urki khác, một kẻ trong giới tội phạm, phát hiện ra chúng bán rẻ bạn tù để lĩnh thưởng, bọn chúng sẽ không bao giờ được tha thứ. Bọn chúng có thể sẽ bị giết.

Mấy tay lính nhìn nhau. Không biết phải làm gì, chúng quyết định không làm gì hết. Chúng không vội. Chuyến đi đến Vtoraya Rechka, trên bờ biển Thái Bình Dương, sẽ mất vài tuần. Sẽ còn nhiều cơ hội. Bọn chúng sẽ đợi mệnh lệnh khác. Bọn chúng sẽ nghĩ ra kế hoạch khác. Một tên lính nói với cả toa:

- Để trừng phạt, chúng tao sẽ không vứt mấy xác này. Rồi chóng thôi, trong cái nóng này, chúng sẽ bắt đầu phân hủy và bốc mùi và tất cả các người sẽ phát ốm. Có lẽ bấy giờ các người sẽ nói.

Tự đắc, tên lính canh nhảy khỏi toa. Những tên khác làm theo. Cửa đóng lại.

Sau một lúc, con tàu lại bắt đầu chạy. Một thanh niên đeo cặp kính vỡ, nhìn Leo qua mắt kính rạn nứt, hỏi nhỏ:

- Anh định thoát bằng cách nào?

Anh ta có quyền biết. Cuộc chạy trốn của họ giờ phụ thuộc vào tất cả mọi người trong toa. Tất cả họ đã tham gia vào. Đáp lại, Leo giơ miếng thép dính máu lên. Những tay lính canh đã quên lấy nó theo.

Chương 38
 
HAI TRĂM HAI MƯƠI KI LÔ MÉT VỀ PHÍA ĐÔNG MÁTXCƠVA 

13 THÁNG BẢY

LEO ĐANG NẰM ẸP TRÊN SÀN, tay gã đút qua cái lỗ nhỏ mà các tù nhân đi vệ sinh. Gã dùng mảnh thép cạo những con ốc thép đóng ván sàn vào đáy toa tàu. Từ trong tàu, không thể với tới những con ốc được: chúng bị đóng chặt vào bên dưới. Điểm tiếp cận duy nhất là cái lỗ nhỏ không rộng quá cổ tay gã. Leo dùng chiếc áo của người bị chết cố lau thật sạch vùng quanh lỗ vệ sinh, chỉ là một nỗ lực hình thức. Để với tới những con ốc, gã buộc phải áp mặt xuống sàn gỗ nhớp nháp cứt đái hôi thối, vừa nôn ọe vừa mò mẫm, chỉ nhờ vào bàn tay lần mò. Dằm đâm vào da gã. Raisa ngỏ ý muốn làm việc này, vì tay và cổ tay cô nhỏ hơn. Mặc dù điều này đúng, nhưng Leo lại có tầm với dài hơn, và phải với hết mức có thể chạm tới từng con ốc một.

Dùng một dải áo quấn quanh miệng và mũi như một biện pháp tránh mùi hôi thối dù chẳng mấy hiệu quả, gã cạy con ốc thứ ba và là cuối cùng, cà cà, xén vào gỗ, moi mảnh gỗ và cho gã đủ khoảng trống để nêm đầu mảnh thép dưới con ốc và cạy nó ra. Phải mất nhiều tiếng mới cạy được hai con ốc, vì công việc này bị gián đoạn bởi nhu cầu đi vệ sinh của bất cứ tù nhân nào.

Con ốc cuối cùng này tỏ ra cứng nhất. Một phần là do mệt mỏi - đã quá muộn, có lẽ một hoặc hai giờ sáng - nhưng còn có gì đó không ổn. Leo có thể để đầu ngón tay vào đầu con ốc, nhưng nó không lỏng ra. Cảm giác như nó bị gập cong, như thể nó bị đóng vào theo góc xiên, đinh ốc cong xuống vì những nhát đóng. Không kéo ra được. Ga phải đào sâu hơn vào trong tấm gỗ, có lẽ phải đào xuyên. Khi nhận ra điều này, là phải mất thêm một tiếng nữa, một cơn mệt mỏi choán lấy gã. Ngón tay gã chảy máu và đau buốt, cánh tay nhức mỏi, gã không thể tống cái mùi phân hôi thối khỏi mũi được. Bỗng nhiên con tàu xóc sang bên, gã mất tập trung, và miếng thép tuột khỏi tay, rơi xoảng xuống đường ray bên dưới.

Leo rút tay ra khỏi lỗ. Raisa ở ngay bên cạnh gã:

- Xong chưa?

- Anh làm rơi rồi.

Bực bội với sự ngu ngốc của mình vì đã vứt đi những con ốc kia, gã không còn dụng cụ gì khác.

Thấy ngón tay chảy máu của chồng, Raisa nắm lấy tấm ván và cố nhấc nó lên. Một bên tấm ván nâng lên, chỉ một phần, nhưng không đủ để nắm vào bên dưới, không đủ để kéo nó ra. Leo lau tay, tìm xung quanh xem có gì dùng được không:

- Anh phải cào xuyên tấm gỗ để tới chân con ốc cuối cùng này.

Raisa đã thấy mọi tù nhân đều đã bị khám xét kỹ trước khi được phép lên tàu. Cô chắc không ai có mảnh kim loại nào cả. Ngẫm nghĩ về vấn đề, mắt cô lướt đến người chết gần nhất. Người này đang nằm ngửa, miệng hắn há to. Cô quay sang chồng:

- Cần phải dài hoặc cứng thế nào?

- Anh làm sắp xong rồi. Anh cần bất cứ cái gì cứng hơn đầu ngón tay anh.

Raisa đứng lên, bước đến xác kẻ đã cố cưỡng hiếp và giết cô. Không chút ý thức về công bằng hay thỏa mãn, chỉ có cảm giác kinh tởm.

Leo bò lại, lần tìm trong miệng người đàn ông và lôi ra một chiếc răng còn đính vào lợi đầy máu, một chiếc răng cửa, không thật lý tưởng nhưng đủ sắc và đủ cứng để tiếp tục công việc cào bới đã làm. Gã quay lại cái lỗ, nằm sấp xuống. Gã cầm chiếc răng, luồn cánh tay qua, tìm con ốc còn lại và tiếp tục cạo vào tấm gỗ, lôi những mảnh vụn khi chúng rã ra.

Con ốc lộ ra hoàn toàn. Gã cầm chiếc răng trong lòng bàn tay, phòng khi cần phải cào thêm, Leo nắm đầu con ốc nhưng ngón tay gã đau buốt, gã không thể nắm chặt được. Gã rút tay ra, lau mồ hôi và máu trên mấy ngón tay, quấn chúng vào dải mỏng của chiếc áo trước khi cố lần nữa. Cố giữ kiên nhẫn, gã giật con ốc, dần dần kéo nó ra khỏi tấm ván. Thế đấy: việc đã xong. Con ốc thứ ba đã bị lấy ra. Gã kiểm tra tấm ván, lần tìm xem còn con ốc khác không, nhưng không còn con nào nữa, ít nhất như gã biết. Gã ngồi dậy, rút tay ra khỏi lỗ.

Raisa nhúng cả hai bàn tay qua lỗ, nắm lấy tấm ván. Leo thêm tay gã vào. Đây chỉ là thử. Cả hai cùng kéo. Mặt trên của tấm ván nâng lên trong khi phần phía dưới vẫn dính chặt. Leo qua bên kia, nắm lấy đầu kia và nâng lên cao nhất có thể. Nhìn xuống dưới, gã có thể thấy đường tàu dưới toa. Kế hoạch đã thành công. Nơi đặt tấm ván giờ là một khoảng trống rộng chừng ba mươi xăng ti mét và dài một mét, chỉ vừa đủ cho một người luồn qua, nhưng dù sao cũng đủ.

Sẽ không thể nếu không có sự giúp đỡ của các tù nhân khác giữ lấy tấm ván. Nhưng, lo ngại rằng tiếng ồn có thể đánh động mấy tay lính, họ quyết định không làm ồn. Leo quay lại mọi người:

- Tôi cần mọi người giữ tấm gỗ này trong khi chúng tôi chui qua khe hở, xuống dưới đường tàu.

Vài người tình nguyện đứng lên ngay, bước đến và giữ lấy tấm gỗ. Leo nhận định khoảng trống. Sau khi họ luồn qua, họ sẽ rơi thẳng xuống, ngay phía dưới con tàu. Khoảng cách từ mặt dưới của toa đến đường tàu có lẽ hơn một mét, có lẽ mét rưỡi. Con tàu chạy chậm nhưng vẫn đủ nhanh để cú rơi trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, họ không thể đợi. Họ phải đi ngay bây giờ, khi tàu vẫn chạy, trong đêm. Khi tàu dừng lại vào giờ nghỉ ban ngày, họ sẽ bị bọn lính nhìn thấy.

Raisa nắm tay Leo:

- Em sẽ xuống trước.

Leo lắc đầu. Gã đã xem bản thiết kế của những phương tiện chở tù nhân thế này. Họ phải đối mặt với một khó khăn nữa: cái bẫy cuối cùng cho các tù nhân định thực hiện đúng kiểu tẩu thoát này.

- Phía dưới con tàu này, ngay ở toa cuối cùng, có một loạt những cái móc thòng xuống. Nếu mình rơi xuống đường tàu ngay bây giờ và đợi, khi toa tàu cuối cùng chạy qua trên đầu, những cái móc treo ở trên sẽ găm vào mình, kéo mình theo con tàu.

- Ta không thể tránh được sao? Lăn người tránh những cái móc đó?

- Có hàng trăm cái móc, tất cả đều treo trên dây thép. Không có cách nào lách qua được. Ta sẽ bị cuốn vào trong đó.

- Vậy ta phải làm gì? Ta không thể đợi cho tới khi tàu dừng được.

Leo nhìn hai xác chết. Raisa đứng sau gã, rõ ràng không rõ ý định của gã. Gã giải thích:

- Khi em rơi xuống đường tàu, anh sẽ ném một cái xác này theo em. Hy vọng nó sẽ nằm đâu đó gần em. Dù nó rơi xuống đâu thì em cũng phải bò tới nó. Rồi, một khi em tìm đến được cái xác, nằm bên dưới nó. Đặt sao cho nó nằm ngay trên người em. Khi toa cuối chạy qua, cái xác sẽ bị móc vào và treo lên. Nhưng em sẽ không việc gì.

Gã kéo hai cái xác gần đến tấm gỗ hở, nói thêm:

- Em có muốn anh xuống trước không? Nếu không được thì em nên ở đây. Kiểu chết nào cũng còn đỡ hơn là bị kéo theo con tàu này.

Raisa lắc đầu:

- Kế hoạch rất tốt. Em làm được. Em sẽ xuống trước.

Khi cô sẵn sàng leo xuống, Leo dặn dò lại:

- Con tàu chạy không nhanh. Cú rơi sẽ đau nhưng không quá nguy hiểm. Hãy chắc rằng em sẽ lăn cùng khi tiếp đất. Anh sẽ ném một cái xác xuống. Em sẽ không có nhiều thời gian đâu...

- Em hiểu mà.

- Em phải lượm cái xác. Khi lấy được rồi, hãy nằm xuống dưới nó. Phải cho chắc là không để hở mình ra chỗ nào cả. Dù chỉ một cái móc mắc vào em thôi em cũng có thể bị kéo đi.

- Leo, em hiểu mà.

Raisa hôn gã. Cô đang run.

Cô chen người qua khe hở giữa các tấm gỗ. Chân cô đang đu đưa trên đường tàu. Cô buông tay khỏi tấm ván và rơi xuống, biến mất khỏi tầm nhìn. Leo lôi cái xác đầu tiên và hạ nó xuống qua khe hở, nhét nó qua. Cái xác rơi xuống đường tàu, biến mất.

* * *

RAISA ĐÃ TIẾP ĐẤT KHÓ KHĂN, làm thâm tím một bên mình và lăn nhào. Cô mất phương hướng, choáng váng, cô vẫn nằm yên một lúc. Quá lâu, cô đang lãng phí thời gian. Toa của Leo đã ở rất xa. Cô có thể thấy cái xác gã ném xuống bèn bò đến nó, bò theo hướng tàu chạy. Cô liếc ra sau. Chỉ còn ba toa nữa là đến cuối con tàu. Nhưng cô không nhìn thấy cái móc nào cả. Có lẽ Leo đã sai. Chỉ còn hai toa nữa. Raisa vẫn chưa tới chỗ cái xác. Cô bị vấp ngã. Giờ chỉ còn một toa nữa ngăn cách cô với đuôi con tàu. Khi còn cách vài mét trước khi toa cuối băng qua cô, cô mới thấy những cái móc - hàng trăm cái, tất cả đều gắn vào dây thép chắc chắn, ở các độ cao khác nhau. Chúng giăng ngang hết chiều rộng toa tàu, không thể tránh kịp.
Cô nhổm dậy, bò tiếp, nhanh hết sức mình, chạm tới cái xác. Nó nằm sấp, đầu gần phía cô. Cô không có thời gian xoay nó lại, nên cô phải tự xoay mình, nâng cái xác lên và bò xuống dưới người này, để đầu cô dưới đầu của hắn. Mặt đối mặt với kẻ đã tấn công mình, nhìn chằm chằm vào cặp mắt chết đờ của hắn, cô thu người lại hết mức.

Bỗng nhiên cái xác bị giật mạnh khỏi người cô. Cô thấy những sợi dây thép khắp quanh mình, như những dây câu, mỗi cái có dính rất nhiều móc lởm chỏm. Cái xác bị nâng lên, như thể còn sống, như một con rối, cuốn lên, thậm chí không chạm xuống đường tàu. Raisa vẫn nằm bẹp trên đường tàu, hoàn toàn bất động. Cô có thể thấy những ngôi sao trên đầu. Từ từ, cô đứng lên. Không cái móc nào dính vào cô cả. Cô nhìn con tàu chạy xa, Cô đã làm được. Nhưng không thấy Leo đâu.

VÌ GÃ LỚN HƠN RAISA, Leo hiểu rằng gã cần một cái xác lớn trong số hai người chết, gã cần cái xác to hơn để che gã khỏi những cái móc. Tuy nhiên, xác chết này quá to, nên hắn không lọt qua khe hở được. Họ đã lột quần áo của xác chết, nhằm giảm bề ngang, nhưng hắn quá to lớn. Không có cách nào để tuồn hắn qua khe hở. Lúc này Raisa đã ở trên đường ray được vài phút.

Vô vọng, Leo chúc đầu xuống qua khe hở. Gã có thể thấy cái xác bị móc vào cuối con tàu. Đó là Raisa hay là xác chết? Thật khó có thể biết được từ khoảng cách này. Gã phải hy vọng đó là xác chết. Thay đổi kế hoạch, gã cho rằng nếu gã chỉnh tư thế đúng cách, gã có thể thoát phía dưới cái xác treo này. Hẳn nó đã bắt hết mọi cái móc ở phần đó. Gã sẽ an toàn chui qua dưới nó. Gã nói lời tạm biệt những tù nhân khác, cảm ơn họ, và thả mình xuống đường ray.

Lăn gần đến những bánh tàu thép to tướng, gã thu người lại, mặt quay về phía cuối con tàu. Cái xác mắc trên dây nhanh chóng tiến lại gần, bị móc nghiêng về phía bên trái. Gã chỉnh tư thế theo. Gã không thể làm gì ngoài chờ đợi, cố thu mình càng nhỏ và càng dẹp xuống càng tốt. Phần cuối con tàu gần đi qua gã. Gã nhấc đầu lên khỏi mặt đất, vừa đủ để thấy rằng đó không phải Raisa. Cô đã thoát. Gã cũng phải làm được như vậy. Gã nằm sát xuống và nhắm mắt.

Xác chết chạy quét qua người gã.

Rồi, một cái đau - một cái móc lạc chỗ đã dính vào cánh tay trái gã. Gã mở mắt ra. Cái móc đã xuyên qua lớp áo, đâm vào thịt. Chỉ trong một tích tắc trước khi dây thép căng lên, kéo gã theo, gã nắm lấy cái móc và giật ra, lấy theo một miếng da thịt.

Gã ôm cánh tay, cảm thấy chóng mặt khi máu từ vết thương trào ra. Lảo đảo đứng lên, gã thấy Raisa đang vội chạy đến phía mình. Lờ đi con đau, gã ôm chầm cô.

Họ đã thoát.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét