Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

TIN KHÓ TIN: CHÚNG TA VỪA KHÔNG BẤT HẠNH, VỪA SẮP GIÀU TO TỚI NƠI RỒI

Hóa ra “Trung Quốc hóa” du lịch ở Nha Trang cũng chẳng hay ho gì vì người Trung Quốc qua Việt Nam toàn đi “du lịch tù” kiểu như ăn “cơm tù” và còn bị lừa mua hàng dỏm. Cảnh đấy còn đáng thương hơn cả các chuyên gia công nghệ vũ trụ cho đi học hết 6 tỷ nhưng về chỉ được trả lương 4 triệu một tháng hay 225.000 cử nhân đang thất nghiệp hay trụ điện làm bằng bê tông trộn đất là lỗi của ai đó chứ không phải nhà đầu tư. Nhưng tin tôi đi, chúng ta không hề bất hạnh, thậm chí còn sắp giàu to với một công việc cực kỳ đơn giản là... làm thơ. 

1. Tập thơ giá nửa tỷ đồng
 
Thú thiệt là tôi có vừa công khai, vừa lén lút làm thơ và cũng đã kiếm được ít tiền từ thơ. Nhưng tôi rất ghét “bọn” làm thơ bởi sự ám ảnh về câu bình của nhà văn Nguyễn Việt Hà trong tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa”, đại ý đất nước mình đi đâu cũng nghe véo von thơ ca nên nghèo thì chưa chắc nhưng bất hạnh thì chắc chắn.
 
Nhưng giờ thì tôi buộc phải nhìn khác đi về cái gọi là nhà thơ rồi. Thay đổi từ khi các báo đồng loạt loan tin cuốn sách thơ “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, gồm 100 bài thơ tương ứng với 100 kỹ năng sống thiết yếu dành cho độc giả lứa tuổi thanh thiếu niên và nhi đồng được một đơn vị xuất bản chi 550 triệu đồng để mua bản quyền.
 
550 triệu đồng vị chi là hơn nửa tỷ đồng, môt con số kỷ lục về tác quyền thơ ở Việt Nam từ trước tới nay. Và hôm qua, không ít bạn tôi là nhà thơ có thẻ hội nhà văn Việt Nam đường hoàng đã ngất khi đọc thông tin này!
 
Tập thơ có giá bản quyền hơn nửa tỷ đồng.



Nhân đây, xin mời quý vị thưởng thức một bài thơ có tên là “Không phân biệt đối xử” trong cuốn thơ hơn nửa tỷ nói trên:
 
“Đôi khi không rõ thiệt hơn/ Có người đang khỏe gặp cơn hiểm nghèo/ Đang vui gặp hạn gieo neo/ Đang giàu phá sản thành nghèo tay không/ Cuộc đời cũng như dòng sông/ Nơi thì thẳng tắp nơi vòng quanh co/ Nơi làm bến đỗ con đò/ Nơi hun hút xoáy, sóng to, nước đầy”.
 
Khi biết tin tác giả cuốn sách thơ là ông Nguyễn Huy Hoàng, đương kim thư ký của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - ông Vương Duy Biên, trên mạng có đứa đá khéo chuyện “kiểng quan thơ sếp”, kể bao nhiêu là ví dụ quan chức trồng cây kiểng xấu như mà hời, nhưng lại được doanh nghiệp tung hô, bỏ tiền tỷ ra mua về rồi… chở đi vứt. Chuyện sếp nhờ ai đó làm bài thơ rồi bắt cấp dưới phổ nhạc hát inh ỏi trong các cuộc nhậu, thậm chí còn bắt cả ca sĩ hát trong các sự kiện có tầm quốc tế.
 
Đúng là thối mồm, xúc phạm thơ, xúc phạm văn hóa và các sếp. Tôi thì tôi nhìn tích cực. Tôi thấy làm thơ kiểu như “Không phân biệt đối xử” như dẫn ở trên thì nước mình ai cũng có thể kiếm ra tiền tỷ vì quá dễ.
Chúng ta vừa không bất hạnh, vừa sắp giàu to tới nơi rồi nhà văn Nguyễn Việt Hà ạ!
 
 
2. Trung Quốc đi “du lịch tù” ở Việt Nam
 
Hình như cái gì liên quan đến hai chữ Trung Quốc cũng có vấn đề quý vị ạ. Mới nhất là nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả gồm 2 tổ máy có vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng (500 triệu USD), kể từ khi nhà thầu Trung Quốc bàn giao luôn xảy ra hỏng hóc. Và gần nửa năm nay, nhà máy này bị “liệt” một nửa do tua-bin của tổ máy số 1 gặp sự cố nghiêm trọng.
 
Và hôm nay, Tin khó tin mời quý vị tiếp tục dõi theo câu chuyện “Trung Quốc hóa” du lịch ở Nha Trang đang rất nóng sốt với những tình tiết mới dở khóc dở cười, liên quan đến hai chữ “biến hóa”.
 
Rằng người Trung Quốc đến Nha Trang có nhiều hoạt động chui nhưng khó quản lý. Chẳng hạn, có nhiều người Trung Quốc làm hướng dẫn viên chui nhưng cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý.
 
“Họ biến hóa lắm, không biết đâu mà kiểm tra, xử phạt! Khi thấy lực lượng chức năng, họ như du khách bình thường. Khi không có cơ quan chức năng, họ làm hướng dẫn viên, không biết đâu mà kiểm tra, xử phạt” – đại tá Trần Nhân Nghĩa, Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa thừa nhận.
 
Du khách mua hàng tại cửa hàng Hải Thiên, nơi bị 
cơ quan chức năng bắt quả tang đang giao dịch trái 
phép bằng nhân dân tệ. Ảnh: TẤN LỘC
 
Nhưng hóa ra, người Trung Quốc qua Việt Nam du lịch cũng chẳng hoành tráng gì mà toàn “du lịch tù”, kiểu như “ăn cơm tù” khi đi xe Bắc – Nam ở xứ mình cách đây chục năm quý vị ạ.
 
Thì đây, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hóa xác nhận có hiện tượng “đầu nậu” bên Trung Quốc gom khách đưa qua cho “đầu nậu” người Trung Quốc tại Việt Nam, sau đó tổ chức kinh doanh bằng các tour khép kín để trục lợi.
 
Chủ nhà tốn nước, rác nhà vì thất thu thuế do không xuất hóa đơn VAT thì đã đành, người Trung Quốc cũng tội nghiệp lắm bởi toàn bị chính người của họ lừa mua toàn đặc sản dỏm của Khánh Hòa dẫn đến tiền mất tật mang!
 
Đúng là biến hóa khó lường, khó vậy mà cũng nghĩ ra và làm được!
 
 
 
3. Trụ móng bằng bê tông trộn… đất là do “người ta” tự thi công!
 
Tin khó tin hôm nay lại phải nhắc đến vụ trụ móng đường dây 220KV làm bằng bê tông trộn... đất bởi hôm qua, Tổng Cty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) phát thông cáo báo chí kiểu “phủi tay” khẳng định việc thi công trụ móng bằng bê tông trộn với đất là do “người ta” tự ý thi công chứ không liên quan gì đến họ! Túm lại là họ chẳng có trách nhiệm gì trong chuyện này cả!
 
“Người ta” ở đây là Công ty cổ phần Sông Đà 11, đơn vị làm thuê cho EVNNPT chịu trách nhiệm thi công các trụ móng nói trên. Thông cáo báo chí của EVNNPT nói đại ý trước đó đã có văn bản yêu cầu Cty Cổ phần Sông Đà 11 dừng thi công đoạn tuyến nói trên để điều chỉnh vị trí và cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào cho phép thi công tiếp tục.
 
 Phần móng đổ bê tông chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn 
cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho xuống phần đế móng. 
Ảnh: Lao Động 

Ôi trời, hóa ra thích thì làm à? Ông “người ta” tuổi gì? Thi công trụ móng cột điện cao thế lưới điện quốc gia chứ có phải trụ bờ rào nhà ai đó đâu mà vô pháp vô thiên như vậy?

Và nữa, nếu chẳng may mọi chuyện suôn sẻ, ý tôi là không có cái vụ anh Vũ Ngọc Hồi ở thôn An Hưng, xã Đại An, huyện Vụ Bản mang bằng chứng đến báo Lao Động để tố cáo vụ bê tông trộn đất thì EVNNPT có bắt “người ta” đập trụ ra để xây lại vì chưa được phép không nhỉ?

Rất khó trả lời. Nhưng gợi ý là hãy nhìn vào những khoảng không giữa hai dòng chữ…
 
 
4. Con số trong ngày: 225.000 cử nhân thất nghiệp; 6 tỷ phí đào tạo và 4 triệu đồng tiền lương
 
Cũng như số doanh nghiệp chết lâm sàng và chết hẳn, con số cử nhân thất nghiệp do cung vượt cầu, chất lượng thấp, học cái xã hội không cần… cũng tăng lên từng ngày. Và con số “chốt hạ” của quý 1.2016 là 225.000 người!
 
Một con số khủng khiếp. Nhưng những cử nhân thất nghiệp cũng đừng lấy đó làm buồn bởi đất nước mình, trước khi nghĩ đến chuyện tìm một công việc ổn định thì hãy nhớ đến câu chuyện “Con cá trong lờ đỏ lơ con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô” mà cha ông mình đã đúc kết và dưới đây là ví dụ.
 
Học viên Trung tâm Vệ tinh Quốc gia thử nghiệm vệ tinh 
MicroDragon tại Học viện kỹ thuật Kyushu (Nguồn VNSC)  
 
Để đào tạo một kỹ sư, thạc sỹ công nghệ vũ trụ phải đầu tư hơn 250 nghìn USD (gần 6 tỷ đồng) với một quá trình xét tuyển ngặt nghèo từ các chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam.
 
Thế nhưng khi về Việt Nam công tác thì chỉ được trả lương khoảng 4 triệu đồng một tháng nếu là biên chế, còn không chỉ nhận lương từ các nguồn hỗ trợ khác rất phập phù để giữ người!
 
Vậy đấy, chúng ta luôn hô hào dân giàu nước mạnh. Nhưng chúng ta đang không chỉ phung phí và chảy máu chất xám đối với những lao động trình độ cử nhân mà còn với cả những nguồn lực có chất lượng được đầu tư tiền tỷ có chủ đích bằng những con số gợi sự tội nghiệp, nếu không muốn nói là thê thảm!
 
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chi-6-ty-dao-tao-ve-tra-luong-4-trieu-1009577.tpo  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét