Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

TIN KHÓ TIN: PHÓ GIÁO SƯ GỌI CÁI BÀN LÀ " TA BỜ LE", BÍ THƯ HUYỆN ĐÂM TRÂU KHÔNG MAN RỢ

Tin khó tin hôm nay là tập thứ “en nờ” của trường thiên tiểu thuyết về trình độ tiếng Anh của các Tiến sĩ, Phó giáo sư xứ mình. Là sự ngỡ ngàng về phát biểu của ông quan đầu huyện về “đâm trâu không có gì man rợ” khi dân ông đã và đang lâm vào cảnh đói nghèo, vỡ nợ khi phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để thực hiện lời hứa với trời. Là sự cười ra nước mắt với câu hỏi “nhà anh thích uống bia gì để nhà em dán nhãn” và ngay chính cả người sản xuất hàng giả cũng bị mua nhầm hàng của chính mình trong siêu thị… 

1. Ta bờ le, phi le, và…




Thật ra vụ Tiến sĩ với bản tóm tắt luận án bằng tiếng Anh chi chít lỗi là chuyện khó tin với nhiều người, nhưng với tôi thì không. Bởi tôi từng không ít lần được nghe một phó giáo sư hẳn hoi, cũng là bạn tôi gọi table (cái bàn) trong tiếng Anh là “ta bờ le”!   

Những tưởng chuyện “ta bờ le” là sự đột biến về tri thức ngàn năm có một nhưng không phải. Hãy nghe GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kể:  

Ở trường tôi, 1 Phó giáo sư có bằng C tiếng Anh nhưng không đọc được tên các phần mềm cài đặt trực tiếp trên màn hình máy tính. và 1 Tiến sĩ Văn học Trung đại nhưng tiếng Trung và Hán Nôm không biết và tiếng Anh cũng không biết (đọc File là Phi le) đấy có ai tin không?

Khó tin nhưng có thật đấy!


Theo một số nghiên cứu sinh, chi phí để có một tấm bằng tiến sĩ ở Việt Nam tùy theo ngành, ngành hot như kinh tế có khi hơn 1 tỷ đồng, ngành kém hot hơn cũng vài trăm triệu đồng.

Học vị phải tốn chi phí thì đã đành, nhưng học hàm thì tốn không? Tốn báo nhiêu?

Có cả đấy và không ít! Ai không tin cứ thử đi làm Phó giáo sư hoặc đi hỏi những ai đang là Phó giáo sư thì biết!


2. Nhiều học sinh không còn ôm “giấc mơ” Đại học

Khó tin là một vùng đất nổi tiếng với quan niệm “phi đại học bất thành nhân” như Nghệ An, năm nay lại có đến 40% với hơn 12 ngàn học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn không xét tuyển vào đại học mà chọn đường học nghề!

Hơn 12 ngàn người và 40% là con số và tỷ lệ cao nhất nước. Nghĩa là, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang có xu hướng này.

Quan niệm "phi đại học bất thành nhân" sắp không còn đất sống
 
Khó tin thật, nhưng đó là một tín hiệu vui bởi lịch sử và thực tế đã chứng minh rằng đại học là giấc mớ chính đáng nhưng đó không phải là con đường duy nhất để thành đạt, thành công, thành tài và thực hiện ước mơ, hoài bão của cuộc đời và phi đại học vẫn ối người thành nhân!

Lịch sử và thực tế cũng đã chứng minh, giấc mơ đại học đôi khi chỉ là bắt con cái thực hiện ước mơ của bố mẹ và là một thói quen giáo dục đã ngấm sâu vào máu của nhiều đời.

Đại học, đại học, đại học để rồi sau đó học đại cái gì cũng được để có tấm bằng, sau đó bỏ ra cá bao tiền đề chạy cho con cái mình vào một nơi nào đó trong hệ thống công quyền hoặc cơ quan nhà nước để tìm hai chữ “ổn định” trong đói nghèo vĩnh viễn!

Chúng ta đã có ai từng một lần hỏi: Hai chữ “ổn định” đã và đang “giết chết” bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người?

http://petrotimes.vn/nhieu-hoc-sinh-khong-con-om-giac-mo-dai-hoc-414181.html

3. Bí thư huyện: “Đâm trâu không có gì là man rợ!”

Trong lúc chúng ta đang vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, man rợ trong đời sống người dân để hội nhập gần hơn với thế giới văn minh thì ông Đinh Kà Để, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây (Quảng Ngãi) bơi ngược dòng với những hành động cổ súy và phát ngôn khá lạ tai.

Quan chức đứng đầu huyện Sơn Tây khẳng định trên Zing rằng lễ đâm trâu là "cúng trâu" cầu mong sức khỏe không có gì là man rợ. Quan niệm của người dân là đâm trâu nhiều nhát mà con trâu vẫn sống thì chứng tỏ nó khỏe. Trâu càng khỏe thì các thành viên trong gia đình chủ lễ càng mạnh khỏe.

Một người dân vỡ nợ sau khi bỏ ra 100 triệu đồng làm lễ đâm trâu
 
Ông  còn dẫn chứng: "Tháng 10.2014, gia đình tôi cũng từng làm lễ đâm trâu, đãi khách 60 mâm. Sau lễ, con gái tôi lấy chồng ở Hà Nội ba năm khó đường con cái liền mang thai. Con trai lấy vợ cũng có cháu trai đầu lòng. Dân làng bảo, có làm lễ đâm trâu nhận sự phù hộ của thần linh nên cuộc sống gia đình ngon lành, sáng sủa nên ai chẳng tin". 

Khó tin hơn, cứ mỗi lần đâm trâu như vậy, học sinh trên địa bàn lại tự ý nghỉ học cả tuần để… “ăn trâu” và ngành giáo dục tổ chức… dạy bù để bổ sung kiến thức!

Thôi không cãi với quan chuyện đâm trâu có man rợ hay không. Nhưng trên địa bàn quan đang cai quản, có rất nhiều gia đình đã và đang rơi vào cảnh đói nghèo, kiệt quệ vì chi đến hơn… 100 triệu đồng cho một lễ đâm trâu để… chữa bệnh cho vợ con, vì lỡ hứa vơi ông trời…, quan đừng nói là “tôi chưa nghe cấp dưới báo cáo” đấy nhé! 

http://news.zing.vn/chi-hon-100-trieu-lam-le-dam-trau-dan-lang-kiet-que-post645239.html

4. Nhà anh thích uống bia gì để nhà em dán nhãn?

Bây giờ muốn lừa dân không dễ đâu quý vị ạ. Bằng chứng là Công ty CP phát triển công nghệ Hồng Hà kết hợp với chính quyền xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) tổ chức một hội nghị về giải pháp nước sạch, sau đó dụ dân mua một máy lọc RO hiệu Maxken là hàng nhập khẩu Mỹ có giá 5 triệu đồng, tốt nhất trên thị trường.

Tuy nhiên trong quá trình người của công ty lắp đặt máy, người dân phát hiện một số chi tiết quan trọng như lõi lọc không rõ xuất xứ nguồn gốc. Họ dùng thiết bị kiểm tra mã vạch trên lõi lọc thì thấy trên thiết bị xuất hiện dòng cảnh báo: “Sản phẩm chưa rõ nguồn gốc. Đề nghị thông báo cho Hiệp hội chống hàng giả”.

Dân gọi người của công ty đến trả hàng thì bị dọa “đã ký hợp đồng, đã lắp đặt máy thì phải lấy. Nếu gia đình nào đã lắp đặt mà không trả tiền tức là chiếm đoạt tài sản; sẽ phải ra tòa án kinh tế để giải quyết”.
Nghe thất kinh!

Nhưng vẫn chưa bằng những chứng cứ và hình ảnh mà phóng viên báo Nghệ An có được sau khi đột nhập vào lò sản xuất  của công ty này tại xóm 6, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An chứng minh máy lọc nước Maxken nhập khẩu Mỹ thực chất chỉ là “Made in Diễn Châu!”.

Một loạt linh kiện máy lọc nước không rõ xuất xứ nguồn gốc ở nơi 
sản xuất may lọc nước của Cty Hồng Hà ở Diễn Châu, Nghệ An.
 
Đó là một loạt  linh kiện máy lọc nước trên đó không thể xuất xứ nguồn gốc. Và ở đây, người ta lưu trữ nhiều tem, nhãn hàng hóa có nội dung của nước ngoài. Nhiều nhất là tem hiệu USA (Mỹ). Và có cả những tem bộ, trên đó vừa có tên nhãn hàng hóa Maxken, vừa có nước sản xuất (Made in USA), và có cả tem"hàng nhập khẩu".Và trên tem bộ này, thể hiện được in tại cơ sở in Trường Phát.

Nhiều người nói với tôi Diễn Châu là trung tâm sản xuất hàng giả lớn nhất nước nhưng tôi không tin vì chưa có chứng cứ.

Nhưng chuyện người Diễn Châu hỏi khách phương xa “nhà anh thích uống bia gì để nhà em dãn nhãn” và ngày cả người Diễn Châu cũng mua nhầm hàng nhái do… chính mình sản xuất sau đó bày bán trong siêu thị là chuyện có thật, tôi thề!

http://www.baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201604/nghe-an-dan-to-cong-ty-ban-may-loc-nuoc-khong-ro-nguon-goc-2689222/

http://www.baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201605/dot-nhap-lo-san-xuat-may-loc-nuoc-made-in-usa-tai-nghe-an-2689758/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét