Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

TIN KHÓ TIN: UNG THỦ VỚI "QUẢN THỦ"

Các pháp quan thì “sáng tác” từ mới đọc rất... ung thủ. Xe công, nhà công thì “ông ngâu bà ngâu” với hiệu quả, “đồng bọn” với lãng phí. Còn xi măng kẹo lạcv- đúng như những hậu duệ Trạng Trình đã dự đoán: Không đáng quan ngại. Hãy cùng tin khó tin nhìn một cách lạc quan đằng sau những chữ “thì”, thưa các bạn! 

1. Khi các pháp quan trổ tài văn chương

“Quản thủ” giấy đỏ. Đây là từ ngữ trong một bản án ở Dĩ An, Bình Dương.


Trên báo Pháp luật TP, một lãnh đạo Chi cục THA Dĩ An cho rằng: Theo cách hiểu thông thường, từ “quản thủ” có thể được hiểu là tạm giữ giấy tờ đất để người phải THA thực hiện một nghĩa vụ nào đó.

Một vị lãnh đạo khác giải thích: “Quản thủ” là từ Hán-Việt mà trước đây khá lâu có thấy trong một số bản án. Điều đáng nói là trong Pháp lệnh cũ và Luật hiện hành đều không quy định cũng như không đề cập đến thuật ngữ này. 
 
Bà Hồ Thị Đức, nạn nhân của hai chữ “quản thủ” (PLO) 

 
Ra đây là sự sáng tạo, là tài sáng tác của các vị pháp quan.

Tôi còn nhớ là QH từng tranh cãi quyết liệt quanh cụm từ “thừa phát lại” để cuối cùng vẫn dùng danh xưng nửa ta, nửa tàu, nửa cổ, nửa kim đó nữa cơ.

Lời khuyên cho bạn: Luôn có bên mình một cuốn từ điển. Các vị pháp quan có quyền “tưởng” chứ chúng ta thì không thể giải thích với họ là “tưởng thế này, tưởng thế nọ” được đâu.
 
 
2. Đồ “công”- “của chùa”

Tôi nhớ hồi tháng 4, Bộ Tài chính chua chát thừa nhận con số 7.000 chiếc ôtô “thừa” suốt từ mấy năm nay chưa xử lý được. Chưa xử lý được vì “vẫn chưa nhận được bất kỳ báo cáo rà soát, đăng ký”. Và cần nói thêm: Chưa nhận được nên vẫn ngồi chờ.

Nhưng 7.000 chiếc ôtô thừa chỉ là một phần rất nhỏ trong khối tài sản công khổng lồ.
 
200.000 tỉ đã được dùng để mua sắm xe công 
và có 7.000 chiếc đang... dư thừa (CAND)
 
Hãy nhìn lại các con số: 4 loại tài sản Nhà nước có giá trị lớn gồm: đất, nhà, ôtô, tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên có tổng nguyên giá là 1.031.313,82 tỷ đồng (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân).

Gắn với con số khủng đó là thực trạng mà TS. Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhìn nhận: dù vị trí có giá trị thương mại cao nhưng việc sử dụng còn phân tán, lãng phí, hiệu suất thấp và chưa được khai thác hiệu quả.

Cũng kỳ lạ: Đồ “công”- luôn được xem là “của chùa”- với chuyện “hiệu quả” lúc nào cũng như ông Ngâu bà Ngâu chẳng bao giờ có thể gặp nhau.

Nhưng còn lạ hơn là chuyện cơ quan quản lý, kiên nhẫn vô bờ bến, ngồi thống kê sự lãng phí từ năm này qua năm khác, từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. Trong khi chuyện “khoán công” mang đầy tính phong trào, hô rất to, nói rất lớn, xong đâu lại vào đó.
 
 
3. Nuốt xi măng không qua đường... miệng

Chúng ta đúng là con cháu của Trạng Trình, những thần toán tử đoán cấm có sai bao giờ.

Ba hôm trước, khi chuyện bêtông như “kẹo lạc không đường” được phát hiện ở hầm cầu chui Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, những “gia cát dự” thảo dân đã “dự” trước là: Do lỗi khách quan. Là không ảnh hưởng...

“Nhân bảo như thần bảo”, hôm qua, Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có báo cáo kết quả kiểm định: Bê tông bong vỡ do “ván khuôn ghép không kín khít” nên làm... chảy nước xi măng. Hai, hiện tượng này là “không đáng quan ngại”.
 
Hai điểm này ẩn chứa điểm thứ 3: Chỉ là hồn nhiên chứ không có tiêu cực gì ở đây cả - chắc thế.
 
Chúng ta đã có tiền lệ “đường hỏng do trời mưa”, có tiền lệ “mặt lún cho nắng nóng” thì chuyện xi măng chảy nước có gì là không đáng tin?

Huống chi câu chuyện này còn hàm chứa rất nhiều điểm tích cực. Chẳng hạn, dù đã lên lão, 61 tuổi - nhưng những cụ ông Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia cuộc thi “Người đàn ông khỏe nhất hành tinh” ở hạng mục: Dùng móng tay cậy xi măng... cả tảng. Hay mạo hiểm hơn: Thi nuốt xi măng không qua đường... miệng!
 
Cụ ông 61 tuổi có thể dùng tay cậy bê tông hầm chui (TTO) 

http://anninhthudo.vn/an-toan-giao-thong/vu-be-tong-cay-duoc-bang-tay-tai-ham-chui-cao-toc-ha-noihai-phong-khong-dang-lo-ngai/680421.antd

4. Trạm thu phí “bủa vây khắp nơi”

“Một xe giường nằm 42 chỗ xuất phát từ Hà Nội đi Nghệ An 1 tháng mất 24,5 triệu tiền phí, 21 triệu đồng chi phí xuất bến, trong khi chỉ có 5 – 7 khách... Tôi muốn hỏi hai bộ GTVT và Tài chính xem có cách nào cứu được doanh nghiệp vận tải không?”- Đây là câu hỏi của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Khuyến mại thêm là những từ ngữ, đại loại: tình trạng “phí chồng thêm phí”, là thực tế trạm thu phí “bủa vây khắp nơi”.

Và đây là một câu trả lời của một “vị sếp”: “Từ trước đến nay, dân ta được bao cấp 100% hạ tầng, nên khi phải đóng tiền mới có phản ứng như vậy. Mức đóng phí BOT của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng không cao”.

Liệu có khi nào sếp không phải là dân nên cứ ngộ nhận về mức thu nhập và đời sống của dân không nhỉ?

http://cafebiz.vn/aaaxe-khach-ha-noi-nghe-an-mat-gan-50-trieu-dong-tien-phi-thang-cac-bo-xem-co-cach-nao-cuu-dn-duoc-khong-20160523152320412.chn 

5. Con số hôm nay: 6km - 25 người chết trong đau đớn
 
Sau vụ TNGT khủng khiếp khiến 12 người chết cháy, báo chí phát hiện ra rằng 6km trên tuyến QL1 đi qua Hàm Thuận Nam từ lâu đã được coi là cung đường tử thần.

25 người đã chết rất thê thảm, rất đau đớn, rất oan ức. 

Cảnh xe khách lấn toàn bộ đường ở Hàm Thuận Nam (Zing)
 
Nguyên do duy nhất: Đây là đoạn đường không có giải phân cách khiến các vụ tai nạn luôn ở thế đối đầu.

Sau tai nạn, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ nhanh chóng rà soát, tiến hành lắp dải phân cách cứng, hạn chế tai nạn qua đoạn đường này.

Còn tôi, nhớ đến một lời cay đắng trên Tuổi trẻ: “Đừng để tai nạn thương tâm xảy ra rồi người có chức trách mới nhắc đến dải phân cách như một phần nguyên nhân, còn người bị nạn nhắc đến chiếc búa để đập kính xe nhằm thoát ra ngoài như một điều ước”.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét